Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Chương VI

12/ Ngày mười một tháng tư.
13/ Ngày mười lăm tháng tư. Khai thị nhân dịp kiết hạ an cư.
14/ Ngày mười sáu tháng tư.
15/ Ngày mười bảy tháng tư.
16/ Ngày hai mươi mốt tháng tư.
17/ Ngày hai mươi hai tháng tư.
18/ Ngày hai mươi ba tháng tư.
19/ Ngày hai mươi lăm tháng tư.
20/ Ngày hai mươi sáu tháng tư.
21/ Ngày hai mươi bảy tháng tư.
22/ Ngày hai mươi tám tháng tư.


12/ Ngày mười một tháng tư [^]

Hai ngày qua, lão già này làm phiền quý vị rất nhiều. Nhà cầu cũ đã hư, mà nhà cầu mới vẫn chưa xây xong, khiến quý vị đi đại tiểu tiện khó khăn. Cuộc sống trên thế gian này đều là khổ, chỉ vì chưa hiểu rõ lý biến hóa. Việc này không hài lòng, việc kia không vừa ý. Xem xét kỸ càng, vạn vật biến hóa tồn tại do động vật cùng thực vật hỗ tương bồi dưỡng. Tất cả động vật đều thải bỏ phẩn uế. Nếu chê là bất tịnh, tức chấp trước vào màu sắc, hương vị. Nơi năm sắc, năm vị, cảnh duyên tốt xấu, đều bị động niệm. Đối với người tu hành, cũng chưa có thể rời khỏi việc ăn uống ngủ nghỉ. Bàn về việc ăn chay, phải dùng năm loại ngũ cốc rau quả. Lúc trồng trọt, nếu không có phân bón thì không thu hoạch được nhiều. Phẩn uế vốn là phân bón rất tốt. Thực vật hấp thụ phân bón dinh dưỡng càng

nhiều thì sanh trưởng càng mau. Con người ăn rau quả, có phải là dùng phẩn uế không? Ăn no lại thải bỏ phẩn uế, rồi lại dùng làm phân bón. Cứ xoay vần như thế, động vật dung dưỡng thực vật, và thực vật nuôi dưỡng động vật. Phẩn uế biến thành thức ăn. Thức ăn biến thành phẩn uế. Lúc ăn sao chỉ thấy mùi vị ngon thơm mà không cho đó là bẩn thỉu? Thức ăn là như thế, còn y phục chỗ ở cũng vậy. Hoa gấm của vải bố, cây gỗ của nhà cửa, đều cần dùng phân bón để trồng. Vì vậy, những gì chúng ta đang mặc và đang trú ở đều là bẩn thỉu.

Lúc đang sửa nhà cầu mới, hãy tạm dùng nhà cầu cũ. Phải nên dùng vật liệu của nhà cầu cũ để xây nhà cầu mới và chuồng trâu. Nếu hôm nay không dùng, mai đây gỗ bị mục thúi, thì sẽ chiêu cảm quả báo lạm phí. Bàn về sự thúi mục, thật ra trong và ngoài thân của chúng ta đều hôi hám thúi tha hết. Nếu hiểu được lý này, thì muôn vật đều dơ đều sạch, đều không dơ không sạch.

Có vị tăng hỏi ngài Vân Môn:

- Thế nào là Phật?

Ngài Vân Môn đáp:

- Que cứt khô!

Que cứt khô là Phật. Phật là que cứt khô. Ý này như thế nào? Nếu nghĩ rằng lời này thật phạm thượng, tức bị sắc tướng chuyển. Phải nhìn thấu suốt, như như bất động, muôn sự vô ngại. Nếu muốn không bị cảnh chuyển, tất yếu phải dụng công. Nơi động tịnh đều vô tâm, phàm thánh tình không, sao còn có dơ sạch? Ngôn ngữ người xưa, lập lại thì được, nhưng hành chẳng xong. Ý nghĩa của câu trên, khó mà giải đáp. Sao lại phạm thượng, đem que cứt khô so sánh với Phật, một đấng tôn quý vô cực, trong loài trời người? Người thấy tâm rõ tánh, khi nhìn sự vật liền sáng tâm. Khi không có vật, thì tâm chẳng hiện. Người hiểu rõ tâm địa, nơi tất cả động tịnh dơ sạch đều là tâm.

Tăng hỏi ngài Triệu Châu:

- Thế nào là Phật?

Triệu Châu đáp:

- Là điện lý.

- Điện lý có phải là cái tượng bằng đất không?

- Phải.

- Con không hỏi ông Phật đó.

- Vậy ông hỏi Phật nào?

- Phật chân thật.

- Điện lý.

Phải hiểu rõ những lời đối đáp trên. Phải biết rằng tất cả đều do tâm tạo. Bàn về lý, thấy vật tức là thấy tâm. Nơi mọi cử chỉ hành động, phải nên hạ thủ công phu, thì mới có phần lợi ích. Nơi nơi vốn là đạo tràng. Nếu tâm chấp trước sạch dơ, phàm thánh, thì chốn chốn đều bị chướng ngại. Hãy hành thử xem sao! Lúc lên chánh điện hay xuống nhà cầu, phải thường phản chiếu trở lại tâm mình.

13/ Ngày mười lăm tháng tư. Khai thị nhân dịp kiết hạ an cư [^]

Tối hôm qua, thầy tri khố thưa với tôi rằng ngày mai kiết hạ an cư, phải thiết lễ đãi trà bánh, nhưng mua không được trái cây gì cả. Trong kho không còn chi hết, vậy phải làm gì? Tôi đáp rằng lão tăng ở trong am tranh, chẳng biết thời gian. Lúc thấy trăng tròn thì biết là ngày rằm. Lúc không thấy ánh trăng thì biết là ngày ba mươi. Cỏ tươi xanh thì biết là mùa xuân. Tuyết rơi, biết là mùa đông. Uống trà hay uống nước, tôi chẳng hề để ý đến. Cũng vì việc chẳng thèm để ý đến mà khiến mình tự xấu hổ. Lúc trẻ, chạy bôn ba khắp nơi, lăng xăng lộn xộn cả vài thập niên. Ngày nay, đầu bạc mà chưa thành tựu được gì. Lãng phí thời giờ thật quá nhiều. Vì vậy, thiết lễ đãi trà bánh là việc của hòa thượng trụ trì, chứ chẳng phải của tôi.

Thời tiết trong mỗi năm, các tông phái phân định thời gian khác nhau. Theo Thiền tông, một năm có hai quý, tức bắt đầu vào ngày rằm tháng giêng cùng rằm tháng bảy. Quý mùa đông thì tham thiền, còn quý mùa hạ thì tu học. Trong luật chia ra làm bốn quý. Rằm tháng giêng thì giải thiền thất mùa đông. Rằm tháng tư thì nhập hạ an cư. Rằm tháng bảy thì giải kiết hạ an cư. Rằm tháng mười thì kết thiền thất. Đấy là bốn ngày quan trọng trong năm. Vì vậy, theo giới luật, hôm nay chính là ngày kiết hạ an cư, ngồi cỏ kiết tường, chuẩn bị kiết giới. Trong chín mươi ngày đêm, không thể bước ra khỏi giới đường.

Phật chế kiết hạ an cư vì nhiều lý do. Mùa hè, trên đường xá có rất nhiều côn trùng. Vì đức Phật lấy lòng từ bi làm căn bản, nên sợ rằng trong mùa hè, nếu bước ra đường, sẽ dẫm đạp côn trùng. Ngày thường, cỏ xanh cũng không thể dẫm đạp. Vì vậy, vào mùa hè chư tăng phải ở cấm túc trong chùa, để hộ trì sanh mạng chúng sanh.

Lại nữa, mùa hè trời nóng nực, ra ngoài hóa duyên, mồ hôi thấm ướt y áo, mất cả oai nghi, nên phải cấm túc ở trong giới đường. Đồng thời, trong mùa hè phụ nữ ăn mặc áo quần lòe lẹt hở hang, chẳng có chút oai nghi. Tăng sĩ vào nhà họ hóa duyên, thật rất bất tiện, nên phải kiết hạ an cư.

Xưa kia, ngài Văn Thù kiết hạ an cư tại ba chỗ, nên bị ngài Ca Diếp đuổi ra. Ngài Ca Diếp vừa đuổi ngài Văn Thù ra khỏi chùa thì lại thấy muôn ngàn hóa thân của ngài Văn Thù ở trong chùa. Ngài Ca Diếp dùng hết thần lực, nhưng không thể đuổi được ngài Văn Thù. Vì vậy đức Thế Tôn hỏi:

- Này Ca Diếp, ông định đuổi Văn Thù nào ra khỏi chùa?

Ngài Ca Diếp không lời đối đáp. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rõ, sự dụng công và thần lực của Đại Thừa cùng Tiểu Thừa không đồng. Cảnh giới Thanh Văn và Duyên Giác khác nhau.

Chiều hôm qua, trong tu viện, các thầy ban thủ lên chánh điện, quét dọn, sắp đặt bài vị. Sáng nay, tăng chúng lên chánh điện làm lễ, xướng "Án nại ma ba yết hổ đế" ba lần, rồi lại lễ bốn vị thánh. Kế đến, ra ngoài chánh điện lễ tổ, rồi đánh khánh ba lần, báo hiệu bắt đầu an cư kiết hạ. Đảnh lễ hòa thượng trụ trì xong, tăng chúng đối mặt nhau, mở tọa cụ, đồng lễ ba lạy. Kế tiếp, đến phòng phương trượng, nghe hòa thượng trụ trì thuyết pháp. Buổi sáng bận rộn mệt nhọc. Buổi trưa ăn uống trà bánh. Nơi trai đường, hòa thượng trụ trì giảng trà thoại. Lúc đó, theo giới luật, không cần lên tòa thuyết pháp.

Xưa kia, nơi các tùng lâm tự viện, nếu có chuông bản thì mới được gọi là thường trụ. Tại sao nơi đây không được gọi là thường trụ? Hiện tại, trên núi Vân Cư, chỉ toàn là am tranh, nhưng lại giống như các tự viện. Nơi đây văn chẳng phải văn, võ chẳng phải võ. Tất cả mọi việc đều do hòa thượng trụ trì an bày. Hiện nay, vì hòa thượng trụ trì không có ở đây, nên tôi tạm thay mặt Ngài, giảng giải vài lời, để kể về cung cách tham tầm học đạo của người xưa cho quý vị sơ phát tâm nghe.

Lúc đến am tranh này, vì thống thiết niệm nhớ sanh tử, nên tôi luôn đề hai chữ này trên đầu lông mi, sao còn dám giỡn cợt, lãng phí thời gian! Người tham thiền học đạo, phải biết tự chủ, chớ để cảnh chuyển. Người xưa thiết tha, dạy dỗ kẻ hậu lai, nơi động tĩnh đều phải nhận ra chính mình; trong mười hai thời, chớ quên mất mình. Hòa thượng Kim Ngưu ở Trấn Châu mỗi ngày tự nấu cơm, cúng dường tăng chúng. Tới giờ thọ trai, Ngài mang thùng cơm đến trai đường, vừa ca vừa hát:

- Chư Bồ Tát, hãy đến đây ăn cơm!

Có vị tăng hỏi Vân Môn:

- Đàm luận thế nào để hơn Phật hơn Tổ?

Ngài Vân Môn đáp:

- Bánh hồ.

Vì vậy, người sau có viết kệ:

"Bánh hồ Vân Môn.
Trà Triệu Châu.
Vói tay lấy làm nhà.
Nhai kỸ gió xanh có mùi vị
Ăn no trăng sáng vẫn còn thừa".

Nhất cử nhất động, chư tổ sư luôn phá sự chấp trước, để khiến chúng ta hiểu rõ tất cả đều là Phật pháp.

Thiền sư Nham Lợi Tùng người Tử Hồ ở Cù Châu, viết kệ cho các đồ đệ:

"Tử Hồ có một con chó.
Phía trên giữ đầu người.
Ở giữa giữ tâm người.
Phía dưới giữ chân người.
Vừa bàn bèn mất mạng".

Tăng đến tham vấn, Ngài bảo:

- Xem chó!

Hòa thượng Bích Ma Nham tại núi Ngũ Đài, thường cầm một cây ba chỉa. Mỗi lần thấy tăng đến lễ bái, liền dí cây ba chỉa vào cổ, bảo:

- Ma mị nào dạy ông xuất gia? Ma mị nào dạy ông đi hành cước? Đắc đạo cũng chết dưới cây ba chỉa. Chẳng đắc đạo cũng chết dưới cây ba chỉa. Đi mau! Đi mau!

Thiền sư Vô Ân ở núi Hòa Sơn, tỉnh Kiết Châu, nếu có học nhân nào đến tham vấn, đều đáp:

- Hòa Sơn giải, đánh trống.

Ngoài ra, vài vị tổ sư, chuyên môn đánh đuổi chửi mắng các học nhân.

Hiểu được thì tất cả đều là đạo. Hiểu không nổi thì bị cảnh chuyển. Việc này không như ý; việc kia không như pháp. Gặp cảnh hoang mang, liền phá tan rừng công đức. Lửa tâm cháy phừng phừng, đốt rụi hạt giống Bồ Đề, làm sao cắt đứt sanh tử? Bàng hoàng không như ý, muôn việc chẳng hiện thành. Chính nơi đó, phải hàng phục tâm mình. Nơi cảnh chưa tự làm chủ, tức là khổ. Nói được nhưng không làm được, tức nhiên là sai. Càng nói nhiều thì càng sai nhiều. Thật rất xấu hổ.

Tô Đông Pha, lúc ở tại Trấn Giang, làm bài kệ tán thán Phật:

"Thánh chúa thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi tòa sen vàng hoe".

Viết xong, ông ta gởi đến chùa Kim Sơn, để nhờ thiền sư Phật Ấn ấn chứng. Xem kệ xong, thiền sư Phật Ấn liền lật ra đằng sau tờ giấy đó, viết bốn chữ "đánh rấm, đánh rấm", rồi gởi lại cho Tô Đông Pha. Đọc bốn chữ đó, Tô Đông Pha giận dỗi hết sức, nên chèo thuyền sang sông, đến chùa Kim Sơn, hỏi thiền sư Phật Ấn:

- Bài kệ của tôi sai chỗ nào mà thầy lại dám đề bốn chữ kia?

Thiền sư Phật Ấn ôn tồn bảo:

- Ông nói 'Tám gió thổi chẳng lai động'. Tại sao chỉ vì bốn chữ kia, mà vượt sông đến đây?

Chúng ta giống như Tô Đông Pha, nói được mà làm chẳng được. Một chuyện nhỏ cũng đủ để sanh tâm uất khí, nói chi đến "tám gió thổi chẳng động".

Người xuất gia tính toán tuổi khác với người tại gia. Nếu tính theo mùa hạ, tức qua một mùa hạ, thì tăng thêm một tuổi hạ. Nếu tính theo mùa đông, tức qua một mùa đông thì được thêm một tăng lạp. Hôm nay kiết hạ an cư, đến rằm tháng bảy mới giải hạ. Ngày mười bốn, mười lăm, mười sáu tháng bảy, được gọi là những ngày tự tứ. Chữ Tự Tứ, xưa kia được phiên dịch từ chữ Phạn, tức là Bát Thích Bà Noa. Cựu dịch gọi là Tự Tứ. Tân dịch gọi là Tùy Ý. Những ngày đó, tự mình cử tội ra và sám hối trước mặt tăng chúng. Đó là tự tứ. Lại nữa, tự tứ còn có nghĩa khác là tùy ý sửa đổi, tức tùy theo ý của người khác mà cử tội mình. Đây là pháp Phật chế ra để phê bình lẫn nhau cùng tự phê bình. Ngày nay, Phật giáo trong nước vì không có ngày lễ tự tứ, nên đối với người chẳng dám nói lời chất trực.

Nơi đây chẳng phải am tranh, chẳng phải tùng lâm tự viện, chẳng phải văn hay võ, mà kết hạ an cư. Vì vậy, tùy theo thời tiết mà đàm luận những việc đông tây.

14/ Ngày mười sáu tháng tư [^]

Hôm nay, trời mưa dầm dề, gió đông thổi lạnh thấu xương. Đại chúng không quản ngại việc gieo lúa mạ cực nhọc mà đến đây, vậy mong muốn việc gì? Xưa kia, tổ Bá Trượng bảo đại chúng:

- Quý vị giúp tôi khai khẩn đất đai. Tôi thuyết diệu pháp cho quý vị nghe.

Khai khẩn đất đai xong, đến tối tổ Bá Trượng thượng đường, đại chúng liền thưa:

- Ruộng rẫy đã khai khẩn xong. Vậy nay thỉnh Đại Sư thuyết nghĩa diệu pháp.

Tổ Bá Trượng liền bước xuống sàng thiền, đi ba bước, dang hai cánh tay, mắt nhìn trời đất, bảo:

- Đại nghĩa của ruộng vườn (diệu pháp), nay vẫn còn giữ lại.

Mọi người hãy suy nghĩ xem coi tổ Bá Trượng nói những gì? Phải nên dụng tâm để hiểu rõ lời chỉ dạy của thánh nhân.

Trải qua bao thập niên, tôi vì nghiệp chướng nên lừa lẫn Phật ăn cơm, rờ đầu mà chẳng được đuôi. Lại nữa, không thể phụ giúp quý vị lao động. Muốn nói mà không thể nói được, chỉ miễn cưỡng dùng lời của người xưa mà đối đáp, đàm luận. Hòa thượng Chí Công viết bài "Kệ tụng mười hai thời", trong đó có bài kệ tụng giờ thìn như sau: "Ăn giờ thìn, vô minh vốn là thân Thích Ca. Chẳng biết nằm ngồi vốn là đạo, chỉ bận rộn khổ cực suốt ngày. Lầm chấp âm thanh sắc tướng, tìm kẻ thân người sơ, chỉ khiến ô nhiễm nhà người. Nếu định dùng tâm cầu Phật đạo, hãy tự hỏi rằng trong hư không, có thể nắm bắt được bụi trần không?"

Đi đứng nằm ngồi là đạo. Khai khẩn ruộng vườn cũng là đạo. Ngoài thế gian pháp chẳng tìm được Phật pháp. Phật pháp và thế gian pháp không đồng không khác. Phật pháp là thể. Thế gian pháp là dụng. Trang Tử bảo:

- Đạo tại phẩn tiểu.

Đi đại tiểu tiện cũng là đạo. Ngài Cao Phong viết bài kệ cấy mạ:

"Tay cầm mạ xanh cấy khắp ruộng
Cúi đầu thấy nước xanh trên trời
Sáu căn thanh tịnh đều là đạo
Tiến lùi vốn là bước phía trước".

Phật pháp chẳng đồng chẳng khác. Ngàn ánh đèn đồng một ánh sáng. Lúc cấy lúa, đạo ngay trên tay quý vị đó. Đi đứng nằm ngồi là đạo. Cấy lúa là đạo. Cúi đầu tức là hồi quang phản chiếu. Nước xanh phản chiếu trên nền trời. Tâm thanh tịnh liền thấy thiên tánh. Sáu căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, hòa với âm thanh, sắc tướng, mùi hương, hương vị, xúc chạm, và vạn pháp, đều cùng đạo giao phối. Nếu cho rằng không thanh tịnh thì chẳng có đạo. Phật tánh như ánh đèn. Trong phòng nếu có một ngọn đèn, thì ánh sáng của ngọn đèn đó tỏa khắp. Nếu đặt ngàn ngọn đèn trong một căn phòng, thì ánh sáng của những ngọn đèn đó tỏa chiếu khắp phòng, không ngăn ngại nhau. Núi sông hoàn vũ, sum la vạn tượng cũng như thế, không ngăn ngại nhau. Nếu hồi quang phản chiếu, nhìn lại chính mình, thì sẽ thấy được thiên tánh, tức sáu căn liền thanh tịnh, nơi nơi đều là đạo. Nếu muốn sáu căn thanh tịnh, phải nên lùi bước. Kinh Lăng Nghiêm thuyết: "Nếu không duyên theo trần cảnh, thì căn không chỗ bám. Ngược dòng trở về nguồn hợp nhất; chẳng hành sáu dụng, thì mười phương cõi nước đều lắng trong thanh tịnh".

Vì vậy "lùi bước", tức là "tiến bước". Nếu lùi càng gấp thì tiến càng mau. Nếu không hành thì chẳng thành tựu. Căn không duyên theo với trần cảnh, như mắt không bị sắc chuyển, tai không bị âm thanh chuyển, v.v... Làm chủ được thì không hề bị ngoại cảnh chuyển. Song, làm thế nào mới tự chủ được? Ngài Quy Sơn bảo:

- Nếu tình không phụ vật, thì vật chẳng ngăn ngại người.

Như nay đang cấy lúa, nếu không khởi tâm phân biệt, ung dung vô tâm tự tại, thì không sanh phiền não. Nếu tâm khởi phân biệt, bèn thấy có cảnh trần, tức có phiền não, tức bị cảnh khổ vui xoay chuyển. Khổng Tử bảo:

- Tâm không ở trong. Nhìn mà chẳng thấy. Nghe mà chẳng biết. Ăn mà chẳng biết mùi vị.

Tâm không ở trong tức là tâm không có phân biệt. Tâm chẳng phân biệt thì không có chướng ngại. Ăn uống cũng không biết mùi vị. Thiền sư Lâm Đạo ở núi Cổ Sơn, nghiên cứu tinh tường bộ sớ sao kinh Hoa Nghiêm của quốc sư Thanh Lương cùng bài sớ luận của trưởng giả họ Lý. Thấy văn tự quá thâm sâu, không tiện cho người sơ học xem đọc, nên viết lại yếu chỉ, gom soạn thành một quyển. Thiền Sư chuyên tâm nhất ý viết lách, không khởi tâm phân biệt. Lần nọ, thị giả đem bánh điểm tâm đến, để kế bên đá mài mực. Thiền Sư bốc đá mài mực ăn mà không biết. Khi thị giả trở lại, thấy miệng Thiền Sư đen ngòm, mà bánh điểm tâm vẫn còn trên bàn.

Đó là tâm không phân biệt, nên ăn chẳng biết mùi vị. Hôm nay chúng ta cấy lúa, chẳng khởi tâm phân biệt, và chẳng sanh phiền não không? Nếu được như thế thì cùng đạo tương ưng. Ngày ngày, trong bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi, chẳng biết đó chính là đạo, mà chỉ mãi bận rộn sống trong phiền não, nên mới thọ khổ. Song, phiền não là Bồ Đề, phải nên tự lãnh hội.

15/ Ngày mười bảy tháng tư [^]

Người thế tục, từ trẻ đến già đều không rời được ba nhu cầu như ăn, mặc, chỗ ở. Vì chúng mà ai ai cũng bận bịu cho đến chết. Y phục che thân, tránh gió lạnh. Ăn uống ít thì đói khát. Không có nhà cửa thì không có chỗ để tránh mưa gió. Thiếu một trong ba nhu cầu này, thì không thể sống được. Loài người như thế, và năm loài khác cũng cần ba nhu cầu như vậy. Loài bay nhảy trên không dưới đất như hổ, sói, chim chóc, rắn chuột, đều muốn sống an thân, đều dùng lông mao làm y phục, đều cần thức ăn nước uống. Ba nhu cầu này vốn là gốc khổ, nhưng người xuất gia chớ để chúng xoay chuyển. Lúc đầu chế giới, đức Phật dạy chư tỳ kheo rằng chỉ được giữ ba y, một bình bát, cùng ăn mỗi ngày một buổi, ngủ mỗi đêm tại một gốc cây. Tuy giảm thiểu sự phiền lụy rất nhiều, nhưng cũng chưa hẳn rời khỏi chúng. Hiện tại, thời thế đổi thay, người xuất gia gần giống như kẻ thế tục, tức vẫn bận rộn vì việc ăn mặc ngủ nghỉ. Từ sáng đến chiều, ngâm thân trong nước, cấy lúa làm ruộng rẫy. Nếu không làm thì chẳng có gạo mà ăn. Mùa xuân không gieo giống, thì mùa thu lấy lúa đâu mà thu hoạch? Thế nên, hạt lúa bát cơm không dễ dàng có được. Phải tốn hao công sức thời gian, lao tâm lao lực, mới có lúa để thu hoạch. Là người xuất gia, an nhiên khoanh tay ngồi hưởng, sao thành tựu đạo nghiệp được!

Người xưa bảo:

- Nếu hiểu rõ năm cách quán thì vàng tiêu cũng dễ. Ba tâm nếu chưa dứt thì nước uống cũng chẳng trôi.

Người xuất gia chớ nên hành như giống kẻ tại gia, tức ngày đêm bận rộn vì ba nhu cầu này. Phải nên vì đạo, cầu thoát ly sanh tử. Do mượn thân giả tạm để tu đạo chân thật, nên chưa có thể cắt đứt được việc ăn, mặc, chỗ ở. Lúc tu đạo, tạm thời phải tự xem như không có thân mình, giống như người đã chết. Người xưa bảo:

- Nếu là người tu đạo chân thật thì chẳng phút giây nào rời xa đạo.

Hành vi của bậc đạo nhân, nơi nơi chốn chốn chớ để cảnh chuyển. Tu đạo như làm ruộng. Đầu tiên gieo lúa. Lúa biến thành mạ. Mạ dần dần sanh trưởng trở thành cây lúa. Lúa chín thì thành thóc. Chà thóc ra thì thành gạo. Nấu gạo chín thì thành cơm.

Hạt lúa ví như Phật tánh. Bổn tánh của chúng sanh, vốn cùng Phật không khác. Tự tâm là Phật, nên gọi là Phật tánh. Tiến trình biến chuyển từ hạt lúa đến mạ, thóc, gạo, cơm thật rất xa. Song, chớ vì thế mà không tin rằng hạt lúa sẽ thành cơm. Thế nên, muốn thành Phật thì trước hết phải có tín tâm. Phải gieo hạt lúa xuống ruộng, rồi đợi nó phát mầm biến thành mạ. Khi ấy, vì sợ mầm héo giống khô, uổng phí thời gian, nên đức Phật dạy chúng ta phải phát tâm học pháp Đại Thừa, chớ lầm bước vào đường lộ của Tiểu Thừa. Lại nữa, lúc cấy mạ xong rồi phải nên nhổ cỏ. Nghĩa là người tu hành phải tẩy rửa thói quen tật xấu, tịnh trừ thất tình lục dục, mười triền sử, ba độc, mười việc ác, cùng tất cả phiền não vô minh vọng động. Giống trí mạ linh, trưởng thành thuận lợi, chắc chắn sẽ ra hoa kết quả.

Tu hành phải dụng công trong động. Không nhất định phải ngồi xuống, lim dim nhắm mắt mới bảo là tu hành. Trong bốn oai nghi, dùng ba môn học vô lậu giới định huệ, dẹp trừ ba độc tham sân si. Nhiếp thọ sáu căn như chăn trâu, chẳng để chúng phá hư ruộng đất của người. Khi cô gái đẹp đứng trước mặt, đối với người thế tục thì đó là một cành hoa tươi, còn đối với các thiền sư thì đó là ác quỶ cô hồn. Mắt phải như thế, chớ để cảnh chuyển. Năm căn kia cũng vậy, chớ để cảnh trần xoay chuyển.

Ngửi mùi hương thơm, chớ đắm đuối. Ngửi mùi hôi thúi, chớ sanh tâm ghét bỏ. Chớ để ý đến lông mi dài, răng ngắn, trương tam lý tứ, nhân ngã thị phi. Bồ Tát Di Lặc viết kệ bảo:

"Lão chuyết xuyên nạp áo
Đạm thực phục trung bão
Bổ phá hảo giá hàn
Vạn sự tùy duyên hảo
Hữu nhân mạ lão chuyết
Lão chuyết tự thuyết hảo
Hữu nhân đả lão chuyết
Lão chuyết tự thùy đảo
Thuế thóa tại thượng diện
Tùy tha tự kiền liễu
Ngã dã tỉnh khí lực
Tha dã vô phiền não
Giá dạng ba la mật
Tiện thị diệu trung bảo
Nhược tri giả hưu tức
Hà sầu đạo bất liễu.

Dịch:

Lão chuyết mặc áo vá
Cơm đạm bạc no lòng
Áo bố che giá lạnh
Muôn sự đều tùy duyên
Có ai mắng lão chuyết
Lão chuyết tự thuyết hảo
Có ai đánh lão chuyết
Lão chuyết tự xoay ngủ
Nhổ bọt trên mặt mũi
Để nó tự khô mất
Ta vẫn tự tỉnh khí
Họ chẳng sanh phiền não
Đây là ba la mật
Tức bảo vật vi diệu
Nếu biết tin tức này
Sao lo không hiểu đạo".

Không đàm luận thị phi, không lo biện hộ, không tranh nhân ngã, không làm kẻ anh hùng, chạy ra khỏi hầm lửa nóng, bèn đến sông Hán mát trong. Ngộ được lý trường sanh, nương mặt trời mặt trăng làm bạn lữ. Nơi nơi đều là chốn tu hành, chẳng hạn cuộc ngồi trên bồ đoàn mới tu đạo. Nếu chấp ngồi trên bồ đoàn mới tu đạo thì như Tứ Liệu Giản, bảo: "Ấm cảnh hiện tiền, chớp mắt liền theo chúng".

Người thế gian, chưa có thể đoạn dứt lời hay tiếng xấu. Nếu phá được cửa ải này thì không còn phiền não. Được khen thì vui mừng, tức bị ma hoan hỶ mê hoặc. Ba cái tốt, chấp giữ đến già. Song, ai chê mình, tức là bậc thiện tri thức. Họ khiến mình nhận rõ lỗi lầm, đoạn ác hành thiện. Phải nên sửa đổi.

Ăn mặc ngủ nghỉ, đi đứng nằm ngồi, chớ rời xa đạo. Tám mươi bốn ngàn tế hạnh, không ngoài bốn oai nghi. Người xưa vì đạo, tu hành chẳng bỏ phí thời gian. Lúc ngủ, dùng miếng gỗ tròn làm gối, sợ mộng mê lâu không tỉnh, thì sẽ tu lầm lạc. Chẳng những ban ngày gặp cảnh tùy duyên, tự làm chủ được, mà lúc ngủ vẫn phải tự chủ được. Khi nằm phải theo thế kiết tường, tức thân như cung tên, dùng tay phải làm gối, tay trái để trên thân mình. Đó là nằm theo thế kiết tường. Khi vừa tỉnh mộng, liền dụng công tiếp tục. Chớ để tâm cuồn cuộn chảy về quá khứ, cuốn trôi đến vị lai, tán loạn khởi vọng tưởng từ sáng đến tối.

Ai ai cũng có vọng tưởng. Niệm Phật cũng là vọng tưởng. Người tu thiền nếu muốn trừ vọng tưởng, thì ma đến giết ma, Phật đến giết Phật, rồi lần lần bước tới nơi bảo địa. Chớ sợ niệm khởi, chỉ lo giác chậm. Dụng công như thế, lâu ngày tự nhiên thành thục. Trong bận rộn, thị phi, động tịnh, nơi đầu đường xó chợ, đều tu thiền được. Chẳng vì bận rộn cấy lúa mà quên đi sự tu hành.

16/ Ngày hai mươi mốt tháng tư [^]

Phật thuyết ba tạng kinh giáo, dạy quý vị hành trì, tu nhân lành chứng quả vị Phật, nhưng phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp mới mong thành tựu. Song, đơn độc chỉ có Thiền tông, tu chứng mau chóng, chẳng cần "bất lịch tăng kỳ, hoạch pháp thân", tức là không phải đợi đến ba a tăng kỳ kiếp mới đắc được pháp thân. So sánh hai việc: Thứ nhất là phải cần tu hành trải qua muôn ngàn gian khổ, mới có thể thành tựu, thật rất khó khăn. Thứ hai là chỉ cần tự nhận ra bản tâm, tự thấy Phật tánh, ngay đó liền cắt đứt vô minh, khả dĩ mau chóng lập địa thành Phật. Thật vậy, như rắn cắn người, độc nhiễm lẹ làng. Song, không luận Tiểu Thừa, Đại Thừa, Đốn giáo, Tiệm giáo, nếu chân thật muốn trở về nhà, thật không phải là chuyện dễ.

Quý vị từ muôn sông ngàn núi, tìm đến Vân Cư, đều vì mong nghe lời giảng dạy cách tu hành. Lúc vừa đốt hương, bèn lên ngồi trên chiếc bồ đoàn, ngừng tâm tĩnh ý, gọi là tu hành. Nghe tiếng khánh báo hiệu giờ khai tịnh, nghỉ ngơi, bèn đi ngủ. Nghe tiếng kẻng đánh ba lần, bèn thức dậy, lên chánh điện, tiếp tục dụng công tu hành. Đến giờ phân ban làm việc thì đi ăn cháo buổi sáng. Lúc ngồi ăn cháo cũng là tu hành. Ăn xong, nghe đánh kẻng thì ra đồng cuốc đất trồng rau, nung ngói gạch. Nếu lúc đi đại tiểu tiện, lại để tâm phân vân, thì quên mất mình cùng việc tu hành. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: "Tự tánh rộng lớn, bao hàm muôn pháp. Muôn pháp nằm trong tự tánh của người người".

Nếu chỉ lên chánh điện mới tu hành, thì công phu lúc làm lao động biến đâu mất, và công phu ngồi hương chạy đến nơi nào? Ra đồng làm ruộng để tâm phân vân. Không tu được một nơi, thì mọi nơi đều không thể dụng công, quán thoại đầu được.

Người xưa bảo:

- Phải hướng vào mình, chớ chạy đuổi ra ngoài cầu đạo.

Lúc trẻ, chân tôi mang giày rơm, trèo non vượt biển, cũng vì sự tu hành tham khán thoại đầu. Tâm nhiều tham cầu, như khỉ vượn nhảy nhót hái trái cây. Hái được một trái rồi lại hái trái khác. Hái đến hái lui, cho tới lúc chẳng còn hái được. Hiện tại, đôi mắt muốn rớt xuống đất, nhìn lại thì chợt nhận biết những hành vi thuở xưa đều sai trái với đạo. Trong Tịnh Độ Thi, ngài Sở Thạch viết:

"Đời người trăm năm, bảy tuần hy
Hồi quán việc xưa, chẳng chút giác
Lệ rơi mỗi lần, tuôn khắp xứ
Bỏ Tịnh Độ nhàn, chẳng nghĩ về
Mây hương mã não, kết từng lớp
Linh điểu san hô, đậu nơi cây
Do chứng pháp thân, không bịnh não
Hưởng vị thiền duyệt, mãi no nê".

Xưa nay, đời người chỉ trong bảy tám mươi năm, ít có ai sống đến một trăm tuổi. Trong bao thập niên, làm việc này việc nọ, đều là nhân ngã thị phi. Ngày nay, hồi tưởng lại, biết rõ ràng mọi việc đều chẳng đúng. Làm sao biết được? Đơn cử việc của tôi; từ lúc sơ phát tâm, vì muốn tự liễu ngộ, nên đi tham phương tầm đạo. Chư thiện tri thức dạy tôi phát tâm Đại Thừa, chớ vì tự kỶ. Nhờ đó, tôi trùng hưng đạo tràng Phật Tổ, sửa chữa vài mươi ngôi chùa viện lớn nhỏ, nhưng chịu biết bao phiền não ma chướng khổ lụy. Thiên đường chưa xây xong mà địa ngục đã thành. Vì người vì pháp, tuy gieo nhân thiện, nhưng lại chiêu quả xấu. Chẳng muốn kết oán thù, nhưng gặp bao điều thị phi gièm pha, phiền não trói buộc. Trong đại chúng, không thể lánh mặt. Học ngôn ngữ oanh vũ, nói vài câu điển chương của người xưa, không tránh bị kẻ khác chê cười; tự mình cũng chưa có thể hành được một câu cú. Vì hôm nay đã già nua, và không muốn giỡn cợt lừa bịp người, tạo nghiệp địa ngục, nên đến am tranh nơi núi Vân Cư!

Kết quả, chẳng thoát nghiệp chướng triền phược, vẫn tạo nghiệp, dựng am tiếp chúng. Tuy nói trú nơi am tranh, nhưng lại làm bao việc rối rắm. Chẳng xả chấp nê. Giảng được nhưng hành không được. Một câu thoại đầu cũng không biết chạy đi đâu! Vừa thoát tù lao, lại sa vào lưới võng. Đại sĩ Hàn Sơn viết:

"Người hỏi đạo Hàn Sơn
Đường Hàn Sơn chẳng thông
Ngày hạ băng chưa tan
Vầng dương hiện sương tan
Theo ta sao đợi thời
Cùng tâm người chẳng đồng
Tâm người nếu như Ta
Liền đạt đến nơi đó".

Ngày hạ sương chưa tan, tức là chưa xả bỏ phiền não được. Ví như hôm trước, ông tổ trưởng vì vài việc nhỏ nhặt mà tranh cãi, bất hòa với tăng chúng. Tôi khuyên lơn ba lần, ông ta mới chịu xả bỏ. Vừa rồi, ông ta vẫn tranh cãi ầm ỉ với ông tổ trưởng sản xuất; tôi khuyên lơn mãi cũng không được. Hôm qua, ông ta đến gặp tôi xin thuốc trị bịnh. Tôi bảo:

- Bịnh của ông không cần dùng thuốc, chỉ việc xả bỏ mọi chấp trước thì sẽ khỏe mạnh trở lại.

Dùng những lời này, khuyên lơn người khác, nhưng lại không khuyên được chính mình, có điên đảo lắm không? Tuy bàn về chữ tu trong mấy thập niên, nhưng bao tử vẫn chứa đầy phiền não; ăn không ngon, ngủ không yên, không biết gặp loài quỶ gì? Lầm ngộ chính mình, cũng khiến người bị mê lầm. Cấy lúa cho người thì được, còn mình thì chẳng làm xong.

Nói rất dễ, mà hành lại rất khó. Chớ tạo nghiệp xấu cho đời vị lai. Xoay lại tâm mình, liền gieo nhân lành vào ruộng phước. Đời trước vì không có công phu chân thật, chưa bước đến nơi thật địa, chưa trồng nhân lành, nên đời này cùng oan gia đối đầu tương phản. Người trẻ tuổi phải lưu tâm, chớ học theo tánh tôi, chấp trước nặng nề. Bao năm dài ngu si, chỉ có chút hư danh, chẳng ích lợi cho việc chân tham thật học. Quý vị hãy nên nỗ lực trồng nhân lành vào ruộng phước.

17/ Ngày hai mươi hai tháng tư [^]

Người xuất gia, ngày ngày giảng việc tu đạo. Thế nào gọi là tu? Tu là tu tạo. Đạo nghĩa là đạo lý. Lý là bổn tâm của mọi người. Tâm này là vật gì? Bao lời của chư thánh được đã giải thích rõ ràng. Tâm như hư không. Song, nói đến chữ "Không" này thì vẫn còn chỗ nắm bắt. Lý Không phân ra hai phần: Chân Không và Ngu Không. Chúng ta nhìn thấy hư không tức là Ngu Không. Bất biến nhưng tùy duyên, tùy duyên lại bất biến, sáng suốt đầy diệu dụng, tùy nơi tự tại, luôn bao hàm tất cả muôn vật, đó chính là Chân Không. Người tu hành phải hiểu rõ chân không này. Nhận biết tự tâm, tự thấy bổn tánh, thanh tịnh trắng trong, rõ ràng vô ngại, đó là thấy đạo. Đơn cử Bắc Kinh làm ví dụ. Nếu xem qua bản đồ, thì thấy được hết kinh thành Bắc Kinh, có đường lối rộng hẹp, thành ấp cung điện cao thấp, vuông tròn, rộng dài, cùng các danh mục như Nam Hải, Tây Sơn, v.v... Nhìn xem thì biết được đường đi. Song, chung cuộc vẫn không biết được nhiều như chính mình đã thực sự đến viếng thăm Bắc Kinh. Người đã đến đó, không cần bản đồ, vẫn có thể kể

được đường đi nước bước rõ ràng. Người chỉ xem qua bản đồ mà chưa từng đến đó, thì lúc kẻ khác hỏi han, tuy có thể đối đáp được, nhưng chẳng chân thật, vì vẫn còn nhiều chỗ không biết đến. Người tu hành, sau khi thấy đạo, như tự thân đến Bắc Kinh, tự thấy "bổn tánh vốn tự thanh tịnh, không sanh không diệt, viên dung đầy đủ, không dao động, thường sanh muôn pháp". Người này không đồng với kẻ y theo văn tự mà giải nghĩa, chỉ thấy bản đồ Bắc Kinh, chứ chưa từng đến đó.

Chân Không vốn tự khai mở, nào có chướng ngại. Chẳng phải Chân Không thì không thể mở bày, tức có chướng ngại. Lời nói cùng hành động không giống nhau. Thế nên bảo:

- Không có thể "Không", tức chẳng phải Chân Không. Sắc có thể "sắc", tức chẳng phải sắc chân thật. Cha là vô danh. Mẹ là vô sắc.

"Sắc" và "Không" nào có ngăn ngại với nhau. Nếu chân thật thấy rõ lý này, thì tự do tự tại đến thiên đường địa ngục; tùy duyên nhưng bất biến, bất biến lại tùy duyên, không hề chướng ngại. Người chưa hiểu lý này, tuy thuyết giảng được hoa trời rải đầy khắp đất, nhưng chẳng có lợi ích chân thật.

Xưa kia, có một vị lão tu hành, sống trong đại chúng rất lâu, tánh tình khoan dung độ lượng, tiếp đãi người rất nồng hậu, và thường khuyên kẻ khác xả bỏ chấp nê. Lần nọ, có người hỏi:

- Thầy khuyên dạy người, vậy tự chính mình có làm được không?

Thầy đáp:

- Ba mươi năm về trước, tôi đã cắt đứt vô minh, sao không làm được?

Sau này, sống trong đại chúng, cảm thấy có vài việc không được tự do tự tại, nên Thầy bỏ chạy vào núi sâu, kết am tu hành. Sống nơi đơn độc cô phong, không người lui tới, tự do tự tại, không còn phiền não. Nào ngờ, vào ngày nọ, đang lúc ngồi thiền, Thầy nghe bên ngoài cửa, có một lũ mục đồng nhốn nháo đùa giỡn, và bảo nhau rằng muốn vào am tranh xem chơi. Có đứa nói rằng không nên làm động tâm người tu hành. Có đứa nói rằng người tu hành không còn bị động tâm niệm. Lát sau, cả lũ mục đồng ùa vào am tranh, nhảy nhót đùa giỡn. Tuy biết, Thầy vẫn ngồi thiền, an nhiên bất động, không màng đến chúng. Lũ mục đồng nhốn nháo kêu la, nhưng Thầy vẫn không thèm để ý. Chúng tưởng đâu Thầy đã chết, vì khi lung lay thân, mà không thấy động đậy. Lúc chúng sờ vào thân Thầy thì cảm thấy vẫn còn hơi nóng. Có đứa bảo:

- Thầy này chắc đã nhập định rồi!

Có đứa bảo rằng không tin. Để kiểm nghiệm, chúng lấy cọng rơm, ngoáy vào bắp đùi, ngoáy vào tay, ngoáy vào bụng, ngoáy vào lỗ tai, mà Thầy vẫn không động đậy. Lúc chúng ngoáy vào lỗ mũi, khiến Thầy bị hắt xì. Mở mắt ra, Thầy mắng chúng:

- Đánh chết tụi bây!

Khi ấy, Bồ Tát Quán Âm hiện ra trên không trung, bảo:

- Ba mươi năm trước, ông đã đoạn hết vô minh rồi. Sao hôm nay vẫn còn phiền não, chưa xả bỏ được?

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ, nói được một trượng mà hành chẳng được một thước. Nói được một thước mà hành chẳng được một tấc. Không bị cảnh chuyển, chẳng phải dễ dàng.

Đại sư Hám Sơn trong bài ca Phí Nhàn:

"Giảng đạo dễ, tu hành khó
Tạp niệm không trừ, đều là nhàn
Trần lao thế gian, thường chướng ngại
Núi sâu tĩnh tọa, lại phí công".

Chúng ta là người xuất gia, nếu không phát tâm siêng năng tu hành, chỉ lo nói năng phí sức, thì không có lợi ích chân thật.

18/ Ngày hai mươi ba tháng tư [^]

Trong quyển Nguyệt San Phật Giáo viết: "Nhà Phật gặp đại nạn, vì lạm truyền giới pháp. Quy củ thất truyền, chân lý bị mai một".

Điều này tôi cũng thường nhắc đến. Vài thập niên trước, tôi có giảng về việc Phật pháp bị suy đồi vì truyền giới không đúng như giáo pháp. Nếu truyền giới đúng như giáo pháp, và tăng ni vẫn còn nghiêm thủ giới luật cẩn mật, thì Phật giáo không đến đỗi bị suy vi như hiện tại. Tôi tự rất xấu hổ. Lúc vừa xuất gia, không biết gì là giới, chỉ cắm đầu tu khổ hạnh, vì cho rằng ăn đọt thông, uống nước suối, chính là tu đạo. Pháp Đại Thừa, Tiểu Thừa, ba tạng, mười hai phần kinh, tất cả đều chẳng biết đến.

Núi Cổ Sơn, tỉnh Phước Kiến, là nơi danh lam thắng cảnh, có vài tu viện am tranh, và có hàng trăm tăng sĩ. Người xa gần đều nghe tiếng, nên tôi mới đến đó xuất gia. Giới kỳ trên núi Cổ Sơn chỉ có tám ngày. Thật ra, tại nơi đó việc truyền giới chỉ có bốn năm ngày thôi. Vào ngày mồng một tháng tư, tân giới tử mang bản tên vào giới đường. Kế đến, vội vã học quy củ thiền môn, cùng làm rất nhiều thủ tục. Nơi đó, chẳng có giới đàn tỳ kheo. Tân giới tử không biết họ sẽ thọ những giới gì. Vào ngày thứ tám, giới tử lên đàn dâng hương, liền tính là đã thọ giới xong. Sau này, tôi đi lưu lạc khắp xứ, nhận biết cách thức truyền giới nơi nơi đều khác nhau. Chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai giới kỳ có năm mươi ba ngày, nhưng chỉ có các tiểu hòa thượng thọ giới. Giới kỳ tại núi Phổ Đà có mười tám ngày, được gọi là giới A La Hán. Giới kỳ tại chùa Thiên Đồng có mười sáu ngày. Giới kỳ tại chùa Bảo Hoa có năm mươi ba ngày. Phủ Ninh Quốc, tỉnh An Huy, giới kỳ có ba ngày. Ở Huy Châu, có một ngôi chùa tổ chức giới kỳ rất mau, chỉ trong vòng một ngày một đêm, được gọi là Nhất Dạ Thanh.

Sau này, xem lại kinh luật, mới biết những cách thức truyền giới như thế, đều không hợp với giới pháp. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Trong mười vị giới sư (tức tam sư thất chứng), nếu có một vị không thanh tịnh, thì đàn tràng thọ giới đó không thể thành tựu".

Điều này chứng minh rằng một trong mười vị giới sư, nếu không được thanh tịnh, thì giới đàn không thành tựu. Kinh Lăng Nghiêm lại bảo: "Đoan tọa an cư, trải qua một trăm ngày, nếu có người lợi căn, không rời chỗ ngồi, liền đắc quả Tu Đà Hoàn. Thân tâm từ đó, tuy quả thánh chưa thành, mà quyết tự biết, thành Phật chẳng xa".

Việc truyền giới trong thời cận đại, không xem trọng là các vị thầy truyền giới có thanh tịnh hay không thanh tịnh, và có đúng pháp hay không đúng pháp!

Phật giáo Trung Quốc, từ đời vua nhà Hán cảm mộng thấy sắc thân Như Lai, đến lúc hai tôn giả Mã Thắng, Trúc Pháp Lan sang truyền pháp, vẫn chưa đủ mười vị giới sư, nên chẳng có thể truyền giới cụ túc, nhưng chúng xuất gia được cạo tóc như các đạo sĩ, lại được đắp mạn y, cùng giữ năm giới và mười giới. Đến đời Tào Ngụy Gia Bình năm thứ hai (250), pháp sư Đàm Ma Ca La dịch quyển Tăng Kỳ Giới Bổn, rồi bắt đầu hành pháp truyền giới. Sa môn Châu Sĩ Hành đầu tiên thọ giới cụ túc tại nước Tàu. Kế đến, vua Lương Võ Đế thỉnh các pháp sư truyền giới cụ túc. Công khanh, thái tử, đạo tục, thọ giới Bồ Tát có đến bốn mươi tám ngàn người. Đời Đường, luật sư Đạo Tuyên, tại chùa Tịnh Nghiệp, kiến lập Thạch Giới Đàn, truyền giới cụ túc cho sa môn Nhạc Độc, y theo quyển Giới Đàn Đồ Kinh.

Vua Tống Chân Tông (998-1022) ban chiếu chỉ lập đàn truyền giới tại chùa Sùng Thắng, được gọi là Giới Đàn Cam Lộ. Từ đó, trong nước có bảy mươi hai nơi đồng lập giới đàn. Hoàng đế lập giới đàn, nên người thọ giới phải trúng tuyển khảo hạch. Giới tử đầu tiên thọ giới Sa Di. Sa Di là tiếng Phạn, dịch qua tiếng Tàu là Hưu Từ, tức ngưng ác hành từ. Bảy tuổi cho đến mười ba tuổi, gọi là Sa Di đuổi quạ. Lúc đầu, có thiếu nhi cầu xuất gia, nhưng ngài A Nan không dám thế độ. Do đó, Phật bảo:

- Nếu đuổi được quạ thì cho phép xuất gia.

Từ mười bốn đến mười chín tuổi, được gọi là Ứng Pháp Sa Di, tức chánh hạnh và hợp với địa vị của Sa Di. Kế đến, phải y theo giới sư điều huấn thuần thục trong năm năm rồi mới được thọ giới cụ túc. Hai mươi tuổi đến bảy mươi tuổi, được gọi là Danh Tự Sa Di. Tuổi tác này, vốn hợp với tăng vị, nhưng do duyên chưa đủ, nên phải làm Sa Di. Người đủ hai mươi tuổi cùng có tư cách nghiêm chỉnh, mới được thọ giới tỳ kheo. Nếu chưa đủ hai mươi tuổi mà muốn thọ giới cụ túc, thì Phật dạy rằng kể từ ngày ra đời, vào mỗi năm nhuần lấy ra một tháng, rồi trong tháng đó lại lấy ra một ngày, bổ túc trợ vào để thành hai mươi tuổi. Xưa kia, rất nhiều chư vị Tổ Sư, chưa đủ niên lạp tuổi tác mà vẫn được thọ giới cụ túc.

Từ đời Thanh đến nay, các vị Hoàng Đế đa số là chư Bồ Tát ứng thế, như vua Thuận Trị xuất gia, vua Khang Hy và Ung Chánh thọ giới Bồ Tát. Nhờ Hoàng Đế mở phương tiện, tăng sĩ không cần trải qua kỳ thi khảo hạch, vẫn được thọ giới. Nào ngờ, vì lòng từ bi của các vị Hoàng Đế, khiến tăng chúng trở nên tệ xấu. Xưa kia, các nơi truyền giới rất thận trọng, như chùa Bảo Quang, chùa Chiêu Giác, núi Bảo Hoa, núi Cổ Sơn, Phước Kiến, núi Di Sơn, v.v... Ngày nay, các tùng lâm tự viện lớn nhỏ đều truyền giới. Ngoài ra, tại các nơi như thành hoàng thổ địa, hội quán, chợ búa, đều truyền giới cả. Vì vậy, trong bài Tam Đàn Chánh Phạm, Hậu Bạt, tôi viết: "Ngày nay, xảy ra nạn viết lời mời mọc khắp chợ búa, để phiếm dụ, mê hoặc, buôn bán giới sư, chẳng hề tôn trọng giới pháp. Bên dưới mái hiên, đền miếu dâm loạn, khu cắt mổ máu thịt, bậy bạ lập đàn truyền giới. Mê hoặc mình người, trộm danh bán lợi, làm như chỗ mậu dịch thương trường. Đàn giới vốn là đất Phật thanh tịnh, nay biến thành hang hố địa ngục".

Gần đây, tờ Nguyệt San Hoằng Hóa, chỉ trích nặng nề về sự lạm dụng truyền giới. Những lời như thế, sao lại không chịu lắng nghe!

Khi xưa, mỗi năm tôi cũng lập đàn truyền giới, nên tạo nghiệp địa ngục không ít. Song, tôi bất đắc dĩ phải làm như thế, vì có vài duyên cớ, nhất là mong muốn vãn hồi hậu tấn (người lớn nghỉ ngơi; người nhỏ tiến bước). Lúc vừa đến núi Kê Túc, tỉnh Vân Nam, chẳng thấy bóng một tăng sĩ nào. Nhân vì tăng sĩ ở đó, ăn mặc giống như người thế tục, nên khó lòng nhận ra. Họ chẳng hề bàn về việc tu hành, sửa chũa chùa chiền, hay dâng hương cúng Phật, mà chỉ lo thụ hưởng tài sản chùa chiền tự viện, lại dùng tiền để mua chuộc bọn đảng phái long đầu, hầu mong giữ lợi. Thấy những việc tệ hại như thế, tôi mới phát tâm chỉnh lý đạo phong núi Kê Túc, bằng cách khai mở thiền đường, tọa hương, đả thiền thất, giảng kinh thuyết pháp, nhưng chẳng ai màng đến. Sau này, tôi thay đổi cách thức, tức hành truyền giới pháp. Trước kia, tăng sĩ trên núi chưa hề lập đàn truyền giới, nên tôi muốn dùng giới pháp để chấn chỉnh chánh giáo, trùng hưng đạo tràng. Do đó, tôi lập giới đàn đầu tiên trên núi, gia hạn trong năm mươi ba ngày. Lần ấy, có hơn tám trăm vị đến thọ giới. Từ đó, tăng sĩ trên núi mới biết giới luật rõ ràng. Nhờ khuyên lơn khuyến khích, dần dần họ qua lại với tôi. Từ từ, họ biết việc kết duyên, mở chùa tiếp độ tăng chúng, mặc y ca sa, niệm Phật tụng kinh, là những điều rất cần thiết. Những thói quen tật xấu như ăn thịt, ăn hành tỏi, uống rượu, hút thuốc lần hồi được sửa đổi. Đó là kết quả của việc mượn giới pháp để chấn chỉnh những hiện tượng suy đồi của Phật giáo tại tỉnh Vân Nam.

Xưa kia, nơi núi Cổ Sơn, giới kỳ trong vòng tám ngày, chỉ có các tỳ kheo cùng các cư sĩ nam được lên chánh điện, chứ không có nữ chúng. Các nơi xa gần, chỉ việc gởi tiền đến cho vị giới sư, bèn được giới điệp. Người tại gia đắp y bảy điều, rồi dám tự xưng là tỳ kheo, tỳ kheo ny. Đó gọi là mua bán giới điệp. Tôi đến Cổ Sơn, cải đổi giới kỳ thành năm mươi ba ngày. Việc buôn bán giới điệp, không cạo râu tóc, đắp giới y sai lầm, cùng những phong tục tập quán xấu xa, đều được chấn chỉnh. Có rất nhiều kẻ phản đối việc này, bằng cách gây bạo động, đốt nhà giết người. Đó phải chăng gieo nhân thiện, nhưng lại chiêu quả xấu? Cuối cùng, tôi thỉnh pháp sư Từ Bàn lên núi, lập học viện giới luật. Tự Ngài chân thật nghiêm thủ giới luật cẩn trọng, nên khiến tôi rất cảm phục.

Sự hành đạo nói chung đều do chính mình, chứ không phải do sự biểu diễn bên ngoài. Xưa nay, theo giới luật, trong mỗi đàn của tam đàn đại giới, các vị truyền giới sư phải học hết mọi cách thức trong vòng ba năm, rồi mới được truyền giới.

Sau khi Phật nhập Niết Bàn, Thượng Tọa Bộ phân thành mười tám phái, nên việc truyền giới rất phức tạp. Lúc còn tại thế, đức Phật cũng lập phương tiện, cho những vị chưa đủ hai mươi tuổi, được thọ giới cụ túc. Chư Tổ Sư sau này, thọ giới cụ túc, dưới hai mươi tuổi cũng không ít.

Nếu có tội mà không sám hối, cho dầu sống đến trăm tuổi vẫn uổng phí. Tôi thường thấy rất nhiều các lão pháp sư, không chịu giữ giới luật. Việc này, ai ai cũng đều biết đến. Các vị sơ phát tâm tu đạo, phải cẩn trọng hộ giới. Vì cần cầu hiểu rõ sự lý, phải siêng năng học tập kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa. Nơi giác địa thanh tịnh, tuy không nhiễm một mảy trần, nhưng trong tất cả Phật sự, chẳng xả một pháp.

Vừa xuất gia, phải thọ mười giới Sa Di; trong mười giới, bốn giới đầu là tánh giới, còn sáu giới sau là giá giới. Kế đến, thọ giới tỳ kheo, tức hai trăm năm mươi giới. Ni chúng có ba trăm bốn mươi tám giới. Những giới pháp này, không ngoài bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi cùng bảy chi phần thân thể. Tiến lên một bước, thọ giới Bồ Tát. Giới Bồ Tát có tam tụ tịnh giới.

Thứ nhất, nhiếp luật nghi giới, tức không có việc ác nào mà không đoạn trừ, nghĩa là luôn khởi đạo hạnh chân chánh, cũng chính là gieo nhân đoạn đức, để tu thành tựu Pháp Thân.

Thứ hai, nhiếp thiện pháp giới, tức thường tích tụ muôn hạnh lành, hỗ trợ đạo hạnh, chính là nhân trí đức, để tu thành tựu Báo Thân.

Thứ ba, nhiếp chúng sanh giới, tức cứu độ hết thảy chúng sanh, phát tâm chẳng trụ

Niết Bàn, chính là nhân ân đức, để tu thành Hóa Thân.

Việc trì giới giữa đại thừa và tiểu thừa đều khác biệt. Tiểu thừa chế phục thân không cho hành. Đại thừa chế phục tâm không cho khởi. Nơi ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Tiểu Thừa chế phục thân không cho phạm. Đối với Đại Thừa, vừa khởi vọng tưởng thì đã phạm giới rồi. Giảng giải pháp Đại Thừa rất dễ, nhưng hành lại rất khó.

Ngài Xá Lợi Phất lúc còn tu hành nơi nhân địa, có phát tâm tu hạnh Bồ Tát, thệ nguyện nhập thế cứu độ chúng sanh, không muốn tự tu giải thoát cho chính mình, nên rời am tranh, đến ngã ba đường, ngồi tọa thiền. Hôm nọ, thấy một cô gái vừa đi vừa khóc, Ngài liền bước đến hỏi han. Cô ta nói:

- Mẹ của con bị bịnh nặng. Thầy thuốc bảo phải đi tìm mắt của người còn sống, đem về làm thuốc, thì mới trị được bịnh. Con cảm thấy việc này quá khó, nên thất vọng. Do đó, con thường buồn rầu đau khổ.

Ngài bảo:

- Cô hãy an tâm! Hôm nay, tôi sẽ cho cô một con mắt.

- Đa tạ! Đa tạ! Ngài thật là Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.

Ngài Xá Lợi Phất liền lấy tay móc mắt bên phải ra, cho cô kia. Cô ta bèn nói:

- Không phải! Thầy thuốc bảo phải lấy con mắt bên trái kia!

Ngài Xá Lợi Phất lại miễn cưỡng móc ra mắt bên trái, rồi đưa cho cô ta. Cô ta cầm con mắt trái của Ngài bảo:

- Con mắt này hôi quá, không thể dùng được!

Nói xong, cô ta nhổ bọt lên con mắt đó, rồi liệng xuống đất. Vì cảm thấy chúng sanh thật khó độ, từ đó ngài Xá Lợi Phất thối tâm Bồ Đề. Quý vị nhìn xem, tu đạo Bồ Tát thật rất khó!

Lúc thọ giới tỳ kheo, hòa thượng giới sư bảo:

- Quý vị có phải là bậc đại trượng phu không?

Tân giới tử thưa:

- Chúng con chính là bậc trượng phu!

Lúc thọ giới Bồ Tát, hòa thượng truyền giới hỏi:

- Quý vị có phải là bậc Bồ Tát không?

Tân giới tử đáp:

- Thưa! Chính là Bồ Tát.

- Quý vị đã là Bồ Tát. Vậy phát tâm Bồ Đề chưa?

- Thưa! Đã phát tâm Bồ Đề rồi.

Nói được thì phải làm được. Chân chưa bước đến nơi thật địa, bị người chửi một câu bèn tức giận, xả không nổi, khiến khởi tâm động niệm, nên bị đọa lạc. Sau khi thọ tam đàn đại giới xong, hãy tự suy nghĩ kiểm nghiệm xem coi, hình tướng có giống Sa Di, Tỳ Kheo, Bồ Tát không?

19/ Ngày hai mươi lăm tháng tư [^]

Hôm nay, khi đến trai đường dùng cơm, tôi nhận thấy có vài người, càng ăn lâu chừng nào thì tâm càng sanh tán loạn chừng đó. Lúc ăn cơm, rất dễ khởi tâm tán loạn, nhưng cũng là dịp đối trị tâm. Người đời không biết thân người là quý báu. Kinh Đại Niết Bàn nói: "Sanh ra đời, làm người là việc khó, nhưng gặp được Phật lại càng khó hơn, như rùa mù bám nắm bọng cây trong biển cả".

Kinh Tạp A Hàm nói: "Trong biển rộng, có một con rùa mù, thọ mạng vô lượng kiếp, một trăm năm trồi lên mặt biển một lần. Một bọng cây nọ, chỉ có một lỗ hổng, theo gió trôi nổi khắp nơi trên biển cả. Rùa mù vừa xuất hiện, lại vớt được bọng cây này".

Phàm phu lưu chuyển trong biển cả năm đường, nhưng lại được thân người; việc này khó khăn như rùa mù vớt bọng cây đó.

Luận Hiển Dương nói: "Một mặt trời mặt trăng hiện ra, được gọi là một thế giới. Một thế giới có chín núi, tám biển và bốn châu".

Chín núi tức là núi Tu Di, núi Trì Song, núi Trì Mục, núi Đam Mộc, núi Thiện Kiến, núi Mã Nhĩ, núi Chướng Ngại, núi Trì Địa, núi tiểu Thiết Vi. Tám biển tức là bảy biển Hương Thủy cùng một biển đại Hàm Thủy.

Chính giữa hai núi Tu Di và núi Trì Song, cho đến chính giữa núi Chướng Ngại và núi Trì Địa, có một biển Hương Hải. Giữa tám núi, cũng có bảy biển Hương Hải. Cuối cùng, chính giữa núi Trì Địa và núi Tiểu Thiết Vi, có biển đại Hàm Thủy. Giữa biển này có bốn châu tại đông tây nam bắc. Rùa mù ở trong biển đại Hàm Thủy, trăm năm mới ngoi đầu lên, vớt được bọng cây.

Tứ Giáo Nghĩa nói: "Lúc còn tại nhân địa, hành ngũ thường, ngũ giới, cùng trung

phẩm của mười điều thiện, thì được làm thân người".

Bắc châu trong bốn châu, chẳng có quý báu hèn hạ. Ba châu còn lại, có vua Chuyển Luân, Tiêu Tán, Bá Liêu, Thai Nô, Thụ Tử, Bộc Lệ, Cơ Thiếp. Tất cả đều do tu năm giới và mười việc lành, mà cảm thọ quả báo tốt. Song, vì hành theo từng bậc thượng trung hạ phẩm của năm giới và mười điều lành, nên mới có kẻ sang giàu, người nghèo hèn khác nhau.

Hôm nay, chúng ta đã có thân người, lại được nghe Phật pháp, phải phụng hành theo chánh giáo, cùng muôn pháp thức, và y theo giới định huệ để hàng phục vọng tâm. Chiếu theo giới luật, từ sáng đến tối, phải trì 'Tỳ Ni Nhật Dụng', tức năm mươi ba bài kệ chú ngắn.

Phật chế:

- Chư tỳ kheo, khi thọ trai, phải hành năm cách quán. Tâm tán loạn, nói lời tạp nhạp, của tín thí thọ khó tiêu.

Đại chúng, nghe tiếng khánh, phải khởi chánh niệm. Thầy Duy Na sau khi tụng bài kinh cúng dường xong, liền đọc bài kệ đó. Chư tỳ kheo, khi ăn cơm, phải nên hành năm cách quán. Thứ nhất, xem xét công đức mình ít hay nhiều, có xứng để thọ bát cơm này không. (Biết bao giọt mồ hôi, nước mắt đổ xuống, mới đem lại bát cơm). Thứ hai, xem đức hạnh mình như thế nào, có đủ đức để thọ sự cúng dường này không. (Nếu đức hạnh khiếm khuyết, thì không thể thọ sự cúng dường này dễ dàng. Ngược lại, thì có thể thọ nhận). Thứ ba, phải phòng ngừa tâm phóng túng, mà tham vốn là gốc. (Phải xa rời ba tâm tham, sân, si). Thứ tư, thức ăn này chính là liều thuốc, để chữa trị thân gầy mòn. (Vì bịnh đói khát, nên phải dùng thức ăn này như liều thuốc). Thứ năm, vì thành tựu đạo nghiệp, nên thọ thức ăn này. (Nếu không ăn để nuôi dưỡng thân mạng, thì đạo nghiệp khó thành.)

Nếu hiểu rõ năm cách quán thì có thể tiêu hóa vàng dễ dàng. Ba tâm, tham sân si, chưa đoạn thì một giọt nước cũng khó mà tiêu. Phải nên thường khởi tâm hổ thẹn, chớ để mất chánh niệm. Nghe âm thanh liền ngộ đạo, và mắt thấy sắc liền sáng tâm. Chớ nên phóng tâm ra ngoài tìm cầu. Khi giữ chánh niệm, nghe một tiếng khánh thì niệm một danh hiệu Phật. Chớ nên bàn tán nhân ngã thị phi, nói lời tạp nhạp, khiến tâm tán loạn. Một hạt cơm của thí chủ nặng bằng núi Tu Di. Nếu không tự liễu ngộ đạo, kiếp sau phải mang lông đội sừng.

Tu nhân cảm quả như trồng lúa. Nước trí thấm nhuần đất tâm như nước nuôi dưỡng lúa mạ. Nếu tâm luôn trụ nơi đạo thì nơi nơi đều là đạo tràng. Người dụng tâm hay thì ruộng tâm không trưởng dưỡng cỏ vô minh, và nơi nơi thường khai hoa trí huệ. Đã được thân người, và đã nghe Phật pháp, phải nên nỗ lực tu hành, chớ để ngày tháng trôi qua vô ích.

20/ Ngày hai mươi sáu tháng tư [^]

Sống trong ba cõi, chịu luân hồi nơi sáu đường. Trong sáu đường, có ba đường lành và ba đường ác. Trời, người, A Tu La là ba đường lành. Địa ngục, ngạ quỶ, súc sanh là ba đường ác. Mỗi loài trong sáu đường, đều có muôn loại phẩm vị, tôn quý ti tiện, khác nhau. Kinh nói: "Chư thiên, tuy cùng dùng thức ăn, nhưng tùy theo phước đức của mỗi thiên chúng, mà màu sắc thức ăn có khác nhau. Bậc thượng thấy thức ăn màu trắng. Bậc trung thấy thức ăn màu vàng. Bậc hạ thấy thức ăn màu đỏ" .

Chư thiên cõi Dục giới vẫn còn dâm dục. Trời Tứ Thiên Vương dâm dục như người thế gian. Chư thiên cõi trời Đao Lợi chỉ ôm nhau âu yếm, liền thành sự dâm. Tại cõi trời Dạ Ma, chư thiên nắm tay nhau, bèn thành sự dâm. Chư thiên cõi trời Đâu Suất mỉm cười với nhau, thì thành sự dâm. Chư thiên cõi trời Hóa Lạc ngó nhìn nhau, thì thành sự dâm. Chư thiên cõi trời Tha Hóa vừa nháy mắt nhau, thì thành sự dâm. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Sáu cõi trời như thế, hình tướng tuy không động, nhưng tâm đã giao hợp. Vì vậy, nên gọi là Dục giới".

Cõi Sắc giới không có dâm dục, nhưng vẫn còn sắc thân. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Chư thiên ở mười tám cõi trời, hành hạnh đơn độc, không giao hợp, nhưng chưa hết phiền lụy vì sắc thân, tức sắc thể vi tế, nên gọi là cõi Sắc giới. Tuy không có sắc thể thô kệch, nhưng vẫn còn sắc tướng vi tế".

Kinh Tịnh Danh Lưu bảo: "Nếu không hiểu giáo nghĩa, thì cho rằng cõi Vô Sắc không có sắc tướng. Nếu hiểu giáo nghĩa, biết cõi Vô Sắc vẫn còn có sắc tướng".

Kinh Niết Bàn nói: "Sắc tướng của cõi Vô Sắc, Thanh Văn Duyên Giác chẳng biết được".

Kinh Lăng Nghiêm thuyết: "Nơi bốn cõi trời Không Thiên, thân tâm diệt tận, nhưng định tánh vẫn hiện tiền, và không có sắc tướng của nghiệp quả. Từ đó cho đến lúc mạng chung, được gọi là sống trong cõi Vô Sắc".

Luân hồi trong ba cõi, dâm dục là căn bản. Qua lại sáu đường, ái dục là cội gốc. Có dâm dục, tức có sanh tử. Đoạn dâm dục, tức cắt đứt dòng sanh tử. Ba cõi sáu đường, thân lượng thọ mạng, dài ngắn không đồng. Chư thiên cõi trời phi phi tưởng xứ, thọ mạng dài cả tám mươi ngàn đại kiếp, mà vẫn chưa đoạn dứt luân hồi sanh tủ. Ba cõi không an, giống như nhà lửa. Chúng ta nếu muốn vượt khởi nhà lửa thì phải dụng công tu hành cho hay.

21/ Ngày hai mươi bảy tháng tư [^]

Hôm nay, tôi có việc muốn phó chúc cho quý vị. Mấy ngày gần đây, tín chúng các nơi đến hỏi rằng chùa mình có truyền giới không. Mọi người nên biết, chỗ tôi ở chỉ là am tranh. Vì quý vị có duyên, nên cùng trú một nơi. Hiện tại, phải hưởng ứng lời hiệu triệu của chánh phủ, tức tự làm tự ăn. Nếu quá nhiều người, việc cung ứng thức ăn không đủ, vì mua lương thực không được. Quý vị chớ đưa tin ra ngoài, bảo rằng nơi đây có truyền giới, vì chùa này không thể chứa nhiều người. Tân giới tử của bổn tự, yêu cầu tôi ra thuyết giới. Nhận thấy thời tiết nhân duyên, có thể thuyết giới phương tiện, nhưng không thể hội tập các tân giới tử ở những nơi khác đến. Nếu quá nhiều người, nơi ăn chốn ở sẽ thành vấn đề lớn. Hiện tại, chúng ta rất bận rộn vì công việc đồng áng, như phải gieo lúa, cùng bao việc khác. Vì ngày ngày phải ăn uống, nếu không dự bị thì không có đủ lương thực để dùng. Loài chuột còn biết dự trữ lương thực. Chúng ta cũng phải tính toán, tồn trữ lương khô. Thời giờ trôi mau, bỗng chốc đã qua mùa hè. Cuối hè, ban ngày từ từ ngắn dần. Ban đêm lại từ từ dài thêm. Khí dương giảm bớt.

Thân người cùng trời đất hòa hợp với nhau. Thân tâm động tĩnh, đi đứng nằm ngồi, phải tùy thời mà điều phục. Trong động có tĩnh. Trong tĩnh có động. Trong động chớ để động chuyển. Trong tĩnh chớ để tĩnh chuyển. Định là thể. Huệ là dụng. Chân đế là tĩnh. Tục đế là động. Hai đế đều viên dung vô ngại, và đồng với khí chất trời đất. Tu hành học đạo, không ngoài việc điều phục động tĩnh. Động tĩnh nếu như pháp thì tâm tùy cảnh sẽ được an lạc. Nếu động tĩnh chẳng như pháp thì sẽ bị cảnh chuyển. Ngày vui rất ngắn, mà ngày buồn lại rất dài. Thời gian dài ngắn, đều do tâm tạo. Tất cả khổ vui, đều tùy theo cảnh chuyển.

Xưa kia, trên núi Cổ Sơn, có một vị tăng bị bịnh ghẻ lở, khiến ai ai cũng ghê tởm lánh xa. Thấy vậy, một thiền sư trẻ, tuổi chỉ ngoài hai mươi, khởi tâm thương hại, thường ân cần giúp đỡ chăm sóc vị tăng bị bịnh kia. Khỏe mạnh trở lại, vị bịnh tăng bèn cáo từ thiền sư trẻ:

- Thật đa tạ tấm lòng từ bi tử tế của Thầy. Nhờ Thầy ân cần giúp đỡ, bịnh đã lành lặn, nếu không thì tôi đã chết lâu rồi. Xin thỉnh Thầy đến ngôi chùa nhỏ của tôi.

Thiền sư trẻ đáp:

- Tôi đi tham bái núi Ngũ Đài, rồi trở về sẽ ghé thăm Thầy.

Tham bái núi Ngũ Đài xong, thiền sư trẻ trở lại, tìm kiếm ngôi chùa của vị tăng bịnh thuở xưa. Vừa đến chùa, thiền sư trẻ đã thấy vị bịnh tăng kia đang đứng trước cửa nghinh đón, bảo:

- Tôi đợi đã lâu, mà nay Thầy mới trở về!

Nói xong, liền mời thiền sư trẻ vào chùa uống trà. Thiền sư trẻ bảo:

- Hôm nay, trên đường đi, tôi chưa ăn uống gì cả.

Vị bịnh tăng bảo:

- Xin Thầy chờ một chút. Lát nữa tôi sẽ mang thức ăn ra.

Nói xong, vị bịnh tăng dẫn trâu ra đồng cày ruộng, nhổ mạ, rồi đem về chùa bầm nhuyễn, hòa cùng với bột gạo, nấu thành cháo. Trong khoảnh khắc, thức ăn được dọn lên. Ăn xong, thiền sư trẻ liền cáo từ, nhưng vị bịnh tăng nài nỉ, lưu giữ Thầy ở lại ngủ qua đêm. Hôm sau, trời hừng sáng, thiền sư trẻ liền rời khỏi chùa, rồi xuống núi, để trở về chùa mình. Tuy thiền sư trẻ chỉ ngủ một đêm tại am tranh của vị bịnh tăng, mà thời thế ở nhân gian đã đổi thay; triều đại mới đã được dựng lập, trải qua nhiều năm tháng.

Ngày ngày gặp những cảnh khổ não, chúng ta khó lòng vượt qua. Thiền sư trẻ kia lên núi trú qua một đêm, dùng một buổi cơm rồi xuống núi, thì đã thay đổi thời đại, qua bao năm tháng.

Sa Môn Huệ Thường ở núi La Phù, nhân đi hái trà mà vào hang núi, chợt thấy một tấm bảng bằng vàng kim, đề chữ 'La Hán Thánh Tự', rồi ở lại trong đó ba ngày mới trở ra. Lúc trở về chùa, ở cõi nhân gian đã trải qua năm năm.

Quý vị có thấy thời gian dài ngắn đều do tâm tạo không? Chỉ cần quý vị tu hành, định huệ viên dung, thông đạt hai đế, thâm nhập tam muội, chẳng sanh một niệm, thì sẽ thấy vô biên cảnh giới, không bị hạn cuộc chút nào. Xưa nay, người người đều không rời tâm này. Đi đứng nằm ngồi, chớ phóng tâm ra ngoài cầu pháp. Ngày ngày chớ để cảnh chuyển. Dầu cho kẻ khác nắng đi lạnh đến, vẫn không can hệ gì với mình. Như như bất động, niệm niệm vô sanh, không để cảnh chuyển, tức không lãng phí thời gian tu hành.

22/ Ngày hai mươi tám tháng tư [^]

Quý vị đồng tham học đến đây xin chớ làm khách, hãy dùng trực tâm vấn đạo. Quy củ vấn đáp Phật pháp nơi các tùng lâm tự viện là phải cung kính đảnh lễ, rồi quỳ xuống thỉnh chư hòa thượng khai thị. Nơi đây là am tranh, không cần phải theo nghi thức như thế. Vì sao? Hiện tại, từ sáng đến tối, cả ngày tôi mãi sống trong phiền não. Quý vị càng làm nghi lễ nhiều chừng nào, thì tôi càng bị phiền lụy bấy nhiêu. Quý vị hãy tùy tiện tùy thời hỏi han, như nông dân dẫn trâu cày ruộng, đẩy cày tới lui. Ví dụ, khi bàn về đèn dầu, nếu phải dùng dầu hương, thì gọi đó là dầu hương. Nếu là dầu tây, thì gọi đó là dầu tây. Quý vị nếu dụng công niệm Phật, thì đàm luận về pháp môn niệm Phật. Nếu tham thiền thì bàn về pháp tham thiền. Tu pháp gì thì luận bàn về pháp đó, tự nhiên không vướng mắc. Nếu biết tôi không hiểu rõ điều gì, xin quý vị hãy từ bi chỉ dạy.

Các pháp xưa nay vốn dùng để cắt đứt sanh tử. Tham thiền, tụng kinh, niệm Phật, lễ bái, cùng các pháp môn khác, đều tùy theo căn cơ mà thuyết giáo. Quý vị có căn cơ đến đâu thì chúng ta sẽ cùng đàm luận đến đó.

"Phật thuyết tất cả pháp, vì muốn độ tất cả chúng sanh. Không có tất cả tâm, sao lại dùng tất cả pháp?"

Ví như một toa thuốc, được phân chia đúng lượng, lúc uống vào thì đổ mồ hôi, khiến lành bịnh. Hết bịnh rồi, thì chẳng cần dùng thuốc nữa. Người xưa bảo:

- Tận hết tâm phàm, chẳng có chư thánh giải thoát.

Diệt tận tâm phàm phu, ngay đó chính là Phật, chớ hướng ngoại truy cầu. Nếu hướng ngoại truy cầu, tức là ngoại đạo. Ngoài tâm không có một vật vì tự tâm chính là Phật. Tâm phàm phu, tức tâm chấp trước, tâm thường sanh uất khí, tâm hoan hỶ, tâm khen ngợi hủy báng, tâm tham sắc, tham tiền, tham ăn ngon mặc đẹp, làm biếng, khởi vô minh, không lên chánh điện tụng kinh, cùng bao tập khí xấu xa, và thậm chí mong cầu thành Phật, v.v... Nếu quên đi cả phàm lẫn thánh, nơi mọi chốn đều như như bất động; không hướng ngoại tìm cầu, thì sẽ thấy tự tâm chính là Phật. Cắt ái từ thân, dùng tham thiền niệm Phật, để trừ khử tâm phàm. Dùng độc trị độc; bịnh lành thì không cần thuốc.

Quý vị đồng tham học! Thường nói nhiều thì vọng tưởng càng nhiều. Song, nếu không khẩn thành tu thiền hoặc niệm Phật thì chẳng biết mình có vọng tưởng. Lúc dụng công, nhìn lại mới biết mình có quá nhiều vọng tưởng. Nhận diện ra chúng, quý vị chớ để ý làm chi, chỉ như như bất động. Nếu khởi tâm động niệm, tức liền thấy ma. Công phu miệng tụng tâm tư duy ngày một thâm sâu, như nước chảy đá mòn, thì tự nhiên tất cả sẽ quy về một mối. Tham thiền có thể ngộ đạo. Quên mình niệm Phật cũng có thể ngộ đạo. Một niệm không sanh, liền thừa nhận bản tâm lập tức. Phải dùng lý này mà dụng công. Hy vọng, nơi đỉnh cột trụ trăm trượng, hãy tiến thêm một bước.

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối