Từ Mẫu
Năm 1553, đời Gia Thanh thứ ba mươi hai, lên ngôi chẳng bao lâu, vua nhà Minh bỏ ra rất nhiều tiền tài và nhân lực, tu sửa Vạn Lý Trường Thành để chống lại những sự xâm lược của các bộ tộc bắc phương. Ðương thời, quân Nhật Bổn thường xâm nhập, cướp bóc dân chúng vùng đông nam duyên hải. Vì họa hoạn, rất nhiều dân chúng vùng Toàn Tiêu, sông Hoài, gần Nam Kinh bỏ nhà lánh nạn đến những nơi an ổn.
Ðến năm bảy tuổi, do còn nhỏ lại thường bịnh hoạn, cả gia đình cha mẹ ông bà đều thương mến Ngài. Vì thế, trong một tháng Ngài thường nghỉ học cả nửa tháng. Do dạy dỗ không nghiêm của gia đình, Ngài chẳng thể không sanh tật làm biếng. Năm sau, lúc kiểm tra lại việc học, bà mẹ mới phát hiện vấn đề học hành bê tha của Ngài, nên rất lo lắng. Tuy sức khỏe là quan trọng, nhưng việc học cũng rất trọng yếu. Vào năm đó, bịnh tình của Ngài ngày một thuyên giảm, sức khỏe ngày một tráng kiện. Do đó, mẹ Ngài bèn thương lượng với ông chồng, quyết định gởi Ngài đi học tại một ngôi trường cách nhà một con sông. Trường đó, các thầy cô giáo đều là những nhà giáo nổi tiếng trong vùng Toàn Tiêu. Vì sông ngăn cách, việc qua lại rất khó khăn, nên Ngài ở trú tại nhà người chú. Mỗi tháng chỉ về thăm nhà một lần. Tuy rất thương mến, bà Thái Hồng Thị cắn răng gởi con mình đi học, chỉ vì muốn Ngài tập sống độc lập, tự biết lo học hành. Từ nhỏ, Ngài không thích chơi đùa với những đứa trẻ đồng lứa. Tuy nhiên, vào lúc ấy Ngài vẫn là trẻ con, nên đối với cuộc sống mới, hoàn toàn bỡ ngỡ. Thế nên, vừa đến trường học, Ngài phải tập cách đùa giỡn với chúng bạn đồng lứa. Song, vì ẩn nhẫn không nổi, càng ngày Ngài càng muốn trở về nhà. Lần nọ, lúc về thăm nhà, Ngài không muốn trở lại trường học nữa, nên nài nỉ mẹ cho phép ở lại nhà thêm vài ngày. Trong quyển "Mộng Du Toàn Tập", kể rõ rằng từ nhỏ đến lớn, Ngài luôn luôn thương mến cung kính người mẹ. Bình thường, bà Thái Hồng Thị, vốn là bậc từ mẫu, rất thương mến nuông chìu Ngài. Song, lần này vì Ngài không muốn sang sông đi học, nên bà Thái Hồng Thị rất nghiêm nghị. Bà xách roi đánh đuổi Ngài ra tận bờ sông. Ðến bờ sông, Ngài cũng không muốn lên thuyền. Bình thường, bà Thái Hồng Thị ít có nóng giận, nhưng ngày đó vì Ngài không nghe lời nên bà phát nộ dữ dội. Bà nắm đầu tóc Ngài, liệng xuống sông. May mắn, nơi bờ sông có rất nhiều người qua lại. Một người nọ chạy về nhà báo tin cho bà ngoại Ngài. Bà ngoại Ngài liền nhờ người chạy đến kéo Ngài lên bờ và dẫn về nhà. Ngài liền theo bà ngoại về nhà. Vừa thấy Ngài, bà mẹ liền mắng:" Không chịu qua sông đi học, trở về nhà làm chi. Thằng con cứng đầu, cứu nó làm gì ?"
Nói xong bà liền lấy chổi đánh Ngài thêm vài roi. Ngài vừa khóc rống, vừa chạy né tránh roi của bà mẹ. Mẹ Ngài vừa đánh vừa mắng:" Mi là con trai, sao động chút xíu lại khóc ?" Kể từ đó, nhờ sự giáo huấn nghiêm khắc của bà mẹ, Ngài không còn dám bỏ học, trở về nhà nữa. Thế nên, việc học ngày một tiến bộ.
Sau khi Ngài qua sông đi học, bà Thái Hồng Thị mới hiển lộ bản tánh của bà mẹ đối với đứa con trai tám tuổi. Bà đến bờ sông, khóc sướt mước. Bà ngoại Ngài thấy thế, bảo:" Tại sao mi còn khổ tâm ? Lúc thằng con của mi trở về nhà chơi, mi lại vừa đánh vừa chửi mắng, muốn nó phải ra đi. Nay nó đã đi rồi, y như ý thích của mi. Vậy còn khóc lóc gì nữa ?"
Bà Thái Hồng Thị thưa:" Thưa Mẹ ! Vì con muốn nó cắt đứt tình cảm luyến ái gia đình, chỉ lo chăm chú học hành. Sanh ra nó, lẽ nào lại không thương mến ? Nó là con trai, phải học hành đàng hoàng, để trở thành người hữu dụng sau này."
Từ đó, bà ngoại và bà mẹ Ngài thường dẫn nhau đến bên bờ sông, khóc vì thương nhớ Ngài.
Mẹ Ngài thật là một đấng từ mẫu chơn thật. Xưa nay, không bao nhiêu thiếu nhi hư hoại tài trí chỉ vì tình thương nhu nhược của người mẹ. Lớn lên, Ngài thông cảm hiểu rõ thâm ý cung cách dạy dỗ của người mẹ. Sự khổ tâm lo lắng giáo huấn của bà Thái Hồng Thị thật không uổng phí, vì nhờ đó mà sau này Ngài trở thành một vị cao tăng.
Một năm sau, tức lúc chín tuổi Ngài từ từ biết cách học hành. Sống tạm nơi nhà người chú, mỗi ngày sau khi tan học, Ngài thường đến một ngôi chùa để học bài. Thời xưa, các học sinh thường đến chùa viện học hành vì những nơi đó thường có chư tăng học vấn thâm cao dạy dỗ. Lại nữa, nhờ phong cảnh thiên nhiên thanh tịnh trầm lặng, không có những thú vui ồn ào hấp dẫn, nên học sinh dễ dàng chú tâm vào việc học. Vì xa nhà, nên chùa viện thanh tịnh là nơi an ủi tâm hồn cô đơn của đứa bé như Ngài. Lại nữa, mỗi tối thường nghe tiếng tụng kinh của chư tăng, khiến rung động tâm linh không ít. Mỗi lần lên chánh điện, Ngài rất thích được nghe chư tăng tụng đoạn kinh:"...Phật bảo Vô Tận Ý: Này Thiện Nam Tử ! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị bao khổ não, được nghe danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, mà nhất tâm xưng danh hiệu của Bồ Tát. Bồ Tát Quán Thế Âm tức thời quán sát những âm thanh đó, thì những chúng sanh kia đều đắc được giải thoát khổ não. Người thường trì tụng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, nếu gặp nạn lửa lớn, lửa chẳng đốt cháy được, vì do oai thần lực của Bồ Tát. Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát, liền được đến chỗ cạn..."
Sau này, Ngài hỏi một chú tiểu về đoạn kinh đó. Chú tiểu đáp:" Ðó là phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa, nói về hạnh nguyện cứu độ chúng sanh khổ não của Bồ Tát Quán Thế Âm."
Ngài hỏi tiếp:" Hạnh nguyện cứu độ chúng sanh của Bồ Tát Quán Thế Âm như thế nào ?"
Chú tiểu kia hiển nhiên biết mình không thể giải thích rõ ràng, nên chỉ việc tụng thêm một đoạn kinh của phẩm Phổ Môn:" Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sanh vì tìm cầu vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, vào nơi biển cả. Giả sử gió đen thổi thuyền kia đến nước quỷ La Sát. Trong đó, nếu chỉ có một người xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chúng nhơn kia đều được giải thoát khỏi nạn quỷ La Sát. Do vì nhân duyên đó, nên gọi là Quán Thế Âm. Nếu có người sắp sửa bị hại, mà xưng hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì đao kiếm của kẻ muốn hại, liền bị đoạn đứt, nên người kia đắc được giải thoát. Nếu trong ba ngàn đại thiên quốc độ, đầy cả quỷ Dạ Xoa, La Sát, muốn đến não hại, nghe người xưng danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, thì các ác quỷ kia không dám dùng mắt dữ mà nhìn, hà huống gia hại. Lại nữa, nếu người có tội hay vô tội, cầm tù xiềng xích, mà xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì xiềng xích liền bị đứt đoạn, khiến được giải thoát..."
Khi ấy, tuy tuổi còn nhỏ nhưng học thức trí huệ của Ngài vượt hẳn lứa bạn đồng dạng. Nghe văn kinh của phẩm Phổ Môn, tuy không hoàn toàn am tường hết ý nghĩa, nhưng Ngài cũng hiểu đôi chút, nên rất lấy làm thích thú. Do đó, Ngài lập tức xin một bản kinh phẩm Phổ Môn, đem về nhà tụng niệm. Nếu có chữ nào không hiểu, Ngài thường đến hỏi thầy trụ trì. Thầy trụ trì thấy Ngài tuy nhỏ tuổi mà thích tụng đọc kinh điển, nên hết lòng chỉ dạy. Ðôi khi thầy trụ trì cũng kể cho Ngài nghe về sự tích của lịch đại cao tăng như Ðường Huyền Trang qua Ấn Ðộ thỉnh kinh, Ðạt Ma Tổ Sư ngồi thiền xoay mặt vào vách chín năm, v.v...
Ngày thường, mỗi khi học hành xong có chút thời gian rảnh rỗi, Ngài lại tụng đọc kinh điển. Ðối với những lời kinh thâm sâu vi diệu, không thể hiểu nghĩa, Ngài thường tự học thuộc lòng từng chữ. Ví như Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa không ai bắt buộc, mà Ngài lại tự học thuộc lòng. Nếu có ai hỏi duyên cớ, Ngài đáp rằng vì nghe chư tăng dạy bảo tụng niệm phẩm Phổ Môn thì có thể cứu khổ thế gian, nên tự dụng công học thuộc. Bên cạnh, có một nguyên do quan trọng, thúc đẩy Ngài học phẩm Phổ Môn. Số là mẹ Ngài tuy tín thành Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng chưa hề biết đến hạnh nguyện của Bồ Tát như được trình bày trong phẩm Phổ Môn. Nhằm báo đền ân sâu của từ mẫu, Ngài cố học thuộc lòng phẩm Phổ Môn và chờ đúng dịp để đọc. Lần nọ, về thăm nhà Ngài đi theo mẹ đến chùa lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm. Lễ bái xong, Ngài thưa với mẹ:" Thưa mẹ ! Có một quyển kinh nói về hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm. Mẹ có biết không ?"
Bà Thái Hồng Thị ngạc nhiên, bảo:" Mẹ chưa từng nghe đến."
Ngài thưa tiếp:" Ngày thường, khi lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm, mẹ niệm như thế nào ?"
Bà Thái Hồng Thị đáp:" Suốt đời, mẹ luôn niệm bảy chữ chơn ngôn 'Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát', nên được cảm ứng vô cùng."
Ngài thưa:" Thưa mẹ ! Bảy chữ chơn ngôn này tuy hàm ý bao la vạn tượng, nhưng thiết thật vẫn chưa bằng phẩm Phổ Môn. Nay con sẽ tụng lại cho mẹ nghe."
Nói xong Ngài liền xướng tụng:" ...Chúng sanh bị khổ ách, vô lượng khổ bức thân, Quán Âm diệu trí lực, năng cứu khổ thế gian, đầy đủ sức thần thông, rộng tu trí phương tiện, mười phương các cõi nước, không chỗ chẳng hiện thân, bao loại chư ác thú, địa ngục quỷ súc sanh, sanh già bịnh chết khổ, từ từ đuợc tiêu diệt. Chân quán thanh tịnh quán, quảng đại trí huệ quán, bi quán cùng từ quán, thường nguyện thường chiêm ngưỡng, vô cấu thanh tịnh quang, huệ nhật phá chư ám, năng phục nạn gió lửa, sáng khẳp chiếu thế gian, bi thể giới sấm chớp, từ ý diệu mây to, ban mưa pháp cam lồ, diệt trừ lửa phiền não. Kiện tụng nơi cửa quan, sợ hãi trong quân trận, niệm nhớ Quán Âm lực, các oán đều thối tán. Diệu Âm Quán Thế Âm, Phạm Âm Hải Triều Âm, vượt hơn thế gian âm, vì thế phải thường niệm, niệm niệm chớ sanh nghi, Quán Âm bậc tịnh thánh, nơi khổ não tử ách, làm nơi chỗ nương tựa, đầy đủ tất cả công đức, mắt từ nhìn chúng sanh, biển phước tụ vô lượng, phải nên thường đảnh lễ..."
Tụng xong, Ngài giải thích nghĩa của từng câu, y như lời dạy của vị hòa thượng trụ trì thuở trước. Bà Thái Hồng Thị lặng thinh lắng nghe, nhưng nước mắt chảy ròng. Ðợi Ngài giải thích xong, bà ôm chầm lấy đứa con trai, bảo:" Con học được từ nơi nào vậy ?"
Ngài thưa:" Con thường đến chùa viện, nghe chư tăng tụng niệm ngày đêm, nên mượn quyển kinh này về học thuộc lòng."
Bà mẹ nói:" Lạ thật ! Giọng của con thật giống như âm thanh tụng kinh của các hòa thượng lớn tuổi."
Khi đó, trí huệ của Ngài thiết thật vượt hẳn chúng bạn, nhưng ít khi biểu hiện ra ngoài. Tuy biết con mình thông minh, ngày ngày bà Thái Hồng Thị vẫn nhắc nhở thúc giục Ngài học hành. Mới mười tuổi, Ngài không tránh được tánh thích chơi đùa. Vì ngày ngày luôn bị bà mẹ đốc thúc hành, Ngài tự nhiên nảy sanh tư tưởng chán học. Tuy vậy, Ngài không còn dùng cách thức phản kháng tiêu cực bình thường của các đứa trẻ đồng dạng như trốn học mà lại bắt đầu cùng bà mẹ đối đáp lý lẽ. Ngày nọ, bà Thái Hồng Thị vẫn bảo Ngài lấy sách vở ra học. Vì nhẫn không nổi, Ngài liền thưa hỏi mẹ:" Thưa mẹ ! Con có việc muốn hỏi. Khi hỏi, xin mẹ chớ trách mắng."
Bà Thái Hồng Thị tuy biết thằng con của mình sẽ dùng những lý lẽ quái lạ để bào chữa cho việc làm biếng học hành, nhưng lại không muốn dùng những phương pháp bức bách như xưa. Bà cũng nghĩ rằng đây là cơ hội để răn nhắc giáo dục nó thêm, nên bảo:" Con cứ nói. Mẹ không phiền trách đâu."
Nghe thế, Ngài an tâm mạnh dạn hỏi:" Thưa mẹ ! Cả ngày từ sáng đến tối, mẹ bắt con học hành, vậy có lợi ích gì ?"
Bà Thái Hồng Thị bảo:" Người xưa bảo rằng trong sách vở tự có nhà bằng vàng ngọc. Hôm nay nếu con lo lắng học hành giỏi dang thì mai sau sẽ đổ đạt trạng nguyên, ra làm quan lớn."
Xã hội của nước Tàu rất trọng học vấn, như câu:" Mọi việc đều là thấp kém, chỉ có học vấn là cao."
Con cái dân thường chỉ nhờ học vấn mà tiến thân trên đường quan lộ, tức có danh phận trong xã hội.
Với tư tưởng đó, bà Thái Hồng Thị nói tiếp:" Từ chức quan nhỏ, trong tương lai nếu có khả năng, sẽ dần dần tiến lên chức tể tướng. Khi đó, làm đại quan chỉ dưới nhà vua, nhưng lại hơn muôn người."
Bà mẹ tưởng rằng nói đến chức vị tể tướng sẽ hấp dẫn con mình, nào ngờ Ngài lại hỏi thêm:" Thưa mẹ ! Ðược chức tể tướng rồi, lại còn có chức nào cao hơn nữa không ?"
Bà Thái Hồng Thị gập ngừng đáp chẳng được:" Làm tể tướng rồi..."
Ðối với quyền thế oai phong của chức tể tướng, bà Thái Hồng Thị khó mà giải thích cặn kẻ cho thằng con mười tuổi hiểu được. Vả lại, cả đời bà thường ở trong huyện thành nhỏ, ít khi đi xa thì làm sao biết rõ việc của quan trường. Ðối với việc này, bà chỉ nghe qua nhờ những lời giảng giải của ông chồng. Vì vậy bà đáp:" Làm tể tướng rồi, nếu muốn thì có thể từ quan về hưu."
Nghe thế, Ngài hỏi thêm:" Cả một đời khổ cực học hành. Vậy mà đến chức tể tướng, rồi lại về hưu. Như thế làm quan có ích lợi gì ?"
Bà Thái Hồng Thị hỏi:" Sao con không muốn tiến thân làm quan ?"
Thật ra, bà Thái Hồng Thị chẳng phải nói thế để vạch rõ con đường tiến thân làm quan cho Ngài, mà chỉ vì muốn khuyến khích con mình học hành. Vì vậy bà hỏi lại:" Vậy thì tương lai con muốn làm gì ?"
Không suy nghĩ, Ngài đáp:" Thưa mẹ ! Tương lai, con nhất định làm việc mãi, chẳng muốn từ chức về hưu."
Bà Thái Hồng Thị bảo:" Chỉ có làm tăng sĩ du phương mới không từ chức về hưu."
Ngài thường được vị hòa thượng trụ trì nhắc đến những lời này tại ngôi chùa viện năm xưa. Thế nên, Ngài lại hỏi:" Thưa mẹ ! Làm tăng sĩ có hay lắm không ?"
Bà đáp:" Tăng sĩ là đệ tử xuất gia của Phật đà, thường luôn du phương hành cước khắp thiên hạ, tự do tự tại, không đắm chấp vào ăn mặc chỗ ở, đi đến nơi nào, đều được người người cúng dường y phục thức ăn. Tương lai sẽ thành Phật, gia đình được tiếng thơm."
Nghe vậy, Ngài vui mừng đáp:" Như vậy, con sẽ làm tăng sĩ."
Nhận biết tâm tư con mình muốn xuất gia làm tăng sĩ, bà liền bảo:" Thằng ngu ! Xuất gia đâu phải là chuyện dễ làm. Phải xem coi con có duyên phần và đủ phước đức không nữa !"
Ngài hỏi:" Xuất gia làm tăng sĩ, sao lại cần có phước đức ?"
Bà đáp:" Ðương nhiên là phải cần có phước đức. Ðường quan lộ tuy thường gặp hiểm nạn, nhưng xuất gia để tu thành Phật lại càng khó gấp trăm ngàn lần. Trên thế gian, rất nhiều người làm trạng nguyên, nhưng lại rất ít người làm Phật Tổ. Mẹ thấy con chỉ nói lời xàm bậy. Hãy bỏ ý định đó đi."
Ngài thưa:" Thưa mẹ ! Con tự biết mình có phần phước đức. Tuy nhiên, chỉ sợ rằng mẹ không đành lòng cho con đi xuất gia thôi."
Nghe vậy, bà đột nhiên toát mồ hôi, như linh cảm có điều chi sẽ xảy ra. Bà nghĩ:" Trời ơi ! Thằng con của tôi lại muốn đi tu thật sao ?"
Tuy nhiên, vì suốt đời bà luôn chân thành khẩn thiết lễ bái cúng dường chư Phật cùng Bồ Tát Quán Thế Âm, nên không dám nói lời lừa lộc con mình:" Này con ! Ngày nào đó, vì duyên phận đã định, nếu con có phần phước làm quan hay làm hòa thượng, sao mẹ lại không cho phép ! Tuy nhiên, hãy giữ kín chuyện này giữa mẹ và con thôi nhá !"
Tưởng đối đáp cho qua loa, ai ngờ rằng chính bà Thái Hồng Thị đã giúp Ngài vạch rõ con đường xuất gia làm tăng sĩ. Sau này, Ngài được vào chùa xuất gia mau chóng, phần lớn là do ảnh hưởng của mẹ mình.
Không những bà Thái Hồng Thị kiên thành lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm mà còn tin Phật trọng Tăng. Bà thường cúng dường y phục ẩm thực cho các du tăng hành khất đến nhà.
Ngày nọ, vào năm mười một tuổi, đang chơi trước sân nhà, Ngài chợt thấy có vài vị tăng hành khất, mặc y trăm mảnh, điềm đạm đi đến từng nhà trong thành khất thực.
"Mô Phật ! Xin tiểu thí chủ từ bi bố thí cho tăng nhân hành khất !"
Vì đã từng tới lui chùa viện học hành cùng luôn được bà mẹ hun đúc ý niệm xuất gia, nên đối với tăng sĩ, Ngài có cảm tình đặc biệt. Tuy đắp y phục giống như chư tăng ở các tự viện vùng lân cận, nhưng trên gương mặt của họ hiện ra những nét khổ hạnh. Thấy họ, Ngài không biết phải xưng hô đối đãi như thế nào, nên chạy thẳng vào nhà báo tin cho bà mẹ biết. Ngài thưa:" Thưa mẹ ! Có các lão hòa thượng từ xa, đứng trước nhà mình, không biết họ muốn gì ?"
Bà mẹ đáp:" Họ là những vị du tăng, đều có học vấn cao. Ðể mẹ ra ngoài xem sao."
Thấy bà từ nhà bước ra, các vị du tăng liền để nón xuống bên cạnh gốc cây trước nhà, chào nói:" Mô Phật ! Xin nữ thí chủ từ bi bố thí vài chén cơm."
Bà đáp:" Xin thỉnh quý thầy vào nhà."
Nói xong bà liền dẫn họ vào nhà khách, rồi pha trà, cúng dường cơm nước. Ngài đứng bên cạnh xem xét từng cử chỉ của khách tăng, thấy họ chắp tay cung kính tụng niệm một loạt bài kinh, rồi mới dùng cơm. Những cử chỉ hành động thư thả nhẹ nhàng trầm lặng của họ, khiến Ngài rất thích thú. Dùng cơm nước xong, họ cáo từ chuẩn bị tiếp tục lên đường. Ra đến ngoài sân, vị tăng dẫn đầu chắp tay ra dạng cám ơn. Thấy thế, bà Thái Hồng Thị chợt núp sau cánh cửa, quỳ lạy thưa:" Xin thỉnh quý thầy chớ nói lời cám ơn."
Cử chỉ của bà, đối với khách tăng thật là bình thường, nên họ không còn chắp tay thi lễ, chỉ đi thẳng ra đường lộ. Thấy họ đã đi xa, Ngài ngờ ngợ hỏi bà mẹ:" Thưa mẹ ! Tại sao các khách tăng kia quá lạ kỳ ? Ăn cơm của nhà mình xong rồi, chẳng thèm cám ơn, lại đi tuốt mất."
Bà Thái Hồng Thị nghe thế, liền lấy tay bịt miệng Ngài lại, bảo:" Con chẳng biết rằng chư tăng hành khất đến nhà mình hóa duyên, đó là cơ hội tạo phước cho gia đình mình. Nếu vừa rồi mẹ nhận lời cám ơn của họ thì phước đức sẽ mất hết."
Tuy chẳng hiểu lý lẽ trên, nhưng Ngài vẫn gật đầu. Từ đó, hình ảnh chư tăng hành khất luôn hiển hiện trong tâm tư của Ngài. Ý tưởng xuất gia làm tăng của Ngài, ngày một mạnh mẽ.
Năm mười hai tuổi, khác với bạn bè đồng lứa chỉ biết đùa giỡn, Ngài đã quyết chí xuất gia. Ngài trở thành một thiếu niên lão thành niệm Phật, khiến cho ông cha ưu sầu. Việc bà vợ thường lễ bái chư Phật, cúng dường chư tăng, ông Thái Ngạn Cao không phản đối. Biết ý con mình muốn làm hòa thượng, ông chỉ cười đùa. Dần dà ông nhận biết ý tưởng xuất gia của con mình ngày một mạnh mẽ qua những cử chỉ hành động, ra dáng làm hòa thượng của Ngài. Càng ngày, Ngài càng làm biếng, trể nãi học "Tứ Thư", "Ngũ Kinh" cho việc khoa cử. Thấy thế, ông vội đi khắp nơi, định tìm con gái nhà khuê các để gã cho thằng con, hầu mong ngăn chặn ý tưởng xuất gia của nó. Phong tục tập quán của người Tàu là tìm vợ cho con trai sớm chừng nào thì được phước thọ nhiều chừng đó. Vì là gia đình đại phú hộ, cộng thêm danh tiếng thiếu niên hiếu học lão thành, nên việc cầu hôn cho Ngài rất dễ dàng. Tuy nhiên, Ngài tỏ vẻ thái độ kiên quyết khước từ phản đối. Theo quan niệm "tam cương ngũ thường", "đạo đức nhân luân", Ngài thật bất hiếu với cha mình. Tuy vậy, nhờ sự tán trợ của bà mẹ, cha Ngài phải miễn cưỡng ngưng việc cầu hôn. Biết rõ ý định của người cha muốn cầu hôn cho mình, Ngài luôn luôn lo sợ không ngừng, suy nghĩ tìm cách xuất gia. Xuất thân từ gia đình giàu có, Ngài tự định lập chí hướng cao cả, khác hẳn với những kẻ đi tu chỉ vì muốn nương nhờ chùa viện ban cho miếng cơm manh áo. Do nhớ rõ những lời giảng dạy của vị hòa thượng trụ trì thuở xưa, Ngài quyết chí xuất gia làm Tổ, thành Phật. Muốn được toại nguyện, đầu tiên Ngài phải thân cận các vị hòa thượng đạo cao đức trọng. Lần nọ, Ngài hỏi thăm một vị hòa thượng từ Nam Kinh đến, được bảo rằng tại chùa Báo Ân ở Kim Lăng, tức Nam kinh, có một vị hòa thượng đạo cao đức trọng, tên là Tây Lâm. Nghe qua danh tiếng, Ngài tự nhủ thầm rằng hòa thượng Tây Lâm chính là thầy của mình. Tối đến, Ngài trịnh trọng cầu xin người cha cho phép đến chùa Báo Ân ở Kim Lăng học hành. Biết rõ ý của con mình là muốn xuất gia chứ chẳng phải vì việc học hành, nên cha Ngài cố tình bỏ lơ, khiến tình cha con ngày một cách xa. Khi ấy, tuy chỉ mười hai tuổi, Ngài đã kiên quyết hướng về cửa Phật, nên phải xung đột trực diện với người cha. Ngài bắt đầu đóng cửa phòng, nhịn ăn, nhịn uống, không nói năng với ai, kiên quyết muốn đạt được mục đích xuất gia. Người trong nhà không biết cớ sự gì cả. Ðể biểu hiện ảnh hưởng quyền thế trong gia đình, mẹ Ngài nói với người cha:" Làm quan hay làm hòa thượng đều do duyên phận. Không nên cưỡng cam ép quýt. Thằng nhỏ nhà mình do Bồ Tát Quán Âm trong mộng bồng đến. Biết đâu nó có duyên phận thành Phật. Tuy nuôi con, nhưng phải để cho nó tự lập chí. Ông hãy để cho nó đi Kim Lăng học hành. Cưỡng ép nó ở nhà rồi khiến sanh bịnh, hối hận chẳng kịp."
Cha Ngài chẳng đối đáp được, nên phải đồng ý. Nhờ bà mẹ trợ giúp, tháng mười năm đó, Ngài được toại ý nguyện, đi từ Toàn Tiêu đến Kim Lăng, diện kiến hòa thượng Tây Lâm. Lúc ấy, thuộc đời Minh, triều Gia Thanh thứ ba mươi sáu (1557).