Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Mục Lục Chương XI - XX:

Chương XI. Trúc Sát Thi La (Tashasilâ). Truyền thuyết. Bốn ngôi đại tháp

Chương XII. Vương quốc Phất Lầu Sa (Peshâwur). Lời huyền ký của đức Phật về vua Kiền Ni Ca (Kanishka) và tháp của ông ta. Bình bát của đức Phật. Huệ Ứng nhập tịch

Chương XIII. Vương quốc Na Kiệt (Nagâra). Lễ cúng dường xá lợi xương đầu của Phật. Những xá lợi khác. Bóng hình của đức Phật

Chương XIV. Huệ Cảnh nhập tịch tại núi Tiểu Tuyết Sơn. Vương quốc La Di, Bạt Na. Vượt sông Tân Ðầu

Chương XV. Vương quốc Tỳ Trà (Bhida). Thương hại du tăng

Chương XVI. Vương quốc Ma Ðầu La (Mathurâ). Phong tục tập quán của tăng sĩ tại các tịnh xá, và tự viện ở trung Thiên Trúc

Chương XVII. Vương quốc Tăng Già Thi (Sakâsya). Ðức Phật thăng lên và hạ xuống từ cung trời Ðao Lợi (Trayastrimsas), và những truyền thuyết khác

Chương XVIII. Thành Kế Nhiêu Di (Kanyâkubja hoặc Canouge). Phật chuyển pháp luân

Chương XIX. Ðại quốc Sa Chi. Truyền thuyết nhành cây dương chi (Danta-kâshtha) của đức Phật

Chương XX. Vương quốc Câu Tát La (Kosala) và Xá Vệ (Srâvasti). Tịnh xá Kỳ Hoàn (Jetavana) và những thánh tích cùng truyền thuyết về đức Phật. Thương hại những du tăng


Chương XI. Trúc Sát Thi La (Tashasilâ). Truyền thuyết. Bốn ngôi đại tháp. [^]

Từ nơi đó đi về hướng đông khoảng bảy ngày, chúng tôi đến nước Trúc Sát Thi La. Trúc Sát Thi La(1) tiếng Tàu dịch là Tiệt Ðầu. Lúc Phật còn làm Bồ Tát, Ngài đã từng bố thí đầu mình tại nơi đó(2), nên mới có tên là Tiệt Ðầu. Kế đến, chúng tôi đi về hướng đông hai ngày, tới nơi Bồ Tát thuở xưa đã từng thả mình từ trên cây cao xuống để bố thí thân thể cho hổ đói. Tại hai nơi đó, dân chúng cũng lập tháp và trang sức bằng các loại châu báu để cúng dường. Chư quốc vương và thần dân ở những vùng lân cận cũng thường tranh nhau đến cúng dường, cùng rải hoa dâng hương lên hai ngôi tháp đó, tương tục không ngớt. Dân chúng quanh vùng gọi nơi đó là Tứ Ðại Tháp.

Chương XII. Vương quốc Phất Lầu Sa (Peshâwur). Lời huyền ký của đức Phật về vua Kiền Ni Ca (Kanishka) và tháp của ông ta. Bình bát của đức Phật. Huệ Ứng nhập tịch. [^]

Từ nước Kiệt Ðà Vệ, chúng tôi đi về hướng nam khoảng bốn ngày thì đến nước Phất Lầu Sa(1). Lần nọ, cùng chư đệ tử du hành đến đó, Phật bảo ngài A Nan:

- Sau khi Ta nhập niết bàn, sẽ có một quốc vương, tên là Kiền Ni Ca(2), lập tháp nơi đây.

Sau này, thật sự có vua Kiền Ni Ca xuất thế. Lần nọ, khi vua Kiền Ni Ca đang du hành quán sát dân tình, Thiên Ðế Thích muốn khai mở tâm ý của ông ta, nên hóa làm chú bé chăn trâu xây tháp ngay trên đường lộ. Vua Kiền Ni Ca liền hỏi:

- Ngươi đang lập tháp gì đó?

Bé mục đồng đáp:

- Tôi đang xây tháp thờ Phật.

Vừa nghe qua, vua rất vui mừng, nên liền kiến lập tháp ngay nơi tháp của đứa bé chăn trâu mới vừa xây. Tháp đó cao hơn bốn mươi trượng và được nghiêm sức bằng các loại châu báu. So với tất cả bảo tháp mà chúng tôi ngắm xem trên dọc đường, ngôi tháp này tráng lệ oai nghiêm mà không có cái nào sánh bằng được. Tương truyền rằng các ngôi tháp ở cõi Diêm Phù Ðề(3), chỉ có ngôi tháp này là cao ráo, tráng lệ, oai nghiêm bậc nhất. Nhà vua xây tháp này xong, nơi phía nam của tháp này chợt xuất hiện ra tháp nhỏ của chú bé chăn trâu (tức trời Thiên Ðế Thích), cao ba thước.

Bình bát của Phật cũng ở tại nước này. Xưa kia, vua Nguyệt Thị(4) mang đại binh đến nước này, muốn đoạt lấy bình bát của Phật. Chinh phục nước này xong, vua Nguyệt Thị cùng quần thần dốc lòng tín phụng Phật pháp. Vì muốn mang bình bát này đi, nên nhà vua thiết đại lễ cúng dường. Cúng dường Tam Bảo xong, nhà vua liền trang sức một thớt voi lớn, rồi đặt bình bát của Phật lên đó. Thớt voi đó quỳ xuống, nhưng không thể đứng dậy, hay tiến bước nổi. Nhà vua thấy vậy mới làm xe bốn bánh để chở bình bát và dùng tám thớt voi để kéo, nhưng chúng vẫn không thể đi nổi. Nhà vua biết rõ chưa đủ duyên với bình bát này(5), nên tự thầm hổ thẹn buồn thương, rồi liền lập tháp xây ngôi tăng già lam nơi đó. Nhà vua lại cho quân trấn thủ và cúng dường rất nhiều đồ vật.

Nơi ngôi tăng già lam đó, có khoảng bảy trăm tăng sĩ. Mỗi ngày gần giờ ngọ, chư tăng mang bình bát của Phật ra. Các người bạch y (6) v.v... cúng dường bao loại đồ vật, rồi họ mới dùng ngọ. Vào buổi tối, lúc dâng hương, họ cũng mang bát ra. Bát có thể chứa hai đấu gạo. Bình bát có nhiều màu sắc, nhưng đa phần là màu đen thẩm; bốn bên đều sáng chói rõ ràng(7). Bề dầy của bình bát khoảng hai phân và sáng trong đẹp đẽ. Nếu người nghèo bỏ những cành hoa nhỏ vào đó thì bình bát đầy cả hoa. Nếu người giàu có muốn cúng dường hoa, dầu họ có bỏ vào trăm ngàn vạn cành hoa, nhưng vẫn không thể đầy bình bát.

Các thầy như Bảo Vân, Tăng Cảnh chỉ cúng dường bình bát của Phật rồi trở về. Huệ Cảnh, Huệ Viễn, Ðạo Chỉnh, đi đến nước Na Kiệt để cúng dường đảnh lễ hình bóng, răng, và xương đầu xá lợi của Phật. Huệ Cảnh bịnh, nên Ðạo Chỉnh ở lại trông nom, còn một mình Huệ Viễn trở lại nước Phất Lầu Sa tương kiến những thầy khác. Kế đến, thầy Huệ Viễn, Bảo Vân, Tăng Cảnh, trở lại nước Tần. Tại chùa Phật Bát, thầy Huệ Ứng tịch mất. Vì vậy, tôi (Pháp Hiển) một mình đi đến nơi thờ xá lợi xương đầu của Phật.

Chương XIII. Vương quốc Na Kiệt (Nagâra). Lễ cúng dường xá lợi xương đầu của Phật. Những xá lợi khác. Bóng hình của đức Phật. [^]

Ði khoảng mười sáu do tuần(1), thì đến thành Hải La(2) tại biên giới của nước Na Kiệt. Trong thành có thờ xá lợi xương đầu của Phật, được nghiêm sức bằng bao loại vàng bạc cùng bảy báu. Quốc vương rất tôn kính xá lợi Phật. Sợ có người muốn ăn cắp xá Lợi Phật, nhà vua tìm tám người giàu sang trong nước. Mỗi người mang phong ấn đến đó để hộ trì. Vào sáng sớm, mỗi người đều xem xét ấn của mình, rồi mới mở cửa. Mở cửa xong, họ dùng dầu thơm rửa tay, rồi đem xá lợi xương đầu của Phật đặt ngoài tịnh xá trên một chiếc ghế cao. Kế đến họ dùng bảy loại châu báu để chêm bên dưói và úp chén lưu ly bên trên. Tất cả đều được nghiêm sức bằng các tràng châu báu. Xá lợi xương đầu của Phật màu vàng lợt, hình sắc không tròn trịa, rộng khoảng bốn tấc và xoáy tròn lên hướng trên. Mỗi ngày đem xá lợi này ra xong, người trong tịnh xá liền lên đài cao, đánh trống lớn, thổi loa lớn, vỗ khiên đồng lớn. Nhà vua nghe xong liền đi thẳng đến tịnh xá, dùng hoa hương để cúng dường. Cúng dường xong, nhà vua cùng quần thần, thứ đệ nâng xá lợi lên đảnh đầu, lễ bái rồi lui ra. Họ vào từ cửa đông, ra từ cửa tây. Nhà vua cúng dường đảnh lễ xá lợi Phật xong, trở về lo việc vương triều, quốc chánh. Cư sĩ trưởng giả cũng đến cúng dường lễ bái xong rồi mới bắt tay làm việc nhà. Ngày ngày như thế, không bao giờ giải đãi, thối thất. Cúng dường xong, họ lại đặt xá lợi vào trong tịnh xá của bảo tháp giải thoát bằng bảy thứ châu báu, hoặc mở hoặc đóng, cao khoảng năm thước. Trước cổng tịnh xá, thường luôn có những người bán hương hoa. Nếu có ai muốn cúng dường thì mua các loại hương hoa đó để dâng cúng xá lợi. Chu quốc vương lân cận cũng thường phái sứ giả đến cúng dường. Tịnh xá được xây trên thềm đá hình vuông, rộng khoảng ba mươi bước. Dầu trời lay đất lở, nhưng tịnh xá đó cũng không rung động.

Từ nơi đó, ngài Pháp Hiển đi khoảng một do tuần đến đô thành của nước Na Kiệt. Trong đời tiền kiếp Bồ Tát (tức Phật Thích Ca hiện đời) đã từng dùng tiền bạc, mua năm bó hoa để cúng dường Phật Ðịnh Quang(3). Trong thành cũng có tháp thờ răng Phật. Quốc vương quần thần và dân chúng cũng cúng dường giống như cách thức tại tịnh xá thờ xá lợi xương đầu của Phật.

Cách thành về hướng đông bắc có một cốc khẩu (thung lũng). Nơi đó có cây tích trượng(4) của Phật, cũng được lập tịnh xá cúng dường. Cây tích trượng được làm bằng gỗ ngưu đầu chiên đàn, dài khoảng một trượng sáu. Cây tích trượng được đặt trong một ống cây lớn. Dẫu có trăm ngàn người muốn nâng lên, nhung không thể di động nổi.

Vào cốc khẩu, đi về hướng tây, có một bộ tăng già lê của Phật. Nơi đó cũng được lập tháp cúng dường. Vào những năm hạn hán, dân chúng nước đó mang bộ y tăng già lê ra, lễ bái cúng dường thì trời liền đổ mưa.

Cách thành Na Kiệt về hướng nam khoảng nửa do tuần có một thạch thất trong một ngọn núi ở phía tây nam, Phật từng lưu bóng ảnh nơi đó, được gọi là Phật Ảnh Quật. Nhìn xa từ mười bước, thì thấy như ảnh bóng thật của Phật với tướng hảo kim sắc(5), quang minh chiếu sáng; càng đến gần càng thấy rõ rệt, phảng phất như thật. Quốc vương các nơi khác, thường sai họa sĩ điêu luyện đến vẽ, nhưng chẳng có ai vẽ được rõ ràng cả. Dân chúng trong nước truyền tụng nhau rằng có cả ngàn vị Phật(6) lưu bóng ảnh nơi đó.

Cách bóng ảnh Phật khoảng bốn trăm bước về hướng tây, lúc còn tại thế, đức Phật đã từng cắt tóc và móng tay nơi đó. Phật tự cùng với chư đệ tử xây tạo tháp, cao bảy tám trượng để làm kiểu mẩu cho các tháp trong đời tương lai, mãi đến hiện nay vẫn còn tồn tại. Kế bên tháp có một ngôi chùa. Trong chùa có hơn bảy trăm tăng sĩ. Nơi đó có hàng ngàn tháp thờ chư A La Hán và Bích Chi Phật(7).

Chương XIV. Huệ Cảnh nhập tịch tại núi Tiểu Tuyết Sơn. Vương quốc La Di, Bạt Na. Vượt sông Tân Ðầu. [^]

Trụ nơi đó trong ba tháng mùa đông, tôi (Pháp Hiển) cùng hai thầy khác(1) đi về hướng nam, vượt qua núi Tiểu Tuyết Sơn(2). Trên núi mùa đông hay mùa hạ đều có tuyết. Nơi phía bắc của ngọn núi, chúng tôi gặp gió lạnh thổi đến, khiến ai nấy đều rung rẩy, không thể nói năng được. Thầy Huệ Cảnh không thể đi thêm nổi, miệng sôi nước bọt trắng, bảo tôi:

- Chắc tôi không thể sống nổi. Nếu tiện các thầy hãy đi ngay, chớ cùng chết chung nơi nầy.

Nói xong thầy Huệ Cảnh liền qua đời. Pháp Hiển lung lay xác chết, buồn thương rơi lệ:

- Dự tính của chúng ta đã thất bại. Ðây cũng do số nghiệp. Biết làm gì hơn.

Nói xong, tôi tự phấn chấn tinh thần, vượt qua đỉnh núi phía nam, đến nước La Di(3). Trong vùng phụ cận có khoảng ba ngàn tăng sĩ, đồng tu theo đại tiểu thừa. Trụ nơi đó qua mùa hạ(4). Kiết hạ xong, chúng tôi đi về hướng nam mười lăm ngày đến nước Bạt Na(5). Trong nước cũng có hơn ba ngàn tăng sĩ, đồng tu theo phái tiểu thừa. Từ nơi đó, chúng tôi đi về hướng đông ba ngày, rồi lại băng qua sông Tân Ðầu. Hai bên bờ sông đất đai đều bằng phẳng.

Chương XV. Vương quốc Tỳ Trà (Bhida). Thương hại du tăng. [^]

Qua sông đó có nước tên là Tỳ Trà(1). Nơi này, Phật pháp hưng thịnh. Tăng chúng tu học theo hai phái đại thừa và tiểu thừa. Tăng chúng trong vùng gặp những đạo nhân từ nước Tần đến, nên động lòng lân mẫn, bảo:

- Làm sao người vùng biên địa biết đến đạo của người xuất gia, đi qua miền đất xa xuôi để cầu Phật pháp?

Họ cung cấp những đồ vật cần dùng và đối đãi khách tăng đúng như pháp tắc.

Chương XVI. Vương quốc Ma Ðầu La (Mathurâ). Phong tục tập quán của tăng sĩ tại các tịnh xá, và tự viện ở trung Thiên Trúc. [^]

Từ nơi đó, chúng tôi đi về hướng đông nam gần tám mươi do tuần. Chúng tôi đi ngang qua rất nhiều chùa viện, có hàng vạn tăng sĩ. Qua những nơi đó, đến một vương quốc tên là Ma Ðầu La(1). Chúng tôi đi dọc theo sông Bộ Na(2). Hai bên bờ sông có hai mươi ngôi tăng già lam, chứa khoảng ba ngàn tăng sĩ. Vùng này, bánh xe Phật pháp luân chuyển hưng thạnh. Mọi nơi từ những bãi sa mạc cho đến vùng phía tây, các vương quốc ở Thiên Trúc đều tín phụng Phật pháp. Lúc vua chúa cúng dường chúng tăng, họ đều bỏ vương niệm xuống, rồi cùng chư tông thất quần thần tự tay dâng thức ăn. Cúng dường xong, quân lính trải thảm trên đất. Nhà vua ngồi trước mặt chúng tăng, đối diện với vị thượng tọa, mà không dám ngồi trên ghế cao. Lúc Phật còn tại thế, pháp thức mà các quốc vương cúng dường cũng còn truyền đến ngày nay.

Từ nơi đó, hướng về phía nam, được gọi là Trung Quốc(3). Nước đó thời tiết nóng lạnh điều hòa, không có sương tuyết. Nhân dân sống đời an lạc sung túc, không ghi hộ khẩu vào sổ bộ của triều đình, trừ những ai cày cấy ruộng vườn của vua chúa là phải đóng chút ít lợi tức cho vương triều. Dân chúng nếu muốn đi đâu thì đi, muốn ở thì ở. Vua trị quốc mà không dùng hình phạt như chém đầu hay đánh đập để trị những kẻ phạm tội, nhưng chỉ phạt tiền tùy theo tội nặng nhẹ. Dẫu có người thường phạm tội ác nghịch, bất quá chỉ bị chặt cánh tay phải thôi. Quan quân thị vệ tả hữu của nhà vua đều có lương bổng. Nhân dân trong nước đều không giết hại, không uống rượu, không ăn hành tỏi; trừ hạng người Chiên Trà La (4), được gọi là những kẻ ác. Họ sống cách biệt với dân chúng. Nếu họ muốn vào đô thành chợ búa thì phải dùng hai thanh gỗ mà gõ để báo hiệu có mặt. Dân chúng nghe tiếng đều lánh xa, không gần gũi họ. Người trong nước không nuôi heo gà, không bán súc vật sống. Chợ búa không có quày giết heo bò cùng quán rượu. Trao đổi buôn bán, họ dùng ngà voi sừng ốc. Duy chỉ có bọn chiên đà la là sống nghề săn bắn đánh cá bán thịt sống.

Phật vừa nhập niết bàn, quốc vương, trưởng giả cư sĩ thiết lập tịnh xá, cung cấp ruộng vườn, nhà cửa cho chư tăng. Họ lại khắc ấn những lời đặc hứa vào bảng kẻm đồng thiếc(5) để lưu truyền từ đời vua này đến đời vua khác mà không dám phế bỏ, cho đến hôm nay cũng không ngừng.

Chỗ ăn ở nghỉ ngơi cùng y phục thức ăn của tăng chúng đều không thiếu thốn. Nơi nơi đều đầy đủ như thế. Chúng tăng thường làm việc công đức cùng tụng kinh tọa thiền. Khách tăng đến, những vị tăng trong chùa đồng cung nghinh, lo lắng sắp đặt y bát, cung cấp nước rửa chân, dầu xoa chân tay, cùng cúng dường thức ăn lỏng ngoài giờ quy định(6). Yên nghỉ xong, họ lại hỏi khách tăng về tăng lạp để sắp xếp phòng xá theo thứ lớp mà nghỉ ngơi. Tất cả việc đều như pháp(7).

Chúng tăng trong trụ xứ, thường xây tháp thờ xá lợi của các ngài Xá Lợi Phất(8), Mục Kiền Liên(9), A Nan(10), cùng tháp thờ Kinh, Luật, A Tỳ Ðàm(11). Một tháng sau mùa an cư kiết hạ, các gia đình(12) muốn gieo trồng phước đức, thường chuyên cần khuyến khích nhau cúng dường chư tăng những thức ăn lỏng sau giờ quy định. Chúng tăng hội nhau lại để thuyết pháp. Thuyết pháp xong, các ngài cúng dường tháp thờ tôn giả Xá Lợi Phất bằng bao loại hoa hương khác biệt. Ðèn nến được thắp suốt đêm.

Khi Xá Lợi Phất còn là bà la môn, Tôn Giả đến cầu xin Phật cho phép xuất gia. Tôn giả Mục Kiền Liên và Ðại Ca Diếp(13) cũng đều như thế. Chư tỳ kheo ny đa số cúng dường tháp tôn giả A Nan, vì nhờ Tôn Giả mà Phật chấp thuận cho hàng nữ nhân xuất gia. Chư sa di đa số cúng dường tháp thờ tôn giả La Hầu La(14). Người tu học theo bộ A Tỳ Ðàm thì cúng dường bộ A Tỳ Ðàm. Các luật sư thì cúng dường tạng Luật. Mỗi năm họ đều cúng dường một lần và mỗi phái đều lập ngày riêng biệt. Người tu học theo phái Ma Ha Diễn (tức đại thừa) thì cúng dường kinh Bát Nhã Ba La Mật, ngài Văn Thù Sư Lợi(15), Quán Thế Âm(16) v.v... Lúc chúng tăng thọ nhận phần lương thực trong năm, chư trưởng giả cu sĩ, bà la môn v.v... đem bao loại y phục vật dụng để cúng dường tùy theo sở dụng của sa môn. Chúng tăng thọ nhận xong rồi phân phát cho nhau. Từ khi Phật nhập niết bàn cho đến nay, sở hành, oai nghi pháp tắc của chư thánh chúng luôn được tương tục truyền thừa không đoạn tuyệt.

Từ nơi đó, chúng tôi vượt sông Tân Ðầu, đến nam Thiên Trúc. Trên đường đến biển Nam Hải, khoảng bốn năm mươi vạn dặm đất đai đều bằng phẳng, không có núi lớn khe ngòi mà chỉ có sông rạch.

Chương XVII. Vương quốc Tăng Già Thi (Sakâsya). Ðức Phật thăng lên và hạ xuống từ cung trời Ðao Lợi (Trayastrimsas), và những truyền thuyết khác. [^]

Từ nơi đó, chúng tôi đi về hướng đông nam mười tám do tuần, gặp một vương quốc tên là Tăng Già Thi(1). Thuở xưa, Phật thăng lên cung trời Ðao Lợi thuyết pháp cho mẹ Ngài trong ba tháng liền, rồi xuống nơi này. Thăng lên cung trời Ðao Lợi(2), Phật dùng lực thần thông mà không cho chư đệ tử hay biết. Gần bảy ngày cuối của ba tháng, Phật lại phóng thần túc. Tôn giả A Na Luật(3) dùng thiên nhãn thấy Thế Tôn bèn bảo tôn giả Mục Kiền Liên:

- Sao Ngài không đi thỉnh vấn đức Thế Tôn?

Tôn giả Mục Kiền Liên liền bay lên cung trời Ðao Lợi, đảnh lễ chân Phật cùng tương vấn Thế Tôn. Tôn giả Mục Kiền Liên vừa thỉnh vấn xong, Phật liền bảo:

- Nầy Mục Kiền Liên! Trong bảy ngày nữa Ta sẽ xuống trở lại cõi Diêm Phù Ðề.

Tôn giả Mục Kiền Liên nghe thế rồi dùng thần lực bay trở về tịnh xá. Ðương thời các đại vương cùng quần thần nhân dân của tám nước vì đã lâu không được gặp đức Thế Tôn nên đều khát ngưỡng, đồng tụ hội nơi nước này để đợi Phật xuống. Lúc ấy, tỳ kheo ny Ưu Bát La (Utpala) tự suy nghĩ:

- Hôm nay quốc vương thần dân đang cung ngưỡng chờ đợi Phật. Phận mình là thân gái, làm sao thấy được Phật trước được!

Ðương thời, Phật dùng thần túc hóa bà ta làm Chuyển Luân Thánh Vương(4), được lễ bái Phật trước nhất. Khi Phật từ cõi trời Ðao Lợi xuống, Ngài hóa hiện ba đường thềm cấp bằng châu báu. Phật đi trên đường chính giữa, có thất bảo làm thềm cấp. Vua trời Phạm Thiên cũng hóa thềm cấp bằng bạch ngân, cầm cây bạch phất mà đi theo hầu bên phải của Phật. Trời Thiên Ðế Thích hóa thềm cấp bằng tử kim, cầm bảo cái thất bảo, đi hầu bên trái của Phật. Vô số chư thiên đi xuống theo sau Phật. Phật xuống đến nơi thì ba thềm đường đều biến mất, nhưng chỉ còn bảy thềm cấp, đến ngày nay vẫn còn hiển hiện. Sau này, vua A Dục vì muốn xem coi tầng cấp đó sâu đến đâu, nên bảo người đào xuống để xem xét. Ðào xuống tận hoàng tuyền (5) mà chân của thềm cấp đó vẫn không hết tận. Việc này khiến cho vua A Dục lại thêm kính tín, nên sai người kiến lập tịnh xá trên những thềm cấp. Ngay giữa các thềm cấp, vua lại sai người đắp tượng Phật, cao khoảng trượng sáu. Ðằng sau ngôi tịnh xá, vua lại cho xây một cột trụ, cao năm trượng, và trên đó dựng một tượng sư tử; bốn bên cột trụ có hình tượng Phật; trong ngoài đều sáng suốt như lưu ly. Lần nọ, luận sư ngoại đạo tranh luận cùng sa môn về quyền sở hữu của mảnh đất đó. Chư sa môn thấy lý lẽ mình yếu thế, nên phải cùng luận sư ngoại đạo thệ nguyện rằng nếu nơi này là đất trụ xứ của chư sa môn thì phải có sự linh nghiệm. Nguyện vừa xong, sư tử trên cột trụ liền rống vang tiếng kinh hoàng. Thấy có điềm linh ứng, luận sư ngoại đạo phải run sợ, tâm phục mà thối.

Vì thọ thức ăn thiên chúng trong ba tháng, thân của Phật thoát ra mùi thiên hương không đồng với thế nhân, nên Ngài phải tắm gội. Người sau xây thất tắm gội của Phật ngay nơi đó, mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Hiện tại vẫn còn tháp thờ ngay nơi tỳ kheo ny Ưu Bát La lễ Phật trước nhất.

Tại nơi đúc Phật xuống tóc cắt móng tay, lúc Ngài còn tại thế, đều có dựng tháp cúng dường. Tại nơi của ba đức Phật trong thời quá khứ(6) thường đi kinh hành, cùng nơi Thích Ca Văn Phật thường ngồi thiền, kinh hành, và nơi đắp hình tượng chư Phật, đều có xây tháp cúng dường, đến nay vẫn còn. Nơi Thiên Ðế Thích, Phạm Thiên Vương theo hầu Phật từ cõi trời Ðao Lợi xuống cũng được lập tháp thờ.

Nơi đó, tăng ni khoảng một ngàn vị, đều đồng thọ nhận thức ăn từ nhà ăn (chúng thực), và đều tu học theo hai phái tiểu thừa và đại thừa. Trong vùng, có một con rồng tai trắng thường làm đàn việt cúng dường phẩm vật cho tăng chúng, và thường khiến cho lương thực trong nước đều được phong phú dồi dào, mưa hòa gió thuận, không có thiên tai hoạn nạn. Nhờ vậy mà chúng tăng được an ổn tu hành. Cảm ơn công đức, chúng tăng xây long xá, có thảm nệm cho rồng nằm và làm thức ăn phước điền cho nó. Mỗi ngày, chúng tăng cử ra ba vị đến long xá thọ thực. Sau mỗi mùa an cư kiết hạ, rồng lại hóa hiện thành một con rắn nhỏ, hai tai đều trắng xóa. Chúng tăng đều biết rõ, nên trét bột sữa trên mâm đồng và đặt nó lên đó, rồi mang đi từ hàng thượng tọa cho tới hạ tọa, như thể thỉnh vấn. Vừa đi một vòng, nó liền biến mất. Mỗi năm nó xuất hiện một lần. Ðất đai trong vương quốc này rất phì nhiêu phong phú. Nhân dân an lạc sung túc vô ngần. Khách thập phương đến, đều được cung cấp đầy đủ những vật cần dùng.

Cách chùa này khoảng năm mươi do tuần về hướng tây bắc có một ngôi chùa, tên là Ðại Phần (hoặc Ðại Hỏa Cảnh-The Great Heap), cũng gọi là chùa Ác Quỷ. Khi xưa Phật hóa độ ác quỷ, nên người sau xây tịnh xá tại chỗ ấy. Khi ngôi tịnh xá được cúng dường cho một vị A La Hán, quốc vương đổ nước trên lòng bàn tay của Ngài (7) mà vũng nước này vẫn còn hiện hữu không tan mất cho dầu có bị quét đi.

Nơi này cũng có tháp thờ Phật. Thiện quỷ thần thường hiện xuống quét rửa, nên không cần tới nhân lực. Một quốc vương tà kiến đến nơi này, bảo:

- Các ngươi quỷ thần làm được như thế thì Ta sẽ cho quân binh xả bỏ phẩn tiểu, để xem coi có quét được hay không?

Ông liền làm theo như thế. Quỷ thần bèn nổi trận cuồng phong, thổi đi những vật bất tịnh, khiến nơi đó sạch sẽ như thường.

Nơi ấy có hàng trăm tháp nhỏ mà đếm mãi vẫn không biết hết được. Nếu muốn biết, cho người đứng ngay nơi mỗi tháp để đếm số. Hoặc ít hoặc nhiều, đếm mãi số người đứng mà vẫn không biết con số chính xác.

Nơi ấy, một ngôi tăng già lam chứa hơn sáu trăm tăng sĩ. Trong chùa có chỗ của một vị Bích Chi Phật (Pratyeka) thường thọ thực. Vùng đất nơi vị Bích Chi Phật nhập niết bàn(8) rộng như chiếc xe bốn bánh lớn. Cỏ dại mọc đầy những nơi khác mà không sanh sản tại chỗ đó. Nơi vị Bích Chi Phật này thường giặt giũ y áo cũng không có cỏ mọc. Ngày nay vẫn còn dấu tích y ca sa của Ngài.

Chương XVIII. Thành Kế Nhiêu Di (Kanyâkubja hoặc Canouge). Phật chuyển pháp luân. [^]

Tôi (Pháp Hiển) trú tại tịnh xá của rồng tai trắng qua mùa hạ(1). Kiết hạ xong, tôi đi về hướng đông nam bảy do tuần đến thành Kế Nhiêu Di(2). Thành này nằm dọc theo sông Hằng(3). Trong thành có hai ngôi tăng già lam. Tăng chúng đều tu theo phái tiểu thừa. Rời thành đi về hướng tây sáu bảy dặm, đến bờ phía bắc của sông Hằng, nơi Phật thường thuyết pháp cho chư đệ tử. Theo truyền thuyết, nơi đó Phật thường giảng về sự khổ, không, vô thường, thân như bọt bèo trôi trên nước v.v... Nơi đó cũng có tháp thờ cho đến hiện tại.

Vượt sông Hằng đi về hướng nam ba do tuần, tôi đến một thôn làng, gọi là A Lê. Nơi này, Phật đã từng thuyết pháp, đi kinh hành, tọa thiền. Mọi nơi chốn đều lập tháp thờ.

Chương XIX. Ðại quốc Sa Chi. Truyền thuyết nhành cây dương chi (Danta-kâshtha) của đức Phật. [^]

Ði về phía nam mười do tuần, đến đại quốc Sa Chi(1). Ra khỏi thành Sa Chi bằng cửa phía nam, bên hướng đông của đường lộ, Phật đã từng cắm nhánh dương chi (2) sau khi nhai xong tại nơi đó. Nhánh dương chi này mọc cao khoảng bảy thước mà không tăng không giảm. Chư ngoại đạo bà la môn rất ghen ghét, nên hoặc chặt phá hoặc nhổ rồi đem đi nơi khác, nhưng cây dương chi vẫn mọc lại. Hiện tại cũng còn tháp thờ nơi bốn vị Phật thường đi kinh hành, tọa thiền.

Chương XX. Vương quốc Câu Tát La (Kosala) và Xá Vệ (Srâvasti). Tịnh xá Kỳ Hoàn (Jetavana) và những thánh tích cùng truyền thuyết về đức Phật. Thương hại những du tăng. [^]

Ði về hướng nam tám do tuần, đến thành Xá Vệ(1) trong nước Câu Tát La(2). Trong thành, dân chúng thưa thớt, sống cách xa nhau, chỉ có hơn hai trăm gia đình. Thành Xá Vệ này vốn là đô thành mà vua Ba Tư Nặc(3) trị vì thuở xưa. Tịnh xá của bà Ðại Ái Ðạo(4), hồ nước và tường vách nhà của ông trưởng giả Tu Ðạt(5), nơi Ương Quật Ma(6) đắc đạo và được trà tỳ sau khi nhập niết bàn, đều được người sau dựng tháp thờ phụng trong thành. Chư ngoại đạo bà la môn sanh tâm ghen ghét, nên muốn phá hoại, nhưng trời nổ sấm sét, khiến họ không thể phá được.

Ra cửa thành phía nam một ngàn hai trăm bước, bên phía tây đường lộ là nơi trưởng giả Tu Ðạt xây cất tịnh xá. Mặt tiền của tịnh xá hướng về phía đông. Mở cửa ra, thấy hai bên có hai cột trụ đá. Trên cột trụ bên trái có khắc hình bánh xe. Trên cột trụ bên phải có khắc hình con trâu. Bên phải và trái của tịnh xá đều có hồ nước trong xanh. Cây cối xum xuê, hoa quả màu sắc lạ thường, tốt tươi đẹp mắt. Ðó gọi là tịnh xá Kỳ Hoàn(7). Phật thăng lên cung trời Ðâu Suất, thuyết pháp cho mẹ Ngài trong chín mươi ngày. Vua Ba Tư Nặc vì muốn gặp Phật, nên sai thợ dùng gỗ ngưu đầu chiên đàn khắc làm tượng Phật, rồi đặt tượng này nơi Phật thường ngồi thiền. Phật vừa trở về tịnh xá Kỳ Hoàn, thánh tượng bèn khởi thân di động, ra ngoài nghinh đón Phật. Phật bảo:

- Ông hãy ngồi nơi đó. Sau khi Ta nhập niết bàn, ông phải thay Ta mà làm pháp thức cho bốn chúng đệ tử.

Nghe thế, tượng bèn đi về chỗ cũ. Vì vậy, Phật dời chỗ ở của mình qua tịnh xá nhỏ bên phía nam, cách xa nơi đặt tượng Phật khoảng hai mươi bước. Tượng này là tôn tượng đầu tiên nhất. Người sau khắc tạo tượng Phật đều y theo kiểu mẫu của hình tượng đó.

Tịnh xá Kỳ Hoàn vốn có bảy tầng. Chư quốc vương cùng nhân dân khắp nơi thường tranh nhau cúng dường, treo tràng phan bảo cái, rải hoa dâng hương, đốt đèn sáng cả đêm, ngày ngày đều không dứt. Lần nọ, chẳng may, một con chuột gặm tim đèn dầu làm cháy tràng phan bảo cái cùng bảy tầng lầu của tịnh xá. Chư quốc vương, quần thần cùng dân chúng rất buồn rầu vì bảo rằng tượng chiên đàn cũng đã bị cháy. Song, bốn năm ngày sau, mở cửa phía đông của tịnh xá nhỏ, họ đột nhiên thấy tượng Phật cũ, nên tất cả đều mừng rỡ, rồi cùng nhau sửa chữa tịnh xá, xây làm hai tầng, và đặt tượng về chỗ cũ.

Tôi và Ðạo Chỉnh vừa đến tịnh xá Kỳ Hoàn, đồng hoài niệm đức Thế Tôn năm xưa trụ tại đây trong hai mươi lăm năm mà cảm thương cho phận mình sanh nơi biên địa. Chúng tôi cùng chư pháp lữ viễn du qua bao nhiêu vương quốc, hoặc có người trở về nước, hoặc đã mất; mỗi mỗi đều biến chuyển theo dòng đời vô thường. Nay chỉ thấy chỗ trống không của Phật, nên rất đỗi đau buồn. Chúng tăng nơi đó ra ngoài hỏi han tự sự:

- Các ngài từ nước nào đến đây?

Ðáp:

- Chúng tôi từ đất Tàu đến.

Chúng tăng nơi đó vui mừng bảo:

- Lạ thay! Người nước biên địa cũng có thể đến đây cầu Pháp!

Nói xong, chúng tăng bàn tán với nhau:

- Chư sư hòa thượng(8) của chúng ta, từ xưa đến nay tiếp nối truyền thừa, chưa từng gặp đạo nhân người Tàu đến đây.

Cách tịnh xá về phía tây bắc bốn dặm có một vườn cây, được gọi là Ðắc Nhãn. Xưa kia có năm trăm người mù, sống tại nơi đó để ở gần tịnh xá. Phật thuyết pháp cho họ nghe. Phật vừa thuyết xong thì mắt họ sáng trở lại, nên rất vui mừng, liền cắm cây tích trượng xuống đất, rồi đồng cúi đầu đảnh lễ Phật. Những cây tích truợng đó sanh sống trở lại và mọc lớn ra. Thế nhân rất tôn trọng và không ai dám chặt đi, nên dần dần mọc lan tràn ra thành vườn cây, và được gọi là vườn cây Ðắc Nhãn. Chúng tăng trong tịnh xá Kỳ Hoàn dùng ngọ xong thì thường ra đến khu vườn này để tọa thiền.

Cách tịnh xá Kỳ Hoàn khoảng sáu bảy dặm về phía đông bắc, Tỳ Xá Khứ Mẫu(9) xây ngôi tịnh xá, và thỉnh Phật cùng chúng tăng đến đó tu hành. Tịnh xá này đến nay vẫn còn tồn tại.

Các đại viện của tịnh xá Kỳ Hoàn, mỗi nơi đều có hai cửa; một cửa xoay về hướng đông; một cửa xoay về hướng bắc. Trưởng giả Tu Ðạt đã từng lót vàng để mua khu vườn chứa tịnh xá Kỳ Hoàn. Tịnh xá nằm ngay chính giữa khu vườn đó và là nơi Phật thường trú ở lâu nhất. Nơi Phật thường thuyết pháp, độ người, kinh hành, tạo thiền cũng được xây tháp thờ. Mỗi mỗi đều có danh tự. Bên cạnh cũng có nơi bà Tôn Ðà Lợi(10) giết người rồi phao vu cho Phật. Ra khỏi cửa đông của tịnh xá Kỳ Hoàn về phía bắc khoảng bảy mươi bước, bên hướng tây của đường lộ, xưa kia Phật đã từng cùng chín mươi sáu ngoại đạo luận nghị. Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, nhân dân đồng tụ hội nơi đó để lắng nghe. Ðương thời, một bà ngoại đạo tên là Ðàn Giá Ma Na (Chanchamana) khởi tâm ghen ghét, nên độn bụng tựa như đang mang thai, đến trước giữa tăng chúng phỉ báng Phật làm việc phi pháp. Lúc đó, trời Thiên Ðế Thích hóa hình thành một con chuột trắng, leo lên mình bà ta và cắn đứt sợi dây lưng, nên khiến cho áo quần độn trong bụng rớt xuống đất. Ngay tức khắc, đất nứt ra, bà ta bị chôn sống, đọa xuống địa ngục(11). Gần đó cũng có nơi mà Ðề Bà Ðạt Ða(12) vì muốn dùng độc trảo để hãm hại Phật mà phải bị chôn sống đọa địa ngục. Người sau làm dấu phân biệt rõ ràng những nơi đó.

Họ lại xây tịnh xá, cao khoảng sáu trượng, ngay nơi Phật luận nghị với ngoại đạo. chính giữa tịnh xá có thiết đặt một tượng Phật. Phía đông trên đường lộ có một ngôi đền thiên tự(13) của ngoại đạo, được gọi là Ảnh Phúc, đối diện với tịnh xá Phật luận nghị với ngoại đạo, và cũng cao khoảng sáu trượng. Ðược gọi là Ảnh Phúc vì khi mặt trời chuyển qua hướng tây thì bóng tịnh xá của Thế Tôn chiếu ngay trên đền thiên tự đó. Khi mặt trời chuyển qua hướng đông thì bóng của đền thiên tự đó hướng về phía bắc, mà không bao trùm lên tịnh xá của Phật. Ngoại đạo thường phái người đến quét dọn, dâng hương, đốt đèn trong ngôi đền đó. Song, đến sáng thì những ngọn đèn đó tự dưng di chuyển vào tịnh xá của Phật. Bà la môn thấy vậy nên mắng chửi chư sa môn là ăn cắp đèn của họ để cúng dường Phật. Việc này xảy ra mãi mà không dừng. Tối đến, bà la môn rình mò, thấy chư thiên thần (mà họ đang phụng thờ) mang những cây đèn dầu đi nhiễu vòng quanh tịnh xá rồi cúng dường Phật, rồi đột nhiên biến mất. Thấy sự việc rõ ràng, các bà la môn mới biết thần lực cảm hóa mầu nhiệm của đức Phật, nên bỏ nhà xuất gia nhập đạo(14) làm tăng sĩ. Tương truyền gần thời gian mà sự kiện này xảy ra, chung quanh tịnh xá Kỳ Hoàn có chín mươi tám ngôi tăng già lam mà chư tăng thường cư trú đông đúc, duy chỉ có một ngôi là trống không.

Nước Trung Quốc(15) này có chín mươi sáu ngoại đạo(16). Họ đều biết việc đời này và đời trước. Mỗi ngoại đạo đều có đồ đệ và đều đi khất thực, nhưng không mang bình bát. Họ cũng cầu phước, nên trên đường lộ lớn lập các lữ xá phúc đức, phòng ở, giường chiếu, thức ăn nước uống để cung cấp cho các lữ hành cùng chúng xuất gia, khách khứa đến đi; điều khác biệt là thời hạn ở lại những nơi đó ngắn hay dài.

Hiện tại, đồ đệ của Ðề Bà Ðạt Ða cũng còn cúng dường ba vị Phật trong đời quá khứ, nhưng không cúng dường Phật Thích Ca.

Cách thành Xá Vệ về hướng đông nam khoảng bốn dặm có một ngôi tháp là nơi mà đức Phật đứng bên đường(17) chặn quân của vua Lưu Ly(18) định thôn chiếm nước Xá Di(19).

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối