Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

KINH TIỂU BỘ
Khuddaka Nikaya
"The Short Passages"
Hòa Thượng Thích Minh Châu & Giáo Sư Trần Phương Lan Dịch Việt


TẬP V

5. CHUYỆN TIỀN THÂN ÐỨC PHẬT (II)
(Jàtaka)


CHƯƠNG I (Một Bài Kệ)

5.03 PHẨM KAKANTAKA


141. CHUYỆN CON TẮC KÈ (Tiền Thân Godha)

Giao du với kẻ ác...,

Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Tỷ-kheo phản bội. Chuyện này giống như chuyện trong Tiền thân Mahihàmukha (số 26).

Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con cắc kè. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát sống trong một cái hang lớn trên bờ sông, với vài trăm con tắc kè khác vây quanh. Bồ-tát có một con. Con tắc kè đực này làm bạn với một con kỳ nhông, sống thân mật với nó, và thường đi đến ôm quấn lấy nó. Sự thân mật ấy được báo lên cho cắc kè cha biết. Cắc kè chúa cho gọi con mình lên và nói:

- Này con thân, con thân tình với chỗ không đáng thân tình. Con kỳ nhông thuộc gia đình hạ tiện, không nên làm thân với chúng. Nếu con làm thân với con kỳ nhông ấy, toàn bộ gia đình cắc kè sẽ lâm nạn. Bắt đầu từ nay con chớ thân mật với nó.

Tuy vậy, cắc kè con vẫn thân với bạn như trước. Bồ-tát nói đi nói lại nhiều lần nhưng không thể ngăn cản sự thân mật của con mình với con kỳ nhông. Bồ-tát suy nghĩ: "Rất có thể, vì con kỳ nhông này, sự sợ hãi sẽ khởi lên cho chúng ta. Khi sự sợ hãi ấy khởi lên, ta phải tìm con đường chạy trốn". Rồi Bồ-tát bảo đào một lỗ thông gió phía bên cạnh hang để có lối thoát khi cần.

Con cắc kè đực dần dần lớn với thân hình to lớn. Còn con kỳ nhông vẫn có thân thể nhỏ như xưa. Khi con cắc kè ôm chặt con kỳ nhông để hôn nó, con kỳ nhông có cảm giác như bị hòn núi đè nặng. Con kỳ nhông bị mệt mỏi, suy nghĩ: "Nếu con cắc kè ôm hôn ta như vầy vài ngày nữa, thì ta chết mất. Vậy ta hãy âm mưu với một người thợ săn để sát hại gia đình cắc kè này".

Một hôm, nhân có cơn dông nổi lên giữa mùa hè, nhiều con kiến mối bay ra, và các con cắc kè từ chỗ này chỗ kia bò ra để ăn mồi. Một người thợ săn cắc kè, cầm cuốc để đào hang cắc kè, đi vào rừng với những con chó. Con kỳ nhông thấy người, liền nghĩ: "Hôm nay, ta sẽ thỏa mãn nguyện vọng của mình". Nó liền bò đến, nằm không xa và hỏi:

- Thưa ông, ông vào rừng để làm gì?

Người thợ săn ấy nói:

- Ðể bắt các con cắc kè.

- Tôi biết một cái hang có hàng trăm con cắc kè, hãy đem lửa và rơm đến.

Rồi nó dẫn người thợ săn đến đấy và nói:

- Hãy bỏ rơm vào chỗ này, đốt lửa xông khói, đặt các con chó ở xung quanh. Ông hãy cầm một cái vồ lớn, đập các con cắc kè chạy ra, giết chúng và vun thành đống.

Nói vậy xong, nó nghĩ: "Hôm nay, ta sẽ thấy kẻ thù đại bại bỏ chạy", nghĩ vậy xong, nó đến nằm một chỗ và ngóc đầu lên. Người thợ săn xông khói rơm và khói bay vào trong hang. Các con cắc kè bị khói làm mù mắt, hoảng sợ, bò ra với ý định chạy trốn. Người thợ săn đập các con chạy ra và giết hết. Những con nào chạy thoát tay anh ta, thì các con chó chận bắt. Ðại nạn khởi lên cho các con cắc kè. Bồ-tát biết rằng do con kỳ nhông, nên sợ hãi đã khởi lên, Bồ-tát than:

- Thật không nên giao du vời loài ác độc. Do loài ác độc nên an lạc không có. Chính do một con kỳ nhông độc ác, các con cắc kè này bị hủy diệt.

Trong khi chạy trốn thông qua lỗ khói, Bồ-tát nói lên bài kệ:

Giao du với kẻ ác
Không đưa đến an lạc,
Do một con kỳ nhông,
Toàn gia đình cắc kè
Ðã rơi vào đại nạn.


Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, con kỳ nhông là Ðề-bà-đạt-đa, cắc kè con của Bồ-tát không nghe lời giáo huấn là Tỷ-kheo phản bội, còn chúa loài cắc kè là Ta vậy.

142. CHUYỆN CON CHÓ RỪNG (Tiền Thân Sigàla)

Như vậy khó biết ngươi...,

Câu chuyện này, khi trú ở Trúc lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa âm mưu sát hại Phật. Khi nghe câu chuyện các Tỷ-kheo họp ở Chánh pháp đường bàn luận, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới âm mưu sát hại Ta. Trong quá khứ kẻ ấy cũng đã âm mưu như vậy rồi. Nhưng nó không thể giết Ta được, nó chỉ tự làm cực nhọc mình thôi.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Trong thời quá khứ, khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra làm con chó rừng rồi trở thành chó rừng chúa, với đàn chó rừng vây quanh, sống tại một ngôi rừng dùng làm bãi tha ma. Lúc bấy giờ, ở Vương Xá có ngày hội lớn. Phần đông người ta đều uống rượu. Tại đây, một số người ăn chơi, cho đem nhiều rượu và thịt, mặc áo quần đẹp, uống rượu ăn thịt. Vào canh một, họ ăn hết thịt và còn lại nhiều rượu. Một người trong đám ấy nói:

- Hãy cho tôi thịt.

Khi nghe nói là thịt hết rồi, anh ta nói:

- Khi ta còn đứng ở đây thì thịt không thể hết được. Ta sẽ giết các con chó rừng đến ăn xác chết trong nghĩa địa này và đem thịt về.

Nói vậy, anh ta lấy một cái vồ, theo con đường ống cống, đi ra khỏi thành, đến bãi tha ma, cầm cái vồ và nằm xuống giả bộ chết. Lúc bấy giờ Bồ-tát với các con chó rừng đến vây quanh người ấy. Thấy người ấy, Bồ-tát nói:

- Người này không chết. Ta sẽ quan sát kỹ lưỡng hơn.

Bồ-tát đi đến phía dưới gió, ngửi mùi thân thể, biết đúng sự thật là người ấy chưa chết, liền suy nghĩ: "Ta sẽ làm cho nó xấu hổ", liền đi đến, cắn đầu cái vồ và kéo. Kẻ ăn chơi ấy không thấy Bồ-tát đến, cứ nắm chặt cái vồ lại! Bồ-tát liền đến gần anh ta và nói:

- Hỡi ông kia, nếu ông đã chết thì khi ta kéo cái vồ, ông sẽ không nắm chặt lấy. Chính vì vậy, ta biết ông chưa chết.

Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:

Như vậy, khó biết ngươi,
Khi ngươi nằm giả chết,
Khi ta kéo gậy ngươi,
Ngươi không thả chiếc gậy,
Do vậy ta biết được,
Nhà ngươi chưa thật chết!


Nghe nói vậy, kẻ ăn chơi ấy đứng dậy, lấy gậy ném Bồ-tát và nói:

- Con vật này biết ta chưa chết.

Cáy gậy ném không trúng. Người ăn chơi ấy nói:

- Hãy đi đi, lần này ngươi thoát khỏi tay ta.

Bồ-tát quay lại và nói:

- Này con người kia, phải, ta thoát tay ngươi. Nhưng ngươi không thể thoát được mười sáu địa ngục nhỏ trong đại địa ngục.

Nói vậy xong, Bồ-tát bỏ đi. Kẻ ăn chơi ấy không được một chút gì, đi ra khỏi bãi tha ma. Sau khi tắm trong một vũng nước, anh ta đi vào thành theo con đường đã đi tới trước.

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, kẻ ăn chơi là Ðề-bà-đạt-đa, còn con chó rừng chúa là Ta vậy.

143. CHUYỆN CHIẾU SÁNG NHƯ MẶT TRỜI (Tiền Thân Virocana)

Với óc não nát bấy...,

Câu chuyện này, khi trú ở Trúc Lâm, Bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa đóng vai trò bậc Thiện Thệ ở Gayàsìsa.

Khi thiền chứng biến mất, lợi dưỡng và danh vọng bị tiêu tan, Ðề-bà-đạt-đa đã nghĩ đến một phương tiện xin bậc Ðạo Sư chấp nhận cho năm pháp. Khi bị từ chối, vị ấy liền phá hòa hợp Tăng, bỏ đi đến Gayàsisa với năm trăm đệ tử của hai bậc Thánh đệ tử của Ðức Phật. Những đệ tử này mới xuất gia không bao lâu nên không thiện xảo trong Pháp và Luật. Vị ấy làm các Tăng sự riêng biệt với hội chúng này, trong một giới xứ riêng.

Bậc Ðạo Sư biết được trí của những người này đã đến thời thuần thục liền gửi hai đệ tử đầu tay đến đó. Khi thấy hai vị này, Ðề-bà-đạt-đa rất hoan hỷ, thuyết phát suốt đêm, và suy nghĩ: "Ta sẽ làm theo uy nghi đức độ của Phật, bắt chước bậc Thiện Thệ nói với hai vị đệ tử đầu tay:

- Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, chúng Tỷ-kheo không hôn trầm, thụy miên, hãy thuyết pháp cho chúng Tỷ-kheo. Lưng ta đị đau mỏi, ta sẽ nằm nghỉ chốc lát.

Nói vậy xong, Ðề-bà-đạt-đa đi nằm nghỉ. Hai đệ tử đầu tay thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, làm họ giác ngộ về đạo, về quả, và đem tất cả đi về Trúc Lâm.

Kokàlika thấy tinh xá trống không, liền đi đến gặp Ðề-bà-đạt-đa, và nói:

- Này Hiền giả Ðề-bà-đạt-đa, hội chúng của Hiền giả đã bị phá vỡ, hai vị đại đệ tử của Thế Tôn đã làm cho tinh xá trống không và đã đi rồi. Còn Hiền giả thì vẫn nằm nghỉ.

Nói vậy xong, Kokàlika lột thượng y của Ðề-bà-đạt-đa, đá vào ngực Ðề-bà-đạt-đa với gót chân, giống như đóng một cái nêm vào bức tường, khiến cho máu trào ra từ miệng vị ấy. Từ đó trở đi, Ðề-bà-đạt-đa bị đau luôn. Bậc Ðạo Sư hỏi vị Trưởng lão:

- Này Xá-lợi-phất, khi ông đến, Ðề-bà-đạt-đa đã làm gì?

- Bạch Thế Tôn, Ðề-bà-đạt-đa thấy chúng con, liền nói: Ta sẽ làm theo uy nghi đức độ của Phật, rồi bắt chước bậc Thiện Thệ và lâm vào nạn lớn.

Bậc Ðạo Sư nói:

- Này Xá-lợi-phất, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới bắt chước Ta và gặp nạn. Thuở xưa, kẻ ấy cũng gặp nạn như vậy rồi.

Rồi theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con sư tử có lông dài và trú ở hang Kancana (Vàng) trong núi Hy-mã. Một hôm, sư tử hang Vàng đi ra, duỗi thân nhìn bốn phương, rống tiếng rống của loài sư tử xong, liền nhảy đi tìm mồi. Sư tử giết một con trâu lớn, ăn phần thịt tốt nhất, đi xuống một cái hồ uống đầy bụng nước trong như pha lê, rồi đi về hang.

Một hôm một con chó rừng hấp tấp đi tìm mồi, thấy sư tử, không thể chạy trốn được, rơi xuống chân trước mặt sư tử và nằm xuống. Sư tử hỏi:

- Này chó rừng, ngươi muốn gì?

Con chó rừng nói:

- Thưa ngài, con muốn hầu hạ dưới chân ngài.

Sư tử nói:

- Tốt lắm, hãy đến hầu ta. Ta sẽ cho ăn phần thịt ngon.

Nói xong sư tử đem con chó rừng về hang Vàng. Từ đấy trở đi, con chó rừng ăn phần thịt còn lại của các con thú do sư tử giết. Sau một thời gian, chó rừng trở thành to lớn. Một hôm, đang nằm trong hang, sư tử nói:

- Này chó rừng, hãy đứng trên chóp núi nhìn, khi thấy các con voi, ngựa, trâu đang đi dưới chân núi, hễ con nào ngươi muốn ăn thịt, hãy đến nói: Con muốn ăn thịt con này.

Chó rừng đảnh lễ và leo lên chóp núi, nhìn các con thú, hễ thấy con nào nó muốn ăn thịt, nó liền đi vào hang Vàng và báo cho sư tử biết:

- Thưa ngài, có mồi rồi.

Sư tử lập tức nhảy đi, và dầu đó là con voi đang trong thời kỳ phát dục, sư tử cũng lập tức giết nó, tự mình ăn phần thịt ngon và cho chó rừng phần còn lại. Chó rừng ăn thịt đầy bụng, rồi đi vô hang nằm ngủ. Sau nhiều ngày đã qua, chó rừng trở thành kiêu mạn. Nó suy nghĩ: "Ta cũng là con thú có bốn chân. Vì sao, ngày lại ngày, ta sống nhờ loài khác nuôi dưỡng? Bắt đầu từ nay, ta sẽ giết các con voi v.v... và ăn thịt. Ta sẽ bảo sư tử nói với ta: Thưa ngài chó rừng, đã có mồi. Ta sẽ giết con voi tốt và ăn thịt". Nghĩ vậy, nó đi đến bên sư tử và nói:

- Thưa ngài, đã lâu ngày, tôi ăn thịt các con voi tốt do ngài giết. Nay tôi muốn ăn thịt voi do tôi giết. Tôi sẽ nằm trong hang Vàng tại chỗ ngài nằm. Còn ngài xem có con voi nào đi dưới chân núi, thì ngài đến tôi và nói: Thưa ngài chó rừng, hãy bắt mồi.

Nó yêu cầu con sư tử chớ miễn cưỡng khi cho phép nó làm việc này.

Sư tử nói:

- Này chó rừng, khả năng giết các con voi thuộc gia đình sư tử. Ở đời chó rừng không có khả năng giết voi. Chớ ưa thích làm như vậy. Hãy sống và ăn thịt các con voi do ta giết.

Tuy sư tử nói như vậy, chó rừng không muốn từ bỏ ý định, vẫn tiếp tục yêu cầu. Su tử không thể ngăn chận, cuối cùng chấp thuận và nói:

- Vậy hãy vào chỗ của ta và nằm tại đấy.

Sau khi bảo chó rừng nằm trong hang Vàng, sư tử nhìn thấy con voi phát dục dưới chân núi, liền đến cửa hang và nói:

- Thưa ngài chó rừng, hãy bắt mồi.

Con chó rừng đi ra khỏi hang, duỗi thân, nhìn bốn hướng, hú lên ba lần, nhảy lên và nghĩ: "Ta sẽ cắn trên đầu con voi đang phát dục", nhưng nó lại rơi xuống chân voi. Con voi giơ chân phải lên, đạp trên đầu con chó rừng, nghiền nát xương đầu thành bột. Rồi với cái chân, con voi đạp nát thân chó rừng làm thành một đống, đi đại tiện trên ấy, và rống lên rồi đi vào rừng. Bồ-tát thấy sự việc như vậy liền nói lên bài kệ:

Với óc não nát bấy,
Với đầu bị vỡ tan,
Với xương sườn gãy nát,
Nay ngươi đã mất đầu.


Sau khi nói bài kệ này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, con chó rừng là Ðề-bà-đạt-đa, còn con sư tử là Ta vậy.

144. CHUYỆN CÁI ÐUÔI BÒ (Tiền Thân Nanguttha)

Ôi thần lửa sinh nhật...,

Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về tà khổ hạnh của các tu sĩ tà mạng Àjivaka. Lúc bấy giờ, các du sĩ tà mạng đang sống hành tà khổ hạnh khác nhau sau lưng Kỳ viên. Một số lớn Tỷ-kheo thấy họ hành trì các tà khổ hạnh phúc khác nhau như tinh tấn ngồi chồm hổm, lắc qua lắc lại như dơi, nằm dựa trên gai, nướng thân với năm đống lửa, liền hỏi Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, do tà khổ hạnh này, có gì tốt chăng?

Bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, do tà khổ hạnh này, không có gì tốt cả. Các bậc Hiền trí thuở xưa, đã nghĩ rằng do khổ hạnh này sẽ có gì tốt hơn lên. Vì vậy, họ đem lửa sinh nhật vào rừng, nhưng họ không thấy có gì lợi lạc từ những pháp thờ lửa v.v... họ bèn dùng nước dập tắt lửa ấy. Nhờ lấy một đề tài thiền quán để tu tập và đắc các Thắng trí và các Thiền chứng, họ đạt cứu cánh Phạm thiên giới.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Trong thời quá khứ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn phương bắc. Ngày Bồ-tát sanh, cha mẹ đốt lên ngọn lửa sanh nhật và nuôi dưỡng lửa ấy. Khi Bồ-tát được mười sáu tuổi, cha mẹ ngài nói với con:

- Này con, chúng ta đã gìn giữ ngọn lửa sanh nhật của con. Nếu con muốn sống trong gia đình, hãy học ba tập Vệ-đà, nếu con muốn lên Phạm thiên giới, hãy lấy ngọn lửa, để được đại Phạm thiên ân sủng và đạt được cứu cánh Phạm thiên giới.

Bồ-tát nói:

- Con không thích đời sống gia đình.

Ngài cầm lấy lửa, đi vào rừng xây dựng một chòi am và sống trong rừng thờ lửa. Một hôm, Bồ-tát được cúng một con bò tại một làng biên địa, bèn dắt con bò ấy đến chòi am với ý định: "Ta sẽ cúng dường vị thần lửa ăn thịt con bò". Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Ở đây không có muối. Thần lửa không thể ăn thịt mà không có muối. Ta sẽ đem muối ở làng về và cúng dường thần lửa đồ ăn có muối".

Bồ-tát cột con bò tại đấy và đi đến làng để tìm muối. Trong khi Bồ-tát đi, nhiều người thợ săn đi đến tại chỗ ấy, thấy con bò, giết nó, nấu thịt ăn, và vứt lại đuôi, ống chân và da rồi mang theo thịt còn lại và ra đi. Vị Bà-la-môn trở về, chỉ thấy đuôi v.v... suy nghĩ: "Thần lửa này không thể hộ trì gia sản của chính mình, chắc không thể hộ trì ta được. Phải săn sóc ngọn lửa vô ích này, từ đây không tăng trưởng một điều tốt gì cho ta".

Vì vậy, Bồ-tát mất hết mọi ý nguyện săn sóc ngọn lửa. Bồ-tát nói:

- Thưa thần lửa, nếu ngài không có thể hộ trì gia sản của ngài, làm sao ngài hộ trì tôi được? Thịt không còn, ngài phải tự bằng lòng với những vật này vậy.

Bồ-tát quăng đuôi vào lửa v.v... và đọc bài kệ này:

Ôi thần lửa sanh nhật,
Thần lửa không giá trị,
Ta chỉ cúng cái đuôi,
Hãy xem là nhiều vậy,
Các loại thịt xứng đáng
Hiện nay không có nữa,
Ngài hãy vui chấp nhận
Chỉ bộ phận cái đuôi!


Nói vậy xong, bậc Ðại Sỹ lấy nước dập tắt lửa, rồi xuất gia làm ẩn sĩ, chứng được các Thắng trí và các Thiền chứng, và đạt cứu cánh ở cõi Phạm Thiên.

Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, Vị khổ hạnh dập tắt ngọn lửa là Ta vậy.

145. CHUYỆN CON VẸT RADHA (Tiền Thân Radha)

Radha, em không biết...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự ái luyến người vợ cũ. Câu chuyện hiện tại sẽ được kể trong Tiền thân Indriya (số 423). Bậc Ðạo Sư gọi Tỷ-kheo ấy vào nói:

- Không thể canh giữ nữ nhân. Dầu có sắp đặt sự canh giữ, cũng không thể canh giữ được nữ nhân. Thuở xưa, ông có sắp đặt sự canh giữ đối với nữ nhân ấy nhưng không thể được; thì nay làm sao ông canh giữ nàng?

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm một con vẹt. Một Bà-la-môn ở Kàsi, nhận Bồ-tát và em của Bồ-tát như con trong nhà và nuôi dưỡng cả hai. Bồ-tát được đặt tên là Potthada và vẹt em tên là Ràdha. Vợ của vị Bà-la-môn ấy hành tà hạnh và ác giới.

Một hôm vị Bà-la-môn ấy ra đi vì một vài công việc, ông nói với anh em con vẹt:

- Này hai con thân, nếu nữ Bà-la-môn, mẹ của hai con, hành ác hạnh, hãy ngăn chận lại.

Bồ-tát nói:

- Thưa vâng, này cha thân. Nhưng nếu không ngăn được mẹ, con sẽ im lặng.

Như vậy, sau khi giao nữ Bà-la-môn cho các con vẹt trông coi, vị Bà-la-môn liền đi ra. Từ ngày người chồng ra đi, vị Bà-la-môn bắt đầu hành tà hạnh, và người đi vào, người đi ra không dứt. Thấy hành động của nữ Bà-la-môn như vậy, Radha nói với Bồ-tát:

- Thưa anh, cha chúng ta có nói: Nếu mẹ chúng con hành ác hạnh, hãy ngăn chận lại. Nói vậy xong, cha chúng ta ra đi. Nay mẹ chúng ta hành ác hạnh, chúng ta hãy ngăn chận.

Bồ-tát nói:

- Này em thân, em nói toàn những lời ngu si. Dầu có bồng nữ nhân mà đi, cũng không thể an toàn được, vậy chớ làm.

Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ:

Radha, em không biết
Nửa đêm mấy người đến?
Em nói không suy nghĩ.
Nữ Bà-la-môn ấy
Chỉ thiếu tình người vợ
Ðối với chồng của mình.


Sau khi trình bày như vậy, Bồ-tát không cho Radha nói với nữ Bà-la-môn. Ðến nửa đêm, nữ Bà-la-môn hành tà hạnh thỏa thích. Khi Bà-la-môn về, ông hỏi Potthapada:

- Này con thân, mẹ con như thế nào?

Bồ-tát thành thật kể cho vị Bà-la-môn rõ tất cả mọi việc và nói:

- Thưa cha thân, sao cha còn liên hệ với người ác giới như vậy?

Rồi Bồ-tát thưa thêm:

- Thưa cha thân, nay con đã nói lỗi lầm của mẹ chúng con rồi, chúng con không còn có thể ở đây nữa.

Nói vậy xong, Bồ-tát đảnh lễ chân vị Bà-la-môn, và cùng với Radha bay vào rừng.

Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư thuyết giảng Bốn Sự thật, và cuối bài thuyết giảng, vị Tỷ-kheo luyến ái người vợ cũ được an trú vào quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Vị Bà-la-môn và nữ Bà-la-môn thời ấy là hai người hiện tại, Radha là Ànanda và Potthapada là Ta vậy.

146. CHUYỆN CON QUẠ (Tiền Thân Kaka)

Cổ chúng ta mệt mỏi...,

Câu chuyện này, khi tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về nhiều Tỷ-kheo lớn tuổi. Nghe nói khi các Tỷ-kheo ấy còn là cư sĩ, họ là những người điền chủ giàu có, tài sản lớn, là bạn thân với nhau, một dạ một lòng với nhau làm các công đức. Sau khi nghe Bậc Ðạo Sư thuyết pháp, họ nói:

- Chúng ta đã lớn tuổi, đời sống gia đình có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Chúng ta hãy xuất gia trong Giáo pháp hoàn thiện của Ðức Phật để chấm dứt đau khổ.

Rồi họ cho các con trai và con gái tất cả gia sản của họ và xin xuất gia. Khi bậc Ðạo Sư cho xuất gia, họ không làm đúng Sa-môn pháp như bậc xuất gia. Họ không thông hiểu Chánh pháp vì đã lớn tuổi. Giống như khi còn làm cư sĩ, họ làm một xóm nhà lá bên cạnh ngôi tinh xá, và cùng nhau ở đây. Khi họ đi khất thực, họ không đi đến chỗ nào khác hơn nhà những người con, người vợ của mình và ăn uống tại đây.

Người vợ cũ của một trong những vị này là người chủ hộ trì tất cả các vị Trưởng lão lớn tuổi. Do vậy những người còn lại đem theo đồ ăn mà mình đã khất thực được, ngồi tại nhà chủ hộ cùng ăn uống, với các món cà-ri, canh, do người chủ hộ cúng đường. Một hôm sau khi người vợ cũ ấy nhuốm bệnh và chết, các Trưởng lão lớn tuổi đi về tinh xá, ôm cổ nhau đi qua đi lại bên tinh xá và khóc:

- Ôi, người nữ cư sĩ tự tay cho ta các vị ngon ngọt đã mệnh chung.

Nghe tiếng họ khóc, các Tỷ-kheo đến hội họp lại chỗ ấy và hỏi:

- Thưa các Hiền giả, vì sao các Hiền giả khóc?

Họ nói:

- Vợ của người bạn chúng tôi tự tay cho các vị ngọt đã mệnh chung. Bà ấy là người chủ hộ lớn của chúng tôi. Từ đây chúng tôi không được gặp bà ấy nữa. Vì lý do ấy, chúng tôi khóc.

Thấy họ có tâm trạng bất xứng như vậy, các Tỷ-kheo tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện như sau: - Thưa các Hiền giả, do lý do này, các Trưởng lão Tỷ-kheo lớn tuổi ôm cổ nhau đi qua đi lại mà khóc.

Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp ở đây, đang bàn câu chuyện gì?

Khi được nghe câu chuyện trên, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay các người ấy đi qua đi lại khóc nữ nhân ấy chết; trong quá khứ, khi nữ nhân ấy sanh làm con quạ và chết trong biển, họ cũng hăng hái tát cạn biển để cứu nó. Rồi họ được thần biển cứu tánh mạng.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm vị thần biển. Có một con quạ cùng vợ đi tìm mồi trên bờ biển. Lúc bấy giờ sau khi làm lễ cúng đường thần rắn với sữa, cơm, cá, thịt, rượu v.v... người ta đã bỏ đi. Cả hai đều say rượu. Chúng ngồi trên ven biển nô đùa và chúng bắt đầu tắm. Khi một ngọn sóng ào đến cuốn con quạ mái và nhận chìm nó xuống biển, thì một con cá đớp con quạ mái và ăn thịt. Con quạ trống khóc than và nói:

- Vợ tôi đã chết rồi.

Nhiều con quạ khác nghe tiếng khóc than của nó đều bu lại hỏi:

- Sao bạn than khóc vậy?

Con quạ trống nói:

- Bạn gái tôi đang tắm trên ven biển, thì bị sóng cuốn đi rồi.

Tất cả con quạ khác đều kêu to và khóc ròng. Rồi chúng suy nghĩ: "Nước biển này và chúng ta ai có khả năng hơn? Chúng ta hãy tát nước làm cho biển khô cạn và cứu bạn gái chúng ta". Nghĩ vậy, chúng hút nước đầy miệng rồi nhổ ra ngoài. Khi cổ họng bị đắng chát vì nước biển, chúng bay lên trên đất liền để nghỉ. Hàm của chúng mệt mỏi, miệng khô cứng, mắt đỏ ngầu, mệt và buồn ngủ, chúng gọi lẫn nhau:

- Này các bạn, chúng ta lấy nước biển đem nhổ ra ngoài. Nhưng chỗ nước chúng ta lấy ra lại đầy nước lại ngay, chúng ta không có thể làm cho biển khô cạn được.

Nói vậy xong, chúng đọc bài kệ:

Cổ chúng ta mệt mỏi,
Miệng chúng ta khô cứng,
Cố tát cạn nước biển,
Biển lớn lại đầy tràn.


Nói như vậy xong, tất cả con quạ ấy bắt đầu tán thán con quạ mái:

- Ôi! Hình dáng đẹp như thế, tiếng dịu ngọt như thế, nên biển đã cướp mất nàng!

Khi chúng đang nói nhảm nhí như vậy, thần biển hiện lên với hình dáng khủng khiếp khiến chúng bỏ chạy. Nhờ vậy, chúng được an toàn.

Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ con quạ mái là người vợ cũ này, con quạ trống là Trưởng lão Tỷ-kheo lớn tuổi, các con quạ là các Trưởng lão Tỷ-kheo lớn tuổi bạn của vị ấy, và thần biển là Ta vậy.

147. CHUYỆN ÁO VẢI MÀU ÐỎ (Tiền Thân Puppharatta)

Khổ này không phải khổ...,

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo luyến ái. Khi được Thế Tôn hỏi:

- Này Tỷ-kheo có thật chăng, ông có luyến ái?

Tỷ-kheo ấy trả lời có thật. Bậc Ðạo Sư hỏi:

- Luyến ái ai?

Tỷ-kheo trả lời:

- Bạch Thế Tôn, ái luyến người vợ cũ. Nữ nhân ấy, bạch là Thế Tôn, là người đã tự tay cho con các vị ngọt. Con không có thể sống mà không có nàng.

Bậc Ðạo Sư nói:

- Này Tỷ-kheo, nữ nhân ấy không làm lợi cho ông. Thuở trước, vì nàng, ông đã bị đâm và phơi thây trên cọc nhọn. Chính vì ông khóc nàng khi ông chết, nên ông đã tái sanh vào địa ngục. Vậy nay sao ông lại luyến ái nàng?

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm vị thần tiên trên hư không. Thời ấy, tại Ba-la-nại có ngày lễ hội đêm rằm tháng Kattika (tháng mười). Thành phố được trang hoàng như thành phố chư Thiên. Tất cả dân chúng đều vui chơi hội lớn. Có một người nghèo khổ chỉ có một cặp áo vải thô, đã được giặt và ủi đến độ trở thành trăm thành ngàn đường lằn. Vợ anh ta nói với anh ta:

- Thưa chàng, em muốn có áo màu đỏ cây Kasumbha, và đắp áo ấy, ôm cổ chàng đi chơi lễ hội đêm Kattika.

- Này hiền thê, chúng ta nghèo, sao có được vải màu đỏ Kasumbha? Hãy đắp vải sạch này và đi chơi.

- Không có được vải Kasumbha thì chúng ta không đi chơi đâu cả. Chàng hãy lấy một nữ nhân khác mà đi chơi hội.

- Này hiền thê, sao làm khổ ta vậy, làm sao chúng ta có được vải Kasumbha?

- Này chàng, khi người ta muốn, sao lại không có được? Chẳng phải trong nhà kho của vua có rất nhiều vải Kasumbha đó sao?

- Này hiền thê, chỗ ấy chẳng khác gì một hồ nước do Dạ-xoa canh giữ, có quân lính canh giữ, không thể đi đến được. Chớ ham thích như vậy. Hãy tự bằng lòng với những gì nàng có được.

- Chàng ôi, ban đêm tối trời thì có ai ngăn chận được người muốn đến nơi mình thích?

Như vậy do người vợ nói đi nói lại mãi, và chịu ảnh hưởng lời nài nỉ của nàng, người chồng an ủi vợ:

- Thôi được, hiền thê chớ nghĩ ngợi gì nữa.

Vào ban đêm, không kể đến mạng sống, người chồng đi khỏi thành, đến kho của vua, phá hàng rào và vào trong kho. Những người canh gác nghe tiếng hàng rào bị phá, liền bao vây kẻ trộm, bắt được anh ta, mắng chửi, đập đánh, và trói anh ta. Khi trời vừa sáng, họ bắt dẫn anh ta đến trước nhà vua. Vua bảo:

- Hãy đem đâm nó vào cọc nhọn.

Họ trói cánh tay anh ta ra đằng sau, dắt anh ta đi ra khỏi thành với tiếng trống hành quyết, và đâm anh ta vào cọc nhọn. Anh ta cảm thấy rất đau đớn. Các con quạ đậu trên đầu mổ con mắt anh ta với mỏ sắc bén như kiếm. Nhưng anh ta không nghĩ gì đến sự đau đớn như vậy, mà chỉ nghĩ đến nữ nhân ấy: "Ta mất đi chơi hội Kattika ban đêm với nàng mặc áo màu hoa đỏ và với cánh tay của nàng ôm ở cổ ta ", vì vậy, anh ta đọc bài kệ:

Khổ này không phải khổ,
Vì cọc nhọn đâm ta,
Vì ta bị quạ mổ!
Chính điều này mới khổ:
Vì vợ ta không thể
Vui chơi ngày hội lớn
Với áo màu hồng đỏ!


Như vậy, anh ta nói lời lảm nhảm về vợ mình, rồi chết và tái sanh vào địa ngục.

Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Hai vợ chồng thời ấy là hai vợ chồng ngày nay, và vị thần tiên đứng trên hư không chứng kiến câu chuyện này chính là Ta vậy.

148. CHUYỆN CON CHÓ RỪNG (Tiền Thân Sigàlà)

Ta không còn làm nữa...,

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự nhiếp phục phiền não.

Nghe nói ở Xá-vệ có khoảng năm trăm người triệu phú giàu có thân thiết với nhau, sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, liền hiến dâng tâm lên Giáo pháp, xuất gia, sống ở Kỳ Viên, trong ngôi tinh xá được ông Cấp Cô Ðộc trải vàng giá bạc triệu. Một hôm vào khoảng nửa đêm, tâm tư liên hệ đến phiền não dục vọng khởi lên trong nhóm người ấy, họ khởi tâm tham luyến những phiền não dục vọng mà họ đã từ bỏ.

Cũng vào giờ ấy, bậc Ðạo Sư, khơi dậy ngọn đuốc nhất thiết trí, suy nghĩ xem các Tỷ-kheo ở Kỳ Viên đêm nay sống như thế nào. Ngài biết được các tư tưởng tham dục nổi lên trong các Tỷ-kheo ấy. Như người mẹ đối với đứa con duy nhất của mình, như người một mắt đối với con mắt còn lại, bậc Ðạo Sư bảo vệ các đệ tử của mình vào những buổi sáng hay bất cứ lúc nào, khi các phiền não khởi lên trong các đệ tử, với mục đích không để cho chúng lớn lên. Chính trong thời gian ấy, bậc Ðạo Sư chặn đứng chúng lại. Do vậy, bậc Ðạo Sư suy nghĩ: "Ðây cũng giống như thời các tên trộm nổi lên trong nội thành của vua Chuyển luân; nay Ta hãy thuyết pháp cho họ, chặn đứng các phiền não lại và khiến họ chứng quả A-la-hán"!

Rồi bậc Ðạo Sư từ Hương phòng bước ra, với âm thanh dịu ngọt gọi Trưởng lão Ànanda, vị Thủ kho Chánh Pháp:

- Này Ànanda!

- Bạch Thế Tôn dạy bảo việc gì?

Trưởng lão đi đến đảnh lễ và đứng một bên.

- Này Ànanda, hãy tập họp tại Hương phòng tất cả các Tỷ-kheo trú ở chỗ được trải vàng giá bạc triệu. Theo truyền thuyết bậc Ðạo Sư suy nghĩ như sau: "Nếu Ta chỉ cho gọi năm trăm Tỷ-kheo ấy mà thôi, họ sẽ nghĩ: "Bậc Ðạo Sư đã biết các phiền não khởi lên trong nội tâm chúng ta". Tâm tư họ sẽ bị dao động và sẽ không có thể chấp nhận pháp thoại". Do vậy bậc Ðạo Sư nói:

- Hãy mời tất cả.

Trưởng lão đáp:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Vị ấy cầm lấy chìa khóa đi từ phòng này đến phòng khác, mời tất cả chúng Tỷ-kheo họp tại Hương phòng rồi sửa soạn Phật tọa. Bậc Ðạo Sư ngồi trên Phật tọa đã được sửa soạn, lưng thẳng như núi Tu-di, an trú trên đất bằng đá tảng, chói tỏa hào quang Phật sáu sắc từng đôi vòng, đôi vòng một. Những hào quang ấy được chia cắt thành những khối lớn bằng cái dĩa, lớn bằng cái lọng, lớn bằng thân của ngọn tháp, chói tỏa như chớp sáng trên bầu trời, chẳng khác gì khi mặt trời mới mọc khua động đáy biển sâu.

Chúng Tỷ-kheo đảnh lễ bậc Ðạo Sư, an trú tâm cung kính, ngồi xuống vây quanh Ngài như tấm màn màu đỏ giăng bủa. Bậc Ðạo Sư với Phạm âm bảo các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, chớ trầm tư ba tầm bất thiện này: đó là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Chớ nghĩ rằng phiền não khởi lên trong nội tâm là nhỏ mọn. Phiền não giống như kẻ thù và kẻ thù không bao giờ nhỏ bé, nếu có được cơ hội, kẻ thù sẽ gây nên tác hại. Cũng như phiền não dù nhỏ bé đã khởi lên, và lớn mạnh thì sẽ gây tác hại. Phiền não ví như thuốc độc làm chết người, như mụt ngứa mọc trên da, như con rắn lục, như lửa sét đánh, chớ nắm giữ lấy, nên sợ hãi chúng. Khi nào phiền não khởi lên thì với sức mạnh của giác sát, với sức mạnh của tu tập, chớ để nó ở trong tâm dù chỉ một khoảnh khắc, như vậy, phải loại trừ nó như giọt nước rơi khỏi lá sen. Các bậc hiền trí thuở xưa ghét bỏ phiền não, dầu nó hết sức nhỏ mọn, cũng không cho nó khởi lên trong nội tâm và lập tức chế ngự phiền não ấy.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con chó rừng, sống trong rừng trên một bờ sông. Thời ấy một con voi già chết trên bờ sông Hằng, khi con chó rừng đi tìm mồi, nó thấy xác chết ấy và nghĩ: "Nay ta được cả kho đồ ăn".

Nó đi đến, cắn cái vòi, giống như cắn cái cày. Nó nghĩ: "Ðấy không phải là đồ ăn được." Nó cắn cái ngà giống như cắn cái xương. Nó cắn cái tai giống như cắn cái vành thúng sàng lúa. Nó cắn cái bụng giống như cái thúng đựng hạt. Nó cắn cái chân giống như cắn cái cối. Nó cắn cái đuôi giống như cắn cái chày. Nó nghĩ: "Ðây không phải là món ăn được".

Sau khi không tìm được chỗ nào khác có thể ăn, nó cắn nhằm chỗ đại tiện thì giống như cắn cái bánh mềm. Nó nghĩ: "Cuối cùng ta mới tìm được chỗ mềm trên cái thân này". Nó ăn từ chỗ ấy trở đi vào trong bụng rồi ăn quả thận, quả tim v.v...; khi nó khát, nó uống máu. Nó nằm dài trong bụng voi để ngủ. Rồi nó suy nghĩ: "Thân con voi này giống như cái nhà khiến ta sống thoải mái. Khi ta muốn ăn thì thịt rất đầy đủ. Vậy sao ta lại phải làm chỗ ở khác?". Nghĩ vậy, con chó rừng không đi đến chỗ khác, cứ ăn thịt trong bụng con voi, và sống ở đấy.

Thời gian trôi qua, với sự xúc chạm gió mùa hạ và sức nóng tia sáng mặt trời, thân xác ấy bị khô và nhăn nhúm lại. Cửa vào của chó rừng bị đóng kín. Bụng con voi không có ánh sáng. Con chó rừng như vậy sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Khi thân xác con voi khô héo, thịt bị khô héo, máu bị khô cạn, không tìm được lối thoát ra, nó hoảng sợ, chạy qua chạy lại đập chỗ này chỗ kia, cố tìm cửa để thoát ra. Như vậy nó trồi lên sụp xuống trong bụng con voi như một cục bột trong cái nồi đang sôi.

Sau một vài ngày một cơn mưa lớn đổ xuống, làm mềm thân xác ấy, làm nó phồng lên và trở lại hình thái cũ. Con đường đại tiện con voi được mở ra và hiện rõ như sao chói sáng. Con chó rừng thấy lỗ mở ấy liền nói:

- Nay ta được cứu sống rồi.

Từ đầu con voi nó nhảy tới, chạy mau vụt ra, đầu đập vào con đường đại tiện ấy và thoát ra ngoài. Nhưng tất cả lông trên thân bị bầm dập đều dính vào con đường đại tiện ấy. Với tâm tư dao động, với cái thân trụi lông như thân cây thốt nốt, nó chạy một lát và ngồi xuống, quay lại nhìn cái thân mình suy nghĩ: "Khổ này do ta tạo, không do ai khác, chỉ vì tham, vì y cứ vào tham nên ta làm như thế ấy. Từ nay trở đi, ta sẽ không để cho tham chi phối nữa, và ta cũng sẽ không đi vào xác con voi nào nữa".

Với tâm tư xúc động kinh hoàng, nó nói lên bài kệ:

Ta sẽ không làm nữa,
Ta không làm, làm nữa,
Ta thấy xác con voi,
Như vậy ta hoảng sợ.


Nói xong, con chó rừng chạy xa xác con voi và nếu có thấy xác một con voi khác, nó cũng không quay nhìn lại. Từ đấy về sau, nó không còn bị lòng tham chinh phục nữa.

Sau khi kể pháp thoại, Bậc Ðạo Sư nói với các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, chớ để cho phiền não nội tâm tăng trưởng. Ngay tại chỗ, hãy nhiếp phục chúng.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư trình bày Bốn sự thật, và cuối bài giảng ấy, năm trăm Tỷ-kheo ấy chứng được quả A-la-hán. Trong số Tỷ-kheo còn lại, một số chứng quả Dự lưu, một số chứng quả Nhất Lai, một số chứng quả Bất Lai.

Và bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:

- Con chó rừng thời ấy là Ta vậy.

149. CHUYỆN CÂY MỘT LÁ (Tiền Thân Ekapanna)

Cây này chỉ một lá...,

Câu chuyện này, khi trú tại ngôi nhà có nóc nhọn ở Ðại Lâm, gần Tỳ-xá-ly (Vesàli), bậc Ðạo Sư đã kể về một hoàng tử Licchavi độc ác ở Tỳ-xá-ly.

Lúc ấy, thành Tỳ-xá-ly được ba bức thành vây quanh, cách nhau khoảng một phần tư dặm, có ba cửa với các tháp canh, được phồn thịnh phi thường. Tại đấy, luôn luôn có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy vị vua cai trị các vương quốc, với số phó vương tướng quân, chủ ngân hàng cũng tương đương như vậy. Trong các hoàng tử của các vua ấy, có một hoàng tử được mệnh danh là Hoàng Tử Ðộc ác Licchavi hay phẫn nộ, hung bạo, độc ác, luôn luôn nổi trận lôi đình dùng hình phạt, như một con rắn độc điên cuồng. Trước mặt hoàng tử khi phẫn nộ, không ai có thể nói hai ba lời. Ngay cả cha mẹ, bà con và bạn bè thân hữu, không ai có thể dạy chàng được. Rồi cha mẹ chàng suy nghĩ: "Ðứa trẻ này quá độc ác hung hãn. Ngoài bậc Chánh Ðẳng Giác, không một ai có thể nhiếp phục nó". Rồi cha mẹ dẫn thái tử đến bậc Ðạo Sư đảnh lễ và thưa:

- Bạch Thế Tôn, đứa trẻ này hung bạo ác độc, hay nổi cơn phẫn nộ, xin Ðạo Sư hãy khuyên dạy nó.

Bậc Ðạo Sư dạy bảo thái tử ấy như sau:

- Này thái tử, làm người chớ nên hung hãn, độc ác, thô bạo, giận dữ. Người lời ác ngữ là xử sự không thân ái, không đẹp ý đối với cha mẹ, đối với con cái, đối với anh chị em, ngay cả vợ chồng, bạn bè hay bà con cũng vậy. Kẻ hung dữ như con rắn vươn lên để cắn, như kẻ cướp rình rập trong rừng, như con Dạ-xoa nhảy lên để vồ mồi. Những ai hung hãn, độc ác... tâm sẽ bị dao động, hoảng hốt, nên lúc chết, sẽ tái sanh vào địa ngục, ác thú v.v... Người phẫn nộ ngay trong hiện tại, dầu được tô điểm trang sức, vẫn xấu xa. Mặt nó dầu có đẹp như vầng trăng tròn cũng trở thành xấu xí như hoa sen bị cháy sém, cũng như gương tròn bằng vàng bị nhơ bẩn. Do phẫn nộ làm cho hung dữ, chúng sanh cầm kiếm tự chém mình, uống thuốc độc, treo cổ, nhảy xuống vực sâu. Như vậy, do phẫn nộ chi phối, khi mệnh chung, chúng sanh đọa vào địa ngục v.v... Do làm cho người khác tổn thương, ngay trong hiện tại chúng bị ghét bỏ, và sau khi chết chúng đọa vào địa ngục v.v... Nếu được tái sanh làm người, ngay lúc chúng ra đời, chúng bị nhiều đau bệnh. Với các chứng bệnh như bệnh đau mắt, bệnh đau tai v.v... bắt đầu với một bệnh, chúng rơi vào một bệnh khác, không bao giờ thoát khỏi bệnh. Chúng bị đau khổ thường xuyên. Do vậy, mọi chúng sanh cần phải tu tập tâm từ bi, tâm lợi ích. Tu tập như vậy, họ sẽ được giải thoát khỏi sự sợ hãi về địa ngục.

Thái tử được giáo giới như vậy; chỉ một lần giáo giới này, kiêu mạn được loại trừ, thái tử được nhiếp phục; chàng trở thành nhu mì, có tâm từ bi, nhu thuận, không còn mắng chửi đánh đập ai, như rắn có nanh bị nhổ ra, như con cua bị gãy càng, như con bò đực bị gãy sừng.

Khi được tin về tính tình thái tử thay đổi như vậy, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện tại Chánh pháp đường:

- Thưa các Hiền giả, cha mẹ và các bà con thường xuyên dạy bảo thái tử Licchavi Ðộc ác từ lâu, nhưng không nhiếp phục được thái tử. Nhưng bậc Chánh Ðẳng Giác chỉ với một lần giáo giới đã nhiếp phục khiến chàng trở thành nhu mì, chẳng khác gì tạo sáu nhân duyên hàng phục các con voi điên loạn ngay lập tức. Lời khéo nói như con voi được nhiếp phục, được chế ngự bởi người huấn luyện voi, bảo nó chạy phương nào thì nó chạy phương ấy, như con ngựa được nhiếp phục... như con bò được nhiếp phục, được chế ngự bởi người huấn luyện bò, bảo nó chạy phương nào thì nó chạy phương ấy. Cũng vậy này các Hiền giả, con người được nhiếp phục, được chế ngự bởi đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khiến con người chạy theo tám phương, khiến con người có sắc thấy các sắc ở ngoài tự thân. Như vậy là Ðức Phật và chỉ Ðức Phật mới được gọi là bậc vô thượng trong các Ðạo Sư huấn luyện, bậc đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự. Này các Hiền giả, không có một bậc đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự giống bậc Chánh Ðẳng Giác.

Trong khi hội chúng đang tán thán công đức của Như Lai trong Pháp đường thì bậc Ðạo Sư đến và hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, này các ông ngồi họp ở đây đang bàn vấn đề gì?

Và khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ta mới nhiếp phục hoàng tử chỉ với một lần giáo giới, mà thuở xưa cũng vậy.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn phương bắc. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đi học tại Takkasilà được dạy ba tập Vệ-đà và tất cả các tài nghệ, rồi làm gia chủ trong một thời gian. Sau khi cha mẹ mệnh chung, Bồ-tát xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và Thiền chứng và sống ở Tuyết Sơn. Tại đấy, Bồ-tát sống lâu ngày, rồi vì cần dùng muối, giấm, Bồ-tát đi xuống con đường của dân chúng, đến Ba-la-nại và ở công viên của vua.

Ngày hôm sau, khéo vấn, khéo đắp chiếc áo vỏ cây tốt nhất, đầy đủ dáng điệu của người khổ hạnh, Bồ-tát đi vào thành để khất thực, và đến cửa cung vua. Vua nhìn qua cửa sổ thấy Bồ-tát, hoan hỷ với uy nghi cử chỉ của vị ẩn sĩ: "Vị tu khổ hạnh này, với căn thanh tịnh, với ý thanh tịnh, chỉ nhìn trong khoảng một tầm, bước từng bước một như đang đặt xuống một túi đựng một ngàn đồng vàng, đi đến với dáng điệu uy nghiêm của con sư tử. Nếu tịnh pháp có mặt ở một nơi nào, tịnh pháp phải có mặt ở trong người này". Sau khi suy nghĩ như vậy, vua nhìn một vị đại thần. Vị ấy hỏi:

- Thưa Thiên tử, thần cần làm gì?

- Hãy mời vị khổ hạnh này đến.

- Thưa vâng, Thiên tử.

Vị đại thần ấy đi đến gặp Bồ-tát, đảnh lễ, cầm lấy bát khất thực. Bồ-tát hỏi:

- Thưa bậc đại phước, có việc gì?

- Thưa Tôn giả, đức vua cho mời ngài.

Bồ-tát nói:

- Chúng tôi không đi đến cung vua, trú xứ của chúng tôi ở tại Tuyết Sơn.

Người đại thần đi về và tâu lại vua rõ. Vua nói:

- Nay chúng ta không có người cố vấn trong cung vua. Hãy mời vị ấy đến.

Vị đại thần đi đến, đảnh lễ Bồ-tát, và yêu cầu ngài vào cung điện của vua. Vua đảnh lễ Bồ-tát, mời Bồ-tát ngồi trên ngai vàng, dưới một lọng trắng uy nghiêm, đãi Bồ-tát dùng các món ăn đặc biệt dành riêng cho mình, rồi hỏi:

- Thưa Tôn giả, Tôn giả ở đâu?

- Thưa Ðại vương, chúng tôi ở Tuyết Sơn.

- Nay Tôn giả đi đâu?

- Thưa Ðại vương, chúng tôi đang tìm một trú xứ thích hợp cho mùa mưa.

- Thưa Tôn giả, hãy ở lại công viên của chúng tôi.

Sau khi được Bồ-tát chấp nhận, vua ăn xong rồi đưa Bồ-tát đi đến công viên, cho dựng một thảo am, làm phòng ở ban đêm, phòng ở ban ngày, cung cấp tám dụng cụ cho người xuất gia. Sau khi giao trách nhiệm cho người giữ công viên, vua đi vào thành. Từ đấy trở đi, Bồ-tát sống ở công viên, mỗi ngày vua đi đến hầu thăm hai ba lần.

Vua có một thái tử độc ác, hung bạo, mà vua cũng như các người bà con, các vị đại thần khác không thể nhiếp phục. Tất cả đại thần, Bà-la-môn, dân chúng đều đã nêu rõ những lỗi lầm của tánh tình thái tử nhưng vô hiệu. Chàng không lưu ý đến lời khuyên can của ai. Rồi vua suy nghĩ: "Ngoài vị tu khổ hạnh đáng kính, có giới đức của ta, không một người nào khác có thể nhiếp phục được hoàng tử này. Vị tu khổ hạnh ấy sẽ nhiếp phục hoàng tử". Nghĩ vậy, vua đưa thái tử đến gần Bồ-tát và thưa:

- Thưa Tôn giả, thái tử này hung bạo, độc ác. Chúng tôi không có thể nhiếp phục nó. Mong ngài tìm một phương tiện dạy bảo nó.

Vua giao thái tử cho Bồ-tát rồi ra đi. Bồ-tát đưa hoàng tử cùng đi chơi trong công viên và đến một mầm cây Nimba (loại cây có lá rất đắng) mới mọc lên từ hột giống, chỉ có hai lá, một lá phía bên này, một lá phía bên kia. Thấy cây ấy, Bồ-tát nói với thái tử:

- Này thái tử, hãy ăn lá của cây con này và xem vị của nó thế nào?

Thái tử lấy một lá của cây ấy, nhưng vừa đặt vào miệng và biết được vị, liền nhổ nó ra dưới đất với nước miếng kèm theo lời nguyền rủa. Bồ-tát hỏi:

- Này thái tử, lá ấy thế nào?

Thái tử đáp:

- Thưa Tôn giả, cây ấy như thuốc độc giết người, nếu lớn lên, nó sẽ làm chết nhiều người.

Rồi thái tử nhổ cây con ấy lên, với hai tay chà nát nó và nói lên bài kệ:

Cây này chỉ một lá,
Cách đất bốn đốt tay,
Lá nó giống thuốc độc,
Lớn lên sẽ làm gì?


Sau đó Bồ-tát nói với thái tử:

- Này thái tử, đối với cây nimba bé nhỏ này, thái tử nghĩ rằng: nay cây đắng như vậy, khi nó lớn lên, thì cũng chẳng dùng được việc gì phải không? Vì vậy nên chính thái tử đã nhổ cây ấy lên, và chà nát. Cũng như thái tử đã xử sự đối với cây này, những người ở trong nước sẽ nghĩ về thái tử: Rằng khi còn trẻ đã hung bạo, độc ác như vậy, thì khi lớn lên, được làm vua, thái tử sẽ như thế nào nữa? Chúng ta dựa vào thái tử ấy, thì sự trưởng thành của ta sẽ đi đến đâu? Họ sẽ không cho thái tử trị vì quốc độ thuộc sở hữu gia đình, sẽ nhổ bứng thái tử lên như cây nimba con, và đuổi thái tử ra khỏi nước. Do vậy, hãy từ bỏ tánh xấu giống như cây nimba. Bắt đầu từ nay, hãy đầy đủ lòng kiên nhẫn, từ bi, hòa ái.

Thái tử từ đấy trở đi bỏ kiêu mạn, trở nên hiền lành, đầy đủ lòng kham nhẫn, từ bi, hòa ái, an trú vững chắc trên lời khuyên răn của Bồ-tát. Sau khi phụ vương mệnh chung, chàng hưởng quốc độ, trọn đời làm các công đức, rồi đi theo nghiệp của mình.

Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới nhiếp phục vị thái tử Licchavi ác độc, trong thời quá khứ, Ta cũng đã làm như vậy.

Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:

- Lúc bấy giờ, thái tử Ác độc ấy là thái tử Licchavi này, vua là Ànanda, còn vị tu khổ hạnh đã giáo giới thái tử chính là Ta vậy.

150. CHUYỆN THANH NIÊN SANJIVA (Tiền Thân Sanjiva)

Ai theo kẻ bất thiện...,

Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về vua A-xà-thế (Ajàtasattu) theo phe kẻ bất thiện. Vua đã tin tưởng Ðề-bà-đạt-đa, kẻ theo ác giới, kẻ phản lại các Ðức Phật và vì theo phe kẻ bất thiện, phi chân nhân ấy, vua đã tôn trọng vị ấy, tiêu phí nhiều tài sản để xây dựng một tinh xá ở Gayàsisa. Theo lời khuyên ác của Ðề-bà-đạt-đa, vua đã giết phụ thân là một vị vua theo Chánh pháp, một Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu, do đó đã tự mình cắt đứt cận duyên chứng quả Dự lưu, và sẽ gặp tai họa lớn.

Khi nghe Ðề-bà-đạt-đa đã bị đất nuốt sống, vua suy nghĩ: "Ta cũng có thể bị đất nuốt", liền hoảng hốt lo sợ, không vui trong vương vị, ngủ không yên giấc, đi lang thang, hoảng hốt run rẩy như con voi con bị những hình phạt sắc bén. Trong tưởng tượng, vua thấy như đất nứt nẻ ra, như lửa địa ngục A-tỳ (Avìci) phun lên, như mình bị đất nuốt xuống, như mình bị bắt nằm ngửa trên tấm đồng nung đỏ, như bị các cây gậy sắt đâm xuyên vào thân. Như một con gà trống bị thương tích, không giây phút nào vua không run sợ.

Vua muốn đến yết kiến bậc Chánh Ðẳng Giác, muốn cầu hòa với Ngài và xin Ngài hướng dẫn, nhưng không thể đi đến gần Ngài vì tội lỗi quá lớn.

Nhân ngày lễ hội Kattika đêm rằm tháng mười, thành Vương Xá được thắp đèn và trang hoàng như thành phố chư Thiên, khi vua ngự trên ngai vàng với quần thần vây quanh trong cung điện lớn, và thấy Jìvaka ngồi không xa bao nhiêu, vua suy nghĩ: "Ta sẽ đem Jìvaka đi theo yết kiến bậc Chánh Ðẳng Giác. Nhưng ta không có thể nói thẳng: Này bạn Jìvaka, ta không muốn đi một mình. Hãy đưa ta đến bậc Ðạo Sư. Ta hãy dùng phương tiện tán thán đêm đẹp trời và sẽ nói: Hôm nay, chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể làm tâm chúng ta được an lạc? Nghe ta nói, các đại thần sẽ tán thán bậc Ðạo Sư của mình. Và Jìvaka sẽ tán thán bậc Chánh Ðẳng Giác, và ta sẽ đem Jìvaka theo và sẽ đi đến bậc Ðạo Sư".

Vì vậy, vua tán thán đêm ấy với năm câu kệ:

Thật là điềm lành thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!
Thật là diễm lệ thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!
Thật là quyến rũ thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!
Thật là thích thú thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!
Thật là khả ái thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!


Hôm nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để vị ấy làm tâm chúng ta được an lạc?

Một đại thần tán thán Puràna Kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp), một đại thần tán thán Makkhali Gosala (Mạc-già-lê Cù-xá-lợi), một đại thần tán thán Ajita Kesakambala (A-kỳ-đa Kỳ-xá-khâm-bà-la), một đại thần tán thán Kakudha Kaccàyana (Bà-phu-đà Ca-chiên-diên), một đại thần tán thán Sanjaya Belatthiputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-lê-phất), một đại thần tán thán Nigantha Nataputta (Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử).

Vua nghe các đại thần ấy nhưng vẫn im lặng. Vua chờ đợi đại thần Jìvaka nói. Nhưng Jìvaka ngồi không xa, suy nghĩ: Không biết vua có chờ đợi mình nói hay không, nên Jìvaka vẫn ngồi im lặng. Cuối cùng vua nói với đại thần Jìvaka:

- Này Hiền khanh Jìvaka, sao khanh không nói gì?

Khi ấy Jìvaka từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay vái về hướng Thế Tôn và thưa:

- Thưa Thiên tử, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nay đang trú ở rừng xoài của chúng thần với một ngàn ba trăm năm mươi Tỷ-kheo. Tiếng đồn tốt đẹp như vậy được truyền đi về Thế Tôn.

Sau khi nói lên chín đức tánh bắt đầu từ A-la-hán, Jìvaka trình bày những tướng tốt v.v... từ khi sanh ra, uy lực của Thế Tôn đã vượt hẳn mọi dự đoán và mong đợi trước kia, rồi thưa:

- Thiên tử hãy đi đến chiêm bái Thế Tôn, nghe pháp và hỏi đạo.

Vua được toại ý liền nói:

- Này bạn Jìvaka, hãy cho thắng voi vào các cỗ xe.

Sau khi các cỗ xe được thắng xong, vua đi đến rừng xoài của Jìvaka với uy nghi của một vị vua. Thấy Thế Tôn được vây quanh với chúng Tỷ-kheo, với hương hoa, vòng hoa, nhìn thấy chúng Tỷ-kheo ở mọi nơi không dao động như biển hoàn toàn vắng lặng, vua suy nghĩ: "Một hội chúng như vậy ta không bao giờ thấy". Vua hoan hỷ với uy nghi ấy liền chắp tay vái chúng Tỷ-kheo, nói lên lời tán thán, đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên, rồi hỏi về quả của Sa-môn hạnh. Thế Tôn chia làm hai phần tụng Kinh Quả của hạnh Sa-môn (Samanna-phala). Cuối bài kinh, vua hoan hỷ, xin Thế Tôn tha thứ lỗi lầm, từ chỗ ngồi đứng dậy, thân bên hữu hướng về Thế Tôn rồi đi ra. Khi vua vừa đi không bao lâu, bậc Ðạo Sư nói với các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, vua này đã bị tổn thương. Này các Tỷ-kheo, nếu vua ấy đã không vì tham vương quyền hại mạng vua cha, một đại vương trị vì đúng pháp, thì vua ấy ngay trên chỗ ngồi này đã khởi lên Pháp nhãn không bụi không dơ! Do nương tựa Ðề-bà, theo kẻ bất thiện, nên vua đã không chứng quả Dự lưu.

Ngày hôm sau, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện tại Chánh pháp đường:

- Thưa các Hiền giả, nghe nói vua A-xà-thế theo phe kẻ bất thiện, nương tựa Ðề-bà-đạt-đa theo ác giới, làm ác pháp, đã tự mình giết cha, nên đã mất quả Dự lưu. Như vậy, vua bị Ðề-bà-đạt-đa làm hại.

Trong lúc ấy, bậc Ðạo Sư đi đến Chánh pháp đường hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây bàn câu chuyện gì?

Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, vua A-xà-thế không phải nay mới theo phe kẻ bất thiện và chịu thiệt hại lớn. Thuở xưa, vua cũng đã theo phe bất thiện và gặp đại nạn.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Bà-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đi đến Takkasilà học tất cả các nghề và trở thành một Sư trưởng có danh nhiều phương dạy nghề cho năm trăm thanh niên, trong đó có một người tên là Sanjiva.

Bồ-tát dạy cho thanh niên ấy bùa chú làm các vật chết sống dậy nhưng không dạy bùa chú chế ngự lại. Một hôm vì kiêu mạn về năng lực của mình, anh ta đi cùng với các thanh niên vào rừng lượm củi, thấy một con cọp chết, liền nói với họ:

- Thưa các Hiền hữu, tôi sẽ làm cho con cọp chết này sống lại.

Các thanh niên ấy nói:

- Bạn không thể làm được.

- Các bạn cứ nhìn, tôi sẽ làm cho nó đứng dậy.

Nghe vậy xong, các thanh niên ấy liền leo lên trên cây. Sanjiva đọc bùa chú, lấy mảnh sành đánh cọp. Con cọp vàng đứng dậy, nhanh như chớp xông tới, cắn vào cổ Sanjiva và hủy diệt mạng sống của anh ta và rồi rơi xuống tại chỗ ấy. Sanjiva cũng rơi xuống, và cả hai đều nằm chết tại chỗ. Các thanh niên lượm củi xong, đi về và trình Sư trưởng câu chuyện ấy. Ngài gọi các thanh niên và nói:

- Này các con thân, do thân cận với kẻ bất thiện, do kính trọng những kẻ không xứng đáng, nên nó phải gặp đại nạn như vậy.

Rồi ngài đọc bài kệ này:

Ai theo kẻ bất thiện,
Thân cận kẻ bất thiện,
Sẽ bị nó giết chết,
Như cọp giết Ji-va.


Bồ-tát thuyết pháp cho các thanh niên với bài kệ này và suốt đời làm cái công đức như bố thí v.v... rồi đi theo nghiệp của mình.

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, thanh niên làm sống dậy con cọp chết là vua A-xà-thế, còn vị Sư trưởng có danh nhiều phương là Ta vậy.

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối