Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Lời nói đầu


Không những đạo Phật do chư cao tăng người Thiên Trúc, Tây Vực, v.v... truyền sang vùng Ðông Nam Á, mà các chư tăng trong vùng địa phương cũng liên tiếp nối nhau sang đất Phật để chiêm bái các thánh tích, tầm cầu kinh điển, tu học, thọ giới pháp, thỉnh cầu chư cao tăng người Thiên Trúc sang truyền pháp tại bổn quốc, v.v... Ðiển hình là từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ chín, có hơn hai trăm danh tăng người Tàu, người Việt Nam (Giao Châu), người Cao Ly (Triều Tiên) hoặc đi đường bộ hoặc đi đường biển để sang Thiên Trúc (Ấn Ðộ) và các nước Tây Vực tầm cầu Phật pháp. Trong số đó, có khoảng bốn mươi vị đi đến được Thiên Trúc rồi mang kinh điển trở về truyền bá cho dân chúng nước nhà như ngài Pháp Hiển, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh, v.v... Có khoảng mười vị đi chưa đến nơi như Châu Sĩ Hành, Huệ Thường, v.v... Có khoảng ba mươi vị chưa đi đến Thiên Trúc mà thị tịch dọc đường như Huệ Cảnh, Pháp Lan, v.v... Có khoảng mười vị đi đến Thiên Trúc, tu học rồi tịch nơi đó như Hội Ninh, Sư Tiên, v.v... Có vị sang Thiên Trúc vài lần, rồi tịch nơi đó như Huyền Chiếu, v.v... Có vị tịch trên đất liền như Huyền Hội, Ðạo Sinh, v.v... Có vị tịch trên biển cả như Thường Mẫn, Ðạo Phổ v.v... Vị lưu lại Thiên Trúc lâu nhất trong bốn mươi năm, là Ngộ Không. Vị lưu lại Thiên Trúc ngắn nhất trong bảy năm, là Bảo Xiêm. Ða số, đầu tiên các vị đồng kết giao với những pháp lữ khác để đi cầu pháp, điển hình như ngài Pháp Hiển kết giao với mười pháp lữ, Trí Mãnh kết giao với mười một người, Pháp Dũng kết giao với hai mươi lăm người, Bảo Xiêm kết giao với mười người, v.v... nhưng lại đơn độc trở về, vì trên đường du hành, các pháp lữ của các ngài có người thối tâm trở về, hoặc chết giữa đường, v.v...

Tựu chung, nhờ tinh thần đại vô úy, quên thân vì pháp, không sợ gian lao nguy hiểm trên đất liền, sóng gió trùng ba trên biển cả, các ngài đi khắp đó đây để tầm cầu Phật pháp cho chính bản thân và cho dân tộc, và mang ba tạng kinh điển về bổn xứ, cùng phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Tàu, rồi từ chữ Tàu sang chữ Việt. Nhờ thế mà đạo Phật mới được truyền bá mãi cho đến ngày nay. Thật vậy, công nghiệp truyền bá Phật pháp vĩ đại của các ngài mãi mãi được lưu truyền muôn đời.

Trong quyển sách này, chúng tôi soạn dịch về những chuyến hành hương của các vị du tăng sang Thiên Trúc và các nước ở Tây Vực để tầm cầu Phật pháp, trừ ngài Huyền Trang (vì đã có rất nhiều người viết về tiểu sử và công nghiệp của Ngài), để giới thiệu đến chư Phật tử.

Quyển Du Tăng Cầu Pháp này đến tay với quý độc giả phần lớn là nhờ sự khuyến khích của Thượng Tọa Minh Chiếu và lòng nhiệt thành giúp đỡ công sức của anh Nguyên Phong cùng gia đình đạo hữu Nguyễn Văn Sĩ.

Kế đến, chúng con thành tâm kính lễ cầu nguyện mười phương ba đời chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền thánh tăng, ân sư đại lão hòa thượng Tuyên Hóa đồng thùy từ chứng minh cho quyển sách này. Chúng con cũng xin hồi hướng tất cả công đức để nguyện cầu cho Việt Nam và Thế Giới mãi thanh bình; Phật giáo Việt Nam và Thế Giới mãi được trường tồn; tất cả chúng sanh trong pháp giới đồng sớm chứng quả Bồ Ðề.

Sau cùng, chúng con chân thành ngưỡng mong các bậc cao minh từ bi xá tội và chỉ dạy những lỗi lầm sơ sót trong quyển sách này.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mùa xuân năm 1998.

Chùa Vạn Phật Thánh Thành, Mỹ Quốc.

***

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối