Mục Lục Chương XXXI - XXXX:
Chương XXXI. Già Da (Gayâ). Nơi Phật thành đạo. Những truyền thuyết khác.
Chương XXXII. Truyền thuyết của vua A Dục (Asoka) trong đời tiền kiếp và địa ngục của ông ta.
Chương XXXIII. Ngọn núi Kê Túc (Gurupada), nơi chứa toàn thân xá lợi của Phật Ca Diếp.
Chương XXXIV. Trên đường trở về ấp Ba Liên Phất (Patna). Ba La Nại (Benâres). Phật Thích Ca chuyển bánh xe pháp.
Chương XXXV. Ðạt Sấn (Dakshina), và tu viện Bồ Câu.
Chương XXXVI. Trở lại ấp Ba Liên Phất. Ngài Pháp Hiển sao chép bộ luật tạng, và học tiếng Phạn trong ba năm.
Chương XXXVII. Ðến đại quốc Chiêm Ba (Champâ) và Ma La Ðế (Tâmalipti). Trú và viết kinh luật tại những nơi đó trong ba năm. Theo thương thuyền đến nước Sư Tử (Singhala), tức Tích Lan (Ceylon).
Chương XXXVIII. Tại Tích Lan. Sự hình thành của vương quốc. Hành lễ Phật. Những ngôi tháp và tự viện. Tượng ngọc Phật. Cây Bồ Ðề. Ðại lễ cung nghinh răng xá lợi của Phật.
Chương XXXIX. Lễ trà tỳ một vị A La Hán. Lời thuyết giảng của một đạo nhân.
Chương XXXX. Sau hai năm tu học tại vương quốc Sư Tử, trở lại đất Tàu. Gặp nạn trên đường đến Da Bà Ðề (Java). Tiếp tục cuộc hành trình trở về đất Hán. Ðến Sơn Ðông, tới Nam Kinh. Lời kết thúc của người viết.
Chương XXXI. Già Da (Gayâ). Nơi Phật thành đạo. Những truyền thuyết khác. [^]
Từ đó đi về hướng tây bốn do tuần, chúng tôi đến thành Già Da(1). Song, cung thành hoang tàn vắng lặng. Chúng tôi lại đi về hướng nam hai mươi dặm đến nơi Bồ Tát tu khổ hạnh trong sáu năm; chung quanh đều có rừng cây rậm rạp.
Từ đó đi về hướng tây ba dặm, đến chỗ Phật từng xuống ao tắm gội và chư thiên hạ cong nhánh cây để giúp Phật bước ra khỏi hồ.
Chúng tôi lại đi về hướng bắc hai dặm, rồi đến nơi cô Nhi Gia (Grâmika) cúng dường bát sữa cho Phật.
Từ đó đi về hướng bắc hai dặm là nơi Phật ngồi dưới cây đại thọ, trên tảng đá, hướng mặt về phía đông, rồi dùng bát sữa. Cây đại thọ và tảng đá đó hiện vẫn còn. Tảng đá rộng và dài sáu thước, cao hai thước. Nhiệt độ ở nước Trung Quốc điều hòa, nên có nhiều cây đại thọ già cả vài ngàn cho đến chục ngàn năm.
Từ đó đi về hướng đông bắc nửa do tuần thì đến một hang đá mà khi xưa Bồ Tát vào trong đó, mặt hướng về phía tây, ngồi xếp bằng, tâm tự suy nghĩ:
- Nếu Ta thành đạo thì phải có thần linh kiểm chứng.
Vừa suy nghĩ xong, ngay trên vách đá liền có bóng hình một vị Phật hiển hiện, dài độ ba thước, nay vẫn còn rõ. Ðương thời trời đất rún động dữ dội, và chư thiên trên hư không bảo:
- Ðây chẳng phải là nơi chư Phật trong ba đời quá khứ hiện tại vị lai thành đạo. Xin Ngài hãy đến phía tây nam gần nửa do tuần, tới dưới gốc cây Bồ Ðề(2) (Cụ Ða). Ðấy mới chính là nơi mà chư Phật trong thời quá khứ hiện tại vị lai đều thành đạo.
Vừa nói dứt lời, chư thiên bèn ca hát và vạch đường cho Bồ Tát đến nơi đó. Bồ Tát đúng dậy khởi hành, rời cây đại thọ ba mươi bước. Chư thiên cúng dường cỏ kiết tường(3), Bồ Tát thọ nhận, rồi lại đi năm mươi bước. Năm trăm con chim Thanh Tước bay nhiễu Bồ Tát ba vòng rồi biến mất. Bồ Tát đi thẳng đến cây Bồ Ðề, trải cỏ kiết tường, rồi ngồi xuống, mặt hướng về phía đông. Bấy giờ ma vương sai ba ngọc nữ từ phía bắc tới, còn hắn từ phía nam đến để trêu ghẹo thử thách. Bồ Tát ấn ngón chân cái xuống đất, ma quân liền thối tán, ba ngọc nữ biến thành những bà lão già.
Nơi Bồ Tát tu khổ hạnh trong sáu năm cùng những nơi đã được kể đến ở bên trên, người sau đều xây tháp lập tượng để thờ cho đến hiện tại.
Nơi vừa thành đạo, Phật ở lại quán sát cây Bồ Ðề trong bảy ngày, thọ giải thoát lạc; nơi dưới gốc cây Bồ Ðề, Phật đi kinh hành bảy ngày qua lại đông tây; nơi chư thiên hóa điện đường thất bảo, cúng dường Phật trong bảy ngày; nơi Phật ngồi dưới gốc cây Ni Câu Luật trên tảng đá vuông, mặt xoay về phía đông, và Phạm Thiên Vương đến cung thỉnh Ngài chuyển pháp luân; nơi rồng mù Văn Lân Mục (Muchilinda) nhiễu Phật trong bảy ngày(4), nơi trời Tứ Thiên Vương cúng dường Phật bình bát của họ, nơi năm trăm thương nhân cúng dường Phật mật ong và bột rang, nơi Phật độ sư huynh đệ Ca Diếp một ngàn người, tất cả mọi chỗ đều có tháp thờ.
Tại nơi Phật thành đạo có ba ngôi tăng già lam, mà bên trong đều có tăng chúng thường trụ. Dân làng xung quanh cung cấp cúng dường đầy đủ bốn vật cho tăng chúng tùy theo sở cầu, không thiếu thốn. Chư tăng hành trì giới luật nghiêm túc; pháp tắc oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, và nhập chúng của các ngài đều như sở hành của chư thánh tăng vào lúc Phật còn tại thế. Bốn ngôi tháp lớn tại nơi Phật đản sanh, nơi Bồ Tát đắc đạo, nơi Phật chuyển bánh xe pháp, và nơi Phật nhập niết bàn, luôn luôn được bảo trì sửa chữa đắp tô liên tục không dứt.
Chương XXXII. Truyền thuyết của vua A Dục (Asoka) trong đời tiền kiếp và địa ngục của ông ta. [^]
Tích xưa, Phật Ca Diếp (Kasyapa) đang đi khất thực trên đường, bỗng gặp một đứa bé. Ðứa bé này thấy Phật liền mừng rỡ, lấy tay bốc nắm cát bố thí cho Ngài. Phật lấy nắm cát đó và rải ngay trên đường kinh hành của mình. Nhờ quả báo đó, đứa bé được làm vua Thiếc Luân ở cõi Diêm Phù Ðề, tức vua A Dục. Ngồi trên xe thiết luân, đi giám sát cõi Diêm Phù Ðề, nhà vua thấy địa ngục (naraka) trừng trị tội nhân ở trong hai núi thiết vi, nên hỏi quần thần rằng đây là nơi nào? Quần thần đáp:
- Ðây là nơi trừng trị tội nhân của quỷ vương Diêm La(1).
Vua nghe thế liền tự suy nghĩ: "Quỷ vương còn làm địa ngục để trừng trị kẻ ác. Ta là vua của loài người, sao không làm được địa ngục trị những người ác?"
Suy nghĩ xong, nhà vua liền hỏi quần thần:
- Ai có thể thay Ta tạo địa ngục, làm chủ ngục trị tội nhân?
Quần thần thưa:
- Chỉ có kẻ cực ác mới làm được việc này!
Nhà vua liền sai quần thần đi tìm kiếm kẻ cực ác kia. Họ thấy cạnh bờ hồ có một người tướng trạng cao ráo khỏe mạnh, da ngâm đen, tóc màu vàng, mắt màu xanh, chân giữ cần câu cá, miệng kêu cầm thú. Cầm thú đến hắn giương cung bắn, không con nào thoát được. Họ liền dẫn hắn về triều gặp nhà vua. Nhà vua liền ban sắc lịnh bí mật, bảo hắn:
- Ngươi hãy xây bốn vách tường cao ráo, bên trong có trồng bao loại hoa quả, và làm hồ nước trong xanh; trang hoàng nghiêm sức khắp nơi, khiến người thấy liền khát ngưỡng, và hãy làm cổng rắn chắc. Nếu có ai bước vào thì hãy bắt lại, dùng đủ cực hình trị tội, chớ để họ thoát. Ngay cả khi Ta vào đó, ngươi cũng trị tội chớ thả. Nay Ta giao cho ngươi chức chủ ngục.
Ðương thời, có một tỳ kheo, thứ lớp đi khất thực, chẳng may vào cửa đó. Ngục tốt thấy Thầy liền bắt nhốt để trị tội. Thầy kinh hoàng cầu thỉnh:
- Xin hãy để tôi dùng ngọ.
Ngay khi ấy, một người khác bước vào cửa, nên bị ngục tốt bắt hành hạ, rồi bỏ trong cối xay, máu chảy dầm dề. Thầy tỳ kheo thấy thế, suy nghĩ thân này vô thường, khổ, không, như bọt nước, như giọt sương, liền đắc quả A La Hán. Khi ngục tốt bỏ vào chảo nước sôi, nhưng tâm Thầy lại vui mừng. Lửa tắt khiến nước nguội, và chợt hiện ra một hoa sen mà Thầy tỳ kheo ngồi trên đó. Ngục tốt liền chạy đến báo tin này cho vua hay, bảo:
- Trong ngục có việc rất kỳ lạ. Xin nhà vua hãy đến xem.
Vua bảo:
- Lúc trước Ta đã ban sắc lịnh rồi, nên nay không dám vào.
- Ðây chẳng phải là việc nhỏ. Ngài phải đến đó ngay tức khắc. Sắc lịnh xưa kia có thể sửa đổi.
Vua nghe thế liền vào ngục, gặp và được thầy tỳ kheo kia thuyết pháp. Vừa nghe qua, nhà vua đắc tín giải, liền phá địa ngục ngay, và sám hối những tội lỗi khi trước. Từ đó nhà vua tín trọng Tam Bảo, nên thường đến dưới cây Bồ Ðề sám hối nghiệp tội và tự khiển trách cùng thọ bát quan trai giới.
Lúc hoàng hậu hỏi nhà vua thường đi đâu, quần thần đáp rằng nhà vua thường đến dưới gốc cây Bồ Ðề. Hoàng hậu chờ dịp nhà vua đi vắng, sai người chặt cây Bồ Ðề đó. Nhà vua trở lại, thấy cây Bồ Ðề bị đốn chặt, nên buồn thương ngã lăn bất tỉnh. Quần thần rải nước vào mặt, khiến nhà vua tỉnh lại. Vua bèn cho xây vách bằng gạch xung quanh bốn bên, và sai người đổ một trăm bình sữa bò tưới gốc cây, rồi nằm xuống, tay chân ôm đất mà phát nguyện:
- Nếu cây không sống lại, Ta thề chẳng đứng dậy.
Nhà vua vừa thệ nguyện như thế, cây Bồ Ðề liền đâm rễ sống lại cho đến ngày nay, cao gần mười trượng.
Chương XXXIII. Ngọn núi Kê Túc (Gurupada), nơi chứa toàn thân xá lợi của Phật Ca Diếp. [^]
Từ đó đi về hướng nam ba dặm, đến một ngọn núi, được gọi là Kê Túc(1). Tôn giả Ðại Ca Diếp hiện vẫn còn ở trong đó. Tôn giả vạch núi đi vào đó mà không ai có thể vô được. Ði xuống rất sâu có một cái lỗ bên cạnh hang. Toàn thân tôn giả Ca Diếp đang trụ trong đó. Bên ngoài cái lỗ đó là khoảnh đất mà tôn giả Ca Diếp thường rửa tay. Người nào bị nhức đầu, lấy một nhúm đất nơi đó rồi xoa lên đầu thì sẽ khỏi ngay. Trong ngọn núi này, xưa nay thường có chư A La Hán trú ở. Các quốc vương và đạo nhân ở những nơi khác, mỗi năm thường đến đây cúng dường tôn giả Ca Diếp. Nếu có ai tâm thành mến đạo, vào ban đêm sẽ có các vị A La Hán bước ra cùng họ luận nghị, giải thích những lẽ nghi ngờ, rồi đột nhiên biến mất.
Trên núi, cỏ cây hoa lá sum xuê, lại có rất nhiều sư tử, sói lang, nên không thể đi lang thang được.
Chương XXXIV. Trên đường trở về ấp Ba Liên Phất (Patna). Ba La Nại (Benâres). Phật Thích Ca chuyển bánh xe pháp. [^]
Tôi(1) quay trở lại, hướng về phía ấp Ba Liên Phất, rồi đi dọc theo sông Hằng về phía tây mười do tuần, bèn đến một tịnh xá, tên là Quảng Dã, vốn là nơi Phật từng trú ở, mà hiện nay vẫn còn tăng chúng thường trụ.
Tôi lại đi dọc theo sông Hằng về hướng tây mười hai do tuần, đến thành Ba La Nại(2) ở nước Ca Thi La (Kasi). Cách thành về hướng đông bắc mười dặm có tịnh xá Tiên Nhân Lộc Dã Uyển. Ngôi vườn này vốn có một vị Bích Chi Phật trú ở. Vào ban đêm thường có hươu nai. Lúc Thế Tôn sắp thành đạo, chư thiên trên hư không xướng ca:
- Con của vua Bạch Phạn (Tịnh Phạn), xuất gia học đạo, sau bảy ngày nữa thì sẽ thành Phật.
Vị Bích Chi Phật đó nghe lời như thế, bèn nhập niết bàn. Vì vậy chỗ này được gọi là Tiên Nhân Lộc Dã Uyển. Thế Tôn vừa thành đạo, người sau liền lập tịnh xá nơi đó. Phật muốn độ năm anh em Kiều Trần Như. Song, họ bàn với nhau:
- Sa môn Cù Ðàm, sáu năm tu khổ hạnh, mỗi ngày ăn một hạt cơm mà vẫn chưa đắc đạo. Hà huống nhập vào nhân gian, phóng túng thân miệng ý thì sao đắc đạo được? Hôm nay Cù Ðàm đến đây, chúng ta chớ nên đàm luận.
Tuy bàn với nhau như thế, nhưng khi Phật vừa đến thì họ lại lễ bái. Cách nơi đó về hướng bắc sáu mươi bước, Phật ngồi hướng mặt về phía đông, bắt đầu chuyển bánh xe pháp, độ năm ông Kiều Trần Như(3). Xa nơi đó hai mươi bước về hướng bắc, là nơi Phật thọ ký cho Bồ Tát Di Lặc, sẽ thành Phật kế Ngài. Ði về hướng nam năm mươi bước, là nơi long vương Uế La Bát hỏi Phật rằng khi nào nó mới xả bỏ thân rồng. Những nơi đó đều có tháp thờ, vẫn còn hiện hữu tới nay. Hiện tại, trong vườn Lộc Uyển có hai ngôi già lam, vẫn còn tăng chúng thường trú.
Từ tịnh xá Lộc Dã Uyển đi về hướng tây bắc mười ba do tuần có một vương quốc, gọi là Câu Ðàm Di(4). Trong nước đó có một tịnh xá tên là Cù Sư La Viên(5), vốn là nơi Phật trú thuở xưa, mà ngày nay vẫn có tăng chúng, đa số tu theo phái tiểu thừa.
Từ đó đi về hướng đông tám do tuần, là nơi Phật đã từng độ ác ma, cùng thường trú ở, kinh hành, tọa thiền. Nơi đó cũng có tháp thờ, và có một ngôi tăng già lam; tăng chúng khoảng một trăm vị.
Chương XXXV. Ðạt Sấn (Dakshina), và tu viện Bồ Câu. [^]
Từ đó đi về hướng nam hai trăm do tuần, có một nước tên là Ðạt Sấn(1). Trong nước có một ngôi tăng già lam của Phật Ca Diếp vào đời quá khứ, được xây cất bằng đá từ một ngọn núi lớn. Ngôi chùa này có năm tầng. Tầng thấp nhất giống như hình con voi. Trong đó có năm trăm hang đá. Tầng thứ hai làm giống như hình con sư tử, có bốn trăm hang đá. Tầng thứ ba làm giống như hình con ngựa, có ba trăm hang đá. Tầng thứ tư làm giống như hình con trâu, có hai trăm hang đá. Tầng thứ năm làm giống như hình con chim bồ câu, có một trăm hang đá. Trên đỉnh cao nhất có một dòng suối luôn chảy qua trước mặt tiền của các hang đá, rồi xoay quanh các phòng ốc, cùng lượn vòng theo chu vi chùa, chạy xuống tầng thấp nhất, đổ dài theo cấu trúc của chùa, rồi tuôn ra cửa. Trong mỗi hang đá của chư tăng, vách đá được đục đẽo làm thành cửa sổ, tiếp nhận tràn đầy ánh sáng, nên không có chỗ nào là u ám. Bốn bên góc của chùa có những thềm đá xếp chồng nhau làm thành các bậc thang để bước lên những tầng cao. Con người ngày nay, vóc dáng nhỏ nhắn, phải đi từng bước mới lên đến đỉnh. Người xưa, chỉ cần đi một bước là đến đỉnh ngay(2). Vì vậy nơi này có tên là Ba La Việt. Người Thiên Trúc (Ấn Ðộ) gọi Ba La Việt là chim bồ câu. Trong ngôi chùa này thường có chư A La Hán trú ở.
Vùng đó hoang vắng, không có cư dân sinh sống. Cách ngọn núi này rất xa, có một ngôi làng; người ở đó đều tà kiến, không biết Phật Pháp Tăng, bà la môn, hoặc các ngoại đạo. Nhân dân nước đó thường thấy người bay ra vào ngôi chùa ấy. Vài lần, các đạo nhân ở những nước khác, muốn đến chiêm lễ chùa đó. Người trong thôn kia bèn hỏi:
- Sao các người không bay? Chúng tôi thấy những người trong chùa đó đều biết bay cả.
Những đạo nhân đó ngập ngừng một hồi rồi đáp:
- Cánh của chúng tôi chưa mọc thành!
Nước Ðạt Sấn rất âm u hiểm trở, đường lộ gập ghềnh khó đi. Người nào tuy biết đường lộ cheo leo hiểm trở, nhưng vẫn muốn đi, thì phải đem theo tiền của để đưa cho quốc vương. Sau đó quốc vương sẽ cho người hộ tống, đi qua từng thôn, chỉ rõ những con đường tắt. Tôi không thể đi, nhưng nghe lời kể về việc này của người xứ đó.
Chương XXXVI. Trở lại ấp Ba Liên Phất. Ngài Pháp Hiển sao chép bộ luật tạng, và học tiếng Phạn trong ba năm. [^]
Từ nước Ba La Nại đi về hướng đông thì trở lại ấp Ba Liên Phất. Tôi vốn muốn cầu giới luật mà tại các nước ở bắc Thiên Trúc, chư sư đều tụng bằng khẩu truyền, nên không có kinh sách để sao lại. Vì vậy, tôi mới đi xa, đến trung Thiên Trúc; nơi ngôi Ma Ha Diễn tăng già lam, tìm thấy một bộ luật, tức là Ma Ha Tăng Kỳ Chúng Luật (Mahâsânghika). Phật còn tại thế, đại chúng tu hành theo bộ luật này trước nhất. Quyển luật này được chư tăng từ tịnh xá Kỳ Hoàn truyền lại. Hơn mười tám bộ phái, các luật sư đều có những ý kiến riêng, nhưng đa phần đều không khác, chỉ có những điểm bất đồng nhỏ nhoi: Có vị cởi mở, có vị bảo thủ. Song, quyển luật này được giải thích cặn kẽ rõ ràng và hoàn chỉnh nhất(1).
Tôi lại được bản sao của một bộ luật khác, có hơn sáu ngàn câu kệ; đó là bộ luật của phái Ba Sa Ða (Sarvâstivâdâh), tức là bộ luật mà chúng tăng ở nước Tần thường hành theo, và đều được chư sư khẩu truyền tương thọ chứ không viết thành sách vở văn tự. Lại nữa, trong chúng tăng đó, tôi tìm được bộ luận Tạp A Tỳ Ðàm Tâm (Samyuktâbhi-dharma-hridaya-sâtra), có hơn sáu ngàn câu kệ, một bộ kinh có hai ngàn năm trăm câu kệ, một quyển kinh Phương Ðẳng Niết Bàn (Parinivana-vaipulya Sutra) có năm ngàn câu kệ, và một bộ luận Ma Ha Tăng Kỳ A Tỳ Ðàm (Mahâsânghikâh Abhidharma).
Liên tục, tôi trú lại nơi đó ba năm, học sách vở tiếng Phạn, học nói bằng tiếng Phạn, cùng sao chép kinh luật. Thầy Ðạo Chỉnh đến Trung Quốc (trung Thiên Trúc), thấy chúng tăng oai nghi hành pháp tắc, thật rất đáng tôn kính, nên than thở phận mình người Tần, sanh tại vùng biên địa, nơi mà giới luật của chúng tăng khiếm khuyết, liền thệ nguyện:" Từ đây về sau luôn được sanh nơi đất Phật, nguyện không sanh vùng biên địa(2)", rồi ở lại nơi đó mà không quay về. Ngược lại, bổn ý của tôi vốn muốn khiến giới luật được lưu thông trên đất Tàu, nên tự một mình quay về.
Chương XXXVII. Ðến đại quốc Chiêm Ba (Champâ) và Ma La Ðế (Tâmalipti). Trú và viết kinh luật tại những nơi đó trong ba năm. Theo thương thuyền đến nước Sư Tử (Singhala), tức Tích Lan (Ceylon). [^]
Ði dọc theo sông Hằng về hướng đông mười tám do tuần, phía nam bờ sông là đại quốc Chiêm Ba(1). Trong nước có tịnh xá mà Phật thường đi kinh hành, cùng nơi tọa thiền của Ngài và ba vị cổ Phật. Mỗi nơi đều có dựng tháp thờ, mà hiện tại vẫn có tăng chúng trú ở.
Từ đó đi về hướng đông gần năm mươi do tuần, đến nước Ma Lê Ðế(2), mà vương thành vốn là hải cảng. Trong nước có hai mươi bốn ngôi tăng già lam; mỗi chùa đều có tăng chúng; Phật pháp cũng rất hưng thạnh. Tôi trú nơi đó hai năm để viết kinh cùng họa tượng.
Kế đến, tôi lên thương thuyền, giăng buồm vượt biển đi về hướng tây nam. Lúc ấy là đầu mùa đông; được thuận buồm xuôi gió, thuyền chạy mười lăm ngày đêm thì đến nước Sư Tử(3) (tức Tích Lan). Người nước đó bảo rằng vương quốc này cách nước Ma Lê Ðế khoảng bảy trăm do tuần.
Vương quốc này vốn là một hòn đảo; đông tây rộng năm mươi do tuần; nam bắc rộng ba mươi do tuần. Chung quanh phải trái của vương quốc có khoảng một trăm hòn đảo lớn nhỏ. Từ hòn đảo này qua hòn đảo khác cách khoảng mười dặm, hai mươi dặm hoặc hai trăm dặm; chúng đều thuộc về địa phận của vương quốc này; ngọc trai, châu báu, đá quý đều được sản xuất trên những hòn đảo đó. Ðiển hình, trong vương quốc, có một hòn đảo chu vi khoảng mười dặm, đa phần xuất cảng nhiều loại trân bảo châu báu, cùng hạt châu ma ni. Nhà vua sai người quản lý nơi đó. Nếu tìm được mười phần thì nhà vua thâu lấy ba phần.
Chương XXXVIII. Tại Tích Lan. Sự hình thành của vương quốc. Hành lễ Phật. Những ngôi tháp và tự viện. Tượng ngọc Phật. Cây Bồ Ðề. Ðại lễ cung nghinh răng xá lợi của Phật. [^]
Vương quốc này vốn không có người ở mà chỉ có quỷ thần cùng rồng cư trú. Thương nhân ở các nước khác đến mở chợ búa để buôn bán trao đổi. Những khi đổi chác, quỷ thần không tự hiện thân, chỉ để bảo vật và giá cả. Thương nhân y theo đó mà mua lấy trân bảo.
Vì các thương nhân thường qua lại, dân chúng ở các nước khác được biết là vùng đất đó rất phì nhiêu màu mỡ, nên đến đó sinh sống, khiến hòn đảo ấy trở thành một đại quốc. Khí hậu nước đó rất ôn hòa. Nhiệt độ vào mùa đông không khác chi với mùa hè. Cây cỏ hoa trái luôn sum xuê um tùm. Dân chúng muốn trồng ruộng lúc nào cũng được, chứ không theo thời tiết.
Xưa kia, khi đến nước này(1), Phật vì muốn hóa độ ác long (rồng ác), nên dùng lực thần túc, một chân bước tại phía bắc vương thành, một chân đạp trên đảnh núi(2). Hai bàn chân cách nhau mười lăm do tuần. Nơi dấu chân ấn trên phía bắc của vương thành có xây một đại tháp, cao bốn mươi trượng, được trang hoàng nghiêm sức bằng vàng bạc, chúng bảo hợp thành. Bên cạnh ngọn tháp có một ngôi tăng già lam, gọi là Vô Úy Sơn(3), chứa năm ngàn tăng chúng. Ngôi Phật điện được chạm khắc bằng vàng bạc rất điêu luyện tinh vi, cùng trang hoàng với bao loại châu báu. Ngay trung tâm chùa có một tượng ngọc Phật màu xanh lá cây, cao hai trượng; chung quanh thân có bảy loại châu báu chiếu sáng soi lẫn nhau; oai tướng nghiêm hiển, không thể diễn tả hết bằng lời. Phía bên phải của ngôi chánh điện có một bảo vật vô giá.
Tôi rời đất Tàu đã bao năm, thường giao tiếp cùng nhân dân nước lạ, và mắt không ngắm nhìn núi non suối nguồn cỏ cây quen thuộc; chư đồng hành lại phân ly; hoặc có kẻ ở xa, hoặc có người đã mất, xoay lại chỉ còn bóng hình mình, nên tâm thường buồn bã. Ngày nọ, đang đứng bên cạnh tượng ngọc Phật, tôi chợt thấy thương nhân(4) dùng quạt may bằng lụa trắng cúng dường tượng Phật, nên bất giác xót thương, lệ rơi tràn đầy đôi mắt.
Vua đời trước của vương quốc đó, sai sứ đến Trung Quốc (tức Ấn Ðộ), mang một nhánh cây Bồ Ðề(5) về trồng ngay bên cạnh ngôi chánh điện. Cây Bồ Ðề dần dần đâm chồi nẩy nở, cao đến hai mươi trượng. Thấy cây Bồ Ðề này nghiêng về hướng đông nam, nhà vua sợ cây sẽ gẫy, nên cho người dựng cột trụ rộng khoảng tám chín gang tay để chống đỡ. Cây Bồ Ðề lại bắt đầu đâm nhánh ngay cốt lõi của cây cột trụ, cùng đâm xuyên qua cột trụ, rồi đâm xuống đất, trở thành rễ cây lớn rộng khoảng bốn gang tay. Dầu cột trụ bị nứt bể bên trong, nhưng phần ngoài vẫn còn chống đỡ được cây Bồ Ðề. Ngay dưới cội Bồ Ðề có một ngôi tịnh xá; bên trong có một tượng Phật ngồi; chư tăng cùng kẻ tục đồng kính ngưỡng thờ phụng không giải đãi. Trong thành cũng lập một ngôi tịnh xá thờ răng Phật, và đều làm bằng bảy loại châu báu.
Nhà vua thường tịnh tu Phạm hạnh. Nhân dân trong thành kính tín Phật pháp rất thuần hậu. Kể từ lúc lập quốc cho đến hiện tại, vương quốc đó không có đói rét loạn lạc. Tàng khố của chúng tăng đa số đều có trân bảo vô giá ma ni. Lần nọ, một quốc vương của nước đó đi vào thăm tàng khố (nhà kho) của tăng chúng, thấy hạt châu ma ni, liền sanh tâm tham, muốn lấy hạt châu đó. Song, ba ngày sau quốc vương tỉnh ngộ, bèn đi thẳng đến giữa chúng tăng, ngửa đầu xin sám hối tâm xấu xa. Nhân đó, quốc vương bạch với chúng tăng rằng nguyện xin chư tăng lập quy chế, từ đây về sau, chớ cho phép vua chúa vào nhà kho xem xét. Tỳ kheo mãn bốn mươi tuổi hạ mới được vào đó.
Trong thành, đa số nhà cửa của trưởng giả cư sĩ, Tát Bạc thương nhân(6) đều trang nghiêm tráng lệ; thương cảng đường xá gọn gàng sạch sẽ. Tại những ngã tư đường đều kiến lập điện đường thuyết pháp. Vào mồng tám, ngày mười bốn, và ngày rằm, họ trải thảm lập tòa. Bốn chúng tăng sĩ cùng kẻ tục đồng tụ hội nghe pháp. Nhân dân thường bảo rằng trong vương quốc có khoảng sáu mươi ngàn tăng sĩ, đều được tín chúng cúng dường thức ăn. Ngoài ra, quốc vương còn lập một nơi cất chứa thức ăn có thể cúng dường cho năm sáu ngàn tăng sĩ. Vị tăng nào muốn thì mang bình bát lớn, tùy theo phân lượng dung chứa mà lấy thức ăn tại đó. Lấy đủ xong rồi trở về lại chùa mình.
Răng xá lợi Phật thường được đem ra vào giữa tháng ba. Trước đó mười ngày, quốc vương trang sức một thớt voi lớn, sai một người diễn thuyết hoạt bát, mặc vương phục, ngồi trên mình voi, đánh trống xướng lời:
- Bồ Tát tu hành trong ba a tăng kỳ kiếp, không quản thân mạng, xả bỏ quốc thành vợ con, cùng móc mắt để cho người, cắt thịt để chuộc mạng chim bồ câu, cắt đầu để bố thí, xả thân cho hổ đói, không keo kiệt tủy não. Ngài hành những khổ hạnh như thế vì chúng sanh, nên mới thành Phật, trụ tại thế thuyết pháp giáo hóa chúng sanh trong bốn mươi chín năm, khiến người chưa an được an, khiến người chưa độ được độ. Lúc hết duyên lành với chúng sanh, Ngài nhập niết bàn. Từ khi Ngài nhập niết bàn cho đến ngày nay, một ngàn bốn trăm chín mươi bảy năm, con mắt và ánh sáng của thế gian đã diệt. Chúng sanh lâu dài đau khổ triền miên. Sau mười ngày, răng xá lợi Phật sẽ được thỉnh ra và mang đến tịnh xá Vô Úy Sơn. Chư tăng cùng kẻ tục trong nước, ai muốn gieo phước lành, hãy cùng nhau quét dọn đường xá cho sạch sẽ, nghiêm sức thương cảng đạo lộ, bày biện hương hoa, cùng sắp đặt đầy đủ vật dụng cúng dường.
Lời xướng vừa ban ra, quốc vương bèn sai người đến hai bên đường lộ, tạo năm trăm hình tượng báo thân biến hiện của Bồ Tát từ xưa đến nay, hoặc làm Thuận Ðại Noa(7), Ðàm Biến(8), vua loài voi(9), hươu nai, ngựa, v.v... Những hình tượng như thế đều được tô vẽ trang sức dạng trạng giống như thật. Kế đến, răng xá lợi Phật được thỉnh ra và diễn hành giữa đạo lộ, đi đến các nơi, tùy chỗ mà được cúng dường, rồi được đưa vào chánh điện Phật của tịnh xá Vô Úy Sơn. Chư tăng cùng kẻ tục tụ hội, dâng hoa đốt hương cùng hành bao pháp sự, liên tục ngày đêm không ngớt, mãi tới chín mươi ngày sau mới viên mãn, tức khi răng xá lợi Phật được cung thỉnh trở lại tịnh xá trong thành. Vào những ngày trai giới, cửa của tịnh xá đó được mở, và tăng chúng hành pháp hội lễ lộc đều như pháp.
Cách tịnh xá Vô Úy Sơn về hướng đông bốn mươi dặm có một ngọn núi(10), mà trên đó cũng có một tịnh xá, gọi là Chi Ðề(11), chứa khoảng hai ngàn tăng sĩ. Giữa chúng tăng, một vị đại đức sa môn tên là Ðạt Ma Cù Ðế(12), được tất cả quốc dân tôn sùng kính ngưỡng. Ngài trụ trong một hang đá hơn bốn mươi năm, thường hành từ tâm, có khả năng cảm phục rắn chuột, đồng sống trong một thất mà không hại lẫn nhau.
Chương XXXIX. Lễ trà tỳ một vị A La Hán. Lời thuyết giảng của một đạo nhân. [^]
Cách thành bảy dặm về phía nam có một tịnh xá, tên là Ma Ha Tỳ Ha La, chứa ba ngàn vị tăng. Giữa tăng chúng, có một vị cao tăng đại đức, giới hạnh thanh khiết. Quốc dân đều phỏng đoán Ngài là vị A La Hán sống. Lúc sắp lâm chung, quốc vương tới xem xét, y pháp vân tập và vấn hỏi chúng tăng rằng vị tỳ kheo đó có đắc đạo chưa. Chúng tăng đồng xác nhận là vị tỳ kheo đó thật đã đắc đạo quả vị A La Hán. Tỳ kheo đó vừa nhập tịch, quốc vương y theo pháp tắc trà tỳ một vị A La Hán như trong kinh luật. Cách tịnh xá bốn năm dặm về phía đông, một giàn hỏa được dựng lên, rộng và cao hơn ba trượng. Gần phía trên giàn hỏa, có đặt gỗ chiên đàn trầm thủy, cùng các loại hương hoa.
Bốn bên giàn hỏa, họ làm thềm cấp để bước lên. Họ quấn thân vị tỳ kheo đó bằng vải lụa trắng thanh tịnh rất nhiều lớp, rồi làm khuôn kiệu khiêng linh cữu giống như xe tang ở nước ta, nhưng không có hình cá rồng.
Sắp đến giờ trà tỳ, nhà vua và quốc dân, khắp nơi đồng tụ hội, dùng hương hoa cúng dường. Trên đường đi theo kiệu mang linh cữu đến phần mộ, quốc vương dâng hương hoa cúng dường. Ðến nơi tẩm liệm và được cúng dường xong, kiện mang linh cữu được đặt trên giàn hỏa; dầu và sữa được rắc lên đó, rồi lửa được nổi lên để trà tỳ nhục thân của Ngài. Trong lúc trà tỳ, vì tâm cung kính, dân chúng mỗi mỗi cởi thượng y cùng quạt lông, dù lọng rồi liệng vào giàn hỏa để trợ duyên cho lửa. Trà tỳ xong, họ thu nhặt xá lợi và tiến hành lập tháp thờ. Tôi đến không kịp lúc vị tỳ kheo đó còn sống, mà chỉ tới lúc trà tỳ Ngài thôi.
Quốc vương(1) dốc lòng cung kính Phật pháp, muốn xây tịnh xá mới cho chúng tăng, trước tiên thiết đại pháp hội. Cúng dường thức ăn cùng tặng phẩm cho chư tăng xong, quốc vương sai người tuyển một cặp trâu thượng hảo, dùng vàng bạc bảo vật trang sức trên sừng chúng, và làm một cái cày bằng vàng. Quốc vương tự cày bốn bên miếng đất sắp xây tịnh xá, rồi sau đó chia cắt, cấp nhà cửa, điền sản cho tăng chúng và khắc lên bảng thiếc rằng từ đây về sau, đời đời tiếp nối, không ai có thể phá hoại sửa đổi sắc lệnh đó.
Thời gian trú tại nước đó, tôi đã từng nghe một đạo nhân người Thiên Trúc ngồi trên tòa cao, tụng lời kinh như sau:
- Bình bát của Phật, vốn tại nước Tỳ Xá Ly. Hiện nay bình bát đó đang ở tại nước Kiền Ðà Vệ(2). Vài trăm năm sau (tôi nghe ông ta đọc rõ niên số, nhưng nay quên mất) bình bát sẽ đến nước Tây Nguyệt Dân(3). Vài trăm năm sau sẽ đến nước Vu Ðiền. Vài trăm năm sau sẽ đến nước Khuất Tỳ(4). Vài trăm năm sau sẽ đến đất Tàu. Vài trăm năm sau sẽ đến nước Sư Tử (Tích Lan). Vài trăm năm sau sẽ trở về trung Thiên Trúc. Sau đó bình bát sẽ tự bay lên cung trời Ðâu Suất. Bồ Tát Di Lặc thấy thế tán thán: "Bình bát của Thích Ca Văn Phật đã đến!"
Bồ Tát Di Lặc liền cùng với chư thiên dùng hương hoa cúng dường trong bảy ngày. Ðược cúng dường xong, bình bát tự trở lại cõi Diêm Phù Ðề, và được Hải Long Vương thâu nhận cùng đem đặt vào long cung. Lúc Bồ Tát Di Lặc sắp thành đạo, bình bát tự phân làm bốn, rồi bay trở lại lên đỉnh núi Át Na(5). Sau khi ngài Di Lặc thành đạo, trời Tứ Thiên Vương lại nghĩ đến Phật (với bình bát mà họ cúng dường cho đức Phật thuở trước). Thật thế, ngàn vị Phật trong đời hiền kiếp, đồng dùng một bình bát. Bình bát mất đi, Phật pháp dần dần diệt mất. Sau khi Phật pháp diệt mất, tuổi thọ con người giảm xuống cho đến năm tuổi. Lúc đó, lúa gạo, bơ, sữa đều diệt mất, và dân chúng rất ác độc; cỏ cây biến thành đao trượng. Người người dùng chúng để cùng nhau tương tàn sát hại. Trong đó có những người còn phước đức, trốn ẩn vào núi. Khi những người ác đã giết nhau hết, thì những người này từ trong núi trở ra lại, rồi cùng bảo nhau: "Người xưa sống rất trường thọ; vì quá tàn ác, làm bao việc phi pháp, nên thọ mạng của chúng ta mới ngắn ngủi như vầy, cho đến chỉ còn năm tuổi. Ngày nay chúng ta hãy cùng nhau hành các việc thiện, khởi tâm từ bi, tu hành nhân nghĩa."
Như thế, họ thường hành nhân nghĩa và các việc thiện, nên thọ mạng triển chuyển tăng gấp bội, cho đến tám mươi ngàn tuổi. Khi Phật Di Lặc xuất thế, và bắt đầu chuyển bánh xe pháp, trước tiên Ngài sẽ độ hết những đệ tử xuất gia của Phật Thích Ca còn sót lại cùng những người đã từng thọ tam quy y ngũ giới và bát quan trai giới, cúng dường Tam Bảo. Chuyển pháp luân lần thứ hai, lần thứ ba, Phật Di Lặc độ những người hữu duyên từ bao đời tiền kiếp.
Nghe qua những lời này, ngài Pháp Hiển muốn viết bài lại kinh đó. Người đó bèn bảo:
- Không có bài kinh nào như thế mà chỉ do tâm khẩu tôi tụng đọc.
Chương XXXX. Sau hai năm tu học tại vương quốc Sư Tử, trở lại đất Tàu. Gặp nạn trên đường đến Da Bà Ðề (Java). Tiếp tục cuộc hành trình trở về đất Hán. Ðến Sơn Ðông, tới Nam Kinh. Lời kết thúc của người viết. [^]
Tôi trú ở nước đó hai năm, tìm được bản Luật Tạng của phái Di Sa Tắc (Mahisâsakah), kinh Trường A Hàm (Dirghâgama), Tạp A Hàm (Samyuktâgama), và một bộ tạp tạng (Sayukta-sanchaya-pitaka)(1). Những bộ kinh này nước Tàu không có. Ðược những quyển kinh luật tiếng Phạn, tôi lên một chiếc thương thuyền lớn, có hơn hai trăm người trên đó. Phía sau thuyền có buộc theo một chiếc thuyền nhỏ để phòng bị khi gặp hiểm nạn trên biển cả. Thuận buồm xuôi gió, thuyền chạy về hướng đông ba ngày, rồi lại gặp gió lớn, khiến thuyền bị lủng, nước tràn vào. Thương nhân muốn lấy chiếc thuyền nhỏ, nhưng những người trên chiếc thuyền nhỏ sợ quá đông người qua đó, nên chặt đứt dây kéo, khiến thương nhân rất sợ hãi. Mạng sống chỉ còn trong giây phút vì nước chảy ào ạt vào thuyền, nên họ liệng hết đồ đạc cồng kềnh xuống biển. Tôi cũng quăng chậu tắm và những vật dư thừa xuống nước. Song, sợ rằng thương nhân sẽ liệng kinh tượng của mình xuống biển, nên tôi nhất tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cùng quy mạng về chư tăng ở đất Tàu:
- Con vốn đi viễn hành để cầu pháp. Xin nguyện oai thần của các ngài gia hộ cho con sớm được trở về nước, và đến nơi an lành.
Gió lớn như thế thổi mãi trong mười ba ngày đêm, đưa thuyền đến bên một hoang đảo (có thể là đảo Ni Khắc Ba). Thủy triều vừa xuống thì họ thấy chỗ lủng của thuyền, nên liền trét bít lại, rồi thuyền tiếp tục chạy. Trên biển có rất nhiều hải tặc, gặp chúng thì không toàn tánh mạng. Biển rộng bao la không bến bờ; thuyền trưởng không biết hướng đông tây nơi nào, chỉ chạy theo hướng của mặt trời mặt trăng và tinh sao mà thôi. Lúc gặp mưa gió, thuyền chỉ việc chạy theo chiều gió mà không có định hướng. Khi trời tối tăm, chỉ thấy những đợt sóng triều cuồn cuộn chảy cùng ánh sáng lập lòe như lửa cháy với những con rùa biển to lớn và những quái vật trong biển. Thương nhân rất đỗi kinh hoàng, không biết thuyền đang hướng về phía nào. Biển sâu không đáy, lại không có nơi để bỏ đá cắm neo. Lúc trời trong mây tạnh, thuyền trưởng mới định phía đông tây để lái thuyền chạy đúng theo phương hướng. Nếu gặp đá ngầm, chắc không sống nổi.
Thuyền chạy như thế khoảng chín mươi ngày đêm thì đến một vương quốc, tên là Da Ba Ðề (Yavadvipasumatra). Tại vương quốc này, ngoại đạo bà la môn rất hưng thạnh, còn Phật pháp thì không được bàn tới. Trú ở nơi đó năm tháng, tôi lại theo thương nhân lên thương thuyền khác, cũng có khoảng hai trăm người. Họ đem theo lương thực cho năm mươi ngày. Thuyền nhổ neo vào ngày mười sáu tháng tư.
Tôi tự an cư trên chiếc thuyền đó. Thuyền chạy về phía đông bắc, hướng tỉnh Quảng Châu. Hơn một tháng sau, vào đêm nọ, vừa đánh trống canh hai thì thuyền gặp một ngọn gió đen thổi đến và mưa rơi ào ạt. Hành khách cùng thương nhân đều kinh hoàng. Lúc ấy, tôi chỉ nhất tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cùng chúng tăng ở đất Tàu. Mông nhờ oai thần gia hộ, trời sớm quang đãng trong sáng trở lại. Chư bà la môn đồng luận nghị:
- Thuyền chúng ta chở theo ông sa môn kia (tức là tôi); thật là một điềm xấu. Chúng ta bị hoạn nạn lớn vừa rồi, đều do ông tỳ kheo đó. Vậy hãy để ông ta lại trên một hòn đảo. Không thể vì một người mà khiến cho mọi người đều bị nguy hiểm.
Liền đó, một vị đàn việt của tôi bảo với họ:
- Nếu các người muốn bỏ vị tỳ kheo này xuống thì cũng phải bỏ tôi luôn. Nếu không, thì hãy giết tôi đi. Nếu bỏ vị tỳ kheo này xuống hòn đảo hoang, lúc đến đất Tàu, tôi sẽ thưa rõ mọi sự tình với quốc vương. Quốc vương đất Tàu rất cung kính Phật pháp, tín trọng chư tỳ kheo.
Nghe qua lời này, các thương nhân trù trừ rụt rè, không dám bỏ tôi xuống.
Bấy giờ, liên tiếp qua bao ngày, bầu trời u ám nhiều mây. Thuyền chạy hơn bảy mươi ngày, tức là đã đi lạc hướng, nên thuyền trưởng và thủy thủ chỉ biết nhìn nhau mà thôi. Lương thực và nước uống gần cạn hết, nên họ phải dùng nước biển mặn để nấu cơm và làm cách thủy nước lọc để uống. Mỗi người được khoảng hai bình nước. Chẳng bao lâu lương thực gần cạn hết, thương nhân bèn bàn luận với nhau rằng theo thường lệ thì thuyền chỉ chạy khoảng năm mươi ngày là đến Quảng Châu. Nay đã quá hơn kỳ hạn nhiều ngày, vậy có phải thuyền đã chạy lạc hướng rồi chăng?
Lập tức, họ quay thuyền chạy về hướng tây bắc để tìm bờ bể. Thuyền chạy khoảng mười hai ngày đêm thì đến biên giới quận Trường Quảng, nơi bờ bể phía nam của Lao Sơn. Ðến nơi, họ mua được nước ngọt rau tươi. Qua bao ngày hiểm nạn, kinh hoàng sợ hãi trên biển cả, họ đến được bờ bể này. Nhìn thấy rau lê lá dâu, tức nhiên biết đây là đất Tàu, nhưng không gặp dân chúng cùng dấu chân của khách lữ hành, nên họ không biết đang ở đâu. Vài người bảo rằng chưa đến Quảng Châu. Vài người bảo rằng đã vượt quá Quảng Châu. Họ bàn tán xôn xao, không thể định được nơi đó là đâu. Họ liền hạ một chiếc xuồng nhỏ và chèo vào lạch sông để tìm người, hầu mong hỏi han xem coi đó là vùng nào. Họ gặp hai thợ săn, liền quày trở lại nơi thuyền lớn đậu, và nhờ tôi phiên dịch những câu hỏi. Ðầu tiên, tôi an ủi họ, rồi thong thả hỏi:
- Các người là ai?"
Họ đáp:
- Chúng con là đệ tử Phật.
- Các người vào núi tìm gì?
Họ bắt đầu nói láo(2):
- Ngày mai là rằm tháng bảy. Chúng con muốn đi hái trái lê để cúng Phật.
Tôi hỏi:
- Ðây là nơi nào?
- Ðây là Thanh Châu, ranh giới quận Trường Quảng (núi Lao Sơn), thuộc vùng đất của Thống Lưu Phổ Gia.
Thương nhân nghe thế rất vui mừng và lấy ra một phần tài vật nhờ người mang đến quận Trường Quảng.
Thái thú Lý Nghi rất cung kính Phật pháp; nghe có sa môn mang kinh tượng theo thuyền vượt bể mà đến thì ông ta liền theo người tới bờ biển để gặp mặt. Ðến nơi, thái thú cung ngưỡng tiếp thọ kinh tượng về đến quận thành nơi ông ta đang trị vì. Thương nhân từ đó trở lại Dương Châu. Lúc đến Thanh Châu, thứ sử Lưu Ðạo Liên lại thỉnh tôi lưu lại nơi đó trong một mùa đông và mùa hạ. An cư kiết hạ xong, tôi mau mắn trở về Trường An vì đã xa cách các tôn sư quá lâu ngày. Lại nữa, việc này rất quan trọng, nên tôi tức tốc xuôi vào nam, hướng đến Trường An. Bấy giờ, chiến loạn nổi lên khắp vùng Hoa Bắc, nên tôi không có cách chi để đến Trường An, ròi đành phải xuôi vào nam, tới Kiến Nghiệp (tức Nam Kinh). Gặp lại chư sư, tôi đưa cho họ xem những kinh luật tạng đã được thâu thập. (Ðến đây là chấm dứt phần tự thuật của ngài Pháp Hiển.)
Từ Trường An, trải qua sáu năm, ngài Pháp Hiển đến trung Ấn Ðộ. Ngài ở đó hơn sáu năm, rồi ba năm sau mới về đến Thanh Châu. Ngài đã đi qua gần ba mươi vương quốc; vượt sa mạc đi về hướng tây phía Thiên Trúc; oai nghi pháp hóa của chúng tăng tại các nơi đó rất tinh tường nghiêm túc, không thể dùng lời mô tả được hết. Ngài suy nghĩ rằng chư sư của mình chưa từng nghe hoàn toàn về các dữ kiện ở những nơi đó. Do đó, Ngài đi sang Thiên Trúc để cầu pháp, mà không màng mạng sống tầm thường, hoặc những cơn hoạn nạn gian nan trên đất liền cùng biển cả. May mắn thay, mông nhờ oai thần của Tam Bảo gia hộ, tuy gặp bao nguy khốn mà Ngài vẫn được bình an. Vì vậy, Ngài dùng trúc lụa viết lại những gì Ngài đã từng trải qua, hầu mong chia xẻ những việc thấy nghe với chư hiền giả.
Bấy giờ là năm Giáp Dần, triều Tấn, niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười hai (416). Sau mùa kiết hạ an cư, tôi (người viết lại cuộc hành trình của ngài Pháp Hiển)(3) cung ngưỡng đạo nhân Pháp Hiển. Lúc Pháp Hiển đến, tôi giữ Ngài lại với mình qua mùa đông. Trong những buổi đàm đạo, tôi thỉnh cầu Ngài thuật lại cuộc hành trình Tây Du rất nhiều lần. Ngài chấp thuận và y theo sự thật mà trả lời những câu hỏi của tôi. Kế đến, tôi lại khuyên Ngài kể rõ cuộc hành trình theo thứ tụ và từng chi tiết. Ngài đồng ý và kể rõ từ đầu đến cuối theo trình tự. Ngài tự bảo:
- Nhìn lại những gì đã đi qua, bất giác tâm động rùng mình toát mồ hôi. Gặp những hiểm nguy khổ nạn tôi không quản thân mạng; nhờ kiên trì giữ mãi chí nguyện, không suy nghĩ đắn đo, chỉ cố gắng hoàn thành sứ mạng và chuyên tâm chất trực, sẳn sàng thí mạng tại những vùng đất chết, nên mới đạt một trong muôn ngàn sở nguyện.
Những lời này khiến tôi rất cảm động. Xưa nay ít có những ai như Ngài. Từ lúc đại giáo (Phật pháp) lưu truyền sang đông độ (đất Tàu), chưa từng có ai dám quên thân cầu pháp như Ngài. Do đó, tôi nhận thấy rằng nếu có chân tâm thành ý thì sẽ vượt qua mọi chướng ngại dẫu có lớn đến đâu đi nữa. Ðộng lực đó sẽ không thất bại hoàn thành bất cứ sứ mạng gì. Có phải sự hoàn thành sứ mạng nhờ quên đi những gì quan trọng và bám chặt trọng yếu vào những gì đã quên chăng?
Ngài Pháp Hiển ghi rằng tăng chúng ở Thiên Trúc và Tây Vực đều tuân thủ giới luật, oai nghi đoan chánh, phụng hành pháp hóa khiến người người cảm phục. Vì muốn tăng chúng đất Tàu hiểu rõ sự tình của việc tu đạo ở bên phương tây, cùng phát tâm tầm cầu kinh luật, nên xem thường thân mạng, không quản bao gian nan nguy hiểm mà sang Thiên Trúc. Nhờ từ ân của chư Phật gia hộ, mà Ngài bình an mang kinh luật trở về vào năm 413.
Y cứ theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập', ngài Pháp Hiển dịch được sáu bộ và sáu mươi ba quyển kinh như sau: Kinh Ðại Bát Niết Bàn (6 quyển), Kinh Phuơng Ðẳng Niết Bàn (2 quyển), Ma Ha Tăng Kỳ Luật (40 quyển), Tăng Kỳ Tỳ Kheo Giới Bổn (1 quyển), Tạp A Tỳ Ðàm Tâm Luận (13 quyển), Tạp Tạng Kinh (1 quyển).
Sau này, ngài Pháp Hiển rời Kiến Nghiệp, đến chùa Tân Tự ở Kinh Châu. Nơi đó, ngài Pháp Hiển nhập tịch, thọ tám mươi sáu tuổi.