KINH TIỂU BỘ
Khuddaka Nikaya
"The Short Passages"
Hòa Thượng Thích Minh Châu Dịch Việt
TẬP IV
4. CHUYỆN TIỀN THÂN ÐỨC PHẬT (I)
(Jàtaka)
CHƯƠNG I
4.11 PHẨM PAROSATA
101. CHUYỆN HƠN MỘT TRĂM KẺ NGU (Tiền thân Parosata)
Trăm kẻ ngu tụ hội...,
Trăm kẻ ngu tụ hội.
Thiền tự một trăm năm,
Không bằng một người trí
Hiểu nghĩa lời Phật dạy.
Tiền thân này, về câu chuyện, về giải thích và nhận diện Tiền thân đều giống như Tiền thân Parasahassa (số 99), chỉ riêng ở đây đề cập đến Thapeyya (Thiền tư).
102. CHUYỆN NGƯỜI BÁN RAU (Tiền Thân Pannika)
Người đáng che chở ta...,
Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một cư sĩ bán rau trái. Nghe nói, có một cư sĩ trú ở Xá-vệ, buôn các loại cú và lá, các loại bí, bầu v.v...để nuôi sống; cư sĩ ấy có một người con gái xinh đẹp, tín thành, đầy đủ chánh hạnh giới đức, biết tàm, biết quý, nhưng luôn luôn có nụ cười trên mặt.
Khi các gia đình môn đăng hộ đối đến xin hỏi cưới nàng, người cư sĩ suy nghĩ: "Con gái của ta cần phải gả chồng. Nhưng nó có tật hay cười. Khi một đứa con gái đứng đắn đưa đến một gia đình khác có tật hay cười là một cái nhục cho bố mẹ. Ta phải tìm hiểu nó có phải là người con gái tốt nết hay không."
Một hôm, cư sĩ báo người con gái đem giỏ theo, đi vào rừng để hái lá trong rừng. Rồi để thử nàng, cư sĩ cầm tay nàng, nói những lời kín đáo tỏ tình như muốn phạm lỗi, nàng liền bật khóc và than:
- Thưa cha thân, làm vậy không tốt, giống như lửa hiện ra từ nước. Chớ làm vậy.
- Này con thân, chỉ vì cha muốn thử con, nên cha mới cầm tay con. Con hãy nói lên. Nay con vẫn là đứa con gái có đức hạnh.
- Từ trước đến nay con chưa nhìn người đàn ông nào với lòng tham ái!
Người cha an ủi con gái, dắt về nhà, tổ chức tiệc cưới và đưa con gái về nhà chồng. Rồi người cư sĩ ấy quyết định đi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, đem theo hương, vòng hoa v.v..., Ông đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, cúng dường rồi ngồi xuống một bên. Khi được hỏi vì sao lâu nay không thấy đến, người cư sĩ ấy thuật câu chuyện cho Thế Tôn rõ. Bậc Ðạo Sư nói:
- Này cư sĩ, thiếu nữ này từ lâu đã sống có chánh hạnh, có giới đức. Không phải chỉ nay, ông mới thử nó. Chính trong quá khứ, ông cũng đã thử rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một thần cây ở trong rừng. Một người cư sĩ bán rau trái ở Ba-la-nại (câu chuyện giống như câu chuyện hiện tại), khi người cư sĩ cầm tay con gái để thử lòng, cô con gái bật khóc và nói lên bài kệ này:
Người đáng che chở ta
Trong khi ta đau khổ,
Người ấy là cha ta,
Lại làm quấy với ta.
Chính tại giữa ngôi rừng,
Ta khóc việc làm ấy.
Người đáng che chở ta,
Lại là kẻ thù ta.
Khi ấy người cha an ủi con gái, hỏi nàng có biết giữ gìn bản thân không, người con gái trả lời nàng biết giữ gìn bản thân mình. Người cha đem nàng về nhà, tổ chức tiệc đám cưới và đưa về nhà chồng.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng về các Sự thật, và cuối bài giảng ấy, người bán rau được an trú vào quả Dư lựu. Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Người cha và con gái lúc bấy giờ là người cha và con gái hiện tại, thần cây chứng kiến sự việc ấy là Ta vậy.
103. CHUYỆN KẺ THÙ (Tiền Thân Veri)
Tại chỗ kẻ thù ở...,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về ông Cấp Cô Ðộc. Nghe nói Cấp Cô Ðộc, khi đến làng mà ông đang làm thôn trưởng, để giải quyết xong việc, trên đường trở về, ông thấy bọn ăn trộm, liền nghĩ: "Thật không nên chậm trễ giữa đường. Ta phải đi gấp về Xá-vệ". Ông thúc bò đi thật mau, đến được Xá-vệ trong ngày hôm sau, đi đến Kỳ-Viên, ông kể lại sự việc cho bậc Ðạo Sư rõ. Bậc Ðạo Sư nói:
- Này gia chủ, thuở trước các vị hiền trí giữa đường thấy bọn ăn trộm, đã vội đi ngay về nhà không chậm trễ.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Brahamadtta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là vị triệu phú có tài sản lớn. Bồ-tát là vị triệu phú có tài sản lớn. Bồ- tát được một dân làng mời đi ăn. Ăn xong, trên đường trở về, Bồ-tát thấy những tên ăn trộm, Bồ-tát không ở lại giữa đường, thúc bò đi gấp về đến nhà của mình. Sau khi ăn nhiều món ngon lành khác nhau, ngồi trên giường lớn, Bố-tát nói:
- Ta thoát khỏi tay bọn ăn trộm, nay được về nhà của mình không có sợ hãi.
Rồi Bồ-tát cảm hứng đọc bài kệ này:
Tại chỗ kẻ thù ở,
Người trí không ở đâý.
Một đêm hay hai đêm,
Gặp khổ giữa kẻ thù.
Như vậy, Bồ-tát thốt lên lời cảm hứng, và trọn đời làm các công đức bố thí v.v... rồi lúc mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, Ta là người triệu phú ở Ba-la-nại.
104. CHUYỆN CHÀNG TRAI MITTAVIDA ( Tiền thân Mittavinda)
Từ bốn đi đến tám...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Câu chuyện đã được nói đến với các chi tiết trong Tiền thân Mittavinda (số 41). Chuyện Tiền thân này xảy ra trong thời Ðức Phật Ca-diếp.
Lúc bấy giờ, một người trong địa ngục bị quăng bánh xe trên ngực, đang bị đốt, nấu trong địa ngục, hỏi Bồ-tát:
- Thưa Tôn giả, tôi đã làm điều ác gì?
Bồ-tát nói:
- Ngươi đã làm tội này, tội này!
Rồi Bố-tát đọc bài kệ:
Từ bốn đi đến tám,
Từ tám đi mười sáu,
Mười sáu đến băm hai,
Kẻ tham đến bánh xe,
Bánh xe lăn trên đầu,
Ðến khi dục đoạn tận.
Nói vậy xong, Bồ-tát đi về thế giới chư Thiên của mình. Còn chúng sanh trong địa ngục, sau khi ác hạnh đoạn tận, đi theo nghiệp của mình.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, Mittavindaka là Tỷ-kheo khó bảo, còn Bồ-tát là Ta vậy.
105. CHUYỆN CON VOI SỢ CHẾT (Tiền Thân Dubbalakattha)
Rừng này có nhiều cành...,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo sống trong tình trạng hoảng sợ. Tương truyền, một thiện nam tử ở Xá-vệ, sau khi nghe pháp, xuất gia, nhưng lại luôn luôn sợ chết; ban đêm cũng như ban ngày. Bất cứ chỗ nào, nghe tiếng gió thổi, cành cây khô rơi, chim kêu hay tiếng vật bốn chân, vị ấy liền la hét bỏ chạy. Vị ấy không biết có hình tức có loại; nếu vị ấy biết: Các hành là vô thường, ta sẽ chết, thì vị ấy sẽ không sợ chết.
Vì không tu tập niệm chết, nên mới sợ chết. Tánh sợ chết của vị ấy được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm các Tỷ-kheo ở tại Chánh pháp đường khởi lên câu chuyện:
- Này chư Hiền, Tỷ-kheo tên này, bị sự chết làm hoảng hốt nên sợ chết.Vậy mỗi Tỷ-kheo cần phải tu tập pháp môn niệm chết rằng: Ta thế nào cũng phải chết.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp tại đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư cho gọi Tỷ-kheo ấy đến, hỏi có thật vị ấy sợ chết chăng, khi được Tỷ-kheo ấy trả lời có thật, bậc Ðạo Sư nói với các Tỷ-kheo.
- Này các Tỷ-kheo, chớ có tư tưởng không hoan hỷ đối với Tỷ-kheo này. Không phải chỉ nay, vị ấy mơ1i sợ chết. Trong quá khứ, vị ấy cũng đã sợ chết rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở thành Ba-la-naïi, Bồ tát sanh làm thần cây ở Tuyết Sơn. Lúc bấy giờ, vua BA-la-nại đem con voi báu củaq mình giao cho các người nài voi để huấn luyện nó đừng dao động. Họ cột chặt con voi bất động vào bắt đầu huấn luyện voi tập tánh baát động.Khi Con voi, bị bắt tập như vậy, không thể chịu nổi đau khổ, liền bẻ gãy cây cột, đuổi các người tập và đi vào Tuyết Sơn. Người ta không thể bắt nó được, bèn đi trở về.
Tại đấy, con voi bắt đầu sợ chết, nghe tiếng gió động, nó hoảng hốt sợ chết, đập vòi qua lại và chạy thật nhanh, như khi nó bị cột vào cây cột tập đừng dao động. Không hưởng được thân thoải mái hay tâm thoải mái, nó đi lang thang trong nỗi dao động. Thần cây thấy nó, đứng trên chỗ nhánh chĩa hai của thân cây, nói lên bài kệ này:
Rừng này có nhiều cành,
Gió bẻ gãy cành mục,
Này voi, nếu ngươi sợ,
Ngươi sẽ ốm yếu thôi.
Như vậy, thần cây khuyên dạy con voi ấy. Từ đó trở đi, con voi không sợ hãi nữa.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết về các Sự thật. Cuối bài giảng, Tỷ-kheo ấy chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Lúc bấy giờ, con voi là Tỷ-kheo ấy, còn thần cây là Ta vậy.
106. CHUYỆN MÚC NƯỚC (Tiền Thân Udancani)
Hạnh phúc, đời sống tôi...,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về sự cám dỗ của một thiếu nữ béo mập. Câu chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Culla-Nàrada-Kassapa, trong Chương thứ mười ba (số 477). bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
- Có thật chăng, này Tỷ-kheo, ông bị luyến ái?
Khi được trả lời là thật có như vậy, bậc Ðạo Sư hỏi:
- Ông luyến ái ai?
Tỷ-kheo ấy trả lời:
- Tôi luyến ái một thiếu nữ béo mập.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này Tỷ-kheo, người thiếu nữ này đã làm chuyện không tốt lành cho ông. Thuở xưa, cũng vì thiếu nữ này,ông đã gặp nạn, đi lang thang dao động, may nhờ có bậc hiền trí, ông mới lấy lại an lạc.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, chuyện này đã xảy ra (câu chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Culla-Nàrada-Kassapa).Lúc bấy giờ, Bồ-tát vào buổi chiều, mang trái cây đi đến am thất bằng lá, mở cửa và nói với con trai là Cullatàpasa (vị Tiểu khổ hạnh):
- Này con thân, trong những ngày trước, con đã đem củi, nước uống, thức ăn, và đốt lửa. Nhưng hôm nay,con không làm một việc gì cả, mà nằm với vẻ mặt buồn bã bơ phờ như vậy?
- Thưa cha thân, khi cha đi hái các loại trái v.v...một nữ nhân đến cám dỗ con, và muốn đem con đi. Nhưng con không đi vì chưa được phép cha. Con bảo nàng ngồi tại chỗ ấy chờ đợi con đến. Nay thưa cha thân, con muốn ra đi.
Bồ-tát biết rằng con mình quá say mê luyến ái không thể từ bỏ nữ nhân ấy, nên nói:
- Này con thân, con cứ đi đi! Nhưng, khi nào cô ấy muốn ăn cá thịt v.v...và cần dùng các món bơ chín, muối, gạo v.v...và sai con đi tìm để mang về cái này cái khác, làm con mệt mỏi, hãy nhớ am thất của cha và chạy trốn về đây!
Rồi Bồ-tát cho đứa con đi. Ðưùa con ấy cùng với nữ nhân đi về chỗ ở của dân chúng. Nữ nhân ấy về nhà mình, khi cần dùng vật gì liền sai người tình đi lấy:
- Hãy mang thịt về, hãy mang cá về.
Khi ấy, đứa con trai suy nghĩ: "Nữ nhân này hành hạ ta, chẳng khác đầy tớ hay người nô lệ của mình".
Hạnh phúc, đời sống tôi
Bị nữ tặc cướp mất,
Nhân danh là vợ tôi,
Tôi phải nấu phải nướng,
Phải múc nước, gánh nước,
Phải xin muối, xin dầu!
Rồi Bồ-tát an ủi con trai, dạy cậu tu tập lòng từ, lòng bi, hạnh hỷ và hạnh xả, và trình bày đối tượng thiền quán.Người con trai ấy không bao lâu đắc các Thắng trí và Thiền chứng, cùng với người cha được sanh lên Phạm thiên giới.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng về các Sự thật. Cuối bài giàng, Tỷ-kheo ấy chứng được Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Người thiếu nữ béo mập thời ấy là người thiếu nữ béo mập hiện nay, Cullatàpasa là Tỷ-kheo bị luyến ái, còn người cha là Ta vậy.
107. CHUYỆN NGHỀ NÉM ÐÁ (Tiền Thân Sàlittaka)
Lành thay, một nghề tinh...,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tỷ-kheo đã ném trúng con ngỗng trời. Nghe nói, có một thiện nam tứ ở Xá-vệ đạt được thù thắng trong đức hạnh. Một hôm, vị ấy đưa một Tỷ-kheo trẻ đi đến sông Aciravati tắm, còn vị ấy đứng trên bờ. Lúc ấy hai con ngỗng trời trắng bay ngang qua hư không. Vị ấy nói với Tỷ-kheo trẻ:
- Với hòn đá, ta sẽ ném trúng mắt con ngỗng trời bay sau, làm cho ngỗng rơi xuống dưới chân ta.
Người kia nói:
- Bằng cách nào làm rơi được? Thầy không thể quăng trúng đâu.
- Hãy chờ một lát! Ta sẽ quăng trúng con mắt bên phía này xuyên qua con mắt bên phía kia.
- Chuyện thầy nói không thể xảy ra.
- Vậy ông hãy đợi xem.
Vị ấy cầm một hòn đá có ba cạnh, dùng ngón tay liệng hòn đá về phía sau lưng con ngỗng trời ấy. Con ngỗng trời nghe tiếng đá bay, nghĩ rằng có nguy hiểm, quay đầu lại đề nghe. Trong giây phút ấy, vị ấy lấy một hòn đá tròn, khi con ngỗng trời đang quay đầu lại, liền quăng hòn đá trúng con mắt ở phía bên kia của ngỗng trời. Hòn đá đi xuyên qua con mắt bên này. Con ngỗng trời kêu lên một tiếng lớn rồi rơi xuống dưới chân hai vị.
Vị Tỷ-kheo kia thấy vậy, trách Tỷ-kheo ấy đã làm một việc hoàn toàn không thích đáng, rồi dẫn vị ấy đến gặp bậc Ðạo Sư và báo cáo việc làm không tốt đẹp kia. Bậc Ðạo Sư quở trách Tỷ-kheo ấy và nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo ấy mới thiện xảo trong nghề của mình. Thuở xưa, vị ấy mới thiện xảo trong nghề của mình. Thuở xưa, vị ấy cũng đã thiện xảo rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một đại thần của vua. Lúc bấy giờ, vị cố vấn tế tự của vua nói nhiều, lắm mồm lắm miệng. Khi ông ta bắt đầu nói, người khác không có cơ hội để nói. Nhà vua suy nghĩ: "Ta phải tìm cho được người có thể cắt đứt lời nói của nó". Từ đó, vua đi tìm một người như vậy.
Lúc bấy giờ, ở Ba-la-nại có một người què, thuần thục trong nghề ném đá. Các đứa trẻ trong làng đặt nó trên chiếc xe nhỏ, kèo ra cửa thành Ba-la-nại. Tại đó, có một cây bàng lớn có nhiều cành lá rậm rạp. Các đứa trẻ đưa nó ra tại đấy, vây quanh và cho nó một số tiền nhỏ v.v... bảo làm hình con voi, con ngựa. Nó ném đá và tạo thành hình các con vật trên các ngọn lá của cây bàng. Tất cả là đều bị cắt qua cắt lại như vậy.
Rồi nhà vua, trong khi đi dạo công viên, đến tại chỗ ấy. Các đứa trẻ sợ nghi vệ của vua nên bỏ chạy, chỉ còn lại người què nằm đó. Vua đi đến gốc cây bàng, ngồi trên xe thấy, từng đám là cây loang lổ, ngó lên, thấy tất cả lá bị cắt đứt, liền hỏi ai đã làm như vậy. Khi được nói chính là người què đã làm như vậy, nhà vua suy nghĩ: "A! Nhờ người này, nay đã có cách có thể cắt lời nói của vị Ba-la-môn ấy được!".
Vua bèn hỏi người què ở đâu. Chúng đi tìm, thấy nó nằm dưới gốc cây, liền báo cho vua biết. Vua kêu nó lại, bảo các tuỳ tùng tránh xa, và hỏi:
- Chúng ta có một vị ấy Bà-la-môn lắm mồm lắm miệng, người có thể làm cho nó ngưng nói được không?
- Thưa Ðại Vương, có thể được, nếu tôi có hột phân dê khô đầy một ống thổi.
Vua đem người què về cung, bảo nó ngồi sau lưng một cái màn có một lỗ hở, đặt ghế ngồi của vị Bà-la-môn hướng về lỗ hở ấy và cho đặt gần người què một ống thổi đầy phân dê khô. Vị Bà-la-môn đi đến hầu vua, ngồi trên cái ghế riêng của ông ta và bắt đầu câu chuyện. Cũng như bao lần trước, ông ta không cho ai khác có cơ hội để nói.
Bấy giờ, người què, ngang qua lỗ hở của màn, bắn phân con dê từng viên một, vào đúng cổ họng của vị Ba-la-môn như những con ruồi tuần tự đi vào. Vị Bà-la-môn nuốt các viên phân ấy mỗi khi chúng bay đến. Khi tất cả viên phân dê từ ống htổi đã đi vào bụng vị Bà-la-môn, chúng nở to lên bằng nửa alhaka (một đơn vị đo lường khoảng hơn bốn lít rưỡi). Khi vua biết được các viên phân dê không còn nữa, mới nói:
- Này sư trưởng, ông nói nhiều quá, nên đã nuốt các viên phân dê đầy caû một ống mà không hay biết gì! Ông không thể nào tiêu hoá nhiều hơn thế ữa hôm nay. Hãy về uống nước cây tắc, để nôn ra và được khỏi bệnh.
Từ đó về sau, người cố vấn tế tự ngồi với miệng ngậm câm, không nói gì trong khi bàn luận. Vua nói:
- Lỗ tai của ta được an lạc nhờ người què này!
Vua cho nó bốn làng trong bốn phương hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc, có huê lợi một trăm ngàn đồng.
Sau đó Bồ tát đi dến hầu vua và thưa:
- Thưa Ðại Vương, nghề này, các bậc hiền trí ở đời cần phải học. Chỉ nghề ném đá đã đem lại cho người què kết quả vinh hiển như vậy.
Nói xong, Bố-tát đọc bài kệ:
Lành thay, một nghề tinh,
Dầu đó là nghề gì,
Xem kẻ què ném đá,
Ðược làng cả bốn phương.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, người què là vị Tỷ-kheo này, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
108. CHUYỆN LẠ KỲ (Tiền Thân Bàhiya)
Hãy học điều cần học...,
Câu chuyện này, khi trú ở ngôi phòng lớn có nóc nhọn tại Ðại Lâm, gần Tỳ-xá-ly, bậc Ðạo Sư đã kể về một người Licchavi. Nghe nói, vị vua Licchavi này có lòng tin, hoan hỷ mời chúng Tỷ-kheo với Ðức Phật là vị cầm đầu, và tổ chức một lễ cúng dường lớn tại trú xứ của mình. Bà vợ của vua, tay chân béo mập, như có tướng phát phì ra và ăn mặc lôi thôi. Bậc Ðạo Sư dùng cơm xong, nói lời tùy hý, rồi đi về tinh xá. Sau khi giáo giới các Tỷ-kheo ngài vào Hương phòng. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường bắt đầu câu chuyện.
- Này các Hiền giả, vua Licchavi ấy đẹp trai như vậy, lại có bà vợ tay chân béo mập, ăn mặc lôi thôi. Sao vua có thể thương một người như vậy?
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
- Nay các Tỷ-kheo nay các ông ngồi tại đây đang bàn luận về vấn đề gì?
Sau khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà thôi, thuở xưa, vị ấy cũng đã thương mến nữ nhân thân thể béo mập rồi!
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát là vị đại thần của vua. Có một nữ nhân thôn quê thân thể béo mập, ăn mặc lôi thôi, làm công ăn lương, đang đi ngang qua gần sân chầu của nhà vua, cảm thấy thân bị bức bách bèn ngồi xuống lấy áo che thân, giải tỏa sự bức bách của thân và nhanh nhẹn, đứng dậy.
Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại tình cờ đang nhìn xuống ngang qua cửa sổ, thấy nữ nhân ấy liền suy nghĩ: "Người này trong khi giải tỏa sự bức bách của thân tại sân vua như vậy, vẫn không từ bỏ tàm quỳ, dùng áo che đậy, giải tỏa bức bách xong, liền đứng dậy một cách nhanh nhẹn. Nữ nhân này chắc chắn khỏe mạnh, nhà cửa nữ nhân này chắc chắn sạch sẽ, nếu nàng có một đứa con, đứa con ấy chắc chắn sẽ được sạch sẽ và soáng có giới đức. Ta phải đặt người này lên làm hoàng hậu".
Sau khi biết được nữ nhân này chưa thuộc sở hữu của ai, vua bèn cho gọi nữ nhân ấy đến và đặt nàng vào địa vị hoàng hậu. Nàng trở thành người được vua yêu thương và thân thiết. Không bao lâu, nàng sanh được con trai. nhà vua đặt con trai nàng lên làm Chuyển luân vương. Bồ tát nghe câu chuyện về sự may mắn của nàng, liền dùng cơ hội này thưa với vua:
- Thưa đại vương, phàm việc gì cần phải làm cho được tốt đẹp, sao lại không học tập? Sự việc này, do nữ nhân có đức hạnh lớn, khi giải tỏa sự bức bách của thân, vẫn không từ bỏ tâm qúy, biết dùng phương tiện che đậy, khiến Ðại vương đẹp lòng và ban cho nàng phước lớn như vậy.
Rồi để tán thán mọi việc cần phải làm cho được tốt đẹp, Bồ tát đọc bài kệ này:
Hãy đọc điều cần học,
Dầu có kẻ cứng đầu.
Gái quê khéo tiểu tiện,
Làm đẹp lòng đức vua.
Như vậy, Bồ tát nói lời tán thán những ai đã làm tốt đẹp những điều cần phải học.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo SƯ nhận diện Tiền thân như sau:
- Hai vợ chồng thời ấy là vợ chồng hiện tại, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
109. CHUYỆN BÁNH BỘT TRẤU ÐỎ (Tiền Thân Kundakapùva)
Người ta ăn thứ gì...
Câu chuyện này, khi trú ở Xá vệ, bậc Ðạo sư đã kể về một người rất nghèo khổ. Ở Xá vệ, khi thì chỉ một gia đình cùng dường chúng Tăng với Ðức Phật là vị cầm đầu, khi thì ba bốn gia đình họp lại, khi thì cả thành chung đóng góp cúng dường. Nhưng nay là cả con đường chung sức lại cúng dường các thức ăn với cháo và bánh.
Lúc bấy giờ, có một người rất nghèo khổ, làm thuê cho các người khác, cũng ở trong con đường ấy, tự nghĩ: "Ta không thể cúng dường cháo. Ta cúng dường bánh vậy!" Anh ta cạo lấy bột đó của vỏ trấu mềm, nhào với nước, gói bánh ấy trong ngọn lá bạch vi roài nướng bánh trong than đỏ, với ý định đem cúng dường Ðức Phật. Khi mới nghe nói: hãy đem bánh đến cúng dường, anh ta liền đến trước tất cả mọi người, và bỏ các bánh trong bát bậc Ðạo sư. Bậc Ðạo sư không nhận lấy bánh của những ngưởi khác, chỉ ăn các bánh của anh ta. Khi ấy, toàn thành đều đồn vang:
- Bậc Chánh Ðẳng Giác không khinh chê bánh làm bằng bột trấu đỏ của người nghèo khổ và đã ăn bánh ấy.
Khi ấy, từ vua, đại thần... cho đến các người gác cửa, tất cả đều hội họp lại, đảnh lễ bậc Ðạo sư, rồi đi đến người nghèo khổ ấy và nói:
- hãy lấy đồ ăn, hãy lấy hai trăm, hãy lấy năm trăm đồng tiền, nhưng cho chúng tôi công đức cúng dường bánh ấy.
Người nghèo khổ nghĩ: "Phải hỏi bậc Ðạo sư rồi ta mới quyết định".
Anh ta đi đến bậc Ðạo sư và thưa lại câu chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
- Hãy lấy toàn bộ tài sản họ cho, nhưng hồi hướng công đức ấy về cho tất cả chúng sanh.
Anh ta bắt đầu nhận tiền. Một số người ấy cho gấp hai, gấp bốn, gấp tám kẻ khác... Như vậy, cho đến khi anh ta nhận được chín trăm ngàn tiền vàng. Bậc Ðạo Sư nói lời tùy hỷ, rồi đi về tinh xá. Sau khi nói lên những công việc phải làm và khuyến giáo lời tốt lành cho các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư đi vào Hương phòng.
Vào buổi chiều, vua cho gọi người nghèo khổ ấy đến và mời anh ta làm quan giữ kho bạc cho vua. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường bắt đầu câu chuyện như sau:
- Này các Hiền giả, bậc Ðạo sư đã ăn bánh bằng bột trấu đỏ của người nghèo khổ như ăn món bất tử. Nhờ vậy, nguời nghèo khổ được nhiều tiền và được địa vị làm quan giữ kho bạc, được nhiều phước lộc lớn lao.
Bậc Ðạo sư đến hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn luận vấn đề gì. Ðược biết vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới không khinh chê và ăn bánh làm bằng bột trấu đỏ của người ấy. Thuở trước, khi làm thần cây, ta cũng đã ăn như vậy rồi. Và cũng nhờ Ta mà kẻ ấy được chức vụ làm quan giữ kho bạc.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở trước, vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh làm vị thần cây trên cây dầu đu đủ. Lúc bấy giờ, những người trong ngôi làng ấy tin tưởng sức mạnh thiêng liêng của các vị thần. Trong một lễ hội, người ta làm nhiều lễ vật để cúng các thần cây. Có một người nghèo khổ thấy các người ấy sửa soạn cúng dường các thần cây, cũng sắp đặt cúng dường thần cây dầu đu đủ
Các người ấy đi đến, mang theo vòng hoa, hương, hương liệu, các món bánh... Còn anh ta chỉ đem theo bánh làm bằng bột trấu đỏ, và nước đựng trong cái gáo dừa. Anh ta đi đến, đứng xa cây dầu đu đủ và nghĩ: "Các vị thần ăn bánh chư Thiên. Thần của ta sẽ không ăn bánh làm bằng bột trấu đỏ này. Sao ta làm phí mất các bánh này? Ta hãy ăn nó đi!". Nghĩ vậy, anh ta quay trở về. Bồ tát đứng trên nhánh chĩa ba của cây, nói lớn:
- Này ông bạn tốt ơi! nếu bạn là người có quyền thế, bạn sẽ cúng dường ta bánh ngon bán hngọt. Nhưng bạn nghèo khổ, nếu ta khôngăn bánh làm bằng bột trấu đỏ, thì ta sẽ ăn cái gì khác được? Chớ làm mất phần của ta.
Nói vậy xong, Bồ tát đọc bài kệ:
Người cúng ăn thứ gì,
Thần cũng ăn thứ ấy,
Ðem lại bánh bột trấu,
Chớ làm mất phần ta!
Anh ta quay trở lại, nhìn thấy Bồ tát rồi dâng vật cúng Bồ tát, ăn chất dinh dưỡng từ bánh ấy, rồi nói với anh ta.
- Này bạn, vì mục gì bạn cùng dường ta?
- Thưa ngài, tôi là người nghèo khổ. Tôi cúng dường với mục đích nhờ ngài giúp tôi thoát cảnh nghèo khổ này.
- Này bạn, chớ có lo nghĩ việc ấy nữa. Bạn đã cúng dường cho một vị thần biết ơn nghĩa, và nhớ đến các việc làm tốt. Nhiều ghè chứa châu báu được chôn xung quanh cây dầu đu đủ này. Chúng được xếp hàng, cổ ghè này chạm cổ ghè khác. hãy báo cho vua biết, dùng cỗ xe chở tài sản, chất đống tại sân chầu vua. Vua sẽ bằng lòng bạn và cho bạn chức quan giữ kho bạc.
Sau khi nói xong, Bồ tát biến mất. Anh ta làm như Bồ tát dặn và được vua ban cho chức quan giữ kho bạc. Như vậy, nhờ Bồ tát, anh ta đạt được nhiều phúc lợi lớn và khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình.
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân như sau:
- Kẻ nghèo khổ thời ấy là kẻ nghèo khổ hiện tại, và thần cây dầu đu đủ là Ta vậy.
110. CHUYỆN CÂU HỎI BAO QUÁT TẤT CẢ. (Tiền Thân Sabbasabhàraka-Panha)
Không bao gồm tất cả...,
Chuyện câu hỏi bao quát tất cả này sẽ được kể trong Tiền thân Ummagga (số 546 áp cuối tập Jàtaka VI).