Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Chương III. Sự nghiệp lưu truyền,
giáo pháp lan rộng


Các đại đệ tử của Tôn Giả đều có mặt tại các nơi như Ấn Độ, Ổ Cẩn, Ni Bạc Nhĩ, Nga Nhật, Tiền Tạng, Hậu Tạng; mỗi vị đều có các công đức thù thắng, và có khả năng hoằng dương thánh giáo của Tôn Giả. Song, vị tối quan trọng nhất là đại sư Chủng Đôn Ba. Lúc trú tại Nhiếp Đường, Tôn Giả ban truyền cho đại sư Chủng Đôn Ba kinh luận của 157 vị đại sư truyền lại; ưng tụng thì ban truyền pháp tụng; ưng giảng thì ban truyền pháp giảng; ưng trì Mật chú thì ban truyền pháp mật chú. Danh đề của các kinh luận đó bằng chữ Phạn có cả 6475 loại. Đại sư Chủng Đôn Ba dùng ba nghiệp thanh tịnh, mà chí thành thừa sự hầu cận Tôn Giả như đức Phật. Giáo pháp của Tôn Giả, đại sư Chủng Đôn Ba đều tiếp thọ hết, như nước từ trong bình này chế sang bình khác. Mỗi mỗi kinh luận, Tôn Giả đều ban truyền không gián đoạn; được Tôn Giả gia trì và hành theo giáo pháp, đại sư Chủng Đôn Ba chẳng khởi tâm phân biệt vọng động. Vì vậy, tất cả giáo pháp của Tôn Giả, có thể bảo rằng đại sư Chủng Đôn Ba may mắn tối cực, thọ nhận được hết.

Lần nọ, lúc trú tại chùa Da Bạt, đại sư Chủng Đôn Ba tự nghĩ: "Chư hữu tình đời mạt thế, cấu uế thâm trọng; nay sư trưởng còn tại thế, phải khiến giáo pháp của Tôn Giả mãi mãi lưu lại thế gian để làm lợi ích cho thế nhân."

Thế nên, ngày đêm Đại Sư thường thỉnh hỏi pháp nghĩa, viết thành bài tụng, rồi từ từ kết tập thành một quyển luận, gọi đó là Vấn Đáp Ma Ni Mạn (1). Đại ý của quyển luận đó như sau:

"Bồ Đề Tát Đỏa Ma Ni Hoàn, kính lễ đại bi tôn, kính lễ chư sư trưởng, kính lễ Sở Tín Thiên (2),

Ưng đoạn tất cả nghi; ưng ân cần tu hành.

Đoạn hôn mê giải đãi; thường khuyến tấn tu hành.

Niệm giác chẳng phóng dật; thường thủ hộ các căn.

Trong ba thời ngày đêm, phải thường quán tâm niệm.

Phải nhìn lỗi mình, chớ cầu lỗi của người.

Phải tu mật công đức; hiển công đức của người.

Đoạn lợi dưỡng cung kính; phải đoạn tâm cao ngạo.

Phải thiểu dục tri túc; đền đáp các ân đức.

Phải tu tâm từ bi; tâm Bồ Đề kiên cố.

Phải đoạn mười việc xấu; lòng tin thường chắc thật.

Đoạn phẫn nộ ngã mạn; phải hạ tâm thấp xuống.

Phải đoạn các tà mạng; giữ huệ mạng tồn tại.

Phải bỏ tham tài vật; dùng thánh vật trang nghiêm.

Phải đoạn tâm tạp nhạp; phải trụ A Lan Nhã.

Phải đoạn lời kiêu xa; phải phòng ngừa lời nói.

Thấy tôn trưởng thân giáo, phải cung kính thừa sự.

Nơi người đủ pháp nhãn, cùng các vị sơ nghiệp,

Phải khởi tưởng đại sư; lúc gặp chư hữu tình,

Khởi tưởng là cha mẹ; phải tránh các bạn ác.

Phải y thiện tri thức; đoạn tâm sân chẳng vui.

Phải hướng nơi an lạc; phải đoạn các tham dục.

Phải trụ nơi chẳng tham; tham chẳng được an lạc,

Khiến đoạn đứt huệ mạng; nếu thấy pháp an lạc,

Phải thường tận lực hành; lúc sanh tâm trầm tịch,

Phải khởi tâm dõng mãnh; phải tu tánh Không Quán.

Lúc cảnh tham sân khởi, phải quán như huyễn hóa.

Khi nghe các lời xấu, phải quán như âm vang.

Lúc thân bị tổn hoại, phải quán do nghiệp xưa.

Trụ núi rừng nhàn tĩnh, như thi thể nai chết.

Phải tự ẩn thân mình; phải trụ nơi vô tham.

Phải thường trụ chí nguyện; lúc tâm tình giải đãi,

Phải tự trách tâm đó; niệm giới cấm tâm yếu.

Lúc gặp những người khác, phải tịnh hòa chánh ngôn,

Đoạn dung nhan phẫn nộ, nụ cười thường phải có.

Thường gặp những người khác, bố thí chẳng keo kiết.

Đoạn tất cả ganh ghét, vì thủ hộ tâm người.

Phải đoạn tất cả tranh; thường trụ nơi nhẫn nhục.

Chẳng có mặt tráo trở; thường phải tự an trụ.

Đoạn lời khinh mạn người; phải khởi tâm kính trọng.

Lúc dạy dỗ người khác, phải đủ bi lợi ích.

Chớ hủy báng chánh pháp; tùy ý thích thắng giải.

Trong mười pháp hành môn, ngày đêm không sao lãng.

Tích tập thiện ba đời, hồi hướng vô thượng đạo.

Phước thí chư hữu tình; phải thường thời phát khởi,

Bảy chi quảng đại nguyện; phải viên mãn như thế,

Tư lương hai phước huệ; hai chướng phải mãi đoạn.

Không uổng được thân người, chứng vô thượng Bồ Đề,

Tín tài cùng giới tài, xả tài cùng văn tài.

Phải có tâm hổ thẹn, phước tài cộng làm bảy.

Đây các lợi tối thắng, là bảy vô lượng tài.

Chớ nghe phi nhân thuyết; trong chúng quán lời nói.

Độc cư quán tâm niệm."

Ấn Độ Ổ Ba Đà Da, Thắng Nhiên Đăng Hiền Trí Tạng thuyết; Bồ Đề Tát Đỏa Ma Ni Mạn Viên Mãn.

Lúc đại sư Chủng Đôn Ba đang thỉnh pháp, dịch sư Thiện Huệ cũng đang diễn thuyết yếu nghĩa Phật pháp cho năm trăm đệ tử tại chùa Tang Phác. Đêm nọ, một mình độc cư tại núi rừng Tang Phác, Thiện Huệ mộng thấy Bồ Tát Văn Thù hiện thân dạy:

- Ông tuy thiện xảo tất cả sở tri, nhưng chưa đắc được yếu chỉ cùng cực của pháp nghĩa. Nay ông hãy để đồ chúng an nơi văn tư tu, rồi một mình sang chùa Da Bạt mà nghe pháp nghĩa thậm thâm. Hiện tại Pháp Vương (tức Tôn Giả) và Chủng Đôn Ba, đang quán chiếu biển cả sanh tử vô biên, ngày đêm tạo Vấn Đáp Ma Ni Mạn Luận, giống như Kim Mạn trân bảo vô giá.

Nói xong, Bồ Tát Văn Thù thuật lại toàn bộ ý nghĩa của bộ luận đó, rồi trong khoảng sát na liền biến mất. Tỉnh dậy, Thiện Huệ biết việc này thật hy hữu, và âm thanh vẫn còn nghe văng vẵng bên tai, nên sanh tâm vui mừng vô hạn, như đăng Sơ Địa, nên bảo đồ chúng:

- Các ông hãy tự tinh tấn hành hạnh văn, tư, tu. Ta nay muốn đến Da Bạt, thỉnh hỏi pháp nghĩa trong hai ba tháng. Nếu có việc quan trọng, hãy tự giải quyết. Từ đây cho đến lúc Ta trở về, chớ nên tạo nhiều việc đa sự, qua lại cầu kiến, tăng thêm sự tán loạn. Nay Ta đã già, nên chỉ cầu việc hậu sự. Nếu có lòng tín kính, thì hãy hành theo lời Ta. Hôm nay cử Huệ Tràng đi theo Ta; tất cả việc quan trọng, chỉ do Huệ Tràng thưa thỉnh. Lúc Ta chưa trở về, chớ có khi luống, vọng nói có việc quan trọng mà cầu gặp; đó là nghiệp ma, phải nên chế phục.

Khi ấy, năm trăm đồ chúng sanh tâm nghi hoặc. Hôm trước tâm tình thầy họ từ bi hiền hòa; đêm qua tự trụ nơi núi rừng vắng vẻ, rồi hôm nay lại chợt có lời răn nhắc cứng rắn; ngôn lời chưa quyết đoán, thế khó lưu giữ, nên họ chỉ biết y theo lời của Thiện Huệ mà hành.

Ngày hôm sau, khi mặt trời vừa chiếu đỉnh núi Tây Sơn, Thiện Huệ cùng Huệ Tràng lên đường. Lúc Thiện Huệ đi ra khỏi núi, dân làng thấy thế sanh nghi, bảo:

- Trước kia, mỗi lần xuất hành cỡi ngựa đều có năm trăm đồ chúng đi theo, chẳng thiếu một người. Vì việc gì mà ngài Thiện Huệ phải đi một mình như thế này ?

Dân làng bèn trở về Tang Phác, truyền cáo cho nhau. Dịch sư Thiện Huệ lần hồi tới Da Bạt, khải bạch Tôn Giả về lời giáo huấn của Bồ Tát Văn Thù, và nhân duyên đến đó. Thiện Huệ lại y theo Ma Ni Hoàn Tụng, mà thỉnh hỏi bổn tích của đại sư Chủng Đôn Ba. Thiện Huệ lại thỉnh hỏi rằng làm thế nào để đoạn trừ nghi vấn, làm thế nào để ân cần kính trọng sự tu hành ? Thiện Huệ xem qua quyển Ứng Quán Vi Tích Nghiệp Cú, biết được nhân duyên của hai mươi đời trước. Lúc Thiện Huệ hỏi về nhân duyên của câu thứ tư "Trụ núi rừng nhàn tịnh", thì có Ca Ngõa Thích Ca Tự Tại, dịch sư Giới Thắng, v.v... vừa đến nơi đó. Bấy giờ, trên có Tôn Giả, dưới có các huynh đệ, dị khẩu đồng lời xưng tán công đức của đại sư Chủng Đôn Ba; đại chúng cũng đồng trách mắng Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung; ngay nơi cảnh giới thù thắng lại khởi sanh tội phi lý. Đại sư Chủng Đôn Ba ngược lại tán thán công đức của Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung, khiến đại chúng dứt lời trách móc. Khi ấy Giới Thắng bảo Ca Ngõa Thích Ca Tự Tại:

- Thầy nên khuyên Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Ba sám hối tội lỗi; Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Ba sẽ nghe lời của Thầy.

Ca Ngõa Thích Ca Tự Tại tự bảo chẳng kham nhận việc đó, nên thỉnh ngược lại Giới Thắng rằng hãy khuyên Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung. Giới Thắng cũng cảm thấy chẳng kham nổi, nên cầu đại sư Chủng Đôn Ba từ bi phương tiện chỉ dạy.

Bấy giờ, Hà Cổn giả dạng thương nhân, đến Đường Ma Khư tuyên truyền thắng đức của đại sư Chủng Đôn Ba, và chê bai tội phỉ báng phi lý của Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung. Khi ấy, Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung nghe qua, liền biết rõ, rồi mời Hà Cổn vào chùa để hỏi han về việc đại sư Chủng Đôn Ba đang trú tại Da Bạt. Lúc ấy, Hà Cổn tường thuật mọi sự việc, và thiết thiện xảo phương tiện, chiết phục tâm cống cao ngã mạn của Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung, khiến vị này sanh tâm kính tín, tự hối cải lỗi khi trước, và muốn sang chùa Da Bạt, để sám hối tội lỗi cùng nghe pháp. Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung liền vân tập đồ chúng, giả vờ bảo rằng sẽ nhập thất chuyên tu, không cho yết kiến; nếu ai không nghe, trọng tội chẳng tha; nói xong liền ban lời giảng dạy đơn sơ. Đồ chúng nghe thế, chỉ biết y theo lời mà hành. Sáng sớm hôm sau, Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung cỡi một con lừa mà đi. Đến chùa Da Bạt, Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung sám hối tội lỗi. Lúc ấy, dịch sư Thiện Huệ vấn hỏi Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Trung về nhân duyên của những việc phỉ báng phi lý khi xưa, v.v...

Sau khi Tôn Giả viên tịch chẳng bao lâu, Thiện Huệ muốn thỉnh chút phần linh cốt của Tôn Giả. Đại sư Chủng Đôn Ba bảo:

- Linh cốt của Tôn Giả, hai chúng ta có thể kiến lập một tháp bằng bạc để cúng dường. Tháp của Thầy làm xong, thì hãy sai một tỳ kheo tịnh giới, đến đây thỉnh linh cốt Tôn Giả. Tôi sẽ chia phần cho Thầy. Nay tạm lưu giữ lại nơi đây.

Lần khác, đại sư Chủng Đôn Ba dẫn ba con chó của Tôn Giả (3), và hai con trâu trắng đen, đến vùng Kiệt Ma Lũng. Du Già Sư đem vàng sang Ấn Độ rồi trở về, y theo đại sư Chủng Đôn Ba mà cư trú tu hành. Kế đến, Đại Sư thọ lời thỉnh cầu của quan Tràng Khách Bút Khung ở Tiền Tạng đến vùng Nhạ Trân, kiến lập tự viện, rồi mời thợ đúc Ấn Độ, đúc một ngôi tháp bằng bạc thờ linh cốt Tôn Giả; ngoài là hình tháp, còn trong là Mạn Đà La. Dịch sư Thiện Huệ y theo quy thức tạo ngôi tháp bằng bạc của đại sư Chủng Đôn Ba, kiến lập một ngôi tháp khác, rồi sai một tỳ kheo tịnh giới, thỉnh linh cốt xá lợi Tôn Giả mà đặt vào đó. Khô Đôn Tôn Chủng Vĩnh Trung nghe việc này, cũng kiến lập một ngôi tháp bằng bạc mạ vàng, và cho đắp tôn tượng Phật Thích Ca bằng vàng. Về sau, các ngôi tháp đó đa số bị hư hoại, nhưng chỉ có ngôi tháp ở chùa Nhã Trân vẫn còn tồn tại, và là nơi dân chúng thường đến cúng dường.

Đại sư Chủng Đôn Ba trú nơi chùa Nhạ Trân trong chín năm, làm lợi ích rất nhiều cho chúng sanh; Đại Sư có hơn năm mươi đại đệ tử; trong đó, những vị nổi bật nhất là ba huynh đệ Phác Khung Ngõa Đồng Tràng, Bác Đóa Ngõa Bảo Minh, Cẩn Nga Ngõa Giới Nhiên; những vị này, hoằng dương thánh pháp khắp cả Tây Tạng. Đến ngày nay, tại Tây Tạng, chỉ có giáo nghĩa của phái Ca Đương (4) là hưng thạnh nhất. Vì vậy, có người hành trì theo giáo lý, thì chánh pháp trụ mãi ở thế gian. (5). Thắng đức cộng và bất cộng của tôn giả A Để Sa, trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng ghi lại rõ ràng.

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối