Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Mục Lục Chương I - X:

Chương I. Từ Trường An đến Sa Mạc cát đá (Sandy desert)

Chương II. Ðến Thiện Thiện và Vu Ðiền (Khoten)

Chương III. Vu Ðiền, Lễ Diễn Hành, Ngôi chùa mới của nhà vua

Chương IV. Ði xuyên qua ngọn núi Thông Lãnh (Ts'ung hay Pamir) đến nước Kiệt Xoa (Tashkurgan)

Chương V. Lễ Bàn Giá Việt Sư hay đại pháp hội trong năm năm, Xá Lợi của Phật. Ngũ cốc của nước đó

Chương VI. Ðến bắc Thiên Trúc, vương quốc Ðà Lịch (Darel), tượng Bồ Tát Di Lặc (Maitreya)

Chương VII. Băng qua sông Tân Ðầu (Indus). Khi đạo Phật vượt sông Tân Ðầu để tiến về phía đông

Chương VIII. Vương quốc Ô Trường (Udyana), chùa chiền, theo di tích của Phật đà

Chương IX. Vương quốc Túc Ha Ða. Truyền ký của Phật đà

Chương X. Kiền Ðà Vệ (Gandhara). Truyền thuyết về Phật đà


Ðông Tùy Sa Môn Pháp Hiển Tự Ký Du Tây Thiên Sự.

Chương I. Từ Trường An đến Sa Mạc cát đá (Sandy desert). [^]


Pháp Hiển xưa ở tại Trường An(1). Buồn thương vì luật tạng khiếm khuyết, và muốn đạt được sở nguyện, nên vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hoằng Thủy(2) cùng Huệ Cảnh, Ðạo Chỉnh, Huệ Ứng, Huệ Ngôi(3) v.v... đồng khế ước qua Thiên Trúc, tầm cầu Luật Tạng(4).

Ðầu tiên chúng tôi phát khởi tại Trường An, rồi vượt thung lũng Lung(5), đến nước Càn Quy(6); an cư kiết hạ(7) tại đó. Kiết hạ xong, chúng tôi tiếp tục đi đến nước Nậu Ðàn(8), băng qua núi Dương Lâu và tới trấn Trường Dịch(9). Trường Dịch đại loạn, đạo lộ không thông. Song, vua nước Trường Dịch ân cần lưu giữ chúng tôi lại và làm đàn việt(10). Nơi đó, chúng tôi vui mừng gặp được các thầy đồng chí hướng qua Thiên Trúc thỉnh kinh như Trí Nghiêm, Huệ Giản, Tăng Thiệu, Bảo Vân, Tăng Cảnh(11) v.v... Nhân tiện chúng tôi đồng an cư kiết hạ(12) tại đó. Kiết hạ xong, lại đi tới Ðôn Hoàng(13) tức vùng biên cương, đông tây rộng khoảng tám mươi dặm, nam bắc khoảng bốn mươi dặm. Nghỉ ngơi hơn một tháng xong, tôi (Pháp Hiển) cùng bốn vị pháp hữu theo đoàn sứ giả đi trước, rồi lại chia tay với các thầy như Bảo Vân v.v... Thái Thú tại Ðôn Hoàng là Lý Hạo(14) cung cấp vật liệu cần dùng và thức ăn để vượt sa mạc. Trong sa mạc(15) có nhiều ác quỷ và gió nóng. Nếu người bộ hành gặp phải chúng thì sẽ bị chết, không có ai là toàn mạng cả. Trên trời không chim chóc. Dưới đất không cầm thú. Nhìn xa mỏi mắt, muốn cầu qua vùng đó, tức không thể biết định đoạt phương hướng nơi đâu, duy chỉ có xương khô cốt trắng của người chết làm tiêu điểm.

Chương II. Ðến Thiện Thiện và Vu Ðiền (Khoten). [^]

Ði khoảng mười bảy ngày, tính khoảng một ngàn năm trăm dặm, chúng tôi đến nước Thiện Thiện(1). Vùng đất đó gập ghềnh cheo leo, đất đai khô cằn. Người thế tục mặc đồ thô sơ như đất Hán(2), chỉ khác ở chỗ là có người mặc nỉ và áo quần bằng lông. Quốc vương nước này tín phụng Phật pháp. Trong nước có hơn bốn ngàn tăng sĩ. Tất cả tăng sĩ đều tu theo phái nguyên thủy. Tại quốc gia này và các quốc gia khác, dân chúng cùng chư sa môn(3) tận tụy tu hành theo Phật pháp ở Thiên Trúc(4), chỉ có khác nơi tinh tường hay thô tế. Từ đây đi về hướng tây, chúng tôi đều nhận thấy rằng các quốc gia nói tiếng Hồ(5) ngữ tiếng không đồng. Tuy nhiên, tất cả người xuất gia đều học theo sách vở và ngôn ngữ của Thiên Trúc. Nghỉ ngơi ở đó khoảng một tháng, rồi tiếp tục đi về hướng tây bắc. Trải qua mười lăm ngày, đến nước Ô Di(6). Tăng sĩ trong nước đó cũng có hơn bốn ngàn vị. Tất cả đều tu theo phái tiểu thừa, phép tắc rất chỉnh tề. Thế nên, sa môn nước Tần(7) khi đến đó, chưa có thể chuẩn bị được tinh thần để theo những điều lệ của tăng chúng ở nơi ấy. Chúng tôi được sự hộ pháp của hành đường Phù Công Tôn, nên trú ở đó hơn hai tháng. Nơi đó, chúng tôi gặp lại các thầy Bảo Vân(8) v.v... Người nước Ô Di không biết tu lễ nghĩa, nên tiếp đãi khách rất tệ bạc. Vì vậy, thầy Trí Nghiêm, Huệ Giản, Huệ Khôi, đồng trở lại Cao Xương(9), vì muốn xin thêm tư lương để đi trên đường. Nhóm của chúng tôi nhờ Phù Công Tôn cung cấp lương thực, nên lại tiếp tục đi về hướng tây nam. Trên đường không có cư dân. Những nỗi khó khăn gian nan đi bộ hành, trên nhân gian chắc không ai so sánh được. Ði khoảng một tháng năm ngày, chúng tôi đến nước Vu Ðiền(10).

Chương III. Vu Ðiền, Lễ Diễn Hành, Ngôi chùa mới của nhà vua. [^]

Nước Vu Ðiền giàu sang phong phú; nhân dân tuy đông đúc nhưng sống đời an lạc ấm no. Dân chúng đều tín phụng Phật pháp, dùng pháp lạc (của âm nhạc) làm nguồn vui. Chúng tăng số đến hàng vạn, đa số đều tu theo pháp đại thừa, và đồng có nhà ăn (chúng thực). Nhà cửa dân chúng nước đó cách xa nhau như tinh sao. Trước mỗi cổng nhà đều có tháp nhỏ. Tháp nhỏ nhất cao khoảng hai mươi thước. Trong các tự viện, họ xây tứ phương tăng phòng (1), để cung cấp cho khách tăng trú ở, cùng cúng dường bất cứ vật dụng gì chư tăng cần thiết.

Quốc chủ an bài cho chúng tôi ở tại một ngôi Tăng Già Lam(2), được gọi là Cù Ma Ðế(3), tức là chùa của phái đại thừa. Ba ngàn tăng chúng được báo hiệu giờ cơm bằng cách đánh kiền. Lúc vào nhà ăn, oai nghi chư tăng tề chỉnh, theo thứ tự mà ngồi, mỗi mỗi đều tịch nhiên nhẹ nhàng, không có tiếng kêu của bình bát. Khi những vị tịnh nhân(4) đó muốn có thêm thức ăn, các ngài không kêu la mà chỉ ra hiệu bằng ngón tay.

Huệ Cảnh, Ðạo Chỉnh, Huệ Viễn đi đến nước Kiệt Xoa (Tashkurgan) trước. Nhóm của chúng tôi vì muốn quán sát hành tướng của các vị tăng trong chùa, nên ở lại ba tháng. Trong nước đó có bốn ngôi tăng già lam đồ sộ mà không tính những ngôi chùa nhỏ. Từ mồng một tháng tư, họ bắt đầu quét dọn đường xá thành quách, trang nghiêm cảng mạch. Trên cổng thành họ giăng một cái lều lớn, rồi trang hoàng lộng lẫy chung quanh. Vua cùng phu nhân thế nữ đều trú trong đó.

Tăng chúng chùa Cù Ma Ðế (tu theo phái đại thừa) đều được vua kính trọng, dẫn đầu đoàn bộ hành rước lễ thánh tượng. Cách thành khoảng ba bốn dặm, họ làm hình xe bốn bánh, cao hơn ba trượng, dạng trạng như điện đường di động, trên có bảy báo(5) trang nghiêm tương giao với tràng phan bảo cái treo chung quanh. Chính giữa là tượng Phật và hai bên là Bồ Tát, cùng với tượng của chư thiên ở đằng sau. Tất cả hình tượng đều làm bằng vàng bạc và được điêu khắc rất đẹp đẽ, cùng được treo trên không trung. Khi xe cách thành khoảng trăm bước, nhà vua liền lấy mão xuống, thay đổi long bào mới, rồi đi chân không, cầm hương hoa, cùng đoàn quân hộ tống hai bên, xuất thành cung nghinh tượng Phật. Ðến nơi, nhà vua đầu mặt đảnh lễ dưới chân xe, rồi rải hoa dâng hương. Khi tượng Phật vào thành, trên lầu các cửa thành, phu nhân cùng thể nữ rải hoa xuống khắp đầy mặt đất. Cúng dường trang nghiêm đầy đủ như thế. Xe diễn hành tượng Phật của mỗi chùa đều khác nhau. Từ mồng một đến ngày mười bốn tháng tư, mỗi ngày đều có xe hành tượng của mỗi ngôi chùa Tăng Già Lam. Lễ diễn hành thánh tượng kết thúc, vua cùng phu nhân đều trở về hoàng cung.

Cách thành khoảng bảy tám dặm về phía tây có một ngôi Tăng Già Lam, tên là chùa Vương Tân, được xây trong tám mươi năm, trải qua ba đời vua mới thành. Chùa cao khoảng hai mươi lăm trượng. Nghệ thuật điêu khắc đẹp đẽ lộng lẫy tuyệt vời. Vàng bạc được phết trên đó. Các loại châu báu đều hợp thành. Ðằng sau tháp của chùa có xây ngôi chánh điện, rất trang nghiêm đẹp đẽ vi diệu. Cột, trụ, cửa, khung sổ đều được sơn phết bằng vàng lá. Ngoài ra, tăng phòng cũng được trang sức rất nghiêm lệ, không thể diễn tả bằng lời được. Bất cứ những vật trân bảo quý báu nhất của sáu quốc vương vùng đông lãnh(6), đa số họ đều cúng dường hết mà chỉ giữ lại rất ít để dùng riêng.

Chương IV. Ði xuyên qua ngọn núi Thông Lãnh (Ts'ung hay Pamir) đến nước Kiệt Xoa (Tashkurgan). [^]

Lễ hành thánh tượng vào tháng tư kết thúc, thầy Tăng Thiều một mình theo Hồ đạo nhân hướng Kế Tân(1). Chúng tôi đi khoảng hai mươi lăm ngày thì đến nước Tử Hợp(2). Quốc vương tu học Phật pháp rất là tinh tấn. Trong nước có hơn một ngàn tăng sĩ, đa số là hành theo pháp đại thừa. Ở nơi đây qua mười lăm ngày, chúng tôi lại đi về hướng nam trong bốn ngày, vào núi Thông Lĩnh, đến nước Ư Huy(3) an cư kiết hạ(4). Kiết hạ xong, đi theo đường núi cả hai mươi ngày thì đến nước Kiệt Xoa. Nơi ấy, chúng tôi gặp lại các thầy Huệ Cảnh(5) v.v...

Chương V. Lễ Bàn Giá Việt Sư hay đại pháp hội trong năm năm, Xá Lợi của Phật. Ngũ cốc của nước đó. [^]

Ngẫu nhiên, khi đến đó, chúng tôi gặp lúc quốc vương đang tổ chức lễ Bàn Giá Vượt Sư(1); tiếng Tàu gọi là đại pháp hội trong năm năm. Lúc đó, quốc vương cung thỉnh tứ phương Sa Môn đồng đến. Chư Sa Môn tụ hội xong, nơi chỗ ngồi của các ngài đều được trang hoàng nghiêm sức; phía trên có treo tràng phan bảo cái; họ dùng vàng bạc để làm liên hoa, rồi đặt đằng sau những chỗ ngồi của chư tăng; phô bày những tọa cụ thanh tịnh. Lúc chư tăng đều ngồi xuống xong, vua cùng đại thần liền y theo pháp mà cúng dường. Ðại pháp hội được tổ vào tháng giêng, tháng hai, hoặc tháng ba; đa phần là trong mùa xuân.

Quốc vương tổ chức pháp hội xong, ông lại khuyến tấn chư quần thần thiết trai cúng dường từ một ngày cho đến bảy ngày. Cúng dường xong, vua lại lấy xe ngựa, yên, cuơng, rồi bảo vị đại quan tôn quý nhất trong nước đỡ ông lên yên ngựa ngồi. Kế đến, nhà vua lại lấy lụa trắng mịn màng nhất cùng bao loại trân bảo và những vật mà chư tăng cần dùng, rồi đồng với quần thần phát nguyện bố thí cúng dường chư tăng. Cúng dường xong, vua quan quần thần chuộc lại những gì họ muốn từ tăng chúng.

Núi non nơi đó rất lạnh lẽo; đông hạ tuyết đóng quanh năm; không sản xuất ngũ cốc, duy chỉ có lúa mì chín. Ðương thời, chư tăng vừa định lãnh thọ phần lúa mì trong năm thì trời chợt rơi sương tuyết. Vì vậy nhà vua thỉnh chư tăng hãy khiến cho lúa mì chín rồi mới lãnh phần lương thực(2).

Trong nước này có ống nhổ của Phật được làm bằng đá, màu sắc tựa như bình bát của Phật. Trong nước lại có một cái răng của Phật. Người trong nước đó, xây tháp thờ răng Phật. Bên cạnh ngôi tháp có một ngôi chùa chứa hơn một ngàn tăng sĩ. Chư tăng đều tu theo pháp tiểu thừa. Từ núi đó đi về hướng đông, người thế tục ăn mặc đồ thô sơ như người Tần, nhưng có việc khác là họ thường mặc đồ may bằng vải lụa mỏng hay lông cừu. Luật lệ sa môn nơi đó rất nghiêm túc, không thể viết hết được. Nước này nằm trong dãy núi Thông Lĩnh. Trên dãy núi đó, cỏ cây hoa quả đều khác với cỏ cây hoa quả ở nước Tàu, trừ trúc tre, quả an thạch lưu, cam giá (cây mía).

Chương VI. Ðến bắc Thiên Trúc, vương quốc Ðà Lịch (Darel), tượng Bồ Tát Di Lặc (Maitreya). [^]

Từ núi đó chúng tôi đi về phía tây, hướng đến bắc Thiên Trúc. Ði khoảng một tháng thì vượt qua dãy Thông Lĩnh. Trên dãy núi Thông Lĩnh, mùa đông hay mùa hè đều có băng tuyết. Nơi đó, lại có rồng độc. Nếu không để ý thì sẽ khiến cho rồng độc thổi gió độc, làm mưa tuyết, cát bay, đá rơi. Nếu gặp nạn này thì không thể toàn mạng. Người vùng đó gọi dãy núi này là Tuyết Sơn. Vượt qua đảnh núi này thì chúng tôi đến bắc Thiên Trúc. Trước khi vào bắc Thiên Trúc, có một vương quốc nhỏ, gọi là Ðà Lịch(1). Trong nước cũng có chúng tăng, đều tu theo phái tiểu thừa.

Xưa kia, nước này có một vị A La Hán, dùng định lực thần túc, đem một ông thợ điêu khắc lên cung trời Ðâu Suất(2), quán xem sắc trạng diện mạo thân tướng của Bồ Tát Di Lặc(3), rồi trở về khắc gỗ tạo tượng. Trước sau ông thợ điêu khắc lên đó ba lần, rồi cuối cùng khắc thành tượng, cao tám mươi thước, bàn tọa rộng tám thước. Những ngày trai lạt, thánh tượng thường phóng ánh hào quang. Chư quốc vương lân cận đều tranh nhau mà cúng dường cho đến hiện tại.

Chương VII. Băng qua sông Tân Ðầu (Indus). Khi đạo Phật vượt sông Tân Ðầu để tiến về phía đông. [^]

Từ chân núi chúng đi về hướng tây nam khoảng mười lăm ngày. Ðường lộ nơi đó rất gồ ghề, vách núi hiểm trở. Dãy núi đó có một tảng đá thạch bích rộng khoảng mười ngàn thước vuông. Ðến đó thì chúng tôi bị hoa mắt; muốn tiến bước nhưng không biết đi ngõ nào. Bên dưới có con sông, được gọi là Tân Ðầu(1). Người xưa đã từng đục đá ven núi để mở đường đi và làm khoảng bảy trăm thềm cấp. Bên dưới có cây cầu dây để vượt sông. Lòng sông rộng khoảng tám mươi bộ. Nơi đây đã được ghi trong sách Cửu Dịch(2) của Trương Khiên(3) và Cam Anh(4), nhưng họ chưa từng tới đó.

Chúng tăng trong đoàn hỏi tôi (Pháp Hiển) rằng có biết Phật pháp được truyền về miền đông vào lúc nào không. Tôi đáp rằng người ở xứ đó đều nói là theo tục truyền thì sau khi xây tượng Di Lặc, sa môn từ Thiên Trúc thường mang kinh luật vượt qua con sông này. Tượng Di Lặc này đã được đúc khắc sau Phật Thích Ca nhập Niết Bàn khoảng ba trăm năm, tức vào thời vua Chu Ðể Bình(5). Theo huyền sử này, đại giáo tuyên lưu ở đông độ, bắt đầu vào thời xây tượng Di Lặc này. Không phải đại sĩ Di Lặc tiếp tục chuyển bánh xe pháp của Phật Thích Ca, xiển dương ngôi Tam Bảo(6), khiến cho người vùng biên địa biết đến chánh pháp thì là ai? Chúng ta biết rằng việc vận khai chánh pháp không phải là việc của người thường; giấc mộng thấy Phật của vua Hán Minh Ðế(7) vốn là nguyên nhân chính cho sự truyền bá Phật pháp.

Chương VIII. Vương quốc Ô Trường (Udyana), chùa chiền, theo di tích của Phật đà. [^]

Vượt qua sông này thì đến nước Ô Trường. Nước Ô Trường chính là phần đất của bắc Thiên Trúc. Dân chúng dùng ngôn ngữ của trung Thiên Trúc. Trung Thiên Trúc cũng được gọi là Trung Quốc. Y phục ăn mặc của dân chúng nước đó đều giống như Trung Quốc. Phật pháp nơi đó rất hưng thạnh. Nơi chư tăng trú ở được gọi là Tăng Già Lam (Sangharama). Nơi đó có khoảng năm trăm ngôi tăng già lam. Chư tăng đều tu theo phái tiểu thừa. Nếu có khách tăng đến, họ được cúng dường trong ba ngày. Cúng dường xong, họ khuyên chư khách tăng là phải tự tìm chỗ an cư.

Theo truyền thuyết, thuở xưa Phật có một lần đến bắc Thiên Trúc, tức là nước này vậy. Dấu chân Phật cũng còn in nơi đó; dài hay ngắn tùy theo tâm niệm của tín chúng, cho đến hôm nay vẫn còn như thế. Nơi đó vẫn còn tảng đá mà Phật đã từng giặt y ca sa, và chỗ mà Ngài đã từng hóa độ rồng độc. Tảng đá cao một trượng bốn thước, rộng hai trượng, một bên là bằng phẳng.

Ba thầy Huệ Cảnh, Huệ Viễn, Ðạo Chỉnh đến nước Na Kiệt(2) trước, nơi có bóng của Phật. Nhóm chúng tôi trú lại nước đó để an cư kiết hạ(3). Kiết hạ xong, chúng tôi đến nước Túc Ha Ða(4).

Chương IX. Vương quốc Túc Ha Ða. Truyền ký của Phật đà. [^]

Trong nước này Phật pháp cũng rất hưng thạnh. Nơi đây vốn là chỗ mà thuở xưa vua Thiên Ðế Thích (Sakra, Ruler of Devas) đã từng thử Bồ Tát. Ông hóa thân làm quạ đuổi bắt chim bồ câu, khiến Bồ Tát phải cắt thịt cho quạ ăn. Ðạt được trí huệ viên mãn(1) xong, Phật cùng chư đệ tử du hành đến nơi đó. Phật bảo họ rằng đây là nơi mà Ngài đã từng cắt thịt cho quạ ăn để cứu chim bồ câu. Dân chúng biết việc này bèn xây tháp và trang sức, phết bằng vàng bạc để thờ phụng ngay tại chỗ đó.

Chương X. Kiền Ðà Vệ (Gandhara). Truyền thuyết về Phật đà. [^]

Từ nơi đó đi về hướng đông khoảng năm ngày thì đến nước Kiền Ðà Vệ(1). Ðây là vương quốc do con của vua A Dục(2), hiệu Pháp-ích (Dharma-vivardhana), trị vì thuở xưa. Khi còn hành hạnh Bồ Tát, Phật đã từng bố thí mắt của mình nơi đó(3). Tại chỗ ấy, dân chúng cũng xây tháp lớn, được trang sức bằng vàng bạc. Người nước đó đa phần tu học theo phái tiểu thừa.

Vượt sông Hằng đi về hướng nam ba do tuần, tôi đến một thôn làng, gọi là A Lê. Nơi này, Phật đã từng thuyết pháp, đi kinh hành, tọa thiền. Mọi nơi chốn đều lập tháp thờ.

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối