A. Châu Sĩ Hành, sa môn người Trung Hoa
đầu tiên qua Tây Vức cầu pháp.
Thầy là người huyện Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, xuất sanh khoảng khoảng giữa cuối đời Ðông Hán và Tam Quốc. Tánh khí đoan nghiêm chất trực. Dẫu gặp cảnh vui buồn cũng không làm xao động tâm. Từ nhỏ đã có bẩm chất thông minh đảnh ngộ, và có tư cách cùng suy tưởng thoát tục. Ngụy Cao Quý, niên hiệu Cam Lồ thứ hai (257), Thầy xuất gia. Sau khi xuất gia, Thầy tự nhận lấy trọng trách hoằng dương Phật pháp, và thường nghiên cứu kinh điển không mỏi mệt.
Kinh Ðạo Hạnh do ngài Trúc Sóc Phật khẩu truyền tụng, rồi ngài Chi Sấm phiên dịch ra tiếng Hán. Song, vì có rất nhiều lời trích dẫn, nên rất khó hiểu nghĩa lý của kinh, cùng thông đạt ý nghĩa. Ở Lạc Dương, những khi nghe ngài Trúc Sóc Phật giảng kinh Ðạo Hạnh, Thầy cảm thấy chưa có thể thông đạt nghĩa lý, nên than:
- Ðây là bộ kinh thuộc hệ giáo đại thừa. Song, về phần phiên dịch, ý nghĩa hoàn toàn chưa thông đạt. Thật là tiếc nuối.
Thầy vốn là người Tàu đầu tiên khẳng định sự trọng yếu của kinh Bát Nhã.
Ðối với sự khẩu truyền dịch kinh Ðạo Hạnh của ngài Trúc Sóc Phật, trong bài tựa của bộ kinh này, ngài Ðạo An có viết: "Phật dạy rằng sau khi Ta nhập Niết Bàn, cao sĩ nước ngoài, sao chép kinh Chín Mươi Chương thành Phẩm Ðạo Hạnh. Vào đời Hoàn Ðế và Linh Ðế, Trúc Sóc Phật mang bộ kinh này qua kinh sư, dịch thành Hán văn. Vì muốn dịch thuận theo ý chỉ, nên chỉ chuyển âm mà thôi, hầu mong cung thuận thánh ngôn, chớ không gia nhuận sắc. Song, khi kinh đã được dịch sao toát yếu thành chương chỉ, nhưng âm tự ngôn từ lại khác với thế tục. Người dịch lại khẩu truyền. Người xem tự chẳng thấu đạt, thì sao hiểu được bổn ý của kinh? Vì vậy, kinh này dần dần ẩn tuyệt. Luận của cổ hiền, dần dần ngưng trệ..."
Nếu y cứ theo trên thì chín mươi chương của Phẩm Ðạo Hạnh do sao lược mà thành. Ngài Trúc Sóc Phật đem sang kinh sư, rồi lại phiên dịch. Song, kinh này do sao chép toát lược hợp thành đoạn chương; dịch giả cùng vị khẩu truyền, chưa thông đạt ngôn ngữ tập tục của dị quốc (nước), nên khiến người nghiên cứu khó mà hiểu rõ ý nghĩa chỉ thú. Do đó, kinh Ðạo Hạnh bị mai một ẩn mất. Dẫu có các bậc hiền giả gia công luận bàn, giảng giải kinh này, nhưng người nghe cũng chưa đạt đến nơi chí để. Thiết tưởng, Châu Sĩ Hành khi đọc qua kinh này, khổ nơi nghĩa lý uẩn khúc, nên mới than phiền bằng những lời trên.
Do đó, vì cầu Ðại Phẩm (trong quyển Cao Tăng truyện thứ tư viết là Ðại Bổn), vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Cam Lồ thứ năm (260), từ Ung Châu (bao hàm toàn vùng Xiểm Tây, Cam Túc), Thầy khởi hành sang Tây Vức. Trải qua bao gian nan hiểm trở, Thầy vượt Cam Túc, tới Ðôn Hoàng, sang Nam Ðạo ở Tây Vức, vượt sông Lưu Sa, thẳng đến Vu Ðiền (hiện nay là Hòa Ðiền của tỉnh Tân Cương). Tại nước Vu Ðiền, Thầy sao chép kinh Ðại Phẩm, Chín Mươi Chương cả sáu trăm ngàn chữ Phạn. Sau khi được bổn văn Ðại Phẩm Chín Mươi Chương, kinh Bát Nhã, v.v... Thầy sai mười đệ tử như Phất Như Ðàn (Punyadharma),v.v... mang kinh này trở về Lạc Dương. Theo quyển 'Tam Tạng Ký Tập' thứ hai, viết:" Kinh Phóng Quang Minh, hai mươi quyển. Tấn Nguyên Khương nguyên niên (291), vào rằm tháng năm, tìm thấy quyển Chín Mươi Phẩm, được gọi là Cựu Tiểu Phẩm. Cả một bộ có hai mươi quyển. Thời Ngụy Cao Quý, niên hiệu Cam Lộ thứ năm (260), sa môn Châu Sĩ Hành đến nước Vu Ðiền, sao chép bổn văn chánh phẩm bằng tiếng Phạn bộ kinh Mười Chín Chương. Ðến đời Tấn Võ Ðế, đầu niên hiệu Nguyên Khang, quyển kinh này được phiên dịch tại chùa Thủy Nam ở Sang Viên, huyện Trần Lưu Giới (tức huyện Ðông Lưu ở Hàn Nam)."
Y cứ theo trên thì Châu Sĩ Hành mang trở về Lạc Dương chánh phẩm Phạn văn là "Mười Chín Chương", mà ngài Ðạo An lầm ghi trong bài tựa của kinh Ðạo Hạnh là "Chín Mươi Chương". Ðến đời Tấn Nguyên Khang nguyên niên (291), vào ngày rằm tháng năm, ngài Vô Xoa La Vu dịch ra tiếng Tàu. Châu Sĩ Hành sao chép bổn văn "Ðại Phẩm Chín Mươi Chương", tức gọi là kinh Phóng Quang.
Theo truyện ghi thì lúc Châu Sĩ Hành muốn đem kinh Phóng Quang trở về đất Tàu, thì bị người khác cản trở. Ðuơng thời, Phất Như Ðàn định xuất phát mang kinh này về Tàu, thì Phật tử người Vu Ðiền tu theo phái tiểu thừa liền ra mặt ngăn cản. Họ thưa với quốc vương:
- Sa môn đất Tàu, đem kinh thư của bà la môn, muốn làm hoặc loạn chánh điển. Nếu nhà vua cho phép họ mang kinh thư này ra khỏi nước, thì đại pháp sẽ bị tận diệt. Ðấy chính là tội của nhà vua!
Họ cho rằng kinh Phóng Quang Minh vốn là kinh điển của ngoại đạo. Tin lời tấu truyền này, quốc vuơng không chuẩn y cho Phất Như Ðàn mang kinh ra khỏi nước. Nghe việc này, Châu Sĩ Hành rất bực tức, bèn đưa ra lời đề nghị là đốt kinh để cầu chứng minh chân ngụy tà chánh. Ðược quốc vương chấp thuận, Châu Sĩ Hành nổi lửa trong một điện đình nhỏ. Lúc đang đốt, Châu Sĩ Hành khấn nguyện:
- Ðại pháp nếu như được lưu bố trên đất Tàu, thì xin kinh này chớ bị cháy!
Khấn nguyện xong, Châu Sĩ Hành đem bộ kinh này đặt vào trong lò lửa. Khi ấy, điềm kỳ dị xuất hiện. Lửa trong lò vụt cháy rất mau rồi tắt lịm. Kinh văn vẫn còn y nguyên như cũ, chẳng mất đi chữ nào. Ðại chúng đều thán phục oai linh thần dị cảm ứng. Từ đó, không còn ai dám ngăn trở việc đem kinh ra khỏi nước. Cuối cùng, bộ kinh này được Phất Như Ðàn mang về Lạc Dương. Ba năm sau, Phất Như Ðàn qua Hứa Xương (phía đông huyện Hứa Xương ở Hà Nam), rồi lưu lại đó hai năm. Kế đến lại đến chùa Thủy Nam ở Sang Viên, thuộc vùng trần Lưu Giới (huyện Ðông Lưu ở Hà Nam). Nơi đó bộ kinh này được phiên dịch.
Vào ngày rằm tháng năm, đời Tấn Võ Ðế, niên hiệu Nguyên Khang (291), nhiều học giả vân tập luận nghị, phiên dịch thành tiếng Tàu. Ðương thời, sa môn nước Vu Ðiền là Vô Xoa La (Moksara) chấp trì tiếng Phạn. Cư sĩ Trúc Thúc Lan (vốn là người Thiên Trúc, theo cha sang đất Tàu lánh nạn) ở Hà Nam khẩu dịch. Người biên chép là Chúc Thái Huyền và Chu Huyền Minh. Bản kinh Chín Mươi Chương, tiếng Phạn có đến 207621 câu. Vào ngày hai mươi bốn tháng chạp năm đó thì dịch hoàn tất. Rằm tháng mười một niên hiệu Thái An năm thứ hai (303), sa môn Trúc Pháp Tịch đến chùa Thủy Nam, viết lại bổn kinh và nghiên cứu năm bộ vừa dịch và bản tiếng Phạn. Cư sĩ Trúc Thúc Lan cùng đồng kiểm duyệt, đến mồng hai tháng tư niên hiệu Vĩnh An nguyên niên (304) thì hoàn tất. Trúc Pháp Tịch và Trúc Thúc Lan giải định bổn văn, thành tiêu chuẩn căn bổn cho kinh Phóng Quang Minh đời sau. Vào thời Ðông Tấn, bộ kinh này được phổ biến khắp nơi, và có rất nhiều người tích cực nghiên cứu.
Thầy Châu Sĩ Hành thị tịch vào năm tám mươi tuổi tại nước Vu Ðiền. Y theo pháp thức trà tỳ ở phương tây. Khi đốt, giàn hỏa đã cháy rụi, nhưng thi thể vẫn còn nguyên. Vị tăng trưởng lão thấy vậy, bèn xướng bảo:
- Nếu chân thật đã đắc đạo thì di thể phải tan hoại.
Nói vừa dứt lời thì thi thể bèn tan ra tro. Tăng chúng liền nhặt lấy xá lợi để vào trong tháp mà thờ. Ðệ tử của Thầy là Pháp-ích trở về Ðông Ðộ, rồi đem việc này kể lại cho tăng chúng nghe.
Quyển kinh Ðạo Hạnh do ngài Trúc Sóc Phật dịch hoàn toàn khác với quyển kinh Phóng Quang Minh Bát Nhã. Theo quyển Khai Nguyên Thích Giáo Lục thứ mười viết: "Kinh Ðạo Hạnh (1 quyển), do sa môn Trúc Sóc Phật đời Hậu Hán phiên dịch."
Y cứ theo lời chú giải của ngài Ðạo An thì quyển kinh Ðạo Hạnh này vốn là bản sao lược của kinh Bát Nhã, do các vị cao minh người Tây Vức soạn. Theo Tam Tạng Ký Tập của ngài Ðạo An viết: "Ngoại quốc cao sĩ sao chép Ðại Phẩm Chín Mươi Chương, đó là Ðạo Hạnh Phẩm."
Quyển kinh Ðạo Hạnh do Trúc Sóc Phật dịch, danh tuy gọi là Ðạo Hạnh, mà ngài Chi Sấm dịch là kinh Ðạo Hạnh Bát Nhã Ba La Mật (10 quyển); Chi Khiêm dịch là kinh Ðại Minh Ðộ Vô Cực (4); ngài Khương Tăng Hội dịch là Ngô Phẩm (10 quyển); ngài Trúc Pháp Hộ dịch là kinh Tân Ðạo Hạnh; ngài Kỳ Ða Mật dịch là kinh Ðại Trí Ðộ (4 quyển); ngài Ðàm Ma Bi cùng với ngài Trúc Phật Niệm dịch là kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật sao; ngài Cưu Ma La Thập dịch là kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật (10 quyển); ngài Huyền Trang dịch là kinh Ðại Bát Nhã Ðệ Tứ Hội. Tất cả đồng đồng bản chính mà dịch có khác.
Bản chính do đệ tử của Châu Sĩ Hành mang về, được dịch là kinh Phóng Quang Minh Bát Nhã Ba La Mật (20 quyển); quyển này, ngài Trúc Pháp Hộ dịch là kinh Quang Tán Bát Nhã Ba La Mật (15 quyển); ngài Cưu Ma La Thập dịch là kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (40 quyển); ngài Huyền Trang dịch là kinh Ðại Bát Nhã Ðệ Nhị Hội. Tất cả đều đồng nguyên bản mà dịch thì có khác