Tào Khê
Vào đời Lương, có một vị Phạm Tăng từ Ấn Ðộ sang, pháp hiệu là tam tạng pháp sư Trí Dược. Vị Phạm Tăng này đã từng nói với dân chúng địa phương vùng Tào Khê:" Nơi đây phải nên kiến lập một ngôi phạm sát. Trong vòng một trăm sáu mươi năm, sẽ có nhục thân Bồ Tát đến đây hoằng pháp. Các vị hãy nên hậu đãi vị đó."
Ngôi chùa được xây sớm nhất vào thời đó là chùa Bảo Lâm. Minh triều sơ niên, chùa Bảo Lâm được gọi là chùa Nam Hoa.
Tào Khê tuy là Tổ Ðình của Thiền tông, nhưng sau đời tổ Huệ Năng, Thiền tông phân thành năm phái. Tự viện tại Tào Khê dần dần bị bỏ hoang. Tự viện tuy lớn, nhưng đa số không có tăng sĩ cư trú, duy chỉ có thầy phương trượng và vị hương đăng lo việc hương khói. Không lạ gì việc dân chúng đến chiếm cứ phòng ốc đất đai mà tăng sĩ không ai có thể quản chế. Trước khi Ngài đến, tại Tào Khê, bên ngoài tuy còn hình dáng chùa chiền, nhưng nội dung bên trong lại biến thái thậm tệ.
Ðất đai chung quanh chùa được tăng sĩ khai khẩn trồng trọt cày cấy và họ không trú trong tự viện mà thường sống bên ngoài nông trại như dân thường. Ðến niên hiệu Hoằng Chánh, dân chúng bị nạn hạn hán thất mùa ở những nơi khác, tìm đến lập nghiệp tại Tào Khê. Họ bắt đầu làm thuê và sống chung với tăng sĩ. Tăng sĩ cũng làm ăn như dân dã. Thế nên, dần dà không biết tài sản điền địa ở đó thuộc về ai, tăng sĩ hay cư dân. Chu vi chùa Nam Hoa từ từ bị dân chúng chiếm lấy để xây dựng nhà cửa, mở mang chợ búa. Thế nên, Tào Khê không còn là đạo tràng thanh tịnh của Phật Tổ như xưa.
Ðến đời của ngài Hám Sơn, Tào Khê không còn là linh địa của thiền tông. Tự viện nơi đó biến thành nhà cửa làng xóm chợ búa của dân thường. Tăng sĩ thường bị dân chúng khinh khi. Nhìn thấy cảnh trạng đó, Ngài rất đau lòng chua xót. Lần đầu đến Tàu Khê, Ngài tự nhủ là sẽ quyết tâm trùng tu, khôi phục lại ngôi Tổ Ðình.
Lần thứ hai đến Tào Khê vào năm năm mươi sáu tuổi, Ngài miêu tả Tào Khê như sau:" Thấy phía đông chùa có bọn du đãng tụ tập tại sơn môn, mở quán rượu thịt, thật rất bẩn thỉu. Việc này đã kéo dài hơn một trăm năm. Trong và ngoài chùa đều dơ bẩn. Ngọn núi xây tháp thờ Tổ Sư bị các băng đãng chiếm làm nghĩa địa. Ðất của tăng chúng bị phân chia. Các du đãng lập kế thông đồng với các địa chủ bên ngoài, đánh lừa và dọa nạt, khiến những vị tăng còn lại trong chùa không dám thưa kiện. Các địa chủ trong vùng dùng thủ đoạn xảo thuật xâm chiếm tài sản điền địa của tăng sĩ. Họ còn thông đồng với quan lại địa phương để đuổi các tăng sĩ ra khỏi núi."
Ðến Tào Khê, nhìn thấy hiện trạng suy đồi này, Ngài tự nghĩ là một mình không có cách gì để phục hưng lại Tổ đình thiền tông. Vì thế, Ngài chỉ còn cách là đi cầu sự giúp đỡ của quan triều. Trong quan phủ có nhiều vị tin tưởng Phật pháp, nên rất thương hại cho tăng sĩ. Các đại quan như Trần Ðại Liệu, Chu Hải Môn, Chúc Tinh Tồn, Ðái Diệu đều hy vọng là Ngài sẽ chấn chỉnh lại linh khí Tào Khê. Quan sử Nam Thiều Chúc Tinh Tồn rất có cảm tình với Tào Khê. Khi Ngài vào núi chấn chỉnh đạo tràng Tào Khê, ông giúp đỡ nhiệt tình.
Sau khi Ngài giải nạn cho đại tướng quân, thống đốc Ðái Diệu thấy Ngài là một người rất có tài cán, nên thiết đãi Ngài trọng hậu hầu mong Ngài sẽ phục vụ và giúp đỡ ông ta giải quyết những vấn đề khó khăn. Do Ngài muốn ẩn cư tu hành, không thích giao du qua lại mật thiết với quan lại vì sợ sẽ tự chiêu họa, nên từ chối lời thỉnh mời của Ðái Diệu.
Lần này Ngài đến nhờ sự giúp đỡ, ông ta lập tức hạ lịnh cho quan huyện địa phương tự thân dẫn quân đến Tào Khê. Trong vòng ba ngày, cư dân du đãng cưỡng chiếm đất đai điền sản của chùa đều dời đi nơi khác. Từ đó, tăng chúng trong chùa Nam Hoa tại Tào Khê dọn dẹp sạch sẽ tất cả dơ bẩn tích tụ trong bao năm.
Sau đó, Ngài liền sửa sang quán rượu thịt lại thành tịnh xá cho khách lên núi lễ Phật nghỉ ngơi. Nơi phía đông chùa, Ngài lập lữ quán cho quan lại lên núi nghỉ chân. Từ từ, Ngài trùng hưng chấn chỉnh lại đạo tràng Phật Tổ.
Biết Ngài đã chấn chỉnh xong Tào Khê, thống đốc Ðái Diệu thiết đãi buổi cơm chay và cùng Ngài đàm luận. Thống đốc bảo: "Tôi đã giúp Ngài dọn dẹp sạch sẽ rác rưới tại Tào Khê rồi. Trước mắt sanh linh đang bị lầm than. Xin Ngài hãy từ bi cứu hộ."
Ngài hỏi: "Việc gì thế ?"
Thống đốc nói:" Ðại Sư có biết hoàng thượng phái quan sử đến đây trông coi việc mò ngọc trai không ?"
Ngài đáp:" Vâng, ai ai cũng biết hoàng thượng phái quan sử đến đây trông coi việc mò ngọc trai. Không biết đại nhân muốn chỉ giáo điều gì ?"
Thống đốc nói:" Việc thứ nhất là thuyền bè mò ngọc trai có hàng ngàn chiếc. Song, những người lợi dụng hành nghề mò ngọc trai trên những chiếc thuyền này vốn là hải tặc; chúng giết người cướp của trên biển cả, gây bao việc hung ác. Hiện tại, những chiếc thuyền này lợi dụng việc cho phép mò ngọc trai của triều đình, nên lại hoành hành hơn trước. Ngày không mò ngọc trai, chúng không trở về nhà mà ở trên biển hoành hành cướp bóc, không coi pháp luật ra gì. Quan quân cũng không có biện pháp gì để ngăn chận. Ngư phủ trong vùng không dám ra biển đánh cá.
Việc thứ hai là nhiều quặng mõ bị đào xới. Các thợ đào mõ rất hung hăn. Những ngôi mộ bị đào xới và nhà cửa dân chúng bị phá vỡ. Mọi nơi, dân chúng đều là nạn nhân của những sự phá hoại này. Họ không thể sống an lành được. Vậy phải làm thế nào ?"
Ngài đáp: "Những việc này không phải giải quyết dễ dàng."
Duyên lành may mắn, quan họ Lê trông coi việc mò ngọc trai và đào mỏ lại là Phật tử có tín tâm. Nghe tin Ngài đang trùng hưng pháp đuờng tại Tào Khê, ông ta đến đó lễ bái nhục thân Lục Tổ và lưu lại chùa vài ngày để nghe giảng kinh thuyết pháp. Nhân dịp này, Ngài khuyến khích ông ta cúng dường tiền để trùng hưng lại Tổ Ðường. Quan họ Lê đáp ứng rất nhiệt tình. Ngài cùng ông ta đàm luận cả vài ngày. Hôm nọ, biết thời cơ đã chín mùi, Ngài bảo:" Bần tăng có việc rất khó giải quyết, không biết đại nhân có thể giúp được không ?"
Ông đáp:" Xin Ðại Sư cứ nói."
Ngài bảo:" Bần tăng nghe nói những chiếc thuyền mò ngọc trai khi hết hạn lại không chịu trở về bến mà ở tại biển hoành hành cướp bóc. Ðối với việc này, đại nhân có biết đến chăng ?"
Ông hỏi:" Ðại sư ở tại chùa thì làm sao biết đến những việc này ?"
Ngài đáp:" Hiện tại bá tánh đang khổ sở vì bọn hải tặc hoành hành. Dân chúng ta thán oán hận đằng đằng. Chư Phật từ bi, làm sao không biết đến ?"
Ông nói:" Việc mò ngọc trai là ý chỉ của hoàng thượng. Nếu như dân chúng có oán trách, tại hạ cũng không cách gì để giải quyết."
Ngài nói:" Bần tăng có lời đề nghị là xin đại nhân hãy ra lịnh cho những chiếc thuyền mò ngọc trai phải trở về bến sau khi đã mãn hạn. Ngược lại, nếu ở trên biển quá thời hạn thì phải bị triều đình trừng phạt. Việc này đâu có trái ngược với thánh chỉ của hoàng thượng !"
Ông trầm ngâm một chút rồi nói:" Ðại sư còn việc gì nữa, xin hãy nói ra !"
Ngài bảo:" Việc đào mỏ lại thường nhiễu nhương dân chúng thái quá. Xin đại nhân hãy ra lịnh ngưng đào xới hầm mỏ tại nhà cửa và phần mộ của dân chúng và trả lại đất đai cho họ. Công đức này sánh bằng bố thí ngàn muôn lượng vàng, tu tạo hàng trăm chùa viện."
Nghe lời phân trần của Ngài, quan sử họ Lê hạ lịnh giám sát và gia hạn thời gian cho các chiếc thuyền mò ngọc trai và ngưng việc đào xói nhà cửa dân chúng. Sau việc này, thống đốc Ðái Diệu rất cảm kích công ơn của Ngài, nên qua lại rất thân mật. Ông trở thành một vị đại hộ pháp, luôn trợ giúp Ngài trong công việc khai núi kiến tự, đào suối sửa đường, tuyển tăng thọ giới, khai đường thu đệ tử tại Tào Khê. Trong vòng một năm, Ngài an tâm ở lại Tào Khê, phục hưng thanh thế đạo tràng thiền tông.
Tại Tào Khê, Ngài khai khẩn đất hoang, sửa đổi phong thủy của đường lộ, (theo ý Ngài thì sự suy đồi của thiền tông tại Tào Khê một phần do sự mất đi hình thể chính của núi. Vì thế, Ngài sửa chữa lại đường lộ để bảo tồn linh khí của núi, tức hình thể Long Tượng), tuyển trạch tăng sĩ, lập đàn truyền giới, mở trường nghĩa học (trường học miễn phí), nuôi dưỡng Sa Di, thiết lập thanh quy, kiểm tra thuế má đất đai cho mướn, lấy lại tài sản cho tăng chúng, thâu hồi đất đai bị chiếm mất. Tất cả công việc được hoàn tất trong vòng một năm.
Năm 1602, sắp xếp công việc trùng hưng chùa chiền xong xuôi, bước kế là Ngài tuyển chọn đệ tử. Có chùa tức phải có tăng. Thế nên Ngài tuyển chọn tăng chúng trên hai mươi tuổi và dưới bốn mươi tuổi. Ngài cũng quy định tăng chúng mỗi ngày bốn thời công phu tụng kinh niệm Phật bái sám. Song, có một số tăng sĩ tuy cắt tóc vào chùa, nhưng trong tâm lại không muốn tu hành, nên không biết ý nghĩa xuất gia là gì, chỉ thích làm nghề cày cấy. Hầu mong giúp họ hiểu rõ Phật pháp, Ngài cố ra công sức dạy dỗ, nhưng thật rất khó. Ngài lại mời các nhà nho như Lương Tứ Tương, Long Chương v.v... đến dạy tứ thư, đạo lý làm người cho các chú tiểu, từ tám tuổi đến hai mươi tuổi. Sau ba năm học tập, những chú tiểu này chính thức xuất gia, trở thành đệ tử của chùa Nam Hoa.
Năm 1603, vào tháng mười một vì sự liên hệ với Ngài và vụ án Yêu Thư tại Bắc Kinh, thiền sư Ðạt Quán bị bắt bỏ tù. Khi xưa, biết không thể trốn thoát hình phạt, Ngài yên tâm chờ đợi lịnh xử án. Nhờ hoàng đế khoan hồng, nên Ngài thoát chết và được giải vào vào nam.
* Lời bàn của Phước Chưng *:
Năm đó, thiền sư Ðạt Quán ngồi thiền nhập định mà qua đời trong ngục tù. Trong quyển tự thuật ngài Hám Sơn không nhắc đến sự kiện này. Song, vài năm sau lúc tham dự buổi lễ trà tỳ nhục thân thiền sư Ðạt Quán, Ngài có viết rất nhiều bài kệ tán thán vị pháp hữu của mình và được khắc ghi trên mộ bia.)
Năm 1604, vào tháng giêng, vì việc của thiền sư Ðạt Quán, triều đình ban lịnh cho cho quan địa phương đưa Ngài về viện thẩm phán. Ngài theo lịnh triều đình, rời Tào Khê để trở về Lôi Châu. Ngài nhớ lời của thiền sư Ðạt Quán: "Kinh Lăng Nghiêm thuyết về nhân quả trong bảy loài, nhưng chưa có sách vở thế gian nào giải thích hết."
Khi đó, Ngài đáp: "Truyện Xuân Thu bàn về nhân quả rõ ràng."
Sau này Ngài viết quyển "Xuân Thu Tả Thị Tâm Pháp."
(Trong quyển sách này, Ngài nhắc nhở gián tiếp nhà vua đương thời về việc ảnh hưởng tai hại lòng tin ngu muội vào các cung tần mỹ nữ của các triều vua trước. Những cung tần mỹ nữ này là một trong những nguyên nhân chính làm sụp đổ triều đình.)
Năm 1605, vào tháng ba Ngài vượt biển đến đảo Hải Nam, nơi vùng đất tận cùng về phía nam của Minh triều. Từ xưa đến nay, đảo Hải Nam vốn là nơi lưu trú của những quan lại, tướng sĩ, học giả, đạo sĩ, tăng sĩ bất đồng chánh kiến với triều đình. Xưa kia, Tô Ðông Pha vì bất đồng ý kiến với các đại thần trong triều nên bị bãi chức và đày ra đảo Hải Nam lúc sáu mươi tuổi. Tuy cách xa cả năm trăm năm, nhưng tâm tình và hoàn cảnh của Ngài thật giống với Tô Ðông Pha. Song, so với Tô Ðông Pha, Ngài có phần phước nhiều hơn vì không bị triều đình bức bách quá đáng.
Ngài đến thăm am Quánh Lang của Tô Ðông Pha và suối Bạch Long. Ngài tìm kiếm di tích của thiền sư Giác Phạm nhưng không được. Ngài trú tại tháp viện Minh Xương và viết lời tựa cho quyển "Xuân Thu Tả Thị Tâm Pháp". Ngài đến núi Danh Sơn, viết quyển "Quỳnh Hải Tham Kỳ Ký", tức quyển sách tham tầm đảo Hải Nam, và quyển "Kim Túc Tuyền Ký", tức quyển ký sự dòng suối gạo vàng. Tại Quỳnh Châu, vào một đêm nọ Ngài ra Quận Thành ngắm cảnh trăng khuya, nhưng đột nhiên cảm thấy có điều chi lạ lùng. Ngài phát hiện núi non suối ngàn lặng lẽ mà trong thành dường như không có bóng người, duy chỉ có phía tây của Quận Thành là còn chút sinh khí. Do đó, Ngài bảo các đệ tử: "Quỳnh Thành trong tương lai sẽ có thiên tai hoạn nạn. Phải mau lễ sám cầu an."
Dân chúng trong vùng cho đó là lời huyễn hoặc nên không màng đến. Sau khi vượt biển Hải Nam trở vào đất liền khoảng nửa tháng thì một trận động đất lớn xảy ra tại Quỳnh Châu. Tất cả nhà cửa phòng ốc phía đông Quận Thành cùng cách tường và cổng thành đều bị hủy hoại. Tháp Minh Xương bị đổ sụp. Căn nhà Ngài ở khi trước, cũng bị đổ nát tan tành.
Trước đó, khi sắp trở vào đất liền tuy được các quan dân sĩ phu trong vùng cố lưu giữ, nhưng Ngài không dám ở lại. Nếu không đi, thì chắc thân Ngài đã thành tro bụi rồi. Sau trận động đất, lòng tin tưởng của họ đối với Ngài thực rất sâu đậm. Khi lênh đênh trên vịnh Hải Nam để vào đất liền, Ngài có dịp ngắm cảnh Quỳnh Hải. Ðảo Hải Nam là một trong những hòn đảo lớn nhất của nước Tàu.
Tháng tư, thống đốc họ Ðái ra lịnh cho Ngài trở về Ngũ Dương.
Tháng bảy, Ngài trở lại Tào Khê, tiếp tục công trình trùng tu chùa. Khi Ngài rời Tào Khê, những phòng ốc cũ đã được phá hủy và đang được xây dựng lại. Lúc trở về, công trình trùng tu chùa chiền đã xong khoảng bảy mươi phần trăm. Tiền công và vật liệu tốn khoảng vài ngàn đồng vàng. Số tiền này đều do Ngài đi hóa duyên mà được. Song cũng chưa đủ, nên Ngài khuyến khích hai vị quan nội sử cúng dường. Số tiền cúng dường được trả tiền nợ và cũng dùng để sửa chữa am Trường Xuân ở Ngũ Dương, làm nơi thu nhận tiền cúng dường xây dựng chùa Nam Hoa ở Tào Khê.
Tháng mười, hai thị giả Quảng-ích và Quảng Nhiếp xuất gia.