Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Ðược trả tự do


Năm 1606, vào tháng ba Ngài vượt Ðại Nhạn đến Nam Châu, thăm Ðinh Hữu Võ. Ngài đến yết kiến tướng quốc Trương Hồng Dương. Năm xưa, lúc Ngài đang bị nạn ở Bắc Kinh, tướng quốc Trương Hồng Dương đang trú tại Á Tương. Vừa nghe tin Ngài bị nạn cùng biết rõ sự tình, Trương Hồng Dương liền nỗ lực giải cứu Ngài, nhưng không thành công. Thế nên, Ngài rất cảm kích ân tình của ông ta. Biết được ông đã từ quan về hưu, nên nay Ngài đến viếng thăm ông tại nhà, cách Tào Khê không xa mấy. Gặp lại Ngài, ông rất vui mừng và mời Ngài cùng chư đệ tử đến dùng buổi cơm chay tại lữ quán Vân Lâu trên sông. Ông cũng mời các danh sĩ trong vùng đến dự buổi cơm chay đó. Trong khi dùng cơm, ông bảo: "Ai ai cũng biết ngài Hám Sơn là vị đại thiện tri thức, nhưng lại không biết Ngài có công lao rất to lớn đối với sơn hà xã tắc. (Trương Hồng Dương muốn nhắc về việc Ngài chuyển đổi pháp hội Vô Giá thành pháp hội cầu Thái Tử cho triều đình.)

Nghe thế, mọi người liền hỏi ông ta sự việc. Ông liền kể hết tự sự như công lao cầu thái tử của Ngài. Ðương thời chỉ có một mình ông ta là dám luận nghị việc này. Dân dã nếu ai dám bàn luận việc này thì sẽ bị hoạ nạn, nếu triều đình biết được. Nhờ vậy, không khí trong buổi cơm chay hoàn toàn thay đổi.

Sau đó, Ngài trở về Tào Khê. Trên đường, Ngài ghé qua Văn Giang, thăm đại quan họ Châu, rồi ở lại nơi đó vài ngày. Ngài lại đến Chương Cống, thăm tướng quân Trần Nhị Sư. Nơi đó, Ngài được ông ta giữ lại tại đại bản doanh vài ngày. Trong tháng đó, Ngài bị bịnh nhưng cũng viết được mười hai bài kệ. Sau đó, Ngài trở về Tào Khê.

Vào tháng tám, trở về Tào Khê chẳng bao lâu, Ngài nghe tin thái tử Chu Thường Lạc sanh hạ một hoàng tôn. Thế nên nhà Minh ban lệnh đại xá phạm nhân. Các phạm nhân già yếu bịnh hoạn được ân xá. Các phạm nhân bị hàm oan, vu khống có thể cầu biện minh để được phóng thích. Vì thuộc hạng thu hai, Ngài đến trình tại tại đại bản doanh. Sau khi chấp nhận lời biện minh, họ chuyển Ngài đến chính quyền địa phương ở Lôi Châu để xét xử. Nơi đó, phán quan ra lịnh phóng thích Ngài. Từ đó, Ngài không còn bị giám sát bởi quan quân, tức công khai đăng đàn giảng kinh thuyết pháp.

Tại Tào Khê, Ngài viết rất nhiều thơ, văn, ký thuật. Trong đó có bài 'Văn viết về thị giả Linh Thông và giới uống rượu.'

Theo truyền thuyết, thị giả Linh Thông vốn là hoàng tử của nước Ba Tư. Vì nghe oai danh đức độ của Lục Tổ Huệ Năng, vua nước Ba Tư sai ông cùng với năm vị đại thần qua Tàu cung thỉnh Lục Tổ đến quốc gia họ để truyền pháp. Vì đường xá xa xôi, Lục Tổ không thể đáp lời thỉnh nguyện đó. Thế nên, do muốn tu học, hoàng tử không trở về nước mà trú tại vùng phụ cận, rồi phát nguyện quy y và làm thị giả cho Lục Tổ. Ðối với Phật pháp, thị giả Linh Thông rất chân thành khẩn thiết tu học, nhưng ngặt một việc là thích uống rượu. Lục Tổ biết việc này, nhưng không trách cứ ông ta. Sau khi chết, ông được mai táng tại vùng. Biết ông hoàng tử nước Ba Tư này rất thành tâm kính phục Lục Tổ, có một vị tăng dùng đồng để đúc hình tượng ông ta và để kế bên nhục thân Lục Tổ. Tượng đồng đó giống hệt hình tượng của ông lúc còn sống. Bên trên, cũng có cái mũ mà ông thường đội. Bên dưới có cái bát mà ông thường dùng để uống rượu. Lạ thay, sau khi tạo tượng, qua ngày thứ hai, rượu ở trong bát của ông ta chợt biến thành nước, và cái mũ lại lệch qua một bên. Dân chúng trong vùng thấy thế cho là hoàng tử hiển linh biến dị.

Khi đến Tào Khê, việc thị giả Linh Thông hiển hiện uống rượu rất bất lợi cho công cuộc chấn hưng giới pháp của Ngài. Thế nên, Ngài viết bài văn về 'thị giả Linh Thông và giới uống rượu', để răn nhắc những tăng sĩ đam mê rượu chè. Từ đó, họ chân thành tiếp thọ lời giảng dạy của Ngài về giới luật.

Năm 1607, vào tháng ba Ngài xin trở về quê quán, nhưng quan môn lại ra lịnh cho quan ở Thiều Châu đưa Ngài trở lại Tào Khê. Thời gian trụ ở núi, Ngài giảng kinh thuyết pháp cho các đệ tử. Năm đó, Ngài hoàn tất chú giải quyển Ðạo Ðức Kinh.

Lúc nhỏ, Ngài đã đọc qua quyển Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử, nhưng lời văn lại cổ xưa, ý nghĩa thâm sâu. Tuy nhiên, sau này Ngài đã nghiên cứu kỹ càng và hiểu rõ ý chỉ. Vì các đệ tử cư sĩ thường thỉnh cầu Ngài chú giải quyển Ðạo Ðức Kinh này, Ngài cũng nghĩ đến chuyện đó. Ngài bắt đầu chú giải quyển Ðạo Ðức Kinh vào năm bốn mươi bảy tuổi. Mỗi khi tham tầm nghiên cứu thấu triệt rồi thì Ngài mới đặt bút viết. Nếu còn một chữ nào khả nghi, Ngài nghiên cứu đến cùng tận, quyết không bỏ sót. Ngài dụng công chú giải cả mười lăm năm. Ði đâu cũng mang theo, nên nay mới hoàn tất.

* Lời bàn của Phước Chưng *:

Ngài Hám Sơn kể lại:" Sau khi quyết định viết lời chú giải cho quyển Ðạo Ðức Kinh, tôi phải bỏ ra mười ba năm mới hoàn tất. Muốn nắm được ý của quyển sách này thì phải trải qua quá trình kinh nghiệm sống. Những chữ ghi trên giấy trắng không thể diễn đạt được hết ý nghĩa.

Những khi chú giải kinh điển, tôi đều nhập định chú tâm để xem xét, nhìn thẳng vào lời kinh, hầu mong hợp với tâm Phật. Nhờ thế, những kiến giải cá nhân và nghĩa lý chân thật tự nhiên vụt ra lập tức. Khi đó tôi mới viết xuống giấy. Nếu lạc vào suy nghĩ thì ý nghĩa chân chánh của kinh điển khó mà hiểu được.

Năm sáu mươi ba tuổi, Ngài bắt đầu trùng tu chánh điện chùa Nam Hoa. Tháng hai, quan Phùng Nguyên Thành, nhậm chức tại vùng Nhạn Tây, vốn người Giang Tây, đến thăm Ngài và ngủ qua đêm tại núi. Tối đến, ông mơ thấy đại sĩ Quán Âm hiện thân cảm ứng. Sáng hôm sau, khi lên chánh điện lễ Phật, thấy ba thánh tượng bị hư bể mục nát, ông liền hỏi Ngài: "Thưa Ðại Sư ! Hai cây cột trụ trong ngôi chánh điện của đạo tràng hùng vĩ này đang bị hư nát nghiêng ngữa, và ba tôn thánh tượng (tượng Phật A Di Ðà, Bồ Tát Quán Âm, Bồ Tát Ðại Thế Chí) cũng bị hư hoại. Tại sao Ngài chưa sửa chữa lại ?"

Ngài đáp: "Tuy có tâm muốn sửa chữa, nhưng ngặt vì rất tốn kém, mà bần tăng chỉ có hai bàn tay trắng, thì làm sao có tiền tài để làm ?"

Ông liền hỏi cần phải có bao nhiêu tiền để làm. Ngài nói rõ số tiền cần thiết. Nghe xong, ông ta bảo: "Không gì khó cả. Con sẽ cố gắng thâu góp."

Ðương thời, hải tặc ở vùng biển tỉnh Quảng Ðông nhiễu loạn dân chúng rất nhiều. Dân chúng các nơi lại liên tục khởi nghĩa. Thế nên việc chi phí cho quan quân rất tốn kém. Phùng Nguyên Thành không biết ông thống đốc họ Ðái có muốn giúp Ngài để sửa sang lại chùa chiền trong lúc này không. Song, ông vẫn phân trần tình trạng bi đát của chùa Nam Hoa cho ông thống đốc họ Ðái nghe. Nghe qua những lời này, ông thống đốc họ Ðái bảo: "Quý hóa thay ! Thấy trẻ con bị té xuống giếng, mình phải trèo xuống mà cứu, huống hồ chi thánh tích của chư Phật chư Bồ Tát nay đang bị suy đồi hiểm ngặt. Tại sao chúng ta ngồi yên mà nhìn ?"

Khi quan thống đốc họ Ðái hỏi về số tiền sửa chũa, quan Phùng Nguyên Thành liền thuật lại lời của Ngài. Nghe xong, quan thống đốc bảo: "Có thể số tiền này vẫn chưa đủ."

Quan thống đốc họ Ðái liền ra lịnh cho quan vùng Nam Thiều gởi người đến xem xét tính toán tiền sửa chữa. Ðược ông ta mời, Ngài đến kiến nghị bàn luận. Biết ông ta có ý lấy tiền từ trong công khố ra để cúng dường sửa chữa chùa chiền, Ngài bảo: "Nếu dùng của công mà xây dựng chùa thì thật bất tiện. Chỉ có sự phát tâm cúng dường xây chùa của dân chúng mới thật là y theo pháp."

Ông hỏi: "Vậy phải làm thế nào ?"

Ngài đề nghị là thống đốc nên lập ra một ủy ban cổ động dân chúng mua công phiếu cúng dường tiền sửa chữa chùa. Việc này nên giao cho quan vùng phía tây tỉnh Quảng Ðông lo liệu in mười hai quyển công phiếu. Mỗi bộ trong dinh phủ có một quyển công phiếu, được khuyến khích tùy ý cúng dường. Tất cả tiền cúng dường được thâu nhận bằng cách này và được gởi thẳng về dinh thống đốc, mà không gởi đến tăng chúng. (Qua kinh nghiệm gặp hoạn nạn do việc khuyến khích thái hậu dành dụm tiền của trong triều nội để trùng hưng chùa Từ Ân và lập chùa Hải Ấn, Ngài mới đưa ra cách này để tránh việc liên hệ rắc rối với triều đình.)

Vì cách này rất dễ dàng thực hiện, nên thống đốc họ Ðái đồng ý. Trong vòng một tháng, khoảng một ngàn đồng vàng được thâu góp. Cá nhân Ngài đi miền tây để mua gỗ. Vì sợ Ngài tuổi già sức yếu, không đủ sức lực để lo việc mua gỗ, thống đốc họ Ðái nhờ Ngài đến Ðoan Châu sửa chữa Ðài Bảo Nguyệt, (phía bắc vùng Cao Yếu, do quan Phùng Nguyên Thành bỏ tiền ra xây cất. Trong chánh điện có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm mặc y trắng), hầu mong lưu giữ Ngài lại trong tỉnh phủ. Việc mua gỗ do một quan địa phương trông lo. Mùa đông, Ðài Bảo Nguyệt được sửa chữa hoàn thành. Do đó, Ngài vận chuyển gỗ mộc về Tào Khê. Ngài có viết bài ký truyện về việc này.

Năm sáu mươi bốn tuổi, Ngài mang gỗ từ Ðoan Châu trở về Tào Khê bằng thuyền vì đương thời chưa có công lộ thuận tiện cho việc vận chuyển vật liệu. Vì gió bão nên Ngài phải ngừng tại ải Linh Dương. Sẵn dịp, Ngài du hành đến Ðoan Khê. Nơi đó, Ngài viết bài kệ "Mộng Du Ðoan Khê" (tức bài kệ du hành đến Ðoan Khê trong mộng). Khi đưa gỗ về đến Mông Giang, Ngài trở về chùa tìm người phụ giúp việc khuân vác. Việc vận chuyển gỗ cây về Tào Khê thật rất khổ nhọc. Song, lúc Ngài dự định bắt đầu sửa chữa đại điện thì có việc không may xảy ra.

Số là đương thời dân chúng theo quân khởi nghĩa ngày một đông đảo. Quân khởi nghĩa đang đánh chiếm Khâm Châu. Vốn là thống đốc tỉnh Quảng Ðông, ông Ðái Diệu phải tìm cách để bảo vệ Khâm Châu. Vì thọ ơn của ông ta trong việc khôi phục lại đạo tràng Tào Khê, mộ tiền để xây chùa chiền, Ngài phải đành xuống núi để trợ giúp ông ta bằng cách khuyên nhủ quân khởi nghĩa hãy rút quân khỏi Khâm Châu. Nghĩa binh thấy việc tấn công thành Khâm Châu thật khó khăn. Họ lại nghe những lời khuyên giải của Ngài, nên quyết định rút quân. Tuy nghĩa quân rút lui, nhưng triều đình lại bắt tội thống đốc họ Ðái bằng cách bãi chức ông ta. Mùa đông năm 1608, thống đốc Ðái Diệu bị bãi chức chính thức. Ngài không còn được sự ủng hộ của vị đại hộ pháp nữa. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc khôi phục Tào Khê của Ngài. Xưa kia, nhờ có sự trợ giúp của thống đốc họ Ðái mà Ngài dễ dàng chỉnh lý chùa chiền và tăng chúng tại Tào Khê, cùng lấy lại điền sản của tăng chúng bị cư dân tiếm chiếm. Thống đốc họ Ðái bị bãi chức chẳng bao lâu, một số tăng sĩ bắt đầu chống đối Ngài ra mặt. Ngày nọ, Ngài nhờ một ông tăng đem vật liệu ra để chuẩn bị khai công sửa chữa chánh điện. Như đổ thêm dầu vào lửa, ông tăng kia vốn bất mãn Ngài đã lâu, nay nhân dịp này mà nộ khí chửi mắng Ngài. Trong chùa cũng có một số tăng chúng phụ họa theo mà nhục mạ Ngài. Ðối với việc này, Ngài không màng chấp trước vì đã từng bị dân chúng vây đánh chửi mắng nhiều lần. Song, đối với việc sửa chữa chùa chiền, tâm Ngài rất đau đớn vì trong phút chốc công trình dự án trùng hưng Tổ đình lại biến thành tro bụi. Ngài tự nhủ:" Vì mình làm trái ngược với lời dạy của đức Phật, tức do quá chú trọng vào hình tướng nên mới thọ nạn trong kiếp này."

Những tăng sĩ bại hoại này cũng khuyến khích những người khuân vác làm loạn.

Khi họ bắt đầu làm loạn, Ngài lên chánh điện, một mình đốt hương, tụng kinh Kim Cang Bát Nhã. Lúc xưa, thường đọc tụng văn kinh, nhưng Ngài chưa hiểu rõ nghĩa. Nay tụng đọc lại, tự nhiên giải ngộ, nên Ngài chú giải quyển "Kim Cang Quyết Nghi".

Tên tuổi của Ngài tại Tào Khê tuy lớn, nhưng không có gốc rễ. Thống đốc họ Ðái vừa bị bãi chức, một số tăng sĩ bất mãn lâu nay, liên hợp với nhau để chống đối Ngài. Nơi dinh phủ họ tố cáo Ngài tham ô tiền của thường trụ tự viện khoảng tám ngàn đồng vàng. Trong dinh phủ, Ngài không còn được ai trợ giúp, nên phải tự ra đối chất. Ðối với tội trạng nào, Ngài cũng nhẫn thọ. Song, về việc tham ô tiền của chùa chiền, Ngài phải biện bạch vì rất hệ trọng đến thanh danh tăng sĩ. Do đó, Ngài trình cho phán quan tất cả sổ sách chi tiêu rõ ràng.

Vì đợi quyết định của phán quan và vì an toàn cá nhân, Ngài phải ở trên thuyền bên sông Phù Dong hai năm. Lần nọ. quan Hạng Sở Ðông, đang trấn tại ải Hiệp Quang, gởi thơ mời Ngài đến doanh trại. Ngài chèo chiếc thuyền hư giữa sóng gió, nhưng cuối cùng vẫn đến được nơi đó. Lúc đến doanh trại, Ngài bị bịnh nặng gần chết. Nhờ quan Hạng Sở Ðông mời y sĩ đến chữa trị nên Ngài đỡ phần nào. Khi trở về quận nhà, Ngài lại bị bịnh liệt giường gần cả năm trời.

Năm 1610, vào tháng bảy phán quan đến quận và chất vấn Ngài. Sau đó, ông ta bắt đầu xét xử vấn đề. Cuối cùng phán quan tuyên bố Ngài phạm tội. May mắn thay, quan Vương An Bộ vốn là bạn xưa của Ngài, cũng tham dự việc xử án. Xem qua án lệnh, Vương An Bộ viết: "Ðại sư Hám Sơn có công lớn trong việc trùng tu lại chùa Nam Hoa, tổ đình của Lục Tổ tại Tào Khê. Ðại Sư vì thường trụ mà lo xây cất, khiến cho những tăng sĩ gian xảo được lợi. Nay Ðại Sư bị kết án là phạm tội, vậy Ngài có được đối xử bình đẳng không ?"

Vì thế, đích thân Vương An Bộ ra lệnh cho quan phủ phải điều tra sự vụ rõ ràng. Ông phái quan họ Trần đến Tào Khê tra vấn những tăng sĩ trong chùa. Kết quả, quan họ Trần nhận thấy lời tố cáo của các tăng sĩ bại hoại hoàn toàn không đúng với sự thật. Vì vậy, quan phủ địa phương tin tưởng Ngài vô tội, nên thỉnh Ngài trở về Tào Khê.

Những tăng sĩ bại hoại cuối cùng phải khai rõ tội trạng. Nhờ điều tra sự kiện từng chi tiết, quan phủ biết được là những tăng sĩ bại hoại chỉ đặt điều vu khống, vô căn cứ. Họ vu khống cho Ngài là lạm dụng, lấy hơn tám ngàn đồng tiền vàng. Tuy nhiên, khi đặt Thanh Quy thọ nhận tiền cúng dường, Ngài đã lập sổ sách chi phiếu rõ ràng. Tiền bạc được nhận đều ghi trong chi phiếu và sổ sách đàng hoàng. Tất cả tiền thâu nhận hay chi phí, đều được thư ký và tăng giám viện của chùa đảm trách. Cuối cùng, quan phủ biết rõ là Ngài chưa bao giờ chạm đến tiền chùa. Vì vậy, kẻ trong cùng người ngoài chùa đều thấy rõ là Ngài vô tội. Sự việc minh bạch rõ ràng. Quan phủ tức giận, định trừng phạt những tăng sĩ vu khống đặt chuyện. Ngài cố gắng hết sức để bào chữa cho họ khỏi bị tội vạ. Quan phủ thỉnh ở lại chùa ba lần, nhưng Ngài đều từ chối vì quá mệt nhọc trong hai năm tới lui phán viện. Cuối cùng, Ngài giao chùa lại cho đệ tử là Hoài Ngu quản lý, rồi đi đến Ngũ Dương, trú tại am Trường Xuân. Trừ thời gian qua đảo Hải Nam, trong mười năm trường tại Tào Khê, Ngài dồn hết mọi sức lực để chấn chỉnh trùng tu đạo tràng của Lục Tổ.

(Tại sao có chuyện lạ kỳ như vầy ? Ngài không nói rõ chi tiết, nhưng chỉ nhắc đến việc một vài "tăng sĩ bại hoại" khơi dậy những chuyện rắc rối. Sự việc chỉ xảy ra sau khi thống đốc Ðái Diệu, hộ pháp trung thành của Ngài, bị cách chức. Như lời của Phước Chưng, việc thiết lập văn phòng tài chánh tại dinh thống đốc để thâu nhận tiền cúng dường xây dựng chùa, khiến cho các tăng sĩ đó mất đi dịp lấy tiền riêng như theo thông lệ. Vì không thể lấy tiền hay thức ăn theo lệ thường, họ tố cáo Ngài tham nhũng tiền bạc xây chùa, hầu mong quan quân đuổi Ngài đi nơi khác để giữ mối lợi lộc.)

Năm 1611, vào tháng ba Ngài đến núi Ðỉnh Hồ ở Ðoan Châu để dưỡng bịnh. Sau khi được ân xá, Ngài vẫn còn bị triều đình kiểm soát. Ngài đợi triều đình chánh thức tuyên bố ân xá. Vì không nhận được tin tức gì về bộ hình sự, nên án của Ngài vẫn còn bị treo. Sau cuộc thẩm sát, cuối cùng Ngài được chánh thức tha bổng. Thế là Ngài được tự do đi lại không những miền nam mà ngay cả miền bắc nữa.

Do các đệ tử Nho giáo thỉnh cầu, Ngài lược giảng Ðại Học Yếu Chỉ. (Quyển Ðại Học là một trong bốn quyển thuộc bộ Tứ Thư).

Năm sáu mươi bảy tuổi, tại am Trường Xuân, Ngài giảng Luận Ðại Thừa Khởi Tín, Bát Duy Thức Quy Cũ, Bách Pháp Trực Giải, Pháp Hoa Kích Tiết Văn Nghĩa cho các đệ tử. Vì Ngài tổng hợp các kinh lại để giảng giải, nên các đệ tử khó hiểu ý chỉ. Do đó, Ngài viết chú giải từng phẩm rõ ràng trong từng bộ kinh.

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối