Chương VIII
Kết Luận
________________
Hoàng Giáo của Phật giáo Tây Tạng do đại sư Tông Khách Ba sáng lập, có những điểm đặc sắc nhất là nghiêm thủ giới luật tỳ kheo thanh tịnh, thiết thật tu hành giới Bồ Tát và giới tam muội da (Kim Cang) của Mật Tông. Dùng giới làm nền tảng, rồi y theo thứ tự của giáo lý mà tu tập, tức là trước tu học Hiển giáo, sau hành trì Mật giáo, cùng cực lực xiển dương chánh kiến Trung Quán-Ứng Thành và thuyết dung hợp của Kim Cang Mật Thừa. Bàn về yếu chỉ căn bổn, giáo pháp Hiển-Mật hợp nhất vô cấu của Đại Sư vốn phù hợp với bản ý truyền thừa Mật pháp của tôn giả A Để Sa: Hành giả Mật Tông trước tiên phải học Hiển giáo để hiểu rõ giáo lý kinh luận, sau đó phải có đầy đủ tâm xuất ly thế gian và tâm Bồ Đề, hầu mong có chánh kiến căn bản về sự tu học Mật pháp, rồi mới bắt đầu dụng công tu tập Mật pháp. Tu học Mật pháp như thế, thì tự thân mới đắc được thành tựu.
Bàn về sự truyền thừa của Hoàng giáo, đại sư Tông Khách Ba định lập chế độ chuyển sanh truyền thừa: Hệ Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma. Từ đó, trải qua sáu trăm năm, hệ Đạt Lai Lạt Ma được truyền thừa qua mười bốn đời; hệ Ban Thiền Lạt Ma được truyền thừa qua mười đời (1). Lại nữa, hệ Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma vốn có mối quan hệ thầy trò hỗ tương suốt hơn sáu trăm năm. Điển hình, vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ V tôn thờ vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ IV làm vị giáo thọ sư; vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ IX tôn sùng vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ XIII làm vị giáo thọ sư. Ngoài ra, trước khi chánh thức được chánh phủ và quốc dân Tây Tạng chấp nhận và tôn sùng làm đức Đạt Lai Lạt Ma, thì linh nhi (2) trong hiện đời phải được vị Ban Thiền Lạt Ma công nhận. Ngược lại, linh nhi nào (3) trong hiện tại được xác nhận làm Ban Thiền Lạt Ma thì trước hết cũng phải được đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận.
Tóm lại, điều đáng ghi nhớ là trong Phật giáo Tây Tạng, chỉ có Hoàng giáo (Cách Lỗ) của đại sư Tông Khách Ba mới có hệ chuyển sanh truyền thừa Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma. Trong những tông phái lớn khác như Ninh Mã, Cát Cử, và Tát Ca, về sau đôi khi cũng định lập chế độ chuyển sanh truyền thừa để xác lập địa vị Lạt Ma của các vị Lạt Ma đạo cao đức trọng, như Châu Cô-Lạt Ma (Tulku-lama), nhưng chỉ là những Lạt Ma chuyển sanh mà thôi.
Bàn về thực tế, lắm khi tại mỗi chùa Cách Đăng (Ganden), Triết Bang (Drepung), Sắc Nhạ (Sera) tại vùng Lạp Tát có hơn năm ngàn tăng sĩ đến tu học, và có ít nhất năm trăm tăng sĩ tu tập trong mỗi Mật Viện. Thanh niên tăng từ mọi miền Tây Tạng đến cầu học tại những đại tự viện đó để được tu học giáo nghĩa về Luật giáo, Hiển giáo, và Mật giáo theo đúng tiêu chuẩn và đường hướng của Phật giáo chánh thống. Trước khi tu học Mật pháp, chư tăng phái Cách Lỗ phải tu học giới luật, năm bộ đại luận do Bồ Tát Di Lặc tạo, luận Câu Xá, luận Trung Quán, Nhân Minh học và những bản chú thích luận điển của chư cao tăng Ấn Độ cùng Tây Tạng về các đề mục đó. Thời gian tu học Luật giáo và Hiển giáo khoảng từ mười lăm đến hai mươi năm. Sau khi tốt nghiệp, có thể tu tập Mật giáo, hay trở về trụ xứ giảng dạy, hoặc nhập thất tu tập thiền quán.
Tổng quát, nhờ địa thế thuận lợi, nên trải qua bao thế kỶ, Phật giáo Tây Tạng gần như tiếp thu mọi tinh hoa của Phật giáo Đại Thừa ở Ấn Độ; điển hình, giáo pháp Đại-Tiểu Thừa và Hiển-Mật giáo do tôn giả A Để Sa truyền từ Ấn Độ sang Tây Tạng, được đại sư Tông Khách Ba vận dụng trong công cuộc chấn hưng và định lập nền tảng căn bản cho Phật giáo Tây Tạng nói chung và Hoàng giáo nói riêng; mãi cho đến ngày nay, không những giáo pháp đó vẫn được truyền thừa ở Tây Tạng mà còn được đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ XIV và chư vị Lạt Ma hoằng truyền khắp nơi trên thế giới, từ khi Trung Cộng xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1959.