Thiền Sư Linh Hựu, núi Qui Sơn (771-853)
Việt dịch: Thích Hằng Ðạt


Thiền Sư họ Triệu, quê ở Trường Khê, Phước Châu. Năm mười lăm tuổi, Ngài từ thân xuất gia theo Luật sư Pháp Thường ở chùa Kiến Thiện tại bổn quận thế phát. Sau, Ngài dến chùa Long Hưng ª Hàng Châu thọ giới. Sư học Kinh, Luật ñại Thừa, Tiểu Thừa rất uyên thâm.

Năm hai mươi ba tuổi, Ngài dến Giang Tây tham học với Tổ Bá Trượng Hoài Hải. Tổ Bá Trượng vừa thấy Ngài liền nhận làm đệ tử nhập thất. Trong số thiền sinh học đạo tham thiền, Ngài là vị đứng đầu.

Một hôm, Ngài đứng hầu, Tổ Bá Trượng hỏi:

-Ai vậy?

Ngài thưa:

-Con, Linh Hựu !

-Ngươi vạch trong lò xem có lửa than chăng ?

Ngài vạch một hồi rồi thưa:

-Không còn lửa than.

Tổ Bá Trượng đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được chút lửa than, đưa lên chỉ Ngài, bảo:

-Ngươi bảo không, cái này là cái gì ?

Ngài do đây phát ngộ, lễ tạ trình bày chỗ giải ngộ của mình.

Tổ Bá Trượng bảo:

-Ðây là con đường rẽ tạm thời. Kinh nói: “Muốn biết nghĩa Phật tánh phải quán thời tiết nhân duyên, thời tiết nếu đến thì như mê chợt ngộ, như quên được nhớ, mới tỉnh biết vật của mình không từ bên ngoài được”. Cho nên chư Tổ Sư bảo: “Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cùng không pháp”.

Vô tâm tức là tâm không hư vọng, tâm không phân biệt phàm thánh, bình đẳng không hai đối đãi. Xưa nay tâm và pháp vốn tự đầy đủ, viên dung vô ngại. Nay ngươi đã vậy, hãy tự khéo gìn giữ hộ trì.

Ngày nọ, Ngài theo Tổ Bá Trượng làm việc trong núi. Tổ Bá Trượng hỏi:

-Ðem được lửa đến chăng ?

Ngài thưa:

-Ðem được.

-Ở chỗ nào ?

Ngài cầm một cành cây thổi hai hơi rồi đưa cho Tổ Bá Trượng. Tổ hỏi:

-Như mọt đục cây.

Lần nọ, lúc Ngài đang làm Ðiển Tọa, Tư Mã Ðầu Ðà đến, hỏi lời thô tháo:

-Ðang làm gì vậy?

Ngài liền dùng tay luồn qua cánh cửa ba lần. Tư Mã Ðầu Ðà nói:

-Sao thô quá vậy!

Ngài nói:

-Phật pháp nói gì là thô hay vi tế.

Ngày nọ, Tư Mã Ðầu Ðà từ Hồ Nam đến yết kiến Tổ Bá Trượng, thưa:

-Ở Hồ Nam có một ngọn núi được gọi là Ðại Sơn. Ðây là trú xứ của một ngàn năm trăm vị thiện tri thức.

Tổ Bá Trượng hỏi:

-Lão Tăng đến ở được chăng ?

-Chẳng phải là chỗ của Hòa Thượng.

-Sao vậy ?

-Hòa Thượng là người xương, núi kia là núi thịt. Dù Ngài có ở, đồ đệ chẳng đầy một ngàn.

-Trong đại chúng ở đây, chẳng lẽ không có người nào sao?

-Ðợi xem qua mới biết.

Tổ Bá Trượng sai thị giả gọi đệ nhất tọa đến, tức Thiền sư Hoa Lâm, hỏi:

-Người này thế nào ?

Tư Mã Ðầu Ðà bảo Hoa Lâm tằng hắng một tiếng, đi vài bước, rồi thưa:

-Người này không được.

Tổ Bá Trượng sai thị giả gọi Ðiển Tọa đến, tức ngài Linh Hựu.

Ðầu Ðà thưa:

-Ðây chính là chủ Qui Sơn.

Tối hôm đó, Tổ Bá Trượng gọi Ngài vào thất dặn dò:

-Ta hóa duyên tại đây, còn ngươi sẽ ở thắng cảnh Qui Sơn để nối tiếp tông môn của ta và rộng độ kẻ hậu học.

Hôm sau, Hoa Lâm nghe tin này đến thưa:

-Con là thượng thủ, tại sao Linh Hựu được trụ trì ?

Tổ Bá Trượng bảo:

-Nếu ai ngay trong chúng hội này nói được một câu xuất chúng, thì Ta sẽ cho trụ trì.

Nói xong, Tổ Bá Trượng liền chỉ tịnh bình hỏi:

-Không được kêu là tịnh bình, ngươi kêu là gì?

Hoa Lâm thưa:

-Không thể kêu là cây lủng vậy.

Lúc Tổ Bá Trượng xoay lại hỏi, Ngài đạp đổ tịnh bình rồi đi ra. Tổ Bá Trượng cười bảo:

-Ðệ nhất tọa nộp cho núi này rồi.

Tổ Bá Trượng bèn sai Ngài đến Qui Sơn.

Non Qui Sơn cao vót không có bóng người lai vãng, là hang ổ của cọp sói. Ngài đến đây cất một am tranh, hằng ngày luợm trái lật, trái dẻ làm thức ăn sinh sống.

Năm bảy năm trôi qua, chẳng có ai lui tới. Một hôm Ngài tự nghĩ: “Ta trụ trì núi này cốt làm lợi ích cho người, nhưng chẳng ai tới lui. Chỉ được riêng cho mình thì làm sao cứu giúp người được!”

Ngài bèn rời am tranh, đi lần đến cửa núi, thấy cọp sói, rắn rít thú hoang nằm ngay giữa đường, Ngài bảo chúng:

-Loài cầm thú các ngươi, chớ nên cản đường Ta đi. Nếu Ta có duyên với ngọn núi này, thì các ngươi nên đi chỗ khác. Nếu Ta chẳng có duyên với ngọn núi này, các ngươi chẳng cần động đậy, Ta sẽ tiến bước để cho các ngươi ăn thịt.

Ngài vừa nói xong thì loài cọp sói rắn rít đều bỏ đi tứ tán. Ngài trở về am yên ở như trước. Chẳng bao lâu, thượng tọa Lại An cùng một số chư tăng từ chỗ Tổ Bá Trượng đến phụ tá Ngài. Thượng tọa Lại An thưa:

-Con sẽ làm Ðiển Tọa cho Hòa Thượng.

Thời gian sau, đợi số chư tăng lên đến năm trăm vị, Ngài mới bắt đầu dạy dỗ, phân chia trách nhiệm. Từ đó, dân chúng dưới chân núi dần dần hay biết. Họ rủ nhau lên núi cùng xây cất chùa chiền. Về sau, Liên Soái Lý Cảnh Nhượng dâng sớ tâu vua, xin ban hiệu. Vua ban hiệu là chùa Ðồng Khánh. Tướng quốc Bùi Hưu cũng thường tới lui thưa hỏi chỗ huyền ảo. Các thiền sinh ở khắp nơi từ từ kéo đến. Ðệ tử đắc pháp của Ngài là thiền sư Huệ Tịch ở Ngưỡng Sơn. Vì vậy, người vào thời đó gọi tông môn của Ngài là Quy Ngưỡng.

Ngài thượng đường dạy đại chúng:

-Phàm tâm của người học đạo phải ngay thẳng chơn thật không giả dối, không tâm hạnh sau lưng trước mặt, lừa phỉnh; trong tất cả giờ thấy nghe bình thường; không có chiều uốn, siểm khúc, cũng chẳng phải nhắm mắt bịt tai, chỉ lòng chẳng chạy theo vật là được. Từ trước chư Thánh chỉ nói, bên nhơ bợn là lỗi lầm họa hoạn. Nếu không như thế, huân tập tâm tình kiến chấp vọng tưởng nhiều sự xấu ác. Ví như nước mùa thu, tâm tư lóng đọng, trong trẻo lặng lẽ không động không ngại; ta gọi người này là đạo nhơn, cũng gọi là người vô sự.

Khi ấy, có vị Tăng hỏi:

-Người được đốn ngộ có tu chăng ?

Ngài bảo:

-Nếu người khi thật ngộ được gốc thì họ tự biết; tu cùng không tu là lời nói hai đầu. Như nay có người sơ tâm tuy từ duyên được một niệm đốn ngộ chơn lý nơi mình, nhưng vẫn còn tập khí (thói quen) nhiều kiếp từ vô thủy chưa có thể chóng sạch, nên dạy hắn trừ sạch dòng thức tạo nghiệp hiện tại, tức là tu vậy. Không nói có một pháp riêng dạy hắn tu hành thú hướng. Nhờ nghe mà thể nhập được lý; nghe lý sâu mầu, tâm tự tròn sáng không ở chỗ mê lầm; hiện thời dù có trăm ngàn diệu nghĩa thăng trầm, hắn vẫn ngồi yên măc áo, tự biết tạo sinh kế. Nói tóm lại: “Nơi lý chơn thật không nhận một mảy bụi, trong cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp” (Thật tế lý địa bất thọ nhứt trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhứt pháp). Nếu được như vậy, một mình mang đao đi thẳng vào, tâm phàm hay thánh đều dứt, hiện bày lẽ chân thường, lý sự không hai, tức là giống như chư Phật.

Thiền sư Ðặng Ẩn Phong lên núi Quy Sơn, vào chánh điện, đánh bản, rồi mở y bát. Ngài nghe tin sư thúc (thiền sư Ðặng Ẩn Phong là huynh đệ của tổ Bá Trượng) đến, bèn giữ đầy đủ oai nghi, đi vào chánh điện để gặp. Thiền sư Ðặng Ẩn Phong vừa thấy Ngài đến, bèn ra dáng nằm ngủ. Ngài liền trở vào phòng phương trượng. Thiền sư Ðặng Ẩn Phong liền ra về. Chốc lát sau, Ngài hỏi thị giả:

-Sư Thúc đang ở đâu?

Thị giả thưa:

-Ðã ra về rồi.

-Lúc ra về, vị này có nói điều gì chăng?

-Chẳng nói gì cả.

-Chớ cho rằng vị này chẳng nói điều gì! Âm thanh của vị này như tiếng sấm sét.

Thấy thiền sư Vân Nham đến Quy Sơn, Ngài hỏi:

-Nghe rằng Trưởng Lão ở Dược Sơn đùa bỡn với sư tử có phải chăng?

Thiền sư Vân Nham đáp:

-Phải!

-Múa nhiều có sắp đặt thời gian không?

-Muốn múa thì múa, còn muốn sắp đặt thì sắp đặt.

-Lúc sắp đặt, sư tử ở chỗ nào?

-Sắp đặt là sắp đặt!

(Pháp Xướng bàn: “Một bầy sư tử tốt, nhưng chỉ có đầu mà không đuôi. Nếu lúc đó gặp Quy Sơn hỏi rằng lúc an bài đó, sư tử ở chỗ nào, thì tôi sẽ cùng Quy Sơn ra đường lộ tim lông vàng ròng, để dạy Quy Sơn rằng tạng thân không có lối đi”).

-Bồ Ðề lấy gì làm tòa ngồi?

-Lấy vô vi làm tòa ngồi.

Thiền sư Vân Nham liền hỏi lại Ngài:

-Bồ Ðề lấy gì làm tòa ngồi?

Ngài đáp:

-Lấy các pháp không, làm tòa ngồi.

Ngài lại hỏi Ðạo Ngô câu này. Ðạo Ngô đáp:

-Ngồi tức là nghe y ngồi. Nằm cũng nghe y nằm. Có một người chẳng ngồi chẳng nằm. Nói mau, nói mau.

Ngài nghe lời này bèn trở vào trong nghỉ ngơi.

Ngài hỏi Vân Nham:

-Nghe ông ở Dược Sơn rất lâu, phải không?

Vân Nham thưa:

-Vâng.

-Tướng người lớn của Dược Sơn ra sao?

-Sau Niết Bàn rồi mới có.

-Nghĩa đó thế nào?

-Rải nước chẳng chấp.

Thiền sư Vân Nham hỏi lại:

-Tướng người lớn của Bá Trượng ra sao?

Ngài đáp:

-Ðường đường uy nghi. Hồng hồng sáng sủa. Âm thanh trước chẳng phải âm thanh. Hình sắc sau, chẳng phải hình sắc. Con muỗi đậu trên trâu sắt. Chẳng phải là nơi ông chỏm mồm xuống.

Ngài hỏi Ðạo Ngô:

-Ðến đây làm gì?

Ðạo Ngô thưa:

-Ðến để khám bịnh.

-Có bao nhiêu người bịnh.

-Có vài người bịnh, và có vài người chẳng bị bịnh.

-Những ai không bị bịnh, chẳng phải là Trí Ðầu Ðà sao?

-Có bịnh hay không, nói chung chẳng liên quan gì đến việc của hắn cả. Nói mau, nói mau.

-Ðắc được đạo cũng chẳng liên hệ gì đến hắn.

Thiền sư Ðức Sơn đến tham vấn, nách kẹp áo đi vào pháp đường, bước từ tây sang đông, và từ đông sang tây, rồi ngoái lại nhìn Phương Trượng (Linh Hựu), nói:

-Có gì không, có gì không?

Ngài lại ngồi xuống, chẳng thèm xoay đầu nhìn.

Thiền sư Ðức Sơn nói:

-Không! Không!

(Tuyết Ðậu bàn: “Khám phá ra rồi!”)

Nói xong Ðức Sơn liền bỏ ra ngoài, đến đầu cửa, tự nói:

-Tuy nhiên như thế, không thể ngông cuồng.

Nói xong, thiền sư Ðức Sơn bèn đủ oai nghi, đi vào gặp Ngài. Vừa bước chân vào cửa, bèn trải tọa cụ, thưa:

-Bạch Hòa Thượng!

Ngài vừa định cầm cây chổi, Ðức Sơn liền la lên, rồi phủi áo đi ra.

(Tuyết Ðậu bàn: “Khám phá ra rồi!”)

Ðến chiều Ngài hỏi Thủ Tọa:
-Ông tăng vừa đến chùa hôm nay, có ở lại không?

Thủ Tọa thưa:

-Lúc ấy, vị này vừa ra khỏi pháp đường liền mang giày cỏ mà đi.

-Kẻ này về sau sẽ đơn độc lên trên đỉnh núi, kết am tranh, chửi mắng Phật và Tổ.

(Tuyết Ðậu bàn: “Trên tuyết lại thêm sương”)

(Ngũ Tổ Giới bàn: “Ông Ðức Sơn làm ra vẻ như kẻ tặc để tâm hư vô. Quy Sơn cũng là kẻ giặc đứng giương cung đằng sau”)

Thạch Sương đến Quy Sơn làm Mễ Ðầu (lo gạo thóc). Ngày nọ, vào dịp sàng gạo, Ngài bảo:

-Vật của thí chủ, chớ vứt bỏ, làm tiêu tán.

Thạch Sương thưa:
-Chẳng vứt bỏ, làm tiêu tán.

Ngài cúi xuống đất nhặt một hạt thóc, nói:

-Ông nói rằng chẳng vứt bỏ, làm tiêu tán. Vậy thì đây là cái gì?

Thạch Sương chẳng có lời đối đáp. Ngài nói thêm:

-Chớ khinh một hạt thóc. Trăm ngàn hạt thóc cũng từ một hạt mà phát sanh ra.

Thạch Sương thưa:

- Trăm ngàn hạt lúa từ một hạt này sanh ra. Vậy, chưa biết một hạt này từ đâu sanh ra?

Ngài cười to, rồi trở về phòng phương trượng.

Lai Sơn làm Ðiển Tọa ở Quy Sơn. Ngài hỏi:

-Hôm nay ăn rau gì?

Lai Sơn thưa:

-Hai ngàn năm đồng một mùa xuân.

-Hãy khéo sửa soạn đồ ăn.

-Long Túc Phấn Tấn.

Ngưỡng Sơn hỏi:

-Ý của Tổ Sư từ phương Tây đến là gì?

Ngài đáp:

-Chiếc lồng đèn lớn rất đẹp!

-Sao nói về cái đó?

-Cái đó là cái gì?

-Chiếc lồng đèn lớn đẹp.

-Quả nhiên là chẳng thấy.

Ngài bảo đại chúng:

-Cho phép nhiều người được đại cơ, nhưng không được đại dụng.

Sau này, Ngưỡng Sơn lập lại lời này để hỏi am chủ dưới núi:

-Ý chỉ của Hòa Thượng Quy Sơn dạy những gì?

Am Chủ đáp:

-Hãy hỏi lại xem sao?

Ngưỡng Sơn vừa định nói lại lời đó, liền bị Am Chủ đạp té nhào. Ngưỡng Sơn trở về thưa Ngài. Ngài cười to.

Lúc đi hái trà, Ngài bảo Ngưỡng Sơn:

-Suốt ngày đi hái trà, nghe tiếng con mà chẳng thấy hình hài của con.

Ngưỡng Sơn liền lung lay cây trà.

Ngài bảo:
-Con được cái dụng, chứ chưa được cái thể.

Ngưỡng Sơn thưa:

-Chưa biết Hòa Thượng như thế nào?

Ngài im lặng một chút. Ngưỡng Sơn nói:

-Hòa Thượng được cái thể, chứ chưa được cái dụng.

Ngài nói:

-Tha cho ngươi ba mươi gậy.

-Gậy của Hòa Thượng, con xin nhận. Con có gậy, vậy ai nhận?

-Tha cho ngươi ba mươi gậy.

Lúc Ngài đang ngồi, thấy Ngưỡng Sơn vừa bước vào, liền bảo:

-Huệ Tịch con! Hãy nói mau, chớ nhập vào ấm giới.

Huệ Tịch thưa:

-Huệ Tịch tín căn chưa lập.

-Con tin rồi chẳng lập, hay chẳng tin mà chẳng lập?

-Ðó là Huệ Tịch, thì còn tin ai nữa?

-Nếu là vậy, tức là định tánh Thanh Văn.

-Ðối với Huệ Tịch, Phật cũng chẳng lập.

Lần nọ, Ngài hỏi Ngưỡng Sơn:

-Kinh Niết Bàn có bốn mươi chương. Phần nào là phần do Phật thuyết, còn phần nào là do ma thuyết?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Tất cả đều do ma thuyết.

-Chỉ ngại về sau chẳng có ai hiểu con.

-Lúc Huệ Tịch đi, không biết sẽ đến chỗ nào tu hành, hoằng hóa?

-Ta chỉ quan tâm về pháp nhãn của con có chân chánh hay không, chứ chẳng màng con đến đâu tu hành, hoằng hóa.

Lần nọ, đang giặt y, Ngưỡng Sơn hỏi Ngài:

-Hòa Thượng đang làm gì?

Ngài nói:

-Chính ngay lúc này, ta chẳng làm gì cả.

-Hòa Thượng có thân mà vô dụng.

Ngài im lặng một chút rồi hỏi:

-Chính lúc này đang làm gì?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Chính lúc này, Hòa Thượng có thấy y chăng?

-Ngươi có dụng mà chẳng có thân.

Ngài lập tức hỏi lại Ngưỡng Sơn:

-Trong mùa xuân, lời của ngươi chưa được hoàn hảo. Nay hãy nói lại xem sao?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Chính lúc ấy, tự nhiên bị cáo oan.

-Ðình làng nhốt bậc trưởng lão trí huệ.

Ngài đưa bình nước trong cho Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn định lấy, nhưng Ngài co tay lại, bảo:

-Ðó là gì?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Hòa Thượng còn thấy cái đó nữa à?

-Nếu được như thế, sao còn tìm Ta làm gì?

-Tuy là như thế, nhưng nhân nghĩa trong đạo, phải cầm bình thiếu nước của Hòa Thượng, vì cũng là phận sự chính.

Nghe lời này, Ngài liền đưa bình nước cho Ngưỡng Sơn.

Lần nọ, đang đi với Ngưỡng Sơn, Ngài chỉ cây bách, hỏi:

-Trước mặt là cái gì?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Cây bách.

Ngài hỏi ông Vân Ðiền, thì ông này cũng đáp là cây bách. Ngài bảo ông Vân Ðiền:

-Cái ông Vân Ðiền này! Ðằng sau cũng có năm trăm tăng chúng.

Lần khác, Ngài hỏi Ngưỡng Sơn:

-Con từ đâu về?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Từ đồng ruộng về.

-Lúa gặt được chưa?

Ngưỡng Sơn ra dạng cắt lúa. Ngài nói:

-Con vừa đến, thấy lúa màu xanh, hay thấy lúa màu vàng, hay thấy lúa chẳng phải xanh cũng chẳng phải vàng?

-Ðằng sau lưng Hòa Thượng là cái gì?

-Con thấy cái gì?

Ngưỡng Sơn dựng đứng nhánh lúa, nói:

-Hòa Thượng hỏi cái gì?

-Ðây là nga vương chọn sữa.

Ngài hỏi Ngưỡng Sơn:

-Trời lạnh hay người lạnh.

Ngưỡng Sơn thưa:

-Tất cả đều trong đó.

-Sau không nói thẳng.

-Vừa đến lại chẳng cong. Hòa Thượng thì sao?

-Ði thẳng theo dòng.

Ngài thượng đường nói:

-Giữa đông lạnh giá, việc mọi năm. Bóng xoay vần sự thế nào?

Ngưỡng Sơn bước tới trước, đứng vòng tay lại. Ngài bảo:

-Ta cảm biết lời của ông chưa được.

Hương Nghiêm thưa:

-Con có thể đáp được chút ít.

Ngài bước nhè nhẹ tới trước, hỏi câu đó. Hương Nghiêm cũng tiến tới trước, dứng khoanh tay. Ngài bảo:

-Lại gặp Tịch Tử ngu si chẳng hiểu.

Lần nọ, Ngài đang ngồi thì Ngưỡng Sơn từ phòng phương trượng đi ngang qua. Ngài bảo:

-Nếu tiên sư Bá Trượng thấy như thế, chắc ngươi phải ăn gậy từ đầu rồi.

Ngưỡng Sơn thưa:

-Như vậy, hôm nay làm việc gì?

-Nối hai mảnh da lại.

-Ân này khó báo đền.

-Chẳng phải là con thì khó có tài qua mặt lão tăng già nua.

-Hôm nay thấy tận mặt sư ông Bá Trượng đến.

-Con thấy nơi nào?

-Không thể nói thấy, vì chẳng phân biệt.

-Trước sau đều là kẻ làm nhà.

Ngài hỏi Ngưỡng Sơn:

-Sự việc hôm nay xếp đặt như thế. Sự việc xưa và mai sau như thế nào?

Ngưỡng Sơn khoanh tay tiến đến gần. Ngài bảo:

-Ðó là việc hôm nay, còn việc xưa kia và mai sau như thế nào?

Ngưỡng Sơn lùi rồi đứng lại.

-Ngươi thua Ta, hay Ta thua ngươi?

Ngưỡng Sơn liền lễ bái.

Lúc Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm đang đứng hầu, Ngài bảo:

-Hôm nay chỉ ít, chứ chẳng phải nhiều.

Hương Nghiêm đi từ phía đông sang phía tây rồi đứng lại. Ngưỡng Sơn đi từ phía

tây sang phía đông rồi đứng lại. Ngài bảo:

-Nhân duyên này, ba mươi năm sau, như liệng vàng xuống đất.

Ngưỡng Sơn thưa:

-Cũng do Hòa Thượng khởi xướng.

Hương Nghiêm thưa:

-Hôm nau cũng chẳng ít.

Ngài bảo:

-Hãy giữ kín miệng.

Khi khác, Ngài đang ngồi thì Ngưỡng Sơn bước vào. Ngài nắm hai tay lại. Ngưỡng Sơn ra dạng lễ bái như người nữ. Ngài bảo:

-Ðúng như thế! Ðúng như thế!

Lúc Ngài ở trong phòng phương trượng, Ngưỡng Sơn bước vào. Ngài bảo:

-Huệ Tịch con! Gần đây con cháu trong tông môn làm những gì?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Ða phần có người nghi việc này.

-Huệ Tịch, con làm gì?

-Huệ Tịch mỏi mệt thì nhắm mắt, khỏe thì ngồi thiền. Thế nên, chưa từng nói chấp trước chỗ nào.

-Ruộng đất đó thật khó được.

-Theo cái thấy của Huệ Tịch thì một câu cú cũng không thể chấp vào được.

-Con chấp vào một người cũng không được.

-Từ xưa chư Thánh nhân đều như thế.

-Nếu có người cười con, thì con đối đáp thế nào?

-Người cười chê, đó là pháp lữ đồng tham học của Huệ Tịch.

-Ló đầu ra thì phải làm gì?

Ngưỡng Sơn bèn đi nhiễu giường thiền một vòng. Ngài bảo:

-Phá lệ xưa nay!

Lần nọ, Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm đang đứng hầu, Ngài bảo:

-Quá khứ, hiện tại, vị lai, đạo của chư Phật đều đồng nhau; người người đều đến được con đường giải thoát.

Ngưỡng Sơn hỏi:

-Người người đều đến được con đường giải thoát là như thế nào?

Ngài xoay đầu lại nhìn Hương Nghiêm, nói:

-Huệ Tịch mượn câu hỏi đó, sao chẳng đáp lời y?

Hương Nghiêm thưa:

-Nếu bảo quá khứ, hiện tại, vị lai, thì con có chỗ đối đáp.

Ngài hỏi:

-Con đối đáp như thế nào?

Hương Nghiêm trịnh trọng bước ra. Ngài liền hỏi Ngưỡng Sơn:

-Trí Nhàn đối đáp như thế, có khế hợp Huệ Tịch con không?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Chẳng khế hợp.

-Vậy thì con đối đáp thế nào?

Ngưỡng Sơn cũng trịnh trọng bước ra. Ngài cười to, nói:

-Như nước với sữa hòa hợp.

Ngày nọ, Ngài vừa cất bước chân, vừa bảo Ngưỡng Sơn:

-Ngày ngày ta được hắn trợ giúp, mà hắn chẳng thông suốt.

Ngưỡng Sơn thưa:

-Lúc ấy, trong vườn Cấp Cô Ðộc chẳng khác biệt với nơi này.

-Vừa nói điều đó.

-Lúc trời lạnh, cùng hắn mang vớ mà chẳng phân biệt.

-Chẳng phụ buổi đầu, con nay đã thông suốt.

-Nghĩ như thế nào thì đáp như thế đó.

-Nói thử xem.

-Chân thật nói lời như thế.

-Ðúng như thế! Ðúng như thế!

Ngài hỏi lại Ngưỡng Sơn:

-Con hiểu nghĩa “Sanh, trụ, dị, diệt” như thế nào?

Ngưỡng Sơn đáp:

-Một niệm vừa khởi lên, chẳng thấy có sanh, trụ, dị, diệt.

-Làm sao con đắc được di pháp?

-Hòa Thượng vừa đến và hỏi điều gì?

-Sanh, trụ, dị, diệt.

-Ðó gọi là để lại di pháp.

Ngài lại hỏi Ngưỡng Sơn:

-Con hiểu nghĩa tâm thanh tịnh vi diệu sáng suốt như thế nào?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Núi sông, đất đai, mặt trăng mặt trời, tinh sao.

-Con đã được rồi.

-Hòa Thượng vừa tới lại hỏi điều gì?

-Tâm thanh tịnh vi diệu sáng suốt.

-Gọi là làm, đúng chăng?

-Ðúng như thế! Ðúng như thế!

Dưới hội của Thạch Sương có hai thiền khách, vừa đến liền nói:

-Ở đây chẳng có ai biết Thiền.

Nói xong, cả hai mời đại chúng đi dọn củi. Thấy hai vị thiền khách này đang nghỉ mệt, Ngưỡng Sơn cầm một khúc củi đến hỏi:

-Lại nói được không?

Cả hai đều không lời đối đáp. Ngưỡng Sơn nói:

-Chớ bảo rằng chẳng có ai hiểu Thiền nhé!

Lúc trở về gặp Ngài, Ngưỡng Sơn thưa:

-Hôm nay hai vị thiền khách bị Huệ Tịch khám phá.

Ngài hỏi:

-Họ bị con khám phá chỗ nào?

Ngưỡng Sơn thuật lại lời đối đáp ở trên. Ngài bảo:

-Huệ Tịch con bị Ta khám phá.

Lần nọ, Ngài đang ngủ, Ngưỡng Sơn đến hỏi han. Ngài bèn quay mặt vào vách. Ngưỡng Sơn thưa:

-Hòa Thượng làm sao được như thế?

Ngài trổi dậy, nói:

-Ta vừa nằm mộng. Con hãy kể lại cho ta xem?

Ngưỡng Sơn bèn mang một chậu nước đến để Ngài rửa mặt. Chốt lát sau, Hương Nghiêm cũng đến hỏi han. Ngài lại bảo:

-Ta vừa nằm mộng. Huệ Tịch đã đem cho Ta xem rồi. Ngươi hãy cho Ta xem coi?

Hương Nghiêm cũng mang một cốc trà đến. Ngài bảo:

-Kiến giải của hai con thật hơn Xá Lợi Phất.

Lần nọ, do có một vị tăng hỏi rằng “Ý của Tổ Sư từ phương Tây sang như thế nào?” Ngài liền dựng đứng cây chỗi. Sau này, khi gặp vị tăng đó, Vương Thường Thị hỏi:

-Gần đây Quy Sơn có nói điều gì chăng?

Vị tăng đó liền kể lại điều trên. Vương Thường Thị hỏi:

-Trong huynh đệ của họ, thường thương lượng như thế nào?

Tăng đáp:

-Mượn sắc để làm sáng tâm. Nương vật để hiển bày lý.

-Chẳng phải là đạo lý. Thượng Tọa nên mau kíp trở về. Tôi có một lá thơ nhờ Ngài trình lên cho Hòa Thượng.

Vị tăng này mang thơ của Vương Thường Thị trình lên cho Ngài. Ngài mở xem, thấy trong đó có vẽ một vòng tròn, và trong vòng tròn lại có viết chữ “Nhật (mặt trời)”. Ngài bảo:

-Ai biết được rằng ngoài ngàn dặm đường lại có bạn tri âm.

Lúc ấy, Ngưỡng Sơn đang hầu Ngài, nói rằng:

-Tuy là vậy, nhưng kẻ này chỉ là gã tục hán.

Ngài bảo:

-Con làm thế nào?

Ngưỡng Sơn liền vẽ một vòng tròn, viết chữ “Nhật” trong đó rồi dùng bàn chân xóa đi. Ngài thấy vậy, cười to.

Lần nọ, Ngài đang ngồi, Ngưỡng Sơn đến hỏi:

-Một trăm năm sau khi Hòa Thượng tịch, nếu có người hỏi đạo pháp của tiên sư, thì phải đối đáp như thế nào?

Ngài bảo:

-Một cháo, một cơm.

-Nếu người trước mặt chẳng chịu thì phải làm sao?

-Làm nhà Sư Tăng.

Ngưỡng Sơn liền lễ bái. Ngài bảo:

-Gặp người chớ lầm lẫn đưa việc này ra.

Ngài lại hỏi Ngưỡng Sơn:

-Suốt ngày thương lượng với con, biện luận được việc gì?

Ngưỡng Sơn ra dáng vẽ trong hư không. Ngài bảo:

-Nếu chẳng phải là Ta thì chắc bị con làm mê hoặc rồi.

Ngưỡng Sơn hỏi:

-Trăm ngàn muôn cảnh đến cùng một lúc thì phải làm sao?

Ngài đáp:

-Màu xanh chẳng phải màu vàng. Dài chẳng phải ngắn. Mỗi mỗi các pháp đều có chỗ đứng, mà chúng chẳng liên can gì với Ta.

Ngưỡng Sơn liền lễ bái.

Lần nọ, đang làm tương, Ngài hỏi Ngưỡng Sơn:

-Dùng ít nhiều nước muối?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Con không biết, nên không muốn trả lời.

-Ðiều này lão tăng biết rõ.

-Chẳng biết dùng ít nhiều nước muối?

-Con không biết thì ta cũng không trả lời.

Ðến chiều tối, Ngài hỏi lại Ngưỡng Sơn:

-Nhân duyên hôm nay, con phải làm sao để chủ trì?

Ngưỡng Sơn thưa:

-Ðợi hỏi thì đáp.

-Bây giờ đang hỏi lại đây.

-Bịt tai, che mắt. Thấy nghe chẳng hiểu.

-Nếu có hỏi và đáp, ngoài con chẳng có ai nói được như thế.

Ngưỡng Sơn bèn lễ tạ. Ngài bảo:

-Huệ Tịch con, hôm nay quên trước mất sau, chẳng phải là chuyện nhỏ.

Ngài lại bảo Ngưỡng Sơn:

-Con đơn độc tự xoay ánh sáng lại chính mình mà người khác chẳng biết chỗ liễu giải của con. Nay con hãy thử đem chỗ liễu giải chân thật trình cho lão tăng xem.

Ngưỡng Sơn thưa:

-Nếu dạy con tự xem, thì đến chỗ đó cũng chẳng có ngôi vị hoàn hảo, cũng chẳng có một vật hay một sự liễu giải nào để trình cho Hòa Thượng xem.

-Chẳng có ngôi vị hoàn hảo vốn là nơi trình sự liễu giải của con, mà chẳng rời tâm và cảnh.

-Chẳng có ngôi vị hoàn hảo thì nơi nào có pháp, dùng vật gì để làm cảnh?

-Có phải con đã trình kiến giải rồi chăng?

-Vâng.

-Nếu như thế, thì là đầy đủ tâm, cảnh, pháp. Chưa thoát khỏi tâm chấp ngã sở, vì còn có sự liễu giải. Hãy mau trình chỗ chẳng liễu giải cho lão tăng xem. Tín vị của con hiển, còn nhân vị thì ẩn.

Lần nọ, thấy Ngưỡng Sơn đến, Ngài liền dùng năm ngón tay vẽ xuống đất. Ngưỡng Sơn dùng cổ tay vẽ xuống đất, rồi lấy tay che lỗ tai, rồi kêu to tiếng phấn chấn ba năm lần. Ngài thấy thế liền đi nghỉ.

Thấy Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm đang làm bánh, Ngài bảo:

-Bấy giờ, tiên sư Bá Trượng tự thân đắc đạo lý.

Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm đồng quay đầu lại nói:

-Ai đáp được lời đó?

-Có một người đáp được.

Ngưỡng Sơn thưa:

-Là A Nan?

Ngài chỉ con trâu đực, nói:

-Nói, nói!

Ngưỡng Sơn đem bó cỏ đến, và Hương Nghiêm đem thùng nước tới, rồi bỏ trước mặt con trâu; trâu liền ăn. Ngài bảo:

-Cùng cái gì, cùng cái gì? Chẳng cùng cái gì, chẳng cùng cái gì?

Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm cả hai đều lễ bái. Ngài bảo:

-Có lúc sáng, có lúc tối.

Ngày nọ, thấy đệ tử họ Tác trình kệ, Ngài bảo:

-Ngoài âm thanh sắc tướng cùng Ta gặp nhau.

Bấy giờ có thượng tọa Giám Hoằng ở U Châu tới, trình kệ, nói:

-Không thể nói ra người đó chẳng có mắt.

Ngài chẳng chịu. Ngưỡng Sơn nói:

-Có ba bước trình kệ. Kệ thứ nhất nói rằng “Kiến thủ, bất kiến thủ”.

Ngài bảo:

-Vi tế như đầu lông. Lạnh như sương tuyết.

-Câu kệ thứ hai nói rằng “Ngoài âm thanh sắc tướng ai mong gặp gỡ”.

-Lại vướng ngoài giường Thanh Văn.

-Câu kệ thứ ba “Như hai tấm kiếng chiếu lẫn nhau, mà trong đó không có hình tượng.

-Ðây mới là lời chính.

Ngưỡng Sơn lại hỏi:

-Ở nơi sư ông Bá Trượng, Hòa Thượng trình kệ thế nào?

Ngài bảo:

-Ta ở chỗ tiên sư Bá Trượng trình kệ như vầy: “Như trăm ngàn tấm gương phản chiếu ảnh tượng với nhau, ánh sáng phản chiếu, biết bao cảnh giới, mỗi mỗi chẳng vay mượn nhau.

Ngưỡng Sơn liền lễ bái.

Ngày nọ, Ngài hỏi Hương Nghiêm:

-Ta nghe nói rằng lúc ở chỗ tiên sư Bá Trượng, nghe hỏi một thì ông đáp mười. Hỏi mười thì ông đáp một trăm. Ðây là ông thông minh lanh lợi, giải thích theo ý thức vọng tưởng. Bàn về cội gốc sanh tử, lúc chưa được cha mẹ sanh ra, hãy nói một câu thử xem?

Hương Nghiêm bị hỏi như thế, lúng túng hoang mang, trở về phòng đem tất cả văn tự ngữ ngôn ghi chép hằng ngày để tìm kiếm nghĩa lý đối đáp. Tuy nhiên, suy nghĩ mãi cũng chẳng được, nên tự than rằng “Bánh vẽ không thể làm no lòng”. Vì vậy, Hương Nghiêm đến cầu Ngài giải thích cho. Ngài bảo:

-Nếu Ta nói giùm ông, thì sau này ông sẽ mắng ta. Ta nói là chuyện của Ta, chứ chẳng liên can gì đến ông.

Hương Nghiêm bèn đem hết sách vở hằng ngày đốt quách cả, và tự nói rằng từ nay về sau không học Phật pháp nữa, chỉ lo việc nấu cơm cháo cho chư tăng để giữ tâm thần thanh tịnh. Về sau, Hương Nghiêm xin cáo từ Ngài, đi thẳng đến Nam Dương nơi di tích của quốc sư Huệ Trung, rồi trụ lại đó. Một hôm, do cuốc cỏ trên núi, Hương Nghiêm lượm hòn gạch, rồi ném trúng cây tre nghe tiếng vang, nên chợt tỉnh ngộ cười giòn. Hương Nghiêm trở về tắm gội, thắp hương nhắm hướng Quy Sơn, đảnh lễ, tán than rằng: "Hòa Thượng thật từ bi, ơn như cha mẹ. Lúc trước, nếu trả lời giùm con thì đâu có ngày hôm nay!”

Nói xong, Hương Nghiêm bèn thuyết bài kệ:

“Một tiếng quên sở tri

Chẳng cần giả tu trì

Ðổi sắc bày đường xưa

Chẳng rơi cơ lặng yên

Nơi nơi không dấu vết

Oai nghi ngoài sắc, thanh

Những vị đạt được đạo

Ðều gọi thượng thượng căn.”

Ngài nghe lời này, bèn bảo Ngưỡng Sơn:

-Hắn đã triệt ngộ rồi.

Ngưỡng Sơn thưa:

-Ðây chỉ là tâm cơ ý thức trước thuật mà thành. Ðợi con qua đó thử lại xem.

Khi gặp Hương Nghiêm, Ngưỡng Sơn hỏi:

-Hòa Thượng tán thán sư đệ phát minh đại sự. Vậy, hãy nói thử xem.

Hương Nghiêm đọc lại bài kệ trên. Ngưỡng Sơn nói:

-Ðây chỉ là tập khí ghi nhớ mà thành. Nếu chân chánh ngộ đạo, thì hãy nói xem.

Hương Nghiêm liền tụng thêm bài kệ:

“Năm trước nghèo, chưa thật là nghèo

Năm nay nghèo, mới thật là nghèo

Năm trước nghèo, còn đất cắm dùi

Năm nay nghèo, không đất cắm dùi.”

Ngưỡng Sơn bảo:

-Sư đệ ngộ được Như Lai Thiền, nhưng chưa mộng thấy Tổ Sư Thiền.

Hương Nghiêm lại nói thêm bài kệ:

“Tôi có một cơ

Chớp mắt xem y

Nếu người chẳng hội

Riêng gọi Sa Di.”

Ngưỡng Sơn trở về trình với Ngài:

-Mừng thay! Sư đệ Trí Nhàn đã ngộ Tổ Sư Thiền.

Ngài lên pháp đường dạy:

-Những người các ông, đã được đại cơ, chưa được đại dụng.

Bấy giờ có Cửu Phong ở trong đại chúng, liền đứng bật dậy đi ra. Ngài gọi lại, nhưng Cửu Phong chẳng thèm quay đầu lại. Ngài bảo:

-Ðệ tử này xứng đáng làm pháp khí.

Ngày nọ, Cửu Phong đến từ biệt Ngài:

-Con từ tạ Hòa Thượng. Tuy xa ngoài ngàn dặm, nhưng không rời Hòa Thượng chút nào.

Ngài liền nhún vai, nói:

-Giỏi lắm!

Linh Vân ở Quy Sơn, do thấy hoa đào nở nên ngộ đạo, làm kệ:

“Ba mươi năm đến tìm kiếm khách

Nhìn lại lá rơi nhánh lại mọc

Từ khi vừa thấy hoa đào nở

Thẳng tuốt như nay chẳng còn nghi.”

Ngài xem qua bài kệ này, liền cật vấn hỏi, và biết là đã khế hợp, nên bảo:

-Nhờ nhân duyên mà ngộ đạo, mãi mãi chẳng thối thất. Hãy khéo giữ gìn.

Thượng Lâm đến tham vấn, Ngài hỏi:

-Ðại Ðức từ đâu đến đây?

Thượng Lâm đáp:

-Ðầy đủ mũ giáp.

-Bỏ hết đến đây, cùng Ðại Ðức tương kiến.

-Ðã bỏ hết rồi.

Ngài hét:

-Trộm cướp lại chưa đánh, thì bỏ cái gì?

Thượng Lâm không lời đối đáp. Ngưỡng Sơn đáp giùm Thượng Lâm:

-Nhờ Hòa Thượng che dùm bên phải và trái.

Ngài vẫy tay chào, nói:

-Này nhé! Này nhé!

Thượng Lâm sau này đến tham vấn nơi Vĩnh Thái mới hiểu rõ ý chỉ đó.

Sơ Sơn đến tham vấn, gặp lúc Ngài đang thuyết:

-Hành cước của các vị cao sĩ là ngủ ngay khi gặp âm thanh sắc tướng. Bắt đầu ngồi nằm ngay trong âm thanh sắc tướng.

Nghe như vậy, Sơ Sơn hỏi:

-Làm sao không lạc vào ngôn từ của âm thanh sắc tướng?

Ngài liền dựng đứng cây chổi. Sơ Sơn nói:

-Ðiều này lạc vào ngôn cú của âm thanh sắc tướng.

Ngàì liền bỏ cây chổi xuống rồi đi vào phòng phương trượng.

Sơ Sơn chẳng khế hội, nên từ biệt Hương Nghiêm. Hương Nghiêm bảo:

-Sao không ở lại?

Sơ Sơn đáp:

-Tôi chẳng có duyên với Hòa Thượng.

-Có nhân duyên gì, hãy hỏi lại xem sao?

Sơ Sơn liền thuật lại những lời trên. Hương Nghiêm nói:

-Tôi có chút lời.

Sơ Sơn hỏi:

-Nói như thế nào?

-Lời nói chẳng phải âm thanh. Sắc tướng trước mắt chẳng phải vật.

-Vì trong đây có người.

Nói xong, Sơ Sơn nhắn rằng:

-Về sau nếu có nơi chốn, tôi sẽ đến gặp.

Sơ Sơn đi rồi, Ngài hỏi Hương Nghiêm:

-Chú Xà Lê hỏi về âm thanh sắc tướng còn ở lại không?

Hương Nghiêm thưa:

-Ðã đi khỏi rồi.

-Hãy nói lại lời đó xem sao?

Hương Nghiêm liền nói lại lời trên. Ngài bảo:

-Hắn nói điều gì?

-Rất chịu con.

Ngài bật cười, bảo:

-Ta định nói rằng chú này có chỗ hay, vì chỗ chú ta đến, gần núi sẽ không có củi đốt, gần nước sẽ không có nước uống.

Khi Tư Quốc đến tham bái, Ngài chỉ ánh mặt trăng để dạy. Tư Quốc dùng tay đánh ba cái. Ngài bảo:

-Không nói rằng ông chẳng thấy, mà nơi cái thấy đó quá thô.

Lúc Ngài đang ngồi trên pháp tòa, Khố Ðầu (3) đánh mõ. Hỏa Ðầu (4) trịnh trọng đốt một nhánh lửa, cầm trong tay, rồi cười to. Ngài bảo:

-Trong chúng đây cũng có người.

Kế đến Ngài liền lớn tiếng hỏi:

-Làm cái gì vậy?

Hỏa Ðầu thưa:

-Con chưa ăn cháo khiến bụng đói cồn cào khó chịu, nên cười to.

Ngài gật đầu.

Lần nọ, lúc Ngài đang dùng bùn đắp tường, Lý Quân Dung đến, cầm cuốc xẻng, tới đứng trên giỏ tre ngay sau lưng Ngài. Xoay đầu lại, thấy ông ta, Ngài mang thúng bùn, ra dạng lấy bùn. Lý Quân Dung đưa Ngài thúng tre, rồi ra dạng đưa bùn. Ngài ném bỏ thúng bùn xuống, rồi trở vào phòng phương trượng.

Lục Thị Ngự vào tăng đường, hỏi:

-Cho bao nhiêu vị làm tăng ăn cơm cháo, và cho bao nhiêu vị làm tăng tham thiền?

Ngài đáp:

-Cũng chẳng phải là tăng ăn cơm cháo, và cũng chẳng phải tăng tham thiền.

-Ở đây làm gì?

-Lục Thị Ngự tự hỏi họ xem.

Ngày nọ, thấy Lưu Thiết Ma đến, Ngài hỏi:

-Lão trâu đực đã tới đây!

Lưu Thiết Ma thưa:

-Gần đây ở Ðài Sơn có đại hội chẩn tế. Hòa Thượng chưa đến đó sao?

Ngài liền ra dáng nằm duỗi xuống. Lưu Thiết Ma bỏ ra ngoài.

Ngày nọ, Ngài gọi viện chủ tới, nên vị viện chủ đến. Ngài hỏi:

-Ta gọi viện chủ, sao ông đến đây làm gì?

Vị viện chủ không lời đối đáp. Ngài lại bảo thị giả gọi Ðệ Nhất Tọa đến. Ðệ Nhất Tọa vừa đến, Ngài bảo:

-Ta gọi Ðệ Nhất Tọa đến, sao ông tới đây làm gì?

Ðệ Nhất Tọa cũng không đối đáp được.

Lúc Ngài vừa thượng đường, một vị tăng bước ra hỏi:

-Thỉnh Hòa Thượng thuyết pháp cho đại chúng.

Ngài bảo:

-Ta vì ông mà bị nhốt kín.

Vị tăng đó bèn lễ bái.

Có một vị tăng đến tham bái, Ngài liền ra dáng đứng dậy. Vị tăng đó hỏi:

-Xin Hòa Thượng chớ đứng dậy.

Ngài bảo:

-Lão tăng chưa từng ngồi.

-Con chưa từng lạy.

-Sao lại vô lễ?

Vị tăng này không lời đối đáp.

Tăng hỏi:

-Lộng che núi Quy Sơn là gi?

Ngài gọi:

-Lại gần đây!

Vị tăng đó vừa đến gần, thì Ngài bèn đạp một đạp.

Ngài hỏi một vị tăng:

-Từ đâu đến đây?

Tăng thưa:

-Từ Tây Kinh đến.

-Có mang thư ông chủ của Tây Kinh đến chăng?

-Chẳng dám vọng thông tin tức.

-Sư tăng tác giả. Thiên nhiên do nơi đây.

-Canh nhão, cơm thiêu ai dám ăn?

-Chỉ có Xà Lê là chẳng ăn.

Vị tăng này ra dạng ói mửa. Ngài bảo:

-Hãy giúp ông tăng bịnh chấp trước này.

Vị tăng đó liền đi ra.

Tăng hỏi:

-Ðạo nghĩa là gì?

Ngài đáp:

-Vô tâm là đạo.

-Con chưa hiểu.

-Hiểu thì hay giữ cái chẳng hiểu.

-Chẳng hiểu là gì?

-Chính là ông, mà chẳng phải người khác.

Ngài lại nói thêm:

-Người thời nay tuy biết lễ bái mà chẳng hiểu. Ðó chính là tâm ông, và chính là đức Phật của ông. Nếu hướng bên ngoài được một sự hiểu biết gì, mà cho đó là đạo Thiền, thì chẳng có liên hệ gì với ông cả. Ðó gọi là rặn phẩn vào, chứ chẳng rặn phẩn ra, làm ô uế ruộng tâm của ông. Thế nên, nói rằng chẳng phải là đạo.

Thấy một vị tăng đến tham vấn, Vệ Quốc hỏi:

-Từ đâu đến đây?

Tăng đáp:

-Từ Hồ Nam đến.

-Sông Hoàng đã xanh chưa?

Vị tăng đó không đáp được. Ngài bèn trả lời thay thế cho:

-Thằng nhỏ côi cút, phải qua nhưng chưa qua, lại nghi để làm gì?

Ngài dạy đại chúng:

-Các ông hãy trình sự ngộ đạo cho Ta xem.

Bấy giờ có thượng tọa Chí Hòa bước ra lễ bái. Ngài bảo:

-Không nghĩ lành, không nghĩ xấu. Ngay lúc đó, chính là bộ mặt thật xưa nay của Ta và Thượng Tọa.

Thượng tọa Chí Hòa đáp:

-Chính ngay lúc ấy là chỗ xả thân mạng của con.

-Con có lạc vào Không, chăng?

-Nếu con còn thấy có cái Không để lạc vào, thì làm sao biết là nơi xả bỏ thân mạng!

-Ðến nơi đó, sao không hỏi đi?

-Ðến chỗ đó, con còn chẳng thấy có Hòa Thượng nữa, thì còn gì để hỏi!

-Ông bạc phước! Không thể hỗ trợ tông phong của Ta.

Nghe Ngưỡng Sơn và Bắc am chủ hỏi rằng có quan khách đến uống trà chăng, thì Ngài bảo:

-Bạn đạo của vị cổ Phật đến.

Vị am chủ thưa:

-Một trăm năm sau, khó lòng tìm được ai nói lời này.

-Hiện tại đang làm gì?

-Bị thắt lưỡi phần nào, nên trả lời không được.

-Ðã thấy ông quan rồi, sao lại bảo rằng chẳng nói được?

-Ngưỡng Sơn chẳng cam lòng đối đáp.

-Làm am chủ cũng không dễ.

Ngày nọ, Ngài đưa hạt châu Như Ý lên, rồi vẽ vòng tròn, bảo:

-Nếu ai nói đúng thì sẽ được hạt châu Như Ý này. Nói mau, nói mau!

Lúc ấy, có một vị tăng thưa:

-Hạt châu Như Ý này chẳng phải của Hòa Thượng.

-Ðược mà không thể dùng.

Vị tăng khác thưa:

-Nếu cho con, cũng không có chỗ chấp vào.

Tăng hỏi:

-Trên từ chư Thánh thẳng xuống Hòa Thượng. Ý chỉ của Hòa Thượng như thế nào?

Ngài đáp:

-Trước mắt là vật gì?

-Chớ lại nói cái đó.

-Quả a na.

-Vừa đến liền đối đáp.

-Ông nghĩ nó đi rồi? Chớ sanh sự!

Tăng hỏi:

-Chỗ chân thật của Bá Trượng như thế nào?

Ngài bước xuống giường thiền, đứng khoanh tay. Tăng lại hỏi:

-Chỗ chân thật của Hòa Thượng như thế nào?

Ngài liền ngồi xuống.

Ðộng Sơn Lương Giới đến hỏi Ngài:

-Nghe quốc sư Huệ Trung nói “Vô tình thuyết pháp”, con chưa hiểu rõ chỗ vi diệu đó.

Ngài bảo:

-Ta trong ấy cũng có, chỉ vì ít gặp người kia.

-Con chưa hiểu, xin Ngài chỉ dạy.

Ngài dựng đứng cây chổi, hỏi:

-Hội chăng?

Ðộng Sơn thưa:

-Chẳng hội. Thỉnh Hòa Thượng nói.

-Miệng do cha mẹ sanh, trọn không thể vì ngươi nói rõ.

-Lại có người cùng thầy đồng thời mộ đạo chăng?

-Ở Lễ Lăng tại huyện Du, trong các thất đá nối nhau, có đạo nhơn Vân Nham, nếu hay vạch cỏ xem gió ắt vị ấy là ngừơi kính trọng.

Lương Giới bèn từ tạ Ngài, thẳng đến Vân Nham.

Lâm Tế Nghĩa Huyền mang thơ ngài Hoàng Bá đến núi Quy Sơn. Khi ấy, Huệ Tịch làm tri khách, tiếp được thơ liền hỏi:

-Cái này là của Hoàng Bá, còn cái kia là của người đem thơ.

Lâm Tế liền tát. Huệ Tịch nắm tay, đứng nói:

-Lão huynh biết việc ấy?

Lâm Tế liền thôi. Hai người đồng đến thăm Ngài. Ngài hỏi:

-Sư huynh Hoàng Bá có đệ tử nhiều hay ít?

Lâm Tế thưa:

-Bảy trăm đệ tử.

-Người nào đứng đầu?

-Vừa xem thơ xong. Ở đây Hòa Thượng được bao nhiêu đệ tử?

-Một ngàn năm trăm đệ tử.

-Thật nhiều thay!

-Sư huynh Hoàng Bá cũng chẳng ít.

Lâm Tế từ biệt Ngài. Huệ Tịch đưa ra cửa, nói:

-Chỉ đi, về sau có một người phụ tá lão huynh. Người này có đầu không đuôi, có trước không có sau.

Ngài thượng đường thuyết pháp:

-Một trăm năm sau, lão tăng sẽ xuống dưới núi làm một con trâu nước, hông bên trái có viết năm chữ “Ta là tăng Quy Sơn”. Khi ấy, gọi là “Tăng Quy Sơn”, hay gọi là “con trâu nước”, hay gọi là “con trâu đực”, hay gọi là Tăng Quy Sơn”. Gọi như thế nào mới phải. Ngưỡng Sơn liền bước ra lễ bái rồi thối lui.

Ngài hoằng dương Thiền-Giáo hơn bốn mươi năm. Người đạt đạo không thể tính kể. Năm 853 T.L, ngày mồng chín tháng giêng, Ngài an nhiên ngồi thị tịch, hưởng thọ tám mươi ba tuổi, tăng lạp sáu mươi bốn tuổi. Tháp Ngài được thờ ở Quy Sơn. Ngài được vua ban hiệu là thiền sư Ðại Viên, tháp hiệu là Thanh Tịnh.

=============================================================

(1) Ðiển Tọa: Lo việc nấu ăn cho chư tăng.

(2) Tư Mã Ðầu Ðà là một Thiền Sư hành hạnh đầu đà, thông cả địa lý và tướng số.

(3) Khố Ðầu: Vị tăng giữ kho.

(4) Hỏa Ðầu: Vị tăng lo bếp núc.

(5) Tăng đường: Nơi chư tăng cư trú.

Trở Lại Đầu Trang