Chương I
Hóa Thân của Bồ Tát Văn Thù
Đại sư Tông Khách Ba (Tsong-Kha-pa) có lòng đại bi đại nguyện rộng thâm sâu, nhân cách vĩ đại. Sự cống hiến lớn lao đối với Phật giáo Tây Tạng của Đại Sư, thực không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều cho rằng Đại Sư chỉ là một bậc đại tu hành, đại thành tựu, và cũng không khác gì với các bậc triết gia Phật học danh tiếng. Thật ra, Đại Sư hoàn toàn khác biệt hơn người. Đại Sư vốn là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, một vị cổ Phật trong đời quá khứ.
Trước khi Đại Sư xuất hiện, giáo pháp Hiển-Mật ở Tây Tạng đa phần đều bị suy vi. Trừ một số đại đức khả kính, hầu hết người tu hành đều không biết giới luật là gì. Có một số người không màng nghiên cứu giáo lý; họ nào biết đâu tất cả kinh điển vốn là con đường học Phật. Đối với Nhân Minh Học, họ nhận lầm là một loại học thuật biện luận. Đối với Mật pháp, họ chỉ biết pháp quán đảnh cuồng loạn mà không rõ căn bản Phật pháp. Họ thiên chấp tu một giáo pháp như Đại Thủ Ấn, Đại Viên Giác, v.v... rồi cho là rất siêu việt. Những việc thân cận thiện tri thức, sư trưởng, bảo hộ luật nghi, giới tam muội, họ hoàn toàn không cầu mong. Người tu hành chân thật chỉ lặng lẽ tu trì, mà không có phương pháp để chỉ dạy. Thấy tình cảnh như thế, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khởi lòng thương xót thâm sâu, và vì muốn duy trì thánh giáo, lợi ích cùng tùy thuận chúng sanh, nên thị hiện tướng xuất gia thanh tịnh, tức là đại sư Tông Khách Ba.
Rất nhiều kinh điển Hiển-Mật ghi lại việc Bồ Tát Văn Thù trong tương lai sẽ thọ sanh nơi vùng biên địa của núi Tuyết Sơn. Kinh Văn Thù Căn Bổn Giáo Vương ghi lời thọ ký của đức Như Lai:
- Sau khi Ta nhập Niết Bàn, cõi Ta Bà trở thành trống rỗng. Ông (1) hãy hiển hiện hình tướng dị sanh, để hành những hạnh của chư Phật. Hãy đến núi Tuyết Sơn tu hành. Nơi đó lập ra ngôi A Lan Nhã Hoan HỶ.
Ý nghĩa của lời này là nói rằng sau khi Phật nhập Niết Bàn, Phật pháp từ từ suy vi. Bấy giờ Bồ Tát Văn Thù sẽ thị hiện thân phàm phu mà thọ sanh tại núi Tuyết Sơn (2). Ngài tôn sùng y theo giáo lý của đức Phật, hành đại pháp, hóa độ chúng sanh, cùng kiến lập chùa chiền tự viện, với pháp hiệu là "Hoan HỶ". Sau này, quả nhiên có đại sư Tông Khách Ba giáng sanh tại Tây Tạng, chấn hưng Phật giáo, xây chùa "Hoan HỶ" (3).
Điều này hoàn toàn phù hợp với lời kinh. Kinh Không Hành Bí Mật cũng thọ ký:
- Văn Thù Sư Lợi hiệu Hiền Huệ, sẽ giảng thuyết giáo pháp thậm thâm hy hữu.
Câu này thọ ký rõ ràng là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi sẽ thị hiện thân phàm phu, với pháp danh là Hiền Huệ (4), sẽ cống hiến mọi sức lực để hoằng dương chánh giáo của đức Như Lai.
Đại sư Tông Khách Ba xuất gia vào năm bảy tuổi. Bấy giờ, Đại Sư được ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết đặt pháp hiệu là Hiền Huệ. Sau này, Đại Sư trùng hưng chấn chỉnh chánh pháp, khiến Phật giáo Tây Tạng đi vào chánh lộ suốt hơn sáu trăm năm. Do đó, chứng minh rằng đại sư Tông Khách Ba chính là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.
Ở Ấn Độ, luận sư Nguyệt Xưng thọ ký cho luận sư Đại Minh Đỗ Quyên:
- Đại sư Tông Khách Ba vốn là hóa thân với đức tướng tỳ kheo của đại thánh Văn Thù Sư Lợi. Vì muốn cứu độ chúng sanh, nên Đại Sư tùy thuận theo ý thích của họ mà hiện tướng xuất gia. Ông cũng nên phát nguyện vãng sanh sang đó (5), y theo đại sư Tông Khách Ba mà hoằng dương chánh pháp.
Lần nọ, các vị đại luận sư như Đề Bà, Phật Hộ, Tĩnh Thiên cũng hiện thân vì luận sư Đại Minh Đỗ Quyên mà thọ ký:
- Trong vùng biên địa của núi Tuyết Sơn có đức chí tôn Tông Khách Ba (6) trụ trì giáo pháp của đức Như Lai. Ông vốn là người được Đại Sư (Tông Khách Ba) hóa độ. Vậy hãy nên phát nguyện đến dưới tòa, y theo Đại Sư tu tập các loại tâm yếu.
Sau này, luận sư Đại Minh Đỗ Quyên vãng sanh làm đệ tử thượng thủ của đại sư Tông Khách Ba với danh xưng là Khắc Chủ Kiệt.
Điều này chứng minh rằng Bồ Tát Văn Thù thị hiện tướng xuất gia tại vùng biên địa của núi Tuyết Sơn, để hoằng dương chánh pháp. Danh tự của Bồ Tát là "Tông Khách Ba".
Tại Ấn Độ, vào một đêm nọ, luận sư Đại Minh Đỗ Quyên mộng thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi chỉ dạy:
- Chúng sanh nơi vùng biên địa vì vô minh che mờ nên tạo bao nghiệp ác, khiến bị trôi lăn mãi trong biển khổ sanh tử. Ta vì muốn giúp họ đắc đạo giải thoát, chứng được quả vị nhất thiết trí, và tùy theo ý nguyện của họ, mà thị hiện tướng xuất gia. Ông vốn là người được Ta hóa độ; hãy nên phát nguyện vãng sanh qua xứ đó.
Lần nọ, Bồ Tát Di Lặc hiện thân bảo ngài Khắc Chủ Kiệt (7):
- Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hoằng dương chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni tại cõi Diêm Phù Đề, khiến mặt trời trí huệ xuất hiện. Đại sư Tông Khách Ba vốn là hóa thân của Bồ Tát (Văn Thù), giáng sanh tại vùng Tuyết Sơn (8). Ông nên phát nguyện đến đó, để hoằng dương pháp của Bồ Tát.
Những lời thọ ký đều giống như thế, tức thuyết rằng Bồ Tát Văn Thù thị hiện thân tướng xuất gia để hộ trì chánh pháp của Phật Thích Ca.
Vì muốn hóa độ chúng sanh, Bồ Tát Văn Thù quyền thiết hiện thân làm trưởng tử của chư Phật mà thành tựu nhân vị Bồ Tát. Thật ra, bất luận đời quá khứ hiện tại hay vị lai, Bồ Tát Văn Thù vốn đã đạt được quả vị Phật. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội viết:
- Trong đời quá khứ, trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, có đức Phật hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương. Cách thế giới này về phía nam, khoảng một ngàn cõi Phật, có cõi nước hiệu là Bình Đẳng... Đức Phật kia thọ mạng bốn trăm bốn mươi vạn tuổi. Đức Phật Long Chủng Thượng Tôn Vương ở thế giới Bình Đẳng có ai xa lạ đâu! Chính là Văn
Thù Sư Lợi pháp vương tử.
Kinh Ương Quật La viết:
- Bấy giờ, Phật bảo vua Ba Tư Nặc rằng qua khỏi cõi này về hướng bắc khoảng bốn mươi hai hằng hà sa cõi nước có thế giới tên là Thường HỶ. Đức Phật hiệu là Hoan HỶ Tạng Ma Ni Bảo Tích Như Lai, đang giáo hóa tại cõi đó... Đức Như Lai đó có ai khác đâu! Ngài chính là Văn Thù Sư Lợi.
Kinh Bảo Tích viết:
- Lúc Văn Thù Sư Lợi thành Phật, Ngài có hiệu là Phổ Kiến.
Y cứ theo các kinh điển ở trên, đại thánh Văn Thù Sư Lợi đã thành Phật trong đời quá khứ với danh hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương; hiện tại thành Phật với danh hiệu là Hoan HỶ Tạng Ma Ni Bảo Tích; vị lai sẽ thành Phật hiệu là Phổ Kiến.
Lại nữa, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi không những là Phật, mà còn là thầy của ba đời chư Phật. Kinh Tâm Địa Quán thuyết:
- Ba đời ngài Diệu Kiết Tường (9) vốn là mẹ của chư Phật đại giác.
Kinh Phật Thuyết Phóng Bồn thuyết:
- Hiện tại Ta đắc được quả vị Phật, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, oai thần tôn quý, độ mười phương chúng sanh, đều do ân đức của Văn Thù Sư Lợi. Trong đời quá khứ, vô số chư Phật đều là đệ tử của Văn Thù Sư Lợi. Chư Phật trong đời tương lai cũng nhờ ân đức oai thần lực của Văn Thù Sư Lợi mà thành chánh giác. Ví như trẻ con có cha mẹ, Văn Thù Sư Lợi chính là cha mẹ trong Phật đạo.
Những lời kinh ở bên trên đủ chứng minh rằng hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, tức là đại sư Tông Khách Ba, vốn đã thành Phật trong vô lượng kiếp về trước.
Vào thời đức Phật Thích Ca còn tại thế, đại sư Tông Khách Ba vốn là một đồng tử. Đồng tử này đã từng cúng dường lên đức Phật Thích Ca một tràng chuỗi hạt bằng lưu ly, rồi được đức Phật ban cho một chiếc pháp loa. Đức Phật Thích Ca lại bảo tôn giả A Nan rằng đồng tử này về sau sẽ vãng sanh qua
nước Tuyết Sơn (10), kiến lập một đại tùng lâm, cúng dường một vương miện lên tượng Phật ở Lạp Tát. Về sau, quả như lời Phật thọ ký, chiếc pháp loa đó được tìm thấy vào lúc xây chùa Cách Đăng (11); đến năm 1959 vẫn còn thấy chiếc pháp loa này ở chùa Triết Bang. Một vương miện được Đại Sư cúng dường lên tượng Phật Thích Ca ở Lạp Tát vào dịp đại pháp hội tháng giêng năm 1409. Đức Phật Thích Ca cũng thọ ký danh hiệu cho đồng tử đó là Tu Ma Đế Xưng (12).
Sau đức Phật nhập diệt hơn một ngàn năm, đại sĩ Liên Hoa Sanh đã từng thọ ký rằng một vị đại sư tên là La Tang Trát Ba Cụ (13) sẽ giáng sanh gần vùng biên giới Tây Tạng-Trung Quốc. Vị Đại Sư này sẽ đắc được hóa thân viên mãn, và được xem là một vị đại Bồ Tát.
Tây Tạng vốn là miền đất thần bí linh địa, nằm ngay trên rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, là mái nhà thiên nhiên của quả địa cầu, và là cõi Tịnh Độ ở nhân gian. Tây Tạng vốn do những dãy núi cao vút nhất trên thế giới kết hợp lại mà thành. Nội cảnh Tây Tạng có tầng tầng lớp lớp núi cao chót vót. Từng lớp băng tuyết đóng phủ trắng xóa quanh năm trên những đỉnh núi ngàn, nên có danh hiệu là Tuyết Quốc hay Tuyết Sơn. Trong kinh Phật nói về vùng biên địa của núi Tuyết Sơn, chính là Tây Tạng.
Cách đây hơn sáu trăm năm, đại sư Đại Y Hỗ Chủ Tông Khách Ba giáng sanh tại vùng Tông Khách, gần tỉnh Tây Ninh ở Thanh Hải (14), thuộc lãnh thổ Tây Tạng. Từ đời Đường, dân chúng Tây Tạng thường gọi vùng đó là Tông Khách (15), nghĩa là Tông Thủy Ngạn Biên. Vì tôn sùng nên dân chúng Tây Tạng không dám gọi thẳng pháp hiệu của Đại Sư mà gọi là "Tông Khách Ba" (16).
Gia tộc của Đại Sư thật rất cao quý. Từ bên nội
tộc cho đến ngoại tộc, trải qua bao đời, đều không có ai xấu xa tệ hại.
Người cha tên là Lỗ Bố Mộc Cách (Klu-bun-dge). Ông vốn là một vị quan của triều Nguyên; ông có đức tánh nhân từ, trí huệ hơn người, tâm hằng cung kính ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Do hiểu rõ đạo lý nhân quả, đầy đủ lực dũng mãnh, nên trong một thời gian ngắn ông thành tựu được bảy loại công đức: Thứ nhất là có tín tâm vào chánh pháp. Thứ hai là nghiêm trì giới luật tại gia. Thứ ba là có tâm hỶ xả. Thứ tư là hiểu biết chánh pháp. Thứ năm là có tâm hổ thẹn. Thứ sáu là có tâm biết xấu hổ. Thứ bảy là có trí huệ sáng suốt. Mỗi ngày, ông trì tụng kinh Văn Thù Chân Thật Danh không hề gián đoạn. Đối với các loại công đức thù thắng của Bồ Tát Văn Thù, ông hằng tâm cung kính hoan hỶ.
Người mẹ tên là A Kiếp (A-Ckos), vốn là vị có âm thanh thanh thoát. Tâm địa của bà thuần lương, và là một vị hiền thê; bà chẳng có tâm ghen ghét đố kỴ, cùng chẳng có những lỗi lầm như các phụ nữ khác. Đối với những kẻ không nhà cửa không nơi nương tựa, bà thường khởi tâm thương xót, luôn hết lòng an ủi và tìm cách giúp đỡ họ. Ngày ngày bà thường lễ Phật, trì tụng sáu chữ đại minh chú của Bồ Tát Quán Thế Âm, tinh tấn giữ gìn ba nghiệp thân miệng ý cho được thanh tịnh, không hề giải đãi.
Trong nhà có sáu anh em mà Đại Sư là người thứ tư. Thân bằng quyến thuộc rất nhiều, ước chừng hơn một ngàn người. Trong gia tộc, ai ai cũng tín phụng Phật pháp. Người phát tâm xuất gia cũng không ít.
Đêm nọ, vào năm 1356, sau khi đọc tụng xong kinh Văn Thù Chân Thật Danh, người cha bình thản nằm nghỉ trên giường. Bấy giờ, trong lúc ngủ mê, ông mộng thấy một vị tỳ kheo tiến bước vào nhà. Pháp tướng của vị tăng đó thật phi thường trang nghiêm. Y ca sa quấn trên thân chiếu sáng. Chiếc quần cũng rất đặc biệt, vì dùng lá cây ở cõi trời Đao Lợi mà bện thành. Vừa nhìn qua, trông thấy như lụa vàng. Trên lưng có mang kinh Phật. Vị này bảo rằng từ núi tây Ngũ Đài ở Trung Quốc đến, và muốn ngủ nhờ qua chín tháng. Nói xong, vị tăng đó bèn tự đi lên lầu các, tiến vào chánh điện Phật. Hôm sau, vừa thức dậy, người cha tự nhủ: "Núi Ngũ Đài vốn là đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù. Vị tăng trong mộng lại bảo rằng từ núi tây Ngũ Đài đến. Đó chẳng phải là điềm Bồ Tát thọ ký rằng trong tương lai mình sẽ sanh ra một bé trai thông minh tài trí thù thắng phi thường sao!"
Tuy mộng thấy điềm lành như thế, người cha không hề lưu tâm và cũng chẳng nói cho ai biết. Ngày ngày ông vẫn tiếp tục khẩn thành tụng kinh, tinh tấn tu tập, gieo trồng phước báu. Chẳng bao lâu, người cha lại mộng thấy thêm một điềm lành. Trong mộng, ông thấy một chày kim cang bảo xử sáng ngời, từ trên hư không bay xuống, cuối cùng nhập vào bụng của người vợ. Theo truyền thuyết, chày kim cang bảo xử vốn là pháp khí của Bồ Tát Kim Cang Quyền Thủ (Vajrapani), và được phóng đến từ nước Duyên Diệp. Tỉnh dậy, người cha vừa run sợ vừa vui mừng, tự nhủ: "Bồ Tát Kim Cang Quyền Thủ đầy đủ oai thần lực, thường hàng phục tà ma ngoại đạo. Bồ Tát là một vị đại hộ pháp của ba đời chư Phật. Sự ứng hiện này phải chăng Bồ Tát muốn thọ ký cho mình rằng sẽ sanh hạ một nam tử đầy đủ đại oai lực chăng!"
Trong năm đó, người mẹ cũng mộng thấy một điềm lành. Trong mộng, bà ta thấy mình cùng với hàng vạn thiên nữ ngồi nơi một khu công viên hoa thơm cỏ lạ. Đột nhiên, từ phía đông xuất hiện một đồng tử mặc y phục trắng sáng ngời (17), và tay cầm tịnh bình. Từ bên phía tây xuất hiện một đồng nữ mặc y phục đỏ thắm, tay phải cầm một lông chim khổng tước, tay trái cầm một tấm kiếng lớn. Đồng tử mặc y trắng bèn chỉ tay đến một thiên nữ mà hỏi đồng nữ mặc y đỏ thắm:
- Vị này được không?
Đồng nữ lắc đầu. Đồng tử chỉ tay đến một thiên nữ khác, rồi lại hỏi:
- Vị này được không?
Đồng nữ lại lắc đầu. Cứ như thế, đồng tử lần lượt chỉ tay đến hết các thiên nữ, rồi tiếp tục hỏi. Đồng nữ cũng lắc đầu. Cuối cùng, đồng tử chỉ tay đến bà ta (18), hỏi:
- Vị này có được không?
Bấy giờ, đồng nữ lộ vẻ mặt vui mừng hớn hở, đáp:
- Vị đó có thể được!
Đồng tử bèn bảo bà ta:
- Bà nên tắm rửa!
Nói xong, đồng tử vừa đổ nước trong tịnh bình lên đầu của bà ta, vừa đọc tụng bài kệ tắm Phật không ngừng nghỉ. Sáng hôm sau, tỉnh dậy bà ta cảm thấy thân thể vô cùng khinh an nhẹ nhàng, không thể diễn bày.
Qua một thời gian, dân chúng trong làng cũng mộng thấy những điềm lành tương tự. Trong mộng, họ thấy rất nhiều vị tăng với tướng mạo phi phàm, ngưỡng thỉnh tượng Phật Thích Ca từ Lạp Tát (19) trở về thôn làng, an trí trong chánh điện Phật nhà của cha mẹ Đại Sư (20).
Từ đó, chung quanh chánh điện Phật trong nhà của cha mẹ Đại Sư thường xuất hiện những điềm lành kỳ lạ. Ví dụ, trong chánh điện thờ Phật, lắm khi có cầu vòng xuất hiện trên hư không. Thỉnh thoảng trên hư không hiện ra những cánh hoa đẹp dị thường. Đôi khi, có mùi hương lạ tỏa khắp ngôi chánh điện. Đôi lúc, có trống trời, nhạc trời vang lừng. Lắm lúc, đất đai chấn động. Đất bên đông nhồi lên, mà đất bên tây chẳng có. Đất phía nam nhồi lên mà đất ở phía bắc chẳng có. Đất đai bốn bên đều chấn động không đồng; trong hư không lại phát ra vô lượng âm thanh của sư tử rống.
Vào đêm mồng mười tháng giêng năm 1357, bà mẹ lại thấy một điềm mộng lành vi diệu. Trong mộng, bà thấy vô số tăng tục nam nữ nhiều không thể kể xiết. Có người cầm tràng phan. Có người đánh trống thổi nhạc. Có người mang các cúng phẩm vi diệu thù thắng; họ đồng tụ tập trên một quảng trường, thành khẩn nói:
- Cung nghinh Bồ Tát Quán Thế Âm.
Chốc lát, bà ta thấy không có gì thay đổi; ngước nhìn lên bầu hư không, bà ta thấy trên án mây cao xuất hiện một vị Phật thân tướng sắc vàng, hào quang sáng chói như vầng thái dương, chiếu khắp đại địa. Trong miệng của đức Phật tuyên thuyết nhiều loại pháp âm. Vô số thiên tử cùng thiên nữ vây nhiễu quanh Phật tựa như các tinh sao vây quanh ánh trăng rằm, thị hiện những điềm lành trang nghiêm viên mãn. Chẳng bao lâu, thân sắc vàng của Phật từ từ thu nhỏ lại, rồi cuối cùng nhập vào thân bà. Thiên tử, thiên nữ, cùng những người nghinh tiếp cũng hóa thành một luồng ánh sáng nhỏ, nhập vào bụng bà ta. Đồng thời, những âm thanh tụng tán bằng tiếng Phạn không ngừng phát ra từ hư không.
Tỉnh dậy, bà ta kể lại điềm lành cho ông chồng nghe. Ông ta bảo:
- Điềm mộng lành này, hiển thị rằng bà sẽ sanh hạ một đứa bé trai đầy đủ tâm đại từ bi vô lượng. Tương lai, chắc sẽ hộ trì chánh pháp của đức Như Lai, hàng phục tà ma ngoại đạo, làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.
Từ lúc mộng thấy điềm lành thọ thai, cuộc sống sinh hoạt của người mẹ không còn giống như những phụ nữ bình thường. Ngày ngày, bà thường sống trong những cảnh giới thanh tịnh: Không phiền não, không tham dục, và không ghen ghét đố kỴ. Bà không thích đến những nơi chợ búa ồn ào, mà thường ở trên chánh điện lễ Phật, tụng trì sáu chữ đại minh thần chú.
Dần dần, bà mẹ đến ngày mãn nguyệt lâm bồn. Đêm 28 tháng 10, năm 1357, hư không bốn bề tịch tĩnh vắng lặng, người mẹ thư thả thong dong, nằm trên giường. Vừa chớp mắp, bà chợt mộng thấy có rất nhiều người xuất gia, tay cầm nhiều loại pháp khí và thực phẩm cúng dường, từ từ tiến vào nhà, hỏi:
- Xin hỏi chánh điện Phật tại chỗ nào?
Bà ta chợt thấy đồng tử mặc y trắng, tay cầm chìa khóa bằng thủy tinh, đứng kế bên thưa rằng:
- Chánh điện Phật ngay tại nơi này!
Đồng tử vừa nói, vừa dùng chìa khóa bằng thủy tinh, mở miệng của bà ta, thành một cánh cửa màu vàng nho nhỏ, rồi cung thỉnh tượng Phật thân vàng, từ bên trong xuất ra.
Tượng Phật có dính chút bụi than. Một đồng nữ bèn dùng nước trong tịnh bình rửa sạch, rồi lấy lông chim khổng tước quét khô sạch. Sau đó, đồng nữ ca xướng tán thán bằng những âm thanh tịnh vi diệu dịu hoà. Các vị tăng nhân mang đồ cúng dường khi trước, cũng đứng một bên mà khẩn thành chúc tụng. Có những vị tăng đảnh lễ trước tượng Phật. Có những vị tăng đi nhiễu Phật mà trì tụng danh hiệu Phật không ngừng.
Vừa tỉnh cơn mộng, người mẹ an lành hạ sanh ra Đại Sư, với những điềm lạ hiển hiện thật phi thường. Bấy giờ, ở phương đông xuất hiện một loại cá bụng trắng. Kim Tinh ở trên hư không chớp lòe ánh sáng vi diệu. Những điềm này báo hiệu Đại Sư trong tương lai sẽ tẩy trừ vô minh cho chúng sanh, ví
như vầng mặt trời phá tan đêm dài tăm tối.
Đại Sư vừa giáng sanh, bà mẹ bèn để y quấn thai nhi xuống đất. Nơi đó, đột nhiên sanh ra một cây chiên đàn màu trắng, cành lá xum xuê, cả trăm ngàn nhánh. Lá cây thật rất kỳ dị. Mỗi lá cây đều tự có tượng Phật sư tử hống, hoặc năm chữ Văn Thù. Dân chúng thấy thai y biến thành một tàng cây, nên vừa sợ vừa hoan hỶ vạn phần. Họ lại thấy trên lá cây có tượng Phật và chú đà la ni, nên đều cho là việc không thể nghĩ bàn. Vì vậy, ai ai cũng gọi tàng cây đó là "Cổ Lai Chiên Đàn" (21).
Về sau, vì nhớ công đức của Đại Sư, và muốn trồng phước điền, nên ngay bên cạnh tàng cây đó, Phật tử Tây Tạng kiến lập một ngôi chùa, đặt tên là Cổ Bổn. Ngôi chùa đó, hiện tại là một trong sáu ngôi chùa lớn nhất của phái Hoàng giáo, tức là chùa Tháp Nhĩ, vang danh khắp Tây Tạng và hải ngoại.
Dân làng nghe tin Đại Sư vừa giáng sanh, thì hớn hở vui mừng, tranh nhau tụ tập trong nhà của cha mẹ Đại Sư. Bấy giờ, ai ai cũng đều chăm chú ngắm nhìn tướng hảo oai nghiêm viên mãn của Đại Sư.
Sắc mặt của Đại Sư thật rất tôn nghiêm. Chung quanh thân trong suốt như lưu ly, phảng phất tỏa ra ánh sáng sung mãn. Đôi mắt rộng dài thanh tịnh trong sáng, da thịt mịn màng, mũi cao thẳng đứng, môi hồng dầy chắc, lỗ tai dài, trán rộng bằng phẳng như đảnh của bảo cái, tay chân tròn trỉnh bụ bẫm. Tướng hảo trang nghiêm tựa như trăng rằm mùa thu
tỏa sáng trên hồ sen thanh tịnh.
Người người nhìn thấy tướng hảo của Đại Sư đều sanh tâm an lạc tịch tĩnh, không còn phiền não.
Năm 1357, vào đêm nọ, ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết (22) mộng thấy bổn tôn Đại Oai Đức Kim Cang (23) đột nhiên thị hiện. Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết vui mừng vô hạn, lập tức chí thành chúc tụng Bổn Tôn, rồi thỉnh cầu vị này đến chỉ dạy. Bổn Tôn bèn xoay mình chuyển hướng về phía vùng Tông Khách, bảo:
- Năm nay, Ta sẽ đến vùng đó. Tại đây, Ngươi hãy tu hành an lạc.
Nói xong, Bổn Tôn liền biến mất. Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết không biết ý nghĩa chân thật của điềm mộng đó như thế nào, vội nhập vào tam ma địa (24), dùng lực thần thông để quán sát nhân duyên đời vị lai, nên mới hiểu rõ điềm lành đó. Biết rõ đại sư Tông Khách Ba vừa mới giáng sanh, thì ngày thứ hai ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết liền phái một vị đệ tử tại gia giữ giới hạnh thanh tịnh, dùng nước cam lồ hòa với bột nấu thành thức ăn, cùng mang một tôn tượng Phật Đại Oai Đức Kim Cang, đến nhà của Đại Sư mà chúc mừng.
Quốc sư Cát Mã Ba Nhiêu Tất Đa Kiệt (25). Năm 17 tuổi, do nhận lời mời của vua Mông Cổ là Nguyên Thuận Đế, Quốc Sư rời Tây Tạng lên đường sang Trung Thổ. Khi đi qua vùng Tây Ninh, Quốc Sư gặp chú bé Tông Khách Ba lên ba tuổi trên tay người cha bồng ra nghinh đón; chú bé lộ vẻ thông minh lanh lợi hoạt bát trông rất dễ thương.
Quốc Sư thấy đại sư Tông Khách Ba tướng hảo phi phàm như thế, nên đặc biệt đến nhà truyền năm giới cấm, cùng ban cho pháp danh là Cống Cát Ninh Bố (26). Lúc sắp đi, Quốc Sư thọ ký:
- Vị thánh nhi này trong tương lai sẽ hộ trì chánh pháp của Như Lai tại Tây Tạng, làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh, và được tôn xưng là đức Phật thứ hai.
Sau này, người Tây Tạng và Mông Cổ đều tôn xưng đại sư Tông Khách Ba là "Đệ Nhị Năng Nhân", chính là phù hợp với lời thọ ký của quốc sư Cát Mã Ba.