Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Trị Tâm Sân Hận
Năng Lực Nhẫn Nhục Theo Quan Điểm Của Phật Tử.
Nguyên bản: "Healing Anger" by His Holiness Dalai Lama
Dịch giả: Thích Hằng Đạt
______________________


Ngày thứ nhất. Buổi thứ nhất.


Nói chung, tất cả tôn giáo lớn trên thế giới đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của hạnh từ bi và nhẫn nhục. Đặc biệt, mọi truyền thống Phật giáo, bao gồm Tiểu Thừa, Đại Thừa, Kim Cang Thừa, đều thuyết rằng từ bi là nền tảng căn bản của sự tu tập tâm linh.

Để hỗ trợ cho việc phát triển và thực thi tâm hạnh từ bi, việc chủ yếu là phải vượt qua những chướng ngại. Nơi đó, hạnh nhẫn nhục đóng vai trò quan trọng, vì nhờ hành hạnh nhẫn nhục mới có thể vượt qua những sự chướng ngại của tâm từ bi.

Khi bàn về hạnh nhẫn nhục, chúng ta phải hiểu rằng có rất nhiều cấp độ; bắt đầu từ hạnh nhẫn nhục đơn giản như có khả năng chịu đựng nóng lạnh đôi chút, rồi tiến lên cấp độ cao nhất của hạnh nhẫn nhục mà đại hành giả hay đại Bồ Tát thường hành trì. Do phát sanh từ ý chí hành trì kiên cố, không bị nghịch cảnh xoay chuyển, nên phải xem hạnh nhẫn nhục giống như ý chí sắt đá, chứ không yếu mềm. Tổng quát, chúng ta có thể thẩm định hạnh nhẫn nhục theo những nghĩa đó. Thực sự, ngay cả việc nhẫn chịu sự cực khổ về thân xác đôi chút như chịu đựng khí hậu nóng hay lạnh, cũng giúp cho tâm niệm thay đổi rất nhiều. Nếu hiểu rõ rằng sự nhẫn chịu những khó khăn trong hiện tại mang lại lợi ích dài lâu, thì chúng ta càng có nghị lực chịu đựng những khó khăn hằng ngày. Thật vậy, đối với các hành giả Bồ Tát địa đang hành hạnh nhẫn nhục cao thượng, trí huệ cũng đóng vai trò hỗ trợ quan trọng.

Bên cạnh giá trị cao siêu của hạnh nhẫn nhục theo quan điểm Phật pháp, trong cuộc sống hằng ngày, việc thực nghiệm hạnh nhẫn nhục cũng mang lại lợi ích lớn lao: Tăng nghị lực nhiếp trì tâm thanh tịnh, an lạc, tự tại. Thế nên, nếu thường hành hạnh nhẫn nhục, dù sống trong hoàn cảnh căng thẳng cùng cực, nội tâm thanh tịnh tự tại sẽ không bị khuấy động.

Luận điển mà tôi sẽ thuyết giảng trong những buổi diễn giảng liên tục là luận điển Phật pháp, đặc biệt thuộc về Phật giáo Đại Thừa. Những hạnh được trình bày trong quyển luận này thuộc về quan điểm của hành giả Bồ Tát Đại Thừa phát tâm Bồ Đề. Tuy nhiên, rất nhiều phương pháp được trình bày trong quyển luận này cũng phù hợp và có thể ứng dụng cho những ai chưa hành hạnh Bồ Tát, hoặc chưa xem đạo Phật là tôn giáo của mình.

Quyển luận này được gọi là Bodhisattvacharyavatara theo tiếng Phạn và được dịch là Nhập Bồ Tát Hạnh Luận. Hạnh Bồ Tát có ba bậc. Thứ nhất, nhập hạnh Bồ Tát liên hệ chủ yếu với sự phát tâm Bồ Đề, tức tâm nguyện lợi tha muốn đạt đạo giác ngộ viên mãn vì lợi ích của chúng sanh. Thứ hai, thực tiễn hành trì, bao gồm lục độ: Điều kiện tất yếu của sự phát tâm Bồ Đề; nhẫn nhục lại là một trong lục độ đó. Thứ ba, công hạnh của Phật quả được viên mãn nhờ hành hạnh Bồ Tát.

Trong phẩm thứ nhất của quyển luận Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên bàn về công đức và lợi ích của việc phát tâm Bồ Đề, tức tâm nguyện lợi tha muốn đạt Phật quả vì sự lợi ích của chúng sanh. Ngài viết:

'Con đảnh lễ đấng Ma Ni
Vị sanh xuất tâm cao quý.
Con quy mạng nguồn an lạc
Vị mang lại niềm hạnh phúc
Cho đến kẻ từng hại Ngài'.

Trong bài kệ này, Ngài viết rằng những ai đã phát tâm lợi tha vô thượng vốn đáng được tôn sùng quý kính, vì tâm nguyện lợi tha phát triển khả năng cứu hộ chúng sanh vô cùng tận. Vì tâm nguyện lợi tha bao la là cội nguồn của niềm hạnh phúc an lạc của chính mình và vô lượng chúng sanh, nên lúc gieo duyên với người đã phát tâm Bồ Đề, thì dù việc đó có tiêu cực, nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu sắc suốt đời. Dù có phạm lỗi hay có duyên xấu khiến phải chịu quả xấu, nhưng sẽ được quả lành lợi lạc dài lâu trong tương lai, vì đã từng gieo duyên lành với người đã phát tâm Bồ Đề. Đó là năng lực của tâm nguyện lợi tha bao la.

Nền tảng chủ yếu của tâm nguyện lợi tha bao la là tâm từ bi. Các vị luận sư thường quy y lễ tán chư Phật, chư Bồ Tát, hay Bổn Tôn Thiền Quán trong phần đầu của các bài kệ tụng. Ngược lại, trong phần đầu của quyển Nhập Trung Luận, ngài Nguyệt Xứng đảnh lễ tâm từ bi, rồi nhấn mạnh tầm quan trọng và sự quý giá của tâm đó ở mọi phần sau. Dù vừa phát tâm tu hành hay đang hành trì, chớ xem thường giá trị quý báu của tâm đó lúc vừa phát tâm Bồ Đề. Lúc thành Phật, giá trị và tầm quan trọng của tâm từ bi vẫn hiện hữu. Chúng ta nhận thấy rằng tuy có những cách dạy hành hạnh từ bi với sự giải thích khác biệt - tại sao quan trọng hóa việc hỗ trợ tâm từ bi - nhưng mọi tôn giáo lớn trên thế giới đồng quy về một điểm: Lấy tâm từ bi làm gốc.

Có thể định nghĩa sơ về tâm từ bi như tâm niệm bất bạo động, bất hại, nhưng điều này mang lại sự lầm lẫn tai hại với tâm niệm chấp trước.

Vì vậy, chúng ta thấy rằng có hai loại tâm từ bi. Thứ nhất, tâm từ bi dựa vào tâm niệm chấp trước, đắm nhiễm. Tâm từ bi và cảm giác thân thiết đó hoàn toàn thiên vị: Chủ yếu dựa vào việc xem đối tượng đắm trước là người rất thân thiết. Ngược lại, tâm từ bi chân chánh vượt ngoài sự đắm trước: Không màng người đó có là bè bạn thân quyến hay chăng. Tâm đó dựa vào lý lẽ rằng ai ai cũng có bản chất muốn vui và tránh khổ như mình; ai ai cũng có quyền làm hoàn mãn tâm nguyện căn bản đó như mình. Nhờ nhận thức quyền bình đẳng căn bản, chúng ta sẽ phát tâm đồng thể đại bi chân chánh.

Hiển nhiên, trí huệ là thành phần hỗ trợ và sẽ thẩm định mức độ sâu rộng của tâm từ bi. Đạo Phật bàn về ba loại tâm từ bi chủ yếu. Thứ nhất, tâm từ bi không được trí huệ hỗ trợ. Thứ hai, tâm từ bi được sự hỗ trợ của trí huệ thấy rõ chân tánh vô thường giả tạm của chúng sanh. Thứ ba, với trí huệ thấu suốt chân tánh cứu cánh (tánh Không thật có) của vạn vật, tâm từ bi vô ngã được rải khắp muôn loài. Dù cần phát khởi và hành trì tâm từ bi chân chánh và tâm nguyện lợi tha vô lượng, nhưng tất cả chúng ta vốn sẵn có những tiềm năng đó.

Theo những điểm căn bản khác biệt với lý thuyết Phật tánh, một trong những niềm tin căn bản của tôi là ngoài việc có sẵn tiềm năng căn bản của tâm từ bi, bản chất căn bản của nhân loại và tất cả chúng sanh là hiền hòa. Điển hình, hãy xem xét tình thương dưỡng dục của người khác và cảm giác thọ nhận của mình từ sơ sanh đến lúc chết. Ngoài ra, khi có cảm giác từ bi, chúng ta thấy nó ảnh hưởng tự nhiên ra sao ngay trong nội tâm. Hơn nữa, nơi hành vi và tâm niệm, càng từ bi thánh thiện thì dường như càng thích hợp với cấu trúc thân thể về việc ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm hạnh phúc, v.v... Lại nữa, phải ghi nhận hậu quả xấu cho sức khỏe ra sao nếu làm ngược lại điều đó. Do đó, tôi thiết nghĩ chúng ta có thể suy luận rằng tánh chất căn bản của con người là hiền hòa. Nếu như thế, việc cố gắng sống phù hợp nhiều hơn với tánh chất hiền hòa căn bản này là điều hữu lý.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy có rất nhiều sự xung đột căng thẳng trong nội tâm, gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế, v.v... mỗi khi giao thiệp với những người khác. Làm sao giải thích những việc đó?

Tôi thiết nghĩ, một trong những nhân duyên đưa đến sự xung đột đó là tri kiến của chúng ta. Cũng nhờ trí thông minh mà chúng ta tự tìm ra cách khắc phục những sự xung đột đó. Lòng từ bi là điều kiện tất yếu khi dùng kiến thức con người để khắc phục những sự xung đột do nó tạo ra. Tôi thiết nghĩ, nếu nhìn vào thực tại thì thật rõ rằng ngay trong nội tâm, cách khắc phục sự xung đột hay nhất là tinh thần hòa hợp; tinh thần đó liên hệ với tâm từ bi.

Một phương diện của tâm từ bi là tôn trọng quyền lợi và quan điểm của người khác. Đó là nền tảng căn bản của sự hòa hợp. Tôi nghĩ rằng dù có biết đến hay không, điều kiện tất yếu của tinh thần hòa hợp vốn dựa vào lòng từ bi rộng sâu. Do đó, vì tánh chất căn bản của con người là hiền hòa, nên dù có tạo bao nghiệp xấu, nhưng đáp án cứu cánh vẫn quay về tình thương căn bản của nhân loại. Thế nên, tình thương nhân loại (lòng từ bi) vừa là điều kiện tất yếu của tôn giáo, vừa là điều thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày.

Hiện tại, thật quí hóa nếu nhìn hạnh nhẫn nhục theo ngữ cảnh đó; nghĩa là, dù khó đâu, việc hành hạnh nhẫn nhục là điều quý báu.

Ngài Tịch Thiên viết bài kệ đầu tiên trong phẩm Nhẫn Nhục Ba La Mật:

1. Công đức làm các điều lành, như cung kính Như Lai, cùng hành hạnh bố thí, suốt trăm ngàn kiếp sẽ bị thiêu đốt chỉ do niệm sân.

Ngụ ý của bài kệ nói rằng để có khả năng tu hành thành tựu hạnh nhẫn nhục, điều kiện tiên quyết là phải có ý chí dũng mãnh tinh tấn, vì càng thiết tha tinh tấn mạnh mẽ chừng nào thì càng có khả năng chịu đựng bền bỉ những nghịch cảnh khó khăn sẽ gặp trên bước đường tu tập. Ngoài ra, hành giả cũng sẽ sẵn sàng tình nguyện chấp nhận những khó khăn cần thiết trên đường đạo.

Kế đến, bước sơ khởi là phát tâm thiết tha tu hành mạnh mẽ; để được như thế, điều thiết yếu là phải quán chiếu về tánh chất tiêu cực của tâm sân hận cũng như sự ảnh hưởng tích cực của tâm nhẫn nhục.

Bài kệ trên nói rằng dù chỉ khởi tâm sân hận trong một khoảnh khắc cũng có tiềm năng hủy hoại công đức tích lũy trong ngàn kiếp. Quyển Nhập Trung Luận của ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti) viết rằng một niệm sân hận trong khoảng sát na sẽ hủy hoại bao công đức tích lũy trong trăm kiếp. Sự khác biệt giữa hai quyển luận này được giải thích theo quan điểm về đối tượng của người khởi tâm sân hận. Nếu đối tượng bị sân hận là vị Bồ Tát hàng thượng thủ và người khởi tâm sân hận không phải là Bồ Tát, thì công đức sẽ bị hủy hoại nhiều hơn. Ngược lại, nếu Bồ Tát này tức giận Bồ Tát khác thì công đức có lẽ sẽ bị hủy hoại ít hơn.

Tuy nhiên, phải xác định loại công đức nào được tích lũy trong nhiều kiếp rồi bị một niệm sân hận hủy hoại. Quyển Nhập Bồ Tát Học Luận và Nhập Trung Luận đều đồng ý rằng công đức tích lũy từ trí huệ chân chánh ít bị hủy hoại hơn công đức tích lũy từ phương tiện thiện xảo. Điển hình, những công đức tích lũy từ trí huệ như phát khởi trí huệ hiểu rõ tánh chất cứu cánh của hiện thực (trí huệ liễu giải tánh Không), trí huệ đạt được từ thiền định, và công đức hành thiền quán vẫn nằm ngoài sự hủy hoại của tâm sân hận. Ngược lại, công đức tích lũy từ những phương tiện thiện xảo như hành hạnh bố thí hay trì giới có thể bị tâm sân thiêu hủy.

Nơi đây nhấn mạnh về chữ 'nhiều kiếp', tức là cách tính thời gian đặc biệt của Phật giáo dựa vào triết học A Tỳ Đạt Ma; 'nhiều kiếp' nghĩa là một 'đại kiếp', tức là bao gồm hai mươi trung kiếp. Điều này cũng liên hệ với vũ trụ quan Phật giáo, tức là lý thuyết giải thích về quá trình biến chuyển của vũ trụ. Ví dụ, theo vũ trụ quan của hệ A Tỳ Đạt Ma, chúng ta phân chia giai đoạn biến chuyển làm bốn phần: Thành, trụ, hoại, không. Những giai đoạn này được chia chẻ phù hợp với hệ thống chính xác. Điểm thích thú là so sánh lý thuyết vũ trụ học hiện đại về lý 'vụ nổ tạo ra vũ trụ (Big Bang)'; lý thuyết đó giải thích quá trình biến chuyển của vũ trụ vào khoảng từ mười lăm đến hai mươi tỉ năm.

Theo bài kệ này, công đức được trí huệ thấu suốt chân tánh của hiện thực (trí huệ liễu giải tánh Không) và bất cứ công đức nào dựa vào sự chứng đắc thiền định Xa Ma Tha (tĩnh lự hay nhất tâm) hỗ trợ vốn vượt ngoài phạm vi hủy hoại của tâm sân hận. Do đó, chúng ta thấy rõ giá trị của thiền định Xa Ma Tha và trí huệ thấu suốt tánh Không.

2. Không có gì tiêu cực bằng sân hận; không có gì kiên cố bằng nhẫn nhục. Do đó, bằng mọi cách, tôi phải cố gắng thiền quán về hạnh nhẫn nhục.

Nói chung, có nhiều phiền não như kiêu căng, ngạo mạn, ganh tỵ, tham lam, biên kiến, v.v... Song, trong các phiền não đó, sân hận là tiêu cực nhất, vì có hai lý do.

Thứ nhất, sân hận là chướng ngại vật lớn nhất cho hành giả phát tâm Bồ Đề lợi tha từ bi.

Thứ hai, khi sân hận phát khởi, nó có khả năng hủy hoại công đức và tâm an lạc.

Theo tâm lý học Phật giáo, sân hận là một trong sáu phiền não chính. Tiếng Tây Tạng viết chữ 'sân hận' là 'zhe sdang', và được dịch sang tiếng Anh là 'nóng giận' hay 'sân hận'. Tuy nhiên, tôi cảm thấy phải dịch là 'sân hận', vì theo nghĩa 'nóng giận' của tiếng Anh thì trong vài hoàn cảnh đặc biệt, nó có thể là tích cực. Điều này xảy ra khi nóng giận được lòng từ bi kích thích, hoặc nó hiện hành như chất xúc tác cho hành vi lành. Trong những trường hợp hiếm hoi đó, nóng giận có thể tốt; ngược lại, sân hận hoàn toàn tiêu cực.

Vì thế, chớ dịch chữ 'zhe sdang' là 'sân hận' theo ngữ cảnh của Mật Thừa. Đôi khi chúng ta nghe câu 'dùng sân hận để tu đạo'; cách dịch đó sai lầm. Trong ngữ cảnh này, 'sân hận' không phải là chữ chính xác; phải dùng chữ 'nóng giận', tức là 'dùng nóng giận để tu đạo'. Do đó, chữ 'zhe sdang' có thể dịch là 'nóng giận' hay 'sân hận', nhưng dùng chữ 'sân hận' thì hay hơn, nếu bàn về phiền não.

Hai câu cuối viết: 'Do đó, tôi phải cố gắng bằng mọi cách để thiền quán về hạnh nhẫn nhục'.

Vì mục đích hỗ trợ cho hạnh nhẫn nhục, điều thiết yếu là phải có khả năng đề kháng lực của nóng giận và sân hận, mà đặc biệt là sân hận. Phải dùng mọi cách để phát triển duyên lành với hạnh nhẫn nhục. Ngoài việc áp dụng cách đó trong cuộc sống hiện tại, phải quán tưởng hoàn cảnh, rồi xem xét sự phản ứng ra sao đối với hoàn cảnh đó. Phải thường cố gắng giải tỏa sân hận và phát triển khả năng nhẫn nhục.

3. Tâm tôi sẽ không được an lạc nếu nó vẫn nuôi dưỡng sân hận phiền muộn. Tôi sẽ không tìm được niềm vui, vì hay bị bất an và mất ngủ.

Câu này trình bày hậu quả tai hại hiện thời của sân hận. Ví dụ, ngay khi sân hận khởi lên mạnh mẽ, nó hoàn toàn khống chế chúng ta và hủy hoại tâm an lạc tự tại. Khi trú bên trong, nó khiến chúng ta cảm thấy bồn chồn bực bội, rồi mất ăn, mất ngủ, v.v...

Nói chung, tôi tin rằng mục đích cuộc sống của chúng ta là được hạnh phúc trọn vẹn. Theo quan điểm đạo Phật, khi bàn về bốn yếu tố mang lại niềm hạnh phúc trọn vẹn, hai loại đầu tiên đi liền với niềm hạnh phúc tạm thời ở thế gian, mà không có ý nguyện tu đạo giác ngộ giải thoát cứu cánh. Để hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc đó, chìa khóa chính là tâm niệm. Tuy nhiên, khi hưởng niềm vui đó, theo quan niệm phổ thông, chúng ta lầm xem những yếu tố phụ trợ như chính yếu; điển hình, sức khỏe tráng kiện được xem như một trong những yếu tố tất yếu cho cuộc sống hạnh phúc. Một yếu tố khác là tài sản cá nhân. Theo quan điểm thông thường, chúng ta xem chúng như cội nguồn của niềm hạnh phúc. Yếu tố thứ ba là bạn bè. Chúng ta thường xem rằng để hưởng hạnh phúc đầy đủ, cần có bạn bè để tin tưởng và cảm thông.

Trong cuộc sống, chúng được xem là cội nguồn của niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, để dùng chúng hoàn toàn vào mục tiêu hưởng thụ niềm hạnh phúc mỹ mãn, tâm niệm đóng vai trò quan trọng. Nếu sân hận nổi lên, nó sẽ hại sức khỏe, tức là hủy hoại một nhân duyên của cuộc sống. Dẫu có tài sản kếch sù, nhưng trong một giây phút bực dọc, chúng ta cảm thấy muốn phá bỏ hết. Vì vậy, tài sản chưa đảm bảo mang lại niềm hạnh phúc đang tìm cầu. Cũng vậy, khi chúng ta nổi giận, dẫu người bạn thân nhất cũng dường như khó chịu 'lạnh lùng' tránh xa.

Điều này, chứng tỏ tâm niệm rất quan trọng trong việc quyết định chúng ta có đạt được niềm hạnh phúc chăng. Thế nên, hãy tạm gác bàn về việc tu hành; ngày ngày, tâm càng an lạc thanh thản bao nhiêu thì cuộc sống càng hạnh phúc bấy nhiêu.

Song, khi bàn về tâm an lạc thanh thản, chúng ta chớ lầm lẫn với tâm niệm vô ký, lạnh lùng, và hoàn toàn vô tri, bất giác, rỗng không. Đó chẳng phải nghĩa là tâm an lạc bình thản.

Lòng từ bi thiện cảm là cội gốc của tâm an lạc bình thản chân thật; tâm này liên hệ với tánh giác sáng suốt. Nếu nội tâm rối loạn và chưa được điều phục, thì dẫu đủ mọi điều kiện tiện nghi bên ngoài, nhưng chúng vẫn không bao giờ mang lại niềm hạnh phúc an lạc mong muốn. Ngược lại, nếu nội tâm thanh tịnh an lạc, thì dẫu có thiếu nhiều tiện nghi vật chất thiết yếu, nhưng chúng ta cũng có thể hưởng niềm hạnh phúc chân thật.

Nếu xem nguyên nhân sân hận phát sanh, nói chung nó khởi lên khi chúng ta bị tổn thương hay cảm thấy bị người khác đối xử tệ hại, ngược lại với những điều mong muốn. Trong khoảnh khắc đó, nếu xét rõ cách nó phát sanh, chúng ta xem nó đến như người bạn thân bảo vệ và giúp mình chống lại hoặc trả thù kẻ đã gây tổn hại và phiền muộn cho mình. Vì vậy, sân hận nổi lên như áo giáp hay người bảo vệ. Song, trong thực tế, đó chỉ là ảo ảnh, vì nó là vọng tưởng.

Trong quyển Nhập Trung Luận, ngài Nguyệt Xứng bảo rằng có thể biện hộ cho việc dùng sức mạnh để trả thù sức mạnh nếu điều đó có thể giúp ích, hay ngăn ngừa hoặc giảm thiểu mối tổn hại. Song, chẳng phải như thế, vì những thương tích trên thân thể hay sự tổn hại vật chất đã xảy ra. Do đó, trả thù sẽ không có cách nào làm giảm bớt hay ngăn ngừa sự tổn hại hoặc thương tích đó.

Thay vì hành hạnh nhẫn nhục, nhưng lại phản ứng tiêu cực với tình cảnh đó, thì không những mất đi lợi ích thực tiễn mà còn gieo tâm niệm xấu xa, khiến bị đọa lạc trong tương lai. Theo quan điểm đạo Phật, trong tương lai, cá nhân phải tự chịu hậu quả về việc trả thù. Vì vậy, tâm thù hận đánh mất lợi ích thực tiễn và gây tai hại dài lâu.

Song, nếu bị đối xử bất công tệ bạc và nếu vấn đề đó chưa được giải quyết, thì kẻ ác có thể chịu hậu quả cực kỳ thảm khốc sau này. Trong hoàn cảnh đó, cần phản kháng mạnh mẽ với lập trường từ bi chứ không thù hận kẻ ác. Một trong những giới Bồ Tát là nếu cần thiết, phải phản kháng mạnh mẽ, bằng không thì bị phạm giới.

Ngoài ra, như quyển Nhập Trung Luận đưa ra, khởi tâm sân hận dẫn đến việc tái sanh vào những cõi thấp hèn trong vị lai; nếu lửa sân cháy bừng trong phút chốc, dẫu cố gắng giữ nét mặt tươi vui đến đâu, nhưng nó vẫn lộ vẻ xấu xa; nó tỏa ra làn sóng hằn học mà mọi người xung quanh sẽ cảm nhận được; dường như nước sôi tuôn trào trên thân của kẻ đó. Trong giây phút đó, ngoài con người ra, súc vật cũng cố tránh kẻ đó.

Sân hận đưa đến quả báo nhãn tiền; nó khiến nét mặt thay đổi xấu xa. Ngoài ra, khi sân hận bộc phát dữ dội, nó khiến khả năng phán đoán đúng sai hay nhất và nhận định hậu quả tốt xấu tạm thời cùng dài lâu của bộ não ngưng hoạt động; con người hành động như kẻ điên cuồng. Đó là những hậu quả tai hại của sân hận. Khi nghĩ về điều này, điều thiết yếu là phải tránh khởi tâm tình bồng bột đó.

Dẫu có bạc triệu, học thức, luật pháp, vũ khí hạt nhân hay hệ thống quốc phòng tinh xảo cũng không bảo vệ hay bảo đảm chúng ta tránh khỏi quả báo xấu của sân hận.

Chỉ có nhẫn nhục mới bảo vệ và là điểm tựa cho chúng ta tránh quả xấu của sân hận.

Thiền Quán.

Hiện tại, chúng ta hãy tạm dừng trong năm phút để mặc tĩnh thiền quán về những gì đã bàn luận vừa qua.

Hỏi: Vào những đêm thuyết giảng vừa rồi, Ngài dạy rằng bản chất tâm tánh của chúng ta vốn từ bi hiền hòa?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Thế thì sân hận đến từ đâu?

Đáp: Câu hỏi này cần bàn luận trong nhiều giờ. Theo quan điểm đạo Phật, đáp án đơn giản là nó có từ đời vô thủy. Giải thích rộng hơn, đạo Phật thuyết rằng có nhiều tâm thức khác nhau. Tâm thức vi tế nhất được xem là cội gốc của đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Tâm thức vi tế này là tâm ảo huyễn (pháp hữu vi) và phát sinh từ nhiều nhân duyên. Đạo Phật kết luận rằng vật chất không thể sản sanh tâm thức đó. Vì vậy, cách duy nhất là chấp nhận có dòng tâm thức chuyển biến liên tục. Đó là nền tảng của thuyết tái sanh.

Khi có tâm thức, vô minh và sân hận cũng tự nhiên phát sanh. Những tâm tình xấu xa hay lành thiện vốn phát sanh từ đời vô thủy. Tất cả đều là phần tử của tâm niệm. Song, những tâm tình xấu xa lại dựa vào vô minh, nhưng vô minh nào có cội rễ vững chắc. Dẫu mạnh mẽ đến đâu, không một tâm tình xấu xa nào có cội gốc kiên cố. Ngược lại, những tâm tình lành thiện như từ bi hay trí huệ vốn có nền tảng vững chắc, vì chúng dựa vào lý trí. Hiển nhiên, phiền não như sân hận không có điều đó.

Tánh chất căn bản của tâm thức vi tế vốn không lành không ác. Thế nên, có thể thanh tịnh hóa và loại trừ những tâm tình xấu xa. Tánh chất căn bản ấy chính là Phật tánh. Sân hận và những tâm tình xấu xa vốn phát sanh từ vô thủy, nhưng có thể chuyển hóa chúng. Điều chúng ta tin chắc là tâm thức vi tế không có điểm khởi đầu hay kết thúc.

Hỏi: Làm sao xem xét được lúc nào cần phải phản kháng quyết liệt? Xin hãy giải bày phản ứng của Ngài về việc người Tây Tạng bị diệt chủng.

Đáp: Một trong những lý do cần phản kháng quyết liệt với kẻ hại mình là vì nếu bỏ qua, điều nguy hiểm là kẻ đó sẽ có thói quen tạo nghiệp xấu, rồi sẽ khiến cho họ bị đọa lạc và mất mát dài lâu. Do đó, vì lòng từ bi thương xót kẻ đó, điều thiết yếu là cần phản kháng mạnh mẽ. Tóm lại, do thương và hiểu mới hành động như thế.

Khi trực diện với Trung Cộng, chúng tôi luôn tránh khởi những tâm tình xấu xa và cẩn trọng không để chúng khống chế. Do đó, nếu sân hận dường như nổi lên, chúng tôi cố gắng kiềm chế và xả bỏ tâm niệm đó, bên cạnh khởi lòng từ bi thương xót người Tàu.

Theo quan điểm căn bản, một trong những lý do tại sao phải khởi lòng từ bi thương xót những kẻ ác hung bạo, vì họ đang gây tội lỗi; trong lúc gieo nhân, họ tích lũy nhân duyên sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường về sau.

Chúng tôi cố gắng trực diện quán chiếu như thế với người Tàu. Vâng! Quý vị nói đúng; đó là thí điểm trực diện với thù hận và hung bạo. Đồng thời, chúng tôi cũng không quên giữ lập trường chính nghĩa và phản kháng mạnh mẽ nếu cần.

Hỏi: Thông thường, khi đứng trước sân hận, dù không bực mình, nhưng dường như khiến người khác giận dữ hơn. Làm sao giải quyết vấn đề này?

Đáp: Tôi nghĩ rằng đây là câu hỏi rất hay. Trong trường hợp đó, chúng ta phải nhanh chóng quyết đoán và nhạy bén về bối cảnh thực tế. Quý vị nói đúng; trong vài trường hợp, dù không tức giận, nhưng do phản kháng mạnh mẽ, khiến cho người khác giận nhiều hơn. Nếu như vậy, có lẽ nên bỏ qua việc đó mà không phản kháng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ở đây quý vị phải xem xét hậu quả phản ứng của mình về tình cảnh đó. Nếu kẻ ác cứ tiếp tục làm theo thói xấu để rồi sẽ nhận lấy quả xấu trong tương lai dài lâu, thì có thể cần phản kháng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu vì phản kháng quyết liệt khiến cho hoàn cảnh căng thẳng và họ sân hận thêm, thì tốt nhất là bỏ qua. Thế nên, quý vị phải nhạy bén về mỗi trường hợp đặc biệt.

Đây là một trong những giáo lý của đạo Phật. Về cá nhân, điều lý tưởng là ít có quan hệ, ít có nhiệm vụ, ít có việc cần lo, v.v... Tuy nhiên, liên quan đến quyền lợi chung của cộng đồng, quý vị phải dấn thân và hành sự càng nhiều càng tốt.

Hỏi: Tại sao một niệm sân hủy hoại nhiều công đức, thay vì chỉ một phần công đức? Phải chăng cần nhiều kiếp tích lũy công đức để được giây phút hạnh phúc, còn sân hận nào để chúng ta hưởng giây phút đó?

Đáp: Thật khó trả lời và giải thích tại sao như thế. Có lẽ đối với những việc đó, nhà Phật gọi là 'hiện tượng (pháp) cực kỳ bí ẩn'. Nói chung, khi bàn về bản chất hiện thực và đối tượng quán sát, đạo Phật chia ra làm ba loại. Một loại bao gồm tất cả sự việc mà chúng ta cảm nhận rõ ràng. Kế đến, loại thứ hai là những sự việc dường như không rõ ràng, nhưng quý vị có thể biết nhờ cảm giác và suy luận. Điển hình, trí huệ thấu suốt bản chất của tánh Không; điều này tuy không rõ ràng, nhưng nhờ dùng căn thức suy luận, quý vị có thể cảm nhận về tánh Không của muôn pháp. Cũng vậy, các pháp vô thường luôn luôn thay đổi là những điều quý vị có thể hiểu rõ nhờ suy luận. Loại thứ ba của hiện tượng (pháp trần) được gọi theo danh từ chuyên môn là 'những hiện tượng (pháp) cực kỳ bí ẩn'.

Liên quan về câu hỏi như một niệm tức giận một vị Bồ Tát có khả năng hủy hoại công đức được tích lũy trong bao kiếp. Đó là những vấn đề không thể hiểu theo luận lý lô gích hay suy luận, vì chúng không rõ ràng. Chỉ nhờ dựa vào kinh điển chứng thực mà chúng ta mới chấp nhận chúng. Tuy nhiên, chỉ những kinh điển có những điểm thiết yếu đặc biệt mới có đủ thẩm quyền chứng thực.

Nơi đây, điều quan trọng là làm sao người Phật tử gieo duyên lành với kinh điển, nhất là những bộ kinh có thẩm quyền. Theo truyền thống, bộ phái Tỳ Bà Xa (Vaibhashika) duy trì quan điểm rằng kinh điển là những lời dạy chắc thật của Phật Thích Ca Mâu Ni, nên có thể chấp nhận giá trị chân thật của chúng. Vì vậy, các luận sư thuộc bộ phái đó không thể phân biệt giữa kinh điển Quyền [i] và Thật [ii] . Tuy nhiên, tất cả bộ phái Đại Thừa duy trì quan điểm rằng phải có khả năng phân biệt nhiều loại kinh điển khác nhau. Có thể chấp nhận vài loại kinh điển 'Chân Thật' theo ngôn từ và định nghĩa. Ngược lại, đối với những loại kinh điển 'Quyền Thừa', không thể được chấp nhận theo ngôn từ, mà cần sự diễn dịch nhiều hơn.

Thực tế, làm sao xác định được một loại kinh điển đặc thù nào là kinh điển 'Chân Thật (có định nghĩa và ngôn từ rõ ràng)? Nếu điều này cần tham khảo với những bộ kinh khác, thì tiến trình đó sẽ diễn biến mãi mãi, vì cũng cần tham khảo thêm những bộ kinh có thẩm quyền khác, v.v... Bàn về cứu cánh, thẩm quyền dựa vào lý trí của con người. Nhờ lý trí, chúng ta định lập sự khác biệt giữa kinh điển 'Chân Thật' và kinh điển 'Quyền Thừa (cần sự diễn dịch)'.

Nếu như thế, làm sao chúng ta xác định giá trị của bộ kinh bàn về hiện tượng thuộc loại thứ ba (hiện tượng cực kỳ bí ẩn)?

Như đã bàn, điều duy nhất là dựa vào thẩm quyền của kinh điển, hay những lời chứng thực của đức Phật để chúng ta chấp nhận giá trị của chúng. Để làm việc đó, điều chủ yếu là phải có niềm tin vào vị thầy đó, tức là đức Phật. Lại nữa, tuy không d?a vào kinh điển, nhưng xem xét lời giảng của đức Phật bàn luận về hiện tượng, bao gồm sự trình bày về đường đạo và bản chất cứu cánh của hiện thực, v.v... mà chúng ta có thể hiểu rõ qua lý trí và suy luận. Một khi đã xác định giá trị quan điểm của Ngài, quý vị mới phát triển niềm tin vào đấng đạo sư đó. Ngoài ra, chúng ta phải xem xét những kinh điển đặc biệt trình bày về những hiện tượng cực kỳ bí ẩn đó để đảm bảo rằng không có điều tương phản ngay trong bộ kinh đó.

Nhờ kết hợp những nhân duyên đó, chúng ta nhận thấy rằng đức Phật vốn là vị đạo sư đáng tin cậy và trong kinh điển không có sự mâu thuẫn. Kế đến, quý vị có thể chấp nhận sự chứng thực của đức Phật về những đề tài được đưa ra.

Hỏi: Làm sao dạy hạnh nhẫn nhục cho con cái? Khi chúng sân hận, phải đối phó ra sao?

Đáp: Về câu hỏi thứ nhất, thật khó lòng dùng lời giải thích cho trẻ em về giá trị và tầm quan trọng của hạnh nhẫn nhục. Điểm thiết yếu nơi đây là phải làm gương tốt cho con cái. Nếu quý vị thường cáu kỉnh với sự trêu chọc nhỏ nhặt, nhưng lại dạy con cái: 'Con phải nhẫn nhục, vì nhẫn nhục rất quan trọng', thì lời này hoàn toàn mất hiệu quả.

Về câu hỏi thứ hai, điều này đối với tôi thật khó nói. Tuy nhiên, nhiều lý lẽ tổng quát được trình bày trong quyển luận này có thể chỉ dẫn quý vị làm thế nào để ứng dụng và phát triển hạnh nhẫn nhục ngay trong những hoàn cảnh đó.

Hỏi: Có thể dùng phương pháp nào để giảm bớt sân hận khi nó vừa phát sanh chăng?

Đáp: Điều cần thiết nơi đây là phải xem xét hoàn cảnh và nhân duyên đưa đến sự phát sanh sân hận trong khoảnh khắc đó, rồi theo đó mà phản ứng và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, điều này cũng liên hệ đến cách tu của cá nhân trong cuộc sống hằng ngày (sẽ bàn đến đề mục này vào phần cuối của quyển sách).

Hỏi: Nếu không có hình thức cực đoan của nhẫn nhục như mềm dẻo, làm sao Bồ Tát phản kháng mạnh mẽ?

Đáp: Có sự hiểu lầm đôi chút về định nghĩa của Bồ Tát. Chớ có ý niệm rằng Bồ Tát là người rất yếu kém. Thật ra, có thể xem Bồ Tát như người rất can cường. Đối với chí huớng, chư Bồ Tát rất cứng rắn và kiên quyết. Trong cuộc sống, nếu có người không nhẫn nổi khi bị dẫm chân và bị khinh bỉ, mà họ luôn phản ứng cứng rắn ngay lập tức, chúng ta xem họ như những người có bản tánh can cường. Nếu như thế, chư Bồ Tát phát nguyện quyết chí rằng sẽ đương đầu với những tâm niệm xấu xa của chúng sanh. Điều này dường như hơi tự phụ, nhưng dĩ nhiên vốn dựa vào lý lẽ đúng đắn. Loại can đảm này có vẻ hơi kiêu ngạo, nhưng không theo hướng xấu xa.

Nếu đọc những bài phát nguyện của chư Bồ Tát như chương 'Hồi Hướng' thứ mười của quyển Nhập Bồ Tát Hạnh Luận, chúng ta nhận thấy chư Bồ Tát có nhiều lời nguyện và quan điểm sống mà trong thực tế khó lòng hiểu rõ. Vì vậy, tôi xem các ngài như những dũng sĩ can cường dũng mãnh, mà không hèn yếu. Chắc chắn, các ngài có khả năng dùng lực phản kháng quyết liệt khi cần.

Hỏi: Khi chúng ta hồi hướng công đức lành nhờ sự tu hành xa xưa, tâm sân hận hiện thời có hủy hoại những công đức đó chăng?

Đáp: Nếu việc hồi hướng của quý vị được ước nguyện chứng đắc giải thoát hay tâm Bồ Đề, tâm lợi tha, trí huệ thấu suốt tánh Không của muôn pháp hỗ trợ mạnh mẽ, thì dĩ nhiên công đức đó sẽ vượt ngoài phạm vi bị hủy hoại và sẽ được bảo vệ.

Hồi hướng công đức là pháp môn quan trọng của đạo Phật. Trong quyển Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, khi trình bày về cách thức hồi hướng chân thật, ngài Di Lặc bàn về tầm quan trọng của tâm Bồ Đề kiên cố. Khi hồi hướng công đức, quý vị phải có tâm Bồ Đề kiên cố, vì hành hạnh đó để mang lại lợi ích cho chúng sanh. Ngoài ra, khi hồi hướng công đức, quý vị phải có sự nhận thức rõ ràng về tánh Không của các pháp hay tánh chất huyễn hóa của chúng. Một khi đã hồi hướng, thì công đức đó được 'Ấn chứng' qua sự nhận thức rằng công đức đó vốn có bản chất của tánh Không; hạnh hồi hướng và đối tượng của hạnh đó cũng có bản chất của tánh Không. Điều này được gọi là 'ba pháp ấn'. Vì thế, nhờ những hạnh đó mà quý vị giữ gìn được công đức.

Để việc tu hành được hữu hiệu và kiên cố, chú tâm vào một góc độ của việc hành trì cũng chưa đủ. Điều thiết yếu là phải có nhiều nhân duyên hỗ trợ như trí huệ, hồi hướng, v.v... Khi tu theo Đại Thừa, điều này đặc biệt rất đúng.

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối