Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Mục Lục Chương XXI - XXX:

Chương XXI. Ba vị Phật trong đời quá khứ.

Chương XXII. Thành Ca Tỳ La Vệ. Cảnh tiêu điều của thành. Truyền thuyết Phật đản sanh và những sự kiện liên hệ.

Chương XXIII. Vương quốc Lam Mạc (Râma) và ngôi tháp.

Chương XXIV. Nơi Phật xả báo thân và nơi Ngài nhập niết bàn.

Chương XXV. Tỳ Xá Ly. Tháp Phóng Cung Trượng. Pháp hội kết tập kinh điển tại thành Tỳ Xá Ly (Vaisali).

Chương XXVI. Kỳ tích nhập diệt của tôn giả A Nan.

Chương XXVII. Ấp Ba Liên Phất (Pâtaliputtra) ở vương quốc Ma Kiệt Ðà. Cung điện thần của vua A Dục (Asoka). Phật tử bà la môn. La Thái Hoằng Mê (Râdhasâmi). Trạm xá phúc đức.

Chương XXVIII. Thành Vương Xá (Râjagriha), xưa và nay. Truyền thuyết và nhân duyên liên hệ.

Chương XXIX. Ngọn núi Giả Ðà Quật (Gridhra-kuta) và truyền thuyết. Ngài Pháp Hiển trú lại qua đêm nơi đó và quán tưởng.

Chương XXX. Ðộng Xa Ðế (Srataparna), hay hang động của chư A La Hán kết tập kinh tạng lần thứ nhất. Truyền Thuyết. Tỳ kheo tự sát.


Chương XXI. Ba vị Phật trong đời quá khứ. [^]

Cách thành năm mươi dặm về hướng tây có một ấp, được gọi là Ðô Duy(1), vốn là nơi đản sanh của Phật Ca Diếp(2). Nơi Ngài gặp người cha(3), nhập niết bàn cũng đều được dựng tháp thờ. Một ngôi đại tháp được dựng lập để thờ toàn thân xá lợi của Phật Ca Diếp(4).

Từ thành Xá Vệ đi về hướng đông nam mười hai do tuần, họ đến một thôn ấp, tên gọi là Na Tỳ Già(5), là nơi đản sinh của Câu Lưu Tôn Phật. Nơi Ngài gặp người cha, nhập niết bàn cũng đều có tháp thờ. Từ nơi đó đi về hướng bắc gần một do tuần, có một thôn ấp mà đó là nơi Câu Na Hàm Mâu Ni Phật đản sinh. Nơi Ngài gặp người cha, nhập niết bàn cũng có tháp thờ.

Chương XXII. Thành Ca Tỳ La Vệ. Cảnh tiêu điều của thành. Truyền thuyết Phật đản sanh và những sự kiện liên hệ. [^]

Ði về hướng đông gần một do tuần thì tới thành Ca Tỳ La Vệ(1). Trong thành không có vua chúa hay nhân dân. Thành quách hoang tàn mốc meo, chỉ có vài tăng sĩ và khoảng mười gia đình dân dã. Nơi vương cung của vua Bạch Tịnh(2) có hình tượng của mẹ thái tử(3). Nơi thái tử cỡi con ngựa trắng, nơi Bồ Tát lúc nhập bào thai(4), nơi thái tử ra khỏi thành phía đông thấy người bịnh hoạn rồi quay xe ngựa trở vào(5) thành, đều có xây tháp thờ. Nơi tiên A Tư Ðà(6) ngắm xem tướng mạo thái tử, nơi thái tử liệng xác chết con voi(7) bên đường khi đang cùng đi với Nan Ðà và những người khác, đều có xây tháp. Nơi thái tử thi bắn cung tên bay về hướng đông nam ba mươi dặm rồi cắm xuống đất, khiến một dòng suối chảy ra(8). Người sau xây một giếng nước ngay nơi đó để cung cấp nước cho khách lữ hành. Nơi Phật viếng thăm phụ vương sau khi đắc đạo, nơi năm trăm Thích Tử xuất gia rồi lễ bái Ưu Bà Ly(9) khiến cho đất đai rúng động, nơi Phật thuyết pháp cho chư thiên, nơi trời Tứ Thiên Vương giữ bốn cánh cửa thành khiến phụ vương Ngài không thể vào được, nơi Phật ngồi dưới cây Ni Câu Luật (10) (hiện tại vẫn còn sống) hướng mặt về phía đông và được bà Ðại Ái Ðạo cúng dường y ca sa tăng già lê, nơi vua Lưu Ly giết dòng họ Thích và tất cả đồng đắc quả Tu Ðà Hoàn(11), tháp thờ đến nay cũng vẫn còn.

Cách thành về phía đông bắc vài dặm là ruộng của vua Tịnh Phạn, nơi thái tử ngồi bên dưới gốc cây quán xem nông dân cày cấy.

Mười lăm dặm về phía đông của thành có vườn thượng uyển của vua Tịnh Phạn, được gọi là Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Phu nhân Ma Da vào hồ tắm gội, rồi đi ra khỏi hồ khoảng hai mươi bước, dùng tay nắm cành cây Vô Ưu, hướng mặt về phía đông mà hạ sanh thái tử. Thái tử vừa đản sanh liền đi bảy bước. Hai long vương (hiện thân) phun nước gội tắm thân thái tử. Nơi đó vẫn còn có một giếng nước mà hiện nay chúng tăng thường đến lấy uống.

Chư Phật có bốn nơi thường định, tức là nơi thành đạo, nơi chuyển pháp luân, nơi thuyết pháp hàng phục ngoại đạo, nơi xuống sau khi thăng lên cung trời Ðao Lợi để thuyết pháp cho người mẹ. Ngoài ra còn những nơi kỳ dị mà Phật thường tùy thời mà thị hiện.

Nước Ca Tỳ La Vệ hoang dã, dân chúng sống rải rác. Người bộ hành thường sợ voi trắng và sư tử hoang nên chẳng dám đi lang thang.

Chương XXIII. Vương quốc Lam Mạc (Râma) và ngôi tháp. [^]

Từ nơi Phật đản sanh, chúng tôi đi về hướng đông năm do tuần thì gặp nước Lam Mạc(1). Quốc vương nước này được một phần xá lợi của Phật(2). Khi trở về nước nhà vua cho xây tháp thờ cúng dường, được gọi là tháp Lam Mạc. Cạnh tháp có một hồ nước. Trong hồ có một con rồng thường thủ hộ và ngày đêm cúng dường ngôi tháp đó. Vua A Dục xuất thế, muốn phá tám cái tháp lớn thờ xá lợi của Phật để làm tám mươi bốn ngàn ngôi tháp khác(3). Phá được bảy ngôi tháp xong, nhà vua lại muốn phá tháp đó. Rồng liền hiện thân, đưa vua A Dục xuống long cung và thiết đãi yến tiệc. Thiết đãi xong, long vương bảo vua A Dục:

- Ðồ cúng dường của Ðại Vương nếu nhiều hơn những đồ cúng dường này thì Ngài có thể phá tháp xá lợi đó được, và tôi sẽ không tranh với Ngài đâu.

Vua A Dục biết những đồ vật cúng dường đó, trên thế gian này không sao sánh bằng, nên đành trở về (mà không dám phá ngôi tháp đó). Sau này, nơi đó hoang vắng, cỏ cây mọc um sùm, không ai quét dọn. Song, có một đàn voi dùng vòi hút nước, quét dọn nơi đó và ngắt bao loại hương hoa, mang đến cúng dường tháp đó. Một đạo nhân ở vương quốc khác đến muốn lễ bái tháp, nhưng thấy đàn voi thì sợ hãi, nên núp sau những gốc cây mà quan sát. Ông thấy đàn voi cúng dường tháp xá lợi đúng như pháp, nên rất cảm động buồn thương mà suy nghĩ rằng nơi đây đáng lẽ phải có một ngôi tăng già lam để cúng dường tháp xá lợi. Ngược lại chỉ có đàn voi lo việc quét dọn. Vì vậy đạo nhân đó liền xả đại giới(4), chỉ nguyện làm sa di, tự tay nhổ cỏ dại cây hoang, sang bằng đất đai, khiến nơi đó được khang trang sạch sẽ, rồi khuyên quốc vương xây ngôi già lam, làm nơi trụ xứ cho chư tăng. Xong xuôi, ông làm trụ trì ngôi chùa đó mà hiện tại vẫn còn tăng chúng trú ở. Việc này chỉ mới xảy ra gần đây, nhưng từ đó đến nay, vị trụ trì trong chùa đều là sa di cả.

Chương XXIV. Nơi Phật xả báo thân và nơi Ngài nhập niết bàn. [^]

Cách đó bốn do tuần về hướng đông là tháp thờ nơi thái tử bảo Xa Nặc cỡi ngựa trắng(1) trở về vương thành.

Từ đó đi về hướng đông bốn do tuần, chúng tôi đến Thán Tháp(2); nơi đó cũng có một ngôi tăng già lam.

Lại đi về hướng đông mười hai do tuần, chúng tôi đến thành Câu Di Na Ðề(3). Phía bắc của thành có cây song thọ bên cạnh bờ sông Ni Liên Thiền. Nơi đây, đức Thế Tôn nằm xoay đầu về hướng bắc mà nhập niết bàn, cũng là nơi ông Tu Bạt(4), đệ tử cuối cùng của Phật, đắc đạo A La Hán. Nơi chư đệ tử cúng dường kim quan đức Thế Tôn trong bảy ngày đêm(5), nơi Kim Cang Lực Sĩ phóng kim xử (chày bằng vàng), nơi tám quốc vương phân chia xá lợi Phật(6), mỗi mỗi đều có tháp thờ và có các ngôi tăng già lam, mà đến ngày nay vẫn còn.

Nhân dân trong thành sống thưa thớt rải rác, chỉ có vài tăng sĩ và dăm ba gia đình.

Từ đó chúng tôi đi về hướng đông nam mười hai dặm, đến nơi các người dòng họ Lệ Xa(7) muốn Phật nhập niết bàn mà Phật không khứng chịu, nên họ quyến luyến quá lắm không chịu bỏ đi. Phật liền hóa ra một cái hồ sâu, khiến họ không thể lội qua được. Phật lại đưa cho họ bình bát làm chứng tín, thì họ mới chịu trở về nhà. Nơi đó có một cây cột trụ bằng đá, ghi lại những sự kiện về việc này.

Chương XXV. Tỳ Xá Ly. Tháp Phóng Cung Trượng. Pháp hội kết tập kinh điển tại thành Tỳ Xá Ly (Vaisali). [^]

Từ đó chúng tôi đi về hướng đông mười do tuần đến nước Tỳ Xá Ly. Phía bắc của thành này có một khu rừng lớn bao trùm một tịnh xá hai tầng, là nơi Phật thường trú ở, cùng có tháp thờ phân nửa thân của tôn giả A Nan. Trong thành có tháp thờ Phật do bà Am Bà La(1) xây cất đến nay vẫn còn. Cách thành ba dặm về phía nam, ở hướng tây trên đường lộ là nơi mà bà Am Bà La cúng dường ngôi vườn của mình để làm trụ xứ cho Phật. Lúc Phật sắp nhập niết bàn, Ngài cùng chư đệ tử đi ra khỏi cổng phía tây của thành Tỳ Xá Ly. Ngài xoay thân qua bên phải nhìn trở lại thành này rồi bảo chư đệ tử:

- Ðây là nơi Ta đến cuối cùng nhất.

Người sau lập tháp thờ nơi đây. Cách thành ba dặm về hướng tây bắc có một ngôi tháp tên là Phóng Cung Trượng. Câu chuyện xảy như thế này: Dọc theo sông Hằng có một vương quốc. Tiểu phu nhân của quốc vương đó sanh hạ một bọc bào thai. Bà đại phu nhân thấy thế nên ghen ghét bảo:

- Ngươi sanh quái vật không lành.

Nói xong, bà ta liền bỏ bọc bào thai vào một cái hộp gỗ rồi thả trôi trên nước sông Hằng. Cùng lúc, tại vùng hạ lưu, một ông vua nọ đang đi dạo chơi, thấy trên dòng sông có một hộp gỗ, nên sai quân vớt lên. Khi mở ra, ông thấy một ngàn đứa bé đều có dáng hình đoan chánh, diện mạo thù đặc khác nhau. Vua bèn mang về cung nuôi dưỡng cho đến trưởng thành. Lúc trưởng thành, thân họ dũng kiện và thường đi chinh phạt mà không khi nào thất trận. Lần hồi, họ tiến đánh nước của vua cha mình. Nhà vua nước đó rất ưu sầu lo lắng. Tiểu phu nhân thấy vậy liền hỏi nhà vua rằng tại sao quá ưu sầu. Vua bảo:

- Vuơng quốc kia có một ngàn hoàng tử dũng kiện không ai sánh bằng. Nay họ muốn tiến chiếm vương quốc này, nên Ta mới buồn rầu lo lắng.

Tiểu phu nhân nghe thế liền bảo:

- Vương chớ ưu sầu. Hãy cho cất một cái lầu cao nơi thành phía đông. Khi quân địch tới, thiếp sẽ lên trên đó tìm cách trị chúng.

Vua nghe thế liền làm theo lời của tiểu phu nhân. Khi quân địch đến, tiểu phu nhân đứng trên lầu cao bảo quân giặc:

- Các ngươi là con của ta, sao lại dám phản nghịch.

Họ hỏi:

- Bà là ai mà dám bảo là mẹ của chúng ta?

- Nếu các ngươi không tin, hãy cùng nhau hướng về phía Ta và mở miệng to ra.

Tiểu phu nhân liền dùng hai tay vắt hai vú, khiến sữa chảy ra thành năm trăm dòng, đồng chảy đầy vào miệng của ngàn hoàng tử. Biết bà chính mẹ ruột, một ngàn hoàng tử liền bỏ cung tên gươm giáo xuống. Thấy việc này, hai phụ vương đồng tư duy, đắc quả Bích Chi Phật. Tháp thờ hai vị Bích Chi Phật hiện nay cũng còn nơi đó.

Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn chỉ cho chư đệ tử nơi Ngài đã từng bỏ cung kiếm(2). Người sau biết được việc này nên xây tháp thờ tại đó, nên mới có tên là Phóng Cung Trượng. Một ngàn hoàng tử tức là một ngàn vị Phật trong đời hiền kiếp(3).

Cạnh tháp Phóng Cung Trượng, Phật xả bỏ báo thân, nên bảo tôn giả A Nan:

- Sau ba tháng, Ta sẽ nhập niết bàn.

Ma vương(4) che mờ tâm tánh của A Nan, khiến Tôn Giả chẳng thỉnh Phật trụ lại thế gian.

Từ nơi đó đi về hướng đông ba bốn dặm có một ngôi tháp. Sau Phật nhập niết bàn một trăm năm, chư tỳ kheo tại Tỳ Xá Ly phạm mười giới hạnh, rồi bảo rằng Phật cho phép được như thế. Ðương thời có khoảng bảy trăm chư A La Hán và các tỳ kheo trì giới thanh tịnh cùng nhau kiểm khảo luật tạng(5). Người sau nhân việc đó mà lập tháp nơi đây, cho đến hiện tại vẫn còn.

Chương XXVI. Kỳ tích nhập diệt của tôn giả A Nan. [^]

Từ đó đi về hướng đông bốn do tuần đến chỗ hợp lưu của năm dòng sông. Tôn giả A Nan đi từ nước Ma Kiệt Ðà(1) đến nước Tỳ Xá Ly rồi muốn nhập niết bàn nơi đó. Nhờ chư thiên mách bảo, vua A Xà Thế(2) bèn tự xa giá cùng tướng sĩ chạy đuổi theo đến thượng nguồn dòng sông. Song song, các người dòng Lệ Xa ở Tỳ Xá Ly nghe tôn giả A Nan đến, nên cũng ra nghinh đón, đồng tới thượng nguồn dòng sông. Tôn giả A Nan tự suy nghĩ:

- Tiến lên phía trước thì vua A Xà Thế giận mình. Ði ngược về phía sau thì người Lệ Xa oán mình.

Vì vậy, ngay giữa dòng sông tôn giả dùng ngọn lửa tam muội thiêu thân nhập niết bàn, rồi phân thân thành hai phần, để mỗi phần trôi vào hai bên bờ sông. Thế nên, hai vị vua đều được nửa thân phần xá lợi của tôn giả A Nan, nên đem về và lập tháp thờ tại vương thành.

Chương XXVII. Ấp Ba Liên Phất (Pâtaliputtra) ở vương quốc Ma Kiệt Ðà. Cung điện thần của vua A Dục (Asoka). Phật tử bà la môn. La Thái Hoằng Mê (Râdhasâmi). Trạm xá phúc đức. [^]

Vượt qua sông, tôi đi xuôi về hướng nam một do tuần, đến ấp Ba Liên Phất(1) tại vương quốc Ma Kiệt Ðà, vốn là nơi vua A Dục(2) đã từng trị vì. Nhà vua đã từng khiến quỷ thần hóa hiện cung điện này ngay trong vương thành. Từng lớp đá xếp chồng nhau làm vách thành và cổng thành; nghệ thuật điêu khắc chạm trổ rất tinh vi mà thế nhân không ai có thể làm được; hiện nay vẫn còn tồn tại.

Em của vua A Dục sau khi đắc quả A La Hán trú trong núi Giả Ðồ Quật(3), chí chỉ thích sống an lạc nhàn tịnh trong đó. Vua A Dục vì tâm cung kính nên muốn thỉnh Ngài vào cung để cúng dường. Song, vì chỉ thích cảnh an lạc của núi rừng, nên vị A La Hán đó không thọ nhận lời cung thỉnh. Nhà vua liền bảo:

- Ngài chỉ việc nhận lời thỉnh mời thôi. Tôi sẽ xây núi trong thành này.

Sau đó, nhà vua liền thiết dọn đầy đủ thức ăn nước uống, rồi triệu vời chư quỷ thần, bảo:

- Ngày mai xin mời chư vị hãy vào thành thọ trai. Song, vì không có chiếu, nên phiền các ngài tự đem ghế đến.

Hôm sau, chư đại quỷ thần mỗi vị đều đem một tảng đá vuông lớn, rộng khoảng bốn năm bộ. Khi chư quỷ thần ngồi xuống xong, nhà vua chỉ bảo họ sắp chồng thành một ngọn đồi lớn. Dưới chân đồi, nhà vua lại bảo họ sắp năm tảng đá lớn làm một thạch thất, dài ba trượng, rộng hai trượng, cao hơn một trượng.

Trong thành có một người dòng bà la môn, tu học theo phái đại thừa, tên là La Thái Hoằng Mê, thông minh đảnh ngộ đa trí, hiểu biết mọi sự, tự sống đời thanh tịnh. Nhà vua tôn kính như ông như bậc thầy. Nếu đến gặp gỡ để thỉnh vấn đàm đạo, nhà vua không dám ngồi ngang hàng với ông ta. Vài lần, nhà vua vì tâm ái kính nên nắm tay ông ta. Nhà vua vừa thả tay ra, ông bà la môn này liền đi rửa tay. Tuổi tác ông ta ngoài năm mươi. Dân chúng trong nước ai ai cũng đều tôn trọng kính ngưỡng. Lại nữa, nhờ ông ta hoằng tuyên Phật pháp mà bọn ngoại đạo không thể làm quấy rầy tăng chúng.

Bên cạnh tháp của vua A Dục, một ngôi Ma Ha Diễn tăng già lam được kiến thiết, rất oai nghiêm mỹ lệ. Vùng đó lại có một ngôi chùa của phái tiểu thừa. Tổng cộng, có khoảng sáu bảy trăm tăng sĩ trong hai ngôi chùa đó. Giới luật oai nghi của chư tăng nơi đó rất tinh nghiêm cẩn mật.

Bốn phương đại đức cao tăng cùng các vị học giả, nếu muốn cầu nghĩa lý, đều đi đến hai ngôi chùa đó mà tu học. Trong chùa có một bà la môn, diễn giảng chánh pháp như sư tử rống, tên là Văn Thù Sư Lợi(4), đều được chư đại đức cao tăng cùng chư tỳ kheo tu phái đại thừa trong nước tôn sùng cung ngưỡng.

So với các quốc gia thành ấp ở Trung Quốc, tức trung Thiên Trúc, thì quốc thành tụ lạc nơi đây lớn hơn nhiều. Nhân dân giàu sang, sống đời sung túc an nhàn. Họ đua nhau hành việc nhân nghĩa. Mỗi năm họ thường tổ chức lễ 'Hành Thánh Tượng' vào mồng tám tháng hai. Họ làm xe bốn bánh và dùng tre kết thành năm tầng lầu, cao hơn hai trượng, hình dạng như ngôi tháp. Lụa trắng nhu nhuyến được quấn quanh xe, rồi họ tô vẽ nhiều màu sắc rực rỡ. Họ lại làm hình tượng chư thiên, rồi trang hoàng bằng vàng bạc lưu ly. Bên trên có treo tràng phan bảo cái. Bốn bên xe họ làm bốn cái kham, đều có tượng Phật ngồi trong đó và có tượng Bồ Tát đứng hầu. Họ làm khoảng mười hai chiếc xe. Mỗi chiếc được trang hoàng màu sắc khác nhau. Vào ngày đó, người tu hành và kẻ tục trong các vùng xung quanh đều tụ hội, cùng có những kẻ hát xướng ca vũ, dâng hương cúng dường. Các bà la môn đến, cung thỉnh tượng Phật vào thành theo thứ lớp trong hai ngày. Họ thắp đèn suốt đêm và ca múa hát xướng cúng dường. Lễ này cũng được tổ chức tại khắp các vuơng quốc khác. Tại các vương quốc đó, trưởng giả và cư sĩ thường lập trạm xá phúc đức (tức bố thí tiền tài vật dụng) y dược (bố thí thuốc men) trong đô thành. Những người nghèo nàn, cô độc, tàn tật, bệnh hoạn đều đến những trạm xá đó thì được cung cấp bao loại đồ đạc như thức ăn nước uống, thuốc thang cần dùng tùy theo nhu cầu. Nơi đó có thầy thuốc khám bịnh. Ðược cung cấp đầy đủ rồi thì họ liền đi nơi khác.

Sau khi phá bảy ngôi tháp xá lợi để xây cất thành tám mươi bốn ngàn ngôi tháp khác, vua A Dục kiến thiết ngôi tháp đầu tiên rất lớn và được đặt cách thành phía nam hơn ba dặm. Trước mặt tiền của ngôi tháp có dấu chân Phật và một tịnh xá được xây cất nơi đó. Cửa của tịnh xá hướng về phía bắc. Phía nam của ngôi tháp có một trụ đá, chu vi khoảng một trượng tư, cao hơn ba trượng, bên trên có khắc ghi: "A Dục vương bố thí tiền tài cho bốn phương tăng chúng ở cõi Diêm Phù Ðề. Sau đó chuộc lại ba lần."

Cách ngôi tháp về phía bắc khoảng ba bốn trăm bước, xưa kia vua A Dục đã từng xây thành Ni Lê. Trong thành Ni Lê có trụ đá, cũng cao hơn ba trượng. Trên trụ đá có tượng sư tử và có ghi lại nhân duyên cùng niên lịch ngày tháng xây thành Ni Lê.

Chương XXVIII. Thành Vương Xá (Râjagriha), xưa và nay. Truyền thuyết và nhân duyên liên hệ. [^]

Từ đó đi về hướng đông nam chín do tuần thì đến một ngọn đồi đá trụi nhỏ(1). Trên ngọn đồi đó có một thạch thất. Cửa thạch thất này xoay về phía nam. Phật đã từng ngồi thiền trên đó. Thiên Ðế Thích dẫn thần nhạc Bàn Giá(2) trương cầm nhạc đến nơi Phật ngồi thiền để ca múa hát xướng. Kế đến, Thiên Ðế Thích lại hỏi vấn Phật bốn mươi hai việc và dùng ngón tay lần từng câu hỏi(3). Dấu ngón tay của Thiên Ðế Thích vẫn còn cho đến hiện tại. Nơi đó cũng có một ngôi tăng già lam.

Từ đó đi về hướng tây nam khoảng một do tuần thì đến thôn Na La, vốn là nơi đản sanh của tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả Xá Lợi Phất cũng trở lại nơi này mà nhập niết bàn. Nơi đó có một ngôi tháp, hiện tại vẫn còn.

Từ đó đi về hướng tây một do tuần, đến tân thành Vương Xá(4). Cung thành này do vua A Xà Thế xây cất. Bên trong có hai ngôi tăng già lam. Ra khỏi cổng thành phía tây ba trăm bước là nơi vua A Xà Thế được một phần xá lợi của Phật và xây tháp cúng dường. Ngôi tháp đó cao ráo trang nghiêm tráng lệ. Ra khỏi thành phía nam, đi về hướng nam bốn dặm, tiến vào một vùng thung lũng, rồi tới năm ngọn đồi. Hình dáng năm ngọn đồi nối kết xoay vần với nhau giống như thành quách. Nơi đây là cung thành của vua Tần Bà Sa La thuở xưa. Chiều dài của cung thành từ đông sang tây khoảng năm sáu dặm, và từ nam đến bắc khoảng bảy tám dặm. Nơi tôn giả Xá Lợi Phất gặp tỳ kheo Mã Thắng(5), nơi bọn Ni Kiền Tử(6) đào hầm lửa rồi mời Phật ăn cơm tẩm thuốc độc, nơi vua A Xà Thế thả voi say để hại Phật, nơi ông Kỳ Cựu (7) xây tịnh xá trong vườn của Am Bà La rồi thỉnh Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ kheo đến cúng dường, mỗi mỗi đều còn, nhưng vương thành hoang vắng, không có người trú ở.

Chương XXIX. Ngọn núi Giả Ðà Quật (Gridhra-kuta) và truyền thuyết. Ngài Pháp Hiển trú lại qua đêm nơi đó và quán tưởng. [^]

Vào thung lũng, đi ngang núi tiến lên phía đông nam hơn mười lăm dặm, đến dãy núi Giả Ðồ Quật (hay Linh Thứu). Cách đỉnh núi ba dặm có một hang đá, mặt tiền hướng về phía nam, vốn là nơi Phật đã từng ngồi thiền. Cách ba mươi bước về hướng tây bắc là hang đá mà tôn giả A Nan đã từng ngồi thiền. Thiên ma Ba Tuần(1) hóa thành con chim kên to lớn, bay đến trước cửa hang, khiến tôn giả A Nan sợ hãi. Phật dùng lực thần túc vói tay xuyên đá vỗ vai A Nan, khiến Tôn Giả hết sợ hãi. Dấu chân của chim kên và lằn nứt cũng còn hiện hữu, nên được gọi là núi Ðiểu Thứu Quật(2).

Trước hang là nơi bốn vị Phật trong đời quá khứ thường ngồi thiền. Ngoài ra, còn có vài trăm hang đá của chư A La Hán thường ngồi thiền. Trước hang đá của mình, Phật thường đi kinh hành qua lại đông tây. Ðề Bà Ðạt Ða đứng trên chót núi phía bẳc, xô tảng đá lớn xuống làm ngón chân Phật bị thương. Tảng đá đó vẫn còn(3).

Pháp đường Phật thường thuyết giảng đã bị hư hoại, chỉ còn nền gạch. Ngọn núi này rất hùng vĩ đoan nghiêm, là nơi cao nhất của năm ngọn núi. Nơi tân thành Vương Xá, tôi mua hương, hoa, dầu, đèn, rồi nhờ hai vị tỳ kheo thường trụ nơi đó mang giùm lên núi Giả Ðồ Quật. Lên đó, tôi bèn cúng dường hương hoa và đốt đèn nến suốt đêm. Nơi đó, tôi chợt cảm giác bi thương, rơi lệ tự bảo:

- Xưa kia Phật đã từng thuyết kinh Lăng Nghiêm tại đây. Pháp Hiển sanh ra không gặp được Phật, chỉ thấy dấu chân và di tích thuở sanh tiền của đức Thế Tôn mà thôi.

Thế nên, nơi hang đá, tôi tụng kinh Lăng Nghiêm, và trú lại đó qua một đêm(4), rồi trở lại Tân Thành.

Chương XXX. Ðộng Xa Ðế (Srataparna), hay hang động của chư A La Hán kết tập kinh tạng lần thứ nhất. Truyền Thuyết. Tỳ kheo tự sát. [^]

Ra khỏi Cựu Thành đi về hướng bắc hơn ba trăm bước, tại phía tây đường lộ là tịnh xá vườn trúc Ca Lan Ðà(1) (tức tịnh xá Trúc Lâm), hiện nay vẫn còn tăng chúng quét dọn.

Phía bắc tịnh xá hai ba dặm có Thi Ma Xa Na(Smasânam), Tàu dịch là nghĩa địa liệng thây chết.

Ði ngang qua phía nam của ngọn núi, hướng về phía tây ba trăm bước có một hang động, được gọi là Bình Ba La Quật (Pippala), và vốn là nơi Phật thường tọa thiền sau buổi thọ trai.

Lại đi về hướng tây năm sáu dặm, trong bóng của ngọn núi ở phía bắc có một hang đá mang tên Xa Ðế. Phật vừa nhập niết bàn, năm trăm vị A La Hán kiết tập kinh điển trong đó. Lúc kiết tập, đem kinh ra (2), bày bố ba tòa cao, trang hoàng nghiêm sức. Tôn giả Xá Lợi Phất ngồi bên trái(3). Tôn giả Mục Kiền Liên ngồi bên phải(4). Trong số năm trăm có thiếu tôn giả A Nan. Tôn giả Ðại Ca Diếp làm bậc thượng thủ và ngồi trên tòa chính giữa. Khi ấy, A Nan ở bên ngoài cửa, không thể vào được(5). Nơi đó hiện có tháp thờ cho đến bây giờ.

Chung quanh núi cũng có các hang đá của chư A La Hán ngồi thiền rất nhiều.

Rời khỏi Cựu Thành ở phía bắc, đi về hướng đông ba dặm thì gặp hang đá của Ðề Bà Ðạt Ða. Ði khỏi nơi đó năm mươi bước có một tảng đá vuông đen lớn. Tại đó, vào thuở xưa có một vị tỳ kheo đi kinh hành, suy nghĩ thân này vô thường, khổ, không, rồi đắc được bất tịnh quán, nên nhàm chán thân này, bèn cầm dao muốn tự sát, nhưng lại nhớ Thế Tôn chế giới không được tự sát(6). Thầy lại suy nghĩ:

- Tuy vậy, hôm nay mình giết ba nọc độc(7).

Thế nên, trong tức khắc, Thầy lấy dao cắt cổ tự vẫn. Dao vừa chạm đến da thịt thì Thầy đắc quả Tu Ðà Hoàn(8). Dao cắt phân nửa cổ thì đắc quả A Na Hàm(9). Cổ vừa đứt đoạn thì Thầy chứng quả A La Hán, nhập niết bàn.

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối