Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Vân Du


Năm 1571, niên hiệu Long Khánh thứ năm, Minh Thế Tông qua đời. Thái tử Chu Dực, mới mười tuổi lên ngôi, hiệu là Minh Thần Tông. Trong những năm kế, do sự nỗ lực của các danh tướng như Tương Tông Hiến, Du Ðại Du, Thích Kế Quang, nạn hải tặc tại vùng duyên hải phía đông nam như Quảng Ðông, Phước Kiến, được tạm thời bình định. Cuộc sống của dân chúng trong vùng đó cũng được tạm an ổn. Năm đó, Ngài chính thức ra khỏi thành Kim Lăng, nơi xuất gia tu học bao năm trường. Tuy nhiên, trước khi đi du phương, Ngài đã trải qua bao rắc rối phiền toái. Ngài tự biết rằng nếu vẫn còn lưu luyến lại vùng Giang Nam thì sẽ gặp rất nhiều chướng ngại, nên quyết định vân du viễn hành. Lại nữa, có rất nhiều nhân duyên khiến Ngài phát khởi ước vọng tu hành. Lúc nhỏ khi gặp các du tăng đến nhà khất thực, Ngài đã có tâm niệm muốn thực hành như họ. Sau này, có vị tăng khuyên Ngài:" Hiện tại thiền tông ngày một suy vi. Chúng ta là người xuất gia, phải có trọng trách phục hưng Phật pháp. Nhận thấy ý chí của Thầy phi thường, không giống phàm tăng, tương lai chắc chắn có khả năng xiển dương Phật pháp. Thầy còn trẻ tuổi, chớ lãng phí thời gian đi vân du, khiến mọi người thất vọng."

Ngài liền đáp:" Bần tăng vì đại sự nhân duyên mới đi tham phương hành cước, tầm cầu thiện tri thức. Thứ đến, bần tăng muốn làm người du mục trong hiện thời, chớ chẳng phải làm kẻ lang thang."

"Tham phương hành cước, tầm cầu thiện tri thức", cùng "làm người du mục hiện thời", là hai nhân duyên viễn du trọng yếu của Ngài, nhưng chỉ thực hiện được sau này thôi. Khi khởi hành, tuy Ngài đến rất nhiều danh lam thắng địa, nhưng ít gặp các nhân vật danh tiếng. Sau này đến Bắc Kinh, Ngài mới gặp được và thường qua lại với nhiều vị cao tăng, danh sĩ, cao quan quyền thế. Lần đầu, Ngài cùng ân huynh Tuyết Lãng đến Lô Sơn, vì núi nầy rất gần với những ngọn núi danh tiếng. Thật vậy, Lô Sơn nằm gần sông Trường Giang, nơi có tàu bè thường qua lại nên phương tiện giao thông rất thuận tiện dễ dàng. Ðầu mùa xuân, hai ngài khởi hành rời Kim Lăng, đến sông Trường Giang, qua Bà Dương, Hồ Khẩu, tới núi Thạch Chung nơi danh sĩ đời Tống là Tô Ðông Pha, thường trú ở. Lô Sơn được gọi là Khuông Sơn hay Khuông Lô, nơi có nhiều thắng cảnh tuyệt hảo, danh vang khắp thiên hạ. Danh sĩ xưa nay đều có lời tán thán:"

Thi sĩ Lý Bạch đời Ðường có làm bài thơ "Quán Lô Sơn bộc bố thủy." (Xem lại những bài thơ nổi tiếng vào đời Ðường).

Bên cạnh non xanh nước biếc, còn có một nguyên nhân chính hấp dẫn Ngài và thầy Tuyết Lãng. Số là vào đời vua Minh Ðế thời Ðông Hán, Lô Sơn vốn là trung tâm Phật giáo quan trọng nhất, nên xưa nay người xuất gia thường lui tới rất nhiều. Lô Sơn có ba ngôi chùa lớn: Tây Lâm, Ðông Lâm, Ðại Lâm. Ngoài ra còn có năm đại tùng lâm như Hải Hội, Tú Phong, Vạn Sam, Tây Hiền, Quy Tông. Trong chùa Hải Hội còn tàng trử bài thư pháp trứ danh của Triệu Tử Ngang về kinh Diệu Pháp Liên Hoa vào đời Nguyên. Hòa thượng Tâm Nguyệt tự tay khắc chạm bia hình năm trăm vị A La Hán. Thầy Phổ Siêu tự lấy máu viết tám mươi quyển kinh Hoa Nghiêm. Lại nữa, tại Lô Sơn tông Tịnh Ðộ do đại sư Huệ Viễn sáng lập.

Vào núi Lô Sơn có hai con đường. Một là đi từ Cửu Giang, tiến vào phía bắc. Một nữa là đi từ Nam Khang tiến vào núi từ phía nam. Hai ngài chọn con đường vào núi từ phía nam. Ði thuyền đến thẳng bến Nam Khang, lên bờ, tiến vào địa phận núi Lô Sơn. Thi sĩ đời Ðường, Tiển Khởi có viết:"

Gió mưa sầu thước tấc

Khuôn Sơn khó trèo lên

Chỉ ngại sương mây lấp

Có tăng nhân sáu đời."

Hai ngài dừng tại một trạm dưới chân núi, ngần ngại chưa dám trèo lên. Chẳng những bị mây mù dầy đặc bao phủ mà Lô Sơn lại có rất nhiều cọp sói thường xuất hiện, giết hại rất nhiều du khách. Chuyện cọp sói giết hại du khách ngày lan rộng. Những thợ săn không dám lên núi một mình huống là hai tăng sĩ trẻ. Hai ngài chẳng phải là cao thủ phục hổ, lại cũng chẳng phải là những võ sĩ kiếm hiệp, nên chẳng có nội công ngoại lực, mà chỉ là tăng sĩ phàm phu. Thế nên, vì sanh mạng và ý nguyện tu hành, nên hai ngài phải thối lui. Nhờ các thợ săn chỉ dẫn, hai ngài chuyển hướng, đi về phía tây nam, đến núi Thanh Nguyên ở An Hòa, Lịch Cát (ngọn núi này cùng với núi Nam Ngạc ở Hồ Nam là hai trung tâm chính của thiền tông, do đệ tử của Lục Tổ sáng lập). Ðối với Lô Sơn, Ngài rất thích thú đến thăm, nhưng vì sợ hổ sói nên chưa dám trèo lên. Sau này, Ngài rất đau lòng vì xấu hổ, tự thừa nhận là không đủ ý chí kiên quyết, nên hoài vọng sẽ có ngày trở lại. Vì vậy, lúc tuổi già, Ngài đến núi Lô Sơn, cư trú tại đảnh Ngũ Nhũ, trong một thời gian dài. Ngài có viết bài thơ 'Nhớ Lô Sơn':

"Xa nhớ Lô Sơn, năm núi già

Mây trắng che mù muôn gốc tùng

Trăng treo lơ lững, bóng ao hồ

Nước chảy ầm ầm như chuông đổ."

Lại nhớ bài thơ của ông Thiên Trì, Bằng Hư Các:

"Không trung lâu các, các trung nhân

Vườn hoa hoa nở, thân tự tại

Trăng sáng Thiên Trì, giữa đêm khuya

Chẳng biết khi nao, thân cùng ai."

Hai ngài chí đồng đạo hợp, trèo non lội suối, gặp bao danh lam thắng cảnh, non xanh nước biếc, cho đến mùa hạ thì tới núi Thanh Nguyên. Trong quyển 'Niên Giám Thật Lục', Ngài dùng một câu rất chính xác để diển đạt cuộc hành trình này:" Theo gió đến Cát An."

Núi Thanh Nguyên nằm tại Giang Tây, cách tỉnh Cát An về phía đông nam khoảng ba mươi dặm. Núi tuy không cao lắm, nhưng có rất nhiều di tích danh lam thắng cảnh, rừng cây rậm rạp, chùa viện trang nghiêm. Chùa viện trên núi Thanh Nguyên được kiến lập vào đời Nguyên (năm 741), do đệ tử thọ y bát của Lục Tổ Huệ Năng, thiền sư Hành Tư sáng lập. Là thiền sinh, tự nhiên Ngài phải đến nơi đó. Trước kia, Ngài đã từng đọc qua những câu thơ tán thán núi Thanh Nguyên:

"Ðến xứ Thanh Sơn, đến xứ nhà

Cọ đá lấy lửa, nấu trà xanh

Lão tăng dắt tôi ra trước suối

Cùng ngắm hoa tuyết, rơi đỉnh núi

Hưng thừa lạc lối, già khó tiến

Lại qua hang hổ, xem bay nhảy

Ðỉnh núi một lằn ánh sáng bạc

Tỏa chiếu không sơn, sáu tháng hàn."

Ngay cửa núi, có tấm bảng đề chữ 'Thanh Nguyên Sơn', do Văn Thiên Tường, một nhân vật lịch sử, ái quốc đời Nam Tống tự tay viết. Hiện thật cùng trí tưởng tượng thật khác nhau xa. Lúc Ngài cùng thầy Tuyết Lãng đến núi Thanh Nguyên, thấy cảnh tượng lạ lùng: Chùa viện hư hoại, mái nóc tan hoang, tăng sĩ đều để tóc dài, nhìn qua nhìn lại chẳng phải tăng cũng chẳng phải tục. Hai ngài cùng nhau nghỉ ngơi trước thềm chùa, thất vọng ê chề, buồn than vì Phật pháp suy đồi, nên đau lòng rơi lệ không xiết. Hai ngài không nỡ ngồi nhìn chùa Thanh Nguyên, thắng địa của thiền tông, bị hư hoại tan hoang, nên phát tâm trùng tu kiến lập lại. Thật ra, chẳng phải tăng chúng nhiễm hồng trần, hành sự như người thế tục, mà chỉ vì vùng núi Thanh Nguyên hẻo lánh xa xôi, trải qua bao đời dần dần thất truyền tông chỉ Phật pháp, khiến kẻ tu hành không biết rõ tinh hoa ý nghĩa của thiền tông, thì làm sao giữ được tâm xuất gia ? Hiện tại, có hai thanh niên tăng, phát tâm nguyện ý tuyên dương Phật pháp, tự nguyện đến đó để phục hưng, vì nhận thấy chánh giáo vẫn còn hy vọng phát triển. Hai ngài vốn là thanh niên tăng, tự nghĩ khi hô hào ý kiến phục hưng thì không biết có ai chịu hưởng ứng không ? Ðương nhiên, tài sức hai ngài rất giới hạn, nên phải dựa vào quyền thế quan quân. Cùng với tâm chí thành của thầy Tuyết Lãng, Ngài dùng 'ngôn từ nơi đạo', nói năng lưu loát, trình bày sự tình minh bạch, nhấn mạnh địa vị quan trọng của núi Thanh Nguyên trong lịch sử Phật giáo, cùng tuyên dương công đức của thiền sư Hành Tư, khiến quan quân địa phương chẳng thể không động tâm, nên phái quân đến hỗ trợ hai ngài làm Phật sự. Do lời thuyết phục của Ngài, có hơn bốn mươi vị trên bốn mươi tuổi, phát tâm cạo tóc, hành hạnh tăng sĩ. Khi đó, Ngài bận rộn viết lại những điều lệ, quy củ thiền môn, tu sửa điện đường mái ngói, khiến ngôi cổ tự ngàn năm được phục hồi sinh hoạt. Mùa hè năm sau, làm xong tất cả Phật sự, Ngài trở lại miền nam về chùa Báo Ân, để chuẩn bị chuyến vân du kế tiếp. Trở vào nam, Ngài nhận biết Phật pháp tại nhiều nơi, bên ngoài danh tiếng tuy còn nhưng bên trong thật tế đã suy đồi. Ðồng thời, Ngài rất hối hận tâm yếu hèn, sợ hổ không dám lên núi Lô Sơn thuở xưa. Ngài tự biết ý chí mình còn rất kém cỏi. Do đó, Ngài lại lập chí nguyện sẽ vân du lên miền bắc, đến những nơi tuyết đóng mùa đông, tuyết rơi mùa hạ, để rèn luyện ý chí của mình.

Mùa đông, vào tháng mười một, Ngài lại chuẩn bị hành trang, mục đích đi lên miền bắc. Thầy Tuyết Lãng lo lắng bảo:" Miền bắc khí hậu rất lạnh lẽo. Hiện tại nhằm vào mùa đông. Sức lực của sư đệ không được khỏe cho lắm, e rằng sẽ không chịu nổi gió mưa sương tuyết."

Ngài đáp:" Hiện tại, chính là lúc phải nên lên miền bắc. Muốn làm việc đại sự, đầu tiên phải chịu khổ nung đúc ý chí, rèn luyện thân tâm, xả bỏ thân xác, thì tương lai mới mong trở thành đại pháp khí."

Thầy Tuyết Lãng lại khuyên:" Sư đệ nếu muốn du hành, đất Ngô Việt cũng có rất nhiều cảnh non xanh nước biếc, sao khổ nhọc ra bắc làm chi ?"

Ngài đáp:" Chúng ta có tập khí xấu, chỉ thích sống nơi cảnh an nhàn ấm áp. Muốn khống chế tâm thức và nghiệp lực, phải tìm đến những nơi khó khăn khổ nhọc để tu hành. Ý nguyện đã quyết, sư huynh xin chớ khuyên lơn."

Tuy chia tay, nhưng hai ngài vẫn giữ tình huynh đệ mật thiết. Thầy Tuyết Lãng chỉ thích nghiên cứu kinh luận mà không coi trọng phần thực hành của thiền quán hay niệm Phật. Sau này, thầy Tuyết Lãng trở thành vị giảng sư nổi tiếng, nối tiếp sự nghiệp của pháp sư Vô Cực. Cá nhân, Ngài chú trọng vào phần thực hành thiền quán, nên một mình đi tìm thế giới 'Lưu Ly', tức cảnh giới 'Thanh Lương' tại núi Ngũ Ðài.

Do đó, tay mang bình bát, một mình Ngài hành cước ra bắc. Năm ấy, niên hiệu Long Khánh thứ sáu (1573), hai mươi bảy tuổi Ngài đơn độc đi du hành. Ðầu xuân, Ngài đến Dương Châu nơi tuyết rơi đầy dẫy. Vì không còn cách nào để tiếp tục tiến bước, nên Ngài phải tạm dừng chân. Thân thể Ngài không khỏe cho lắm. Việc này thầy Tuyết Lãng đã ân cần nhắc nhở trước khi ra bắc. Trên đường mệt nhọc, lại gặp tuyết sương giá lạnh, nên ở tại Dương Châu chẳng bao lâu, Ngài bị nhuốm bịnh. Tuy bịnh hoạn, Ngài cảm thấy thích thú vì đó là cơ duyên tốt để rèn luyện ý chí, chứ không lo buồn. Không đợi lành bịnh, Ngài đắp ca sa, ra đường khất thực. Nhờ còn trẻ, lại có ý chí kiên trì tinh tấn, bịnh tật bớt rất mau chóng. Vì người trong thành Dương Châu thường cho rằng các tăng sĩ rất làm biếng, nên Ngài khất thực cả nửa ngày mà chẳng được gì. Trở về lữ quán, Ngài tự lấy ra hai ngân bạc, rồi lập tức ra lại ngoài phố, thấy tăng sĩ đói khát, khất thực khổ nhọc trong tuyết sương giá lạnh, nên dùng hết số tiền kia thỉnh mời họ đến quán cơm thọ thực. Sáng hôm sau, Ngài lại ra đường khất thực, đến một hai nhà đều được ưu đãi. Từ đó, chỉ cầm một bình bát, Ngài không còn bị đói khát. Khi ấy, Ngài tự bảo rằng âm thanh của một bình bát kêu vang vượt muôn ngàn tiếng chuông, có nghĩa là chỉ cần một bình bát mà có thể chứa vô số thức ăn. Lúc mặc y ca sa, Ngài bảo:" Mặc một y ca sa che trùm khắp thiên hạ."

Kế đến, Ngài viết bài kệ:

"Ủy nhiệm hình cho Ta

Ta ký thác tâm cho

Một thân đều đầy đủ

Muôn vật chẳng hệ trọng

Tay áo bay trong gió

Mây trắng cuồn cuộn bay

Ðứng lên trên cánh hạt

Tà tà như rồng bay

Lang thang trong hoàn vũ

Ðến trú tại núi rừng

Mặc áo gấm đỏ tím

Sương tuyết chẳng thấm vào."

Dùng văn từ tuyệt hảo, Ngài diễn đạt tự tâm chẳng tham luyến vinh hoa phú quý, khinh thường vật chất phù du, chỉ muốn du hành trong hoàn vũ, ẩn cư tại núi rừng, sống đời tự do tự tại.

Sau khi tuyết ngừng rơi, Ngài tiếp tục đi về hướng bắc. Lúc ấy, trong mình không một đồng xu, Ngài thật thụ là du tăng hành cước, vừa đi vừa khất thực. Tháng bảy, Ngài đến đô thành Bắc Kinh. Tường thành cùng lâu các cao vút. Cửa thành kiên cố. Cây cối được trồng ngăn nắp trên các ụ đất trong thành. Các vị danh nhân cao sĩ, đều thường hội tụ nơi đây. Nơi thành bắc có rất nhiều vị cao tăng thường lui tới. Ðối với tăng sĩ trẻ tuổi vừa ra khỏi am tranh như Ngài, kinh sư thật chẳng phải là đất dụng công. Thế nên, lúc đến kinh đô cả ngày chẳng khất thực được gì. Ðến tối, Ngài tới quán cơm Thái Bình tại cửa phía tây, mới khất được thức ăn, rồi ngủ tạm tại chùa Hà Khê, Di Giáo. May thay, tại kinh thành Ngài có rất nhiều bạn hữu xưa. Uông Bá Ngọc vốn là đồng bạn của Ngài thuở thiếu thời, đang nhậm chức Hữu Ty Mã. Ông rất bội phục tài hoa của Ngài. Xưa kia, ông đã từng khuyên Ngài lên kinh đô ứng thí để ra làm quan, hầu có chút danh phận. Ông biết Ngài đã xuất gia lâu rồi. Nghe Ngài đến kinh đô, ông cùng người em là Uông Trung Yêm, tìm đến thỉnh Ngài về nhà tiếp đãi rất nhiều ngày. Ðương nhiên, Ngài vui thích qua lại với họ, nhưng chẳng phải vì đói khát mới đến cửa quan. Ý chí lập thân du phương hành cước, mang bình bát đi khắp thiên hạ, luôn luôn kiên cố. Ngài trú tại nhà họ Uông vài mươi ngày, dưỡng sức nghỉ ngơi sau những đêm dài lao khổ trên đường lộ. Vì tính khí năng động, Ngài không thể nghỉ ngơi mãi nơi đó. Vì vậy, Ngài đến Tây Sơn, tham vấn danh tăng, pháp sư Yết Ma Ha Trung. Trú trên núi, ngắm tuyết rơi Ngài nhớ lại ân huynh Tuyết Lãng, nên viết bài thơ "Nhớ Ân Huynh". Pháp sư Yết Ma Ha Trung rất vui mừng gặp được một tăng sĩ trẻ tuổi có học vấn uyên bác, nên giữ lưu giữ Ngài qua mùa đông.

Ngày nọ, vào tháng mười có một sự việc khiến Ngài thích thú ở lại kinh đô. Sáng hôm đó, khi tuyết ngưng rơi, mặt trời vừa ló dạng, Ngài có ý định là sẽ đến nghe pháp sư Yết Ma Ha giảng pháp, rồi sẽ thỉnh An pháp sư giảng kinh Pháp Hoa cùng luận Duy Thức. Suy nghĩ chưa xong, Ngài chợt nghe có một chú tiểu đến gõ cửa phòng:" Bạch Thầy ! Có một vị khách tăng đến tìm Thầy."

Chưa kịp bước ra khỏi phòng, Ngài thấy một vị hòa thượng tóc dài, đắp y vải bố, vừa tiến vào cửa vừa bảo:" Tôi đã đến."

Vừa gặp mặt vị tăng này, Ngài nhìn kỹ, cảm thấy như đã quen biết rất thân thuộc, nhưng nhớ không nổi danh tánh. Ngập ngừng đôi chút, vị tăng này giương đôi mắt to nhìn chăm chăm, khiến Ngài chợt nhớ ra. Ðó là vị tăng bị bịnh thuở xưa ở chùa Thiên Giới, tức thầy Diệu Phong. Ngài liền vui mừng, bảo:" Ô ! Sư huynh đã đến."

Thầy Diệu Phong hất tóc ra đằng sau, bảo:" Huynh cải trang, để tóc dài, khiến sư đệ không thể nhận ra !"

Ngài đáp:" Bản lai diện mục của sư huynh tại nơi đây. Làm sao cải đổi được."

Nói xong, hai ngài nắm tay nhau, vui cười hàn huyên tâm sụ. Ðến tối, Ngài qua chùa Long Hoa, nơi thầy Diệu Phong đang trú ở. Hai ngài nhóm lửa đàm luận suốt đêm. Ngài cười bảo:" Sư huynh đánh phấn như vầy, vậy mặt mũi thiền cơ ở chỗ nào ?"

Thầy Diệu Phong đáp:" Thiền cơ tùy chỗ hiện. Tóc dài như vầy vì bấy lâu ở trong núi tu hành, chứ chẳng phải nhàn rỗi để tóc chơi. Tham thiền phản chiếu vào tự tánh, nếu nhập vào vài cảnh giới, thì thân thể còn không nghĩ biết đến, huống chi việc để tóc dài nhỏ nhoi."

Ngài nói:" Sư huynh tinh tấn tu hành, treo ba ngàn phiền não đằng sau tóc gáy. Vọng trần của tiểu tăng vẫn chưa đoạn dứt."

Thầy Diệu Phong bảo:" Huynh là người miền bắc. Khi vào nam thì lại sanh bịnh. Sư đệ là người miền nam đến phương bắc, không biết sức khỏe thế nào ?"

Ngài đáp:" Lúc trước tại Dương Châu gặp bão tuyết nên nhuốm bịnh nặng, may nhờ chư Phật gia hộ nên được lành. Chẳng biết sư huynh ra bắc bằng cách nào ?"

Thầy Diệu Phong đáp:" Hoàng tử Sơn Ấm vừa xây một ngôi chùa lớn, nên thỉnh huynh đến làm trụ trì. Sư đệ đến đây để làm gì ?"

Ngài đáp:" Tiểu tăng đi tầm thầy học đạo, chỉ do thuận đường đến kinh đô, nào ngờ gặp lại sư huynh ở đây. Năm xưa ước muốn cùng sư huynh đi viễn du, nay mới được nhu ý nguyện."

Thầy Diệu Phong bảo:" Huynh rất trọng lời của sư đệ. Từ khi xa cách, chẳng ngày nào mà không nhớ đến sư đệ. Lúc ấy vì chưa xếp đặt được hết mọi chuyện, tưởng sẽ không có duyên gặp lại, nào ngờ tương hội nơi đây. Nếu không chê bất tài, thì huynh nguyện sẽ giúp sư đệ mang y bát và lo việc nấu nướng."

Cả hai ngài đồng cười đùa vui vẻ, đàm luận cho đến sáng. Vì có hẹn với pháp sư Tiếu Nham (1512-1581), nên Ngài tạm từ giã, đi đến tây thành. Thuận đường, Ngài viếng thăm, lễ bái pháp sư Phiên Dung và cầu chỉ dạy. Pháp sư Phiên Dung chẳng nói lời nào, chỉ nhìn thẳng vào mắt Ngài. Ra về, Ngài đi thẳng đến gặp pháp sư Tiếu Nham, vị tuổi ngoài sáu mươi, râu tóc bạc phơ, thần sắc trang nghiêm trầm lặng, vốn là bậc tăng sĩ nổi tiếng đương thời. Vừa gặp pháp sư Tiếu Nham, bậc tiền bối đạo cao đức trọng, Ngài tỏ lòng cung kính sùng bái. Ngài được biết pháp sư Tiếu Nham, một đời hoằng pháp lợi sanh, độ được vô số người, cùng chứng đắc những cảnh giới cao. Thế nên, lúc vừa đến Ngài rón rén bước vào chùa, im lặng chờ đợi pháp sư Tiếu Nham ban pháp nhũ. Khi ấy, tuy đang nhập định, nhưng pháp sư vẫn biết có sự hiện diện của một tăng sĩ trẻ. Pháp sư Tiếu Nham từ từ mở mắt ra, bảo:" Ngươi từ đâu đến đây ?"

Tuy tuổi ngoài sáu mươi, nhưng âm thanh của pháp sư Tiếu Nham như tiếng đại hồng chung. Nghe thế, Ngài vội cúi mình đảnh lễ thưa:" Bạch Pháp Sư ! Ðệ tử từ miền nam lên đến đây."

Pháp sư hỏi:" Có nhớ rõ đường đi không ?"

Ðây chẳng phải hỏi về đường lộ bình thường, mà pháp sư Tiếu Nham hỏi về đường lộ của nhân sanh. Nhờ trí thông minh lanh lợi, Ngài vội thưa:" Bạch Pháp Sư ! Ðường lộ vừa đi qua, liền quên mất. Con đã từng tùy duyên gặp chúng nên được an lành, sao còn cố chấp như người thế tục ?"

Pháp sư bảo tiếp:" Nhưng Ta đã biết chỗ của ngươi sắp đến !"

Ngài thành khẩn quỳ xuống hỏi:" Làm thế nào mà Pháp Sư biết được chỗ đến đi của con ?"

Pháp Sư bảo:" Tự đến thì đến. Tự đi thì đi. Sao hỏi chi nhiều ?"

Nói xong, pháp sư Tiếu Nham lại nhắm mắt, nhập định.

Ngài thưa:" Bạch Pháp Sư ! Bạch Pháp Sư..."

Thưa hỏi hai lần, nhưng pháp sư vẫn không phản ứng, nên Ngài lặng lẽ bước ra khỏi phòng thất.

Sau khi đối đáp với pháp sư Tiếu Nham, Ngài mời thầy Diệu Phong cùng đến núi Ngũ Ðài. Chẳng ngờ, thầy Diệu Phong vẫn chưa xếp đặt sự việc xong tại kinh đô, nên bảo Ngài hãy đi trước, rồi thầy sẽ đến sau. Thầy bảo rằng nếu có duyên với nhau, thì nhất định sẽ gặp lại trong một ngày nào đó. Vì đã quen với cuộc sống du phương đơn độc, nên dẫu thầy Diệu Phong không thể cùng đi đồng hành, Ngài chẳng chút do dự, lập tức khởi hành, đi về hướng tây bắc, tức núi Ngũ Ðài. Có hai nhân duyên khiến Ngài muốn đến ngọn núi này. Thứ nhất, núi Ngũ Ðài là một trong bốn ngọn núi Phật giáo nổi tiếng (ba ngọn núi kia là núi Nga Mi ở Tây Xuyên, núi Cửu Hoa ở An Huy, núi Phổ Ðà ở Triết Giang). Trên núi có cả trăm ngôi chùa viện lớn nhỏ, hương khói đốt suốt cả ngày, và là nơi mà các Phật tử thuần thành thường xuyên tới lui đảnh lễ. Thứ hai, Bắc Ðài của núi Ngũ Ðài được xưng tụng là núi Thanh Lương, nơi quốc sư Thanh Lương Trừng Quán suốt đời thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm. Lại nữa, lúc thiếu thời Ngài đã từng hành thiền định, thâm nhập vào cảnh giới tuyết sương giá lạnh như cảnh tượng khí hậu ở Ngũ Ðài. Do những nhân duyên này, Ngài quyết tâm đi đến đó. Lúc xưa, khi đến chân núi Lô Sơn, vì thấy dấu chân cọp sói khắp nơi, nên mới thối tâm, chẳng dám lên núi. Lần này, Ngài cầm theo quyển "Truyện Thanh Lương", leo lên núi đi khắp nơi, gặp chùa viện nào liền ở đó tham học. Núi Ngũ Ðài hùng vĩ, chùa viện to lớn, tăng chúng tu hành rất đông, khiến Ngài tâm tịnh thần sáng. Mỗi buổi sáng, Ngài thường đi du ngoạn lên những đảnh núi cao như đảnh Diệp Ðẩu tại Bắc Ðài. Khi đó, trời lạnh tuyết băng. Nhìn xa xa thấy giữa những ngọn núi cao có vài ngôi chùa ngói đỏ vách vàng to lớn. Ðang rảo bước, Ngài chợt bắt gặp một chú tiểu đi đến liền chỉ tay về hướng một ngọn núi cao và hỏi :" Sư Huynh có biết đó là nơi nào không ?"

Nhìn theo chỉ tay của chú tiểu, Ngài thấy rõ ngọn núi kia thật rất thanh tú hùng vĩ, mây trắng bay tà tà lưng chừng núi, phảng phất như chỗ tu hành của các tiên nhân, nên rất thích thú bảo:" Ngọn núi đó cũng thuộc dãy Ngũ Ðài chăng ?"

Chú tiểu đáp:" Ðó là núi Hám Sơn, tức Long Môn của núi Ngũ Ðài. Hôm nào rảnh rỗi, sư huynh nên đến đó chơi."

Nghe thế, như có một lằn ánh sáng lóe chớp trong tâm, Ngài hỏi:" Hám Sơn ? Núi này sao gọi là Hám Sơn ? Này tiểu sư đệ, hãy kể cho Ta nghe nhân duyên."

Chú tiểu kia đáp:" Nay sư huynh thích thú, đệ sẽ kể sự tích núi đó cho nghe. Xưa kia, sau khi thống nhất sáu nước, Tần Thủy Hoàng lên ngôi, lấy hiệu là Thủy Hoàng Ðế. Trong thiên hạ, các danh nhân sĩ phu, loài cầm thú bay nhảy, cỏ cây côn trùng, núi non sông ngòi, không có vật chi mà không nghe hiệu lịnh. Tần Thủy Hoàng vì muốn vượt biển cầu làm tiên nhân, nên đi thẳng về hướng đông, gặp nước thì quất đá thành cầu, gặp núi thì quất núi mở đường lộ, không ngờ đến ngay tại ngọn núi đó. Ông lại dùng roi quất, nhưng núi này chẳng di động. Quất lần thứ hai, núi cũng đúng vững như tiền. Tần Thủy Hoàng chẳng biết làm sao, nên hạ lịnh đi đường vòng quanh núi. Y cứ theo truyền thuyết này, người sau đặt tên cho ngọn núi kia là Hám Sơn, tức ngọn núi ngu ngốc. Tần Thủy Hoàng chẳng thể nhận diện ra thần núi, nên không thể cầu mong sống mãi không già, phải bỏ mình trên đường trở về kinh đô."

Nghe chú tiểu kể thao thao bất tuyệt, Ngài cảm giác như có duyên lành với ngọn núi kia, nên khởi tâm động niệm, thầm nghĩ:" Sao mình không lấy hiệu tên của ngọn núi này, để biểu thị cho sự nghiệp hiến thân vì Phật pháp, như núi Hám Sơn này, vĩnh viễn kiên cố chẳng bao giờ lay động."

Từ đó, Ngài lấy hiệu là Hám Sơn. Người sau cũng thường gọi Ngài là đại sư Hám Sơn. Cảm hứng, Ngài viết hai câu kệ:

"Chớ theo người nhân thế.

Nương đây ngưng vọng tình."

Núi Ngũ Ðài thuộc miền bắc, địa thế rất cao. Mỗi năm, đến tháng tư băng tuyết mới bắt đầu tan. Ðến tháng chín thì tuyết bắt đầu rơi. Nơi đây, vào mùa hạ vẫn được gọi là thế giới Thanh Lương. Mùa đông tuyết đóng rất lạnh, nên một tăng sĩ mặc y vá như Ngài khó có thể chịu lạnh nổi. Vì vậy, vừa đổi hiệu mình là Hám Sơn nơi vùng núi Ngũ Ðài, Ngài liền xuống núi, trở về Bắc Kinh. Song, vào lúc đó Ngài chưa chánh thức sử dụng danh hiệu Hám Sơn. Trong thời gian đi vân du, Ngài thường dùng tên Trừng Ấn. Mãi cho đến khi tới núi Lao Sơn ở Ðông Hải kết am tu hành, Ngài mới bắt đầu dùng danh hiệu Hám Sơn.

Trở về kinh đô chẳng bao lâu, Ngài lại đến núi Bàn Sơn tại Kế Châu, rất gần Bắc Kinh. Việc trèo non lội suối đối với Ngài rất bình thường. Lúc đến núi Bàn Sơn, Ngài gặp một vị tăng, trầm lặng hành thiền định, chẳng nói năng. Hành động kỳ lạ của vị tăng này khiến Ngài rất thích thú. Các ẩn sĩ phần nhiều có tánh tình kiêu ngạo lạ lùng. Họ thường ẩn mình, chẳng phải vì không sống hợp với xã hội. Dĩ nhiên là Ngài thông cảm mục đích ẩn tích mai danh của họ. Vị tăng ẩn sĩ này không giống như những ẩn sĩ khác, khi thấy có các du khách đến, chuyên biểu hiện những hành tung kỳ quái thần bí, hay kể chuyện tu hành của mình. Vị tăng kia, chẳng màng đến sự hiện diện của Ngài, chỉ chăm chú thiền quán. Giống như lúc trước, khi đến gặp pháp sư Tiếu Nham, Ngài lẳng lặng bước vào hang động, ngồi tham thiền đối diện với vị tăng kia. Quần áo mặt mày lam lũ, vị tăng ẩn sĩ chỉ âm thầm tham thiền, rồi tự nấu cơm pha trà, chẳng thèm nói năng mời mọc Ngài. Thấy vậy, Ngài cũng không lấy làm bực tức, ẩn nhẫn tự lấy tách uống trà, tự lấy chén ăn cơm. Ngày ngày qua ngày nọ, Ngài cũng không nói lời nào, chỉ tham thiền, hái củi, nấu cơm pha trà y như vị tăng kia. Ngài tự biết rằng đây là một cao tăng ẩn sĩ, nên nhẫn nại ở lại để học hỏi. Mỗi tối, Ngài y theo vị tăng kia đi ra ngoài cửa hang để thiền hành. Ðến ngày thứ tám, vị tăng ẩn sĩ bắt đầu mở miệng hỏi Ngài:" Hiền giả từ đâu đến ?"

Nghe thế, Ngài rất vui mừng, liền đáp:" Tôi từ miền nam lên đến đây."

Vị tăng hỏi:" Ngài đến đây để làm gì ? Núi này không có gì là kỳ đặc. Nước ở đây chẳng phải là nước tiên."

Ngài đáp:" Chẳng phải vì non nước mà đến. Chỉ vì muốn học đạo nơi Thầy."

Vị tăng bảo:" Tôi chỉ là người hoang dã, cư trú nơi núi rừng, mặt mũi chỉ bình thường, không có gì là kỳ dị."

Ngài nói:" Thầy chớ quá tự khinh. Lúc vừa bước vào cửa hang, tôi nhận biết Thầy chẳng phải là bậc phàm nhân."

Vị tăng nói:" Hơn ba mươi năm trú tại núi này, nay mới gặp được người tri kỷ. Ðời này chẳng hối tiếc. Thầy đã đến đây, vậy hãy ở lại vài mươi ngày rồi hãy đi."

Ngài đáp:" Vâng, đương nhiên rồi ! Chỉ sợ làm phiền hà Thầy thôi."

Vị tăng bảo:" Chớ lo lắng. Chỉ nên xả bỏ thân tâm, không giữ tạp niệm, không đắm chấp ngoại cảnh nội duyên."

Thời gian trú tại hang động núi Bàn Sơn, Ngài thường cùng vị tăng ẩn sĩ đàm thiền luận giáo, khiến đạt được lợi ích rất nhiều. Tối nọ, cũng như thường ngày, Ngài theo vị tăng kia ra ngoài hang đi hành thiền. Ðột nhiên, trong đầu Ngài chợt nổ vang như tiếng sấm sét. Núi sông cây cỏ, trăng sao trời đất, cho đến thân thể của Ngài đều tan biến mất. Trạng thái tịch tĩnh này, kéo dài cả năm cây nhang. Ngài chưa bao giờ đạt đến cảnh giới như thế này. Từ từ, Ngài mở mắt ra, thấy núi sông đất đá, cảnh vật xung quanh, đều hiện ra như xưa. Thân tâm lúc đó khinh an nhẹ nhàng, sung sướng vô ngần. Lát sau, Ngài trở vào hang động nghỉ ngơi. Thấy Ngài bước vào, vị tăng kia liền hỏi:" Hôm nay thầy ngộ được gì mà trở vào sớm quá vậy ? Coi chừng lạc đường !"

Ngài liền thuật lại cảnh giới vừa trải qua. Vị tăng kia trầm ngâm một hồi, rồi nói:" Ðây chỉ là một trạng thái của sắc ấm, chẳng phải bản tánh chân thật. Tôi trú nơi núi này hơn ba mươi năm, trừ những khi gió mưa bão tuyết, mỗi tối đi kinh hành, đều nhập vào cảnh giới này. Chỉ việc không đắm chấp vào đó, thì nó sẽ không che lấp bản tánh."

Ngài nghe lời chỉ bảo, đảnh lễ tri ơn. Hôm đó, hai ngài đàm luận rất thân mật. Ngài ở tại hang động một thời gian dài.

Theo lời thỉnh cầu của hoàng tử Sơn Ấm, thầy Diệu Phong phải mang đại tạng kinh vào nam (Hà Ðông). Trước khi lên đường thầy Diệu Phong hỏi thăm quan họ Vương về chỗ ở của Ngài. Quan họ Vương sai người đến Bàn Sơn tìm kiếm, nhắn tin thầy Diệu Phong đang đợi Ngài tại kinh đô. Do đó, Ngài đành bùi ngùi chia tay với vị tăng ẩn sĩ vì phải trở về kinh đô đúng hẹn. Vị tăng ẩn sĩ rơi lệ, tiễn Ngài xuống nửa lưng chừng núi.

Vào kinh thành, Ngài được quan họ Vương và thầy Diệu Phong tiếp đón nồng hậu. Họ hỏi:" Sao Thầy đến trể vậy ?"

Ngài thuật lại những cảnh giới tu hành trên núi. Quan họ Vương bảo:" Như thế là Thầy đã trụ ở núi rồi."

Ngài bảo:" Ðó chỉ là con đường phụ thôi."

Ngài cùng thầy Diệu Phong nhìn nhau rồi tươi cười vui vẻ.

Những kinh nghiệm thiền hành trong lúc tu trì tại núi Bàn Sơn thật rất nhiều, nhưng khi tự thuật lại trong quyển nhật ký, Ngài chỉ nhắc sơ qua vài điểm then chốt: Núi Thiên Tượng Dục, vị tăng ẩn sĩ, hái củi gánh nước, khất thực trong mùa hè, v.v... Ðối với Ngài, kinh nghiệm thâm nhập vào những cảnh giới thiền rất quen thuộc, như ăn cơm uống trà. Tuy thích ở hang động tu hành, nhưng Ngài vẫn rời bỏ vì không muốn hành hạnh tiểu thừa, tự tu tự độ. Do đó, nghe tin thầy Diệu Phong tìm mình, Ngài liền xuống núi.

Mùa xuân, năm hai mươi chín tuổi, thuộc niên hiệu Vạn Lịch thứ hai. Ngài đến Tây Sơn, hội hợp với các danh sĩ nổi tiếng đương thời như hai anh em Uông Bá Ngọc, Uông Trung Yêm, cùng Vương Thế Trinh (tiến sĩ, làm quan thượng thơ, cũng là thi sĩ nổi tiếng cuối triều Minh), Vương Thế Mậu, Vương Ðạo Quán, Vương Ðạo Côn, Nam Hải Âu Trinh Bá. Ngài cùng họ làm thi kệ và luận bàn Xuân Thu Chiến Quốc. Ngày nọ, Ngài đến viếng thăm hai anh em Vương Phượng Châu và Vương Lân Châu. Dưới mắt Vương Phượng Châu, một danh sĩ đương thời, Ngài chỉ là một vị tăng trẻ tuổi, chẳng có danh phận, trình độ tu học chắc cũng rất thô thiển, nên rất khinh thường. Do đó, ông ta ra vẻ trưởng giả ngã mạn, muốn chỉ dạy Ngài làm thơ văn. Thấy vậy, Ngài chẳng cần ra vẻ hiểu biết, chỉ đứng dậy, nhìn thẳng vào mặt ông ta, rồi bỏ ra về, chẳng nói lời nào. Ngày kế, khi nghe anh mình đối xử không tốt với Ngài, Vương Lân Châu liền tìm đến, thưa:" Hôm qua anh tôi thiếu một con mắt. Ngưỡng vọng Thầy hãy bỏ qua."

Tuy hiểu ý của Vương Lân Châu, nhưng Ngài làm ra vẻ không biết chi, bảo:" Anh ông không có cặp mắt sáng à ! Sao lại bảo chỉ có một mắt ?"

Vương Lân Châu thưa:" Anh tôi tuy có đủ hai mắt, nhưng không có huệ nhãn, nên không nhận ra được Thầy."

Ngài bảo:" Vậy hai mắt của ông có tinh tường không ?"

Vương Lân Châu thưa:" Tôi vốn sanh muộn học trể, huệ nhãn chẳng sáng, tri thức nông cạn."

Sau khi đọc xong văn thơ của Ngài, Vương Lân Châu rất cảm kích, bảo:" Tài đức Thầy đầy đủ, có khí khái của vị danh nho. Anh tôi vốn là một văn hào trong hiện đời, sau Thầy không chịu theo học vài năm, tương lai sẽ trở thành một danh sĩ !"

Ngài cười mỉa mai ông ta, bảo:" Chí hướng của tôi cùng các ông khác nhau. Lý luận này chỉ có người anh của ông dùng được mà thôi. Vả lại tôi đang đợi ông ta đến cầu yếu chỉ Tây Lai."

Nghe thế, ông ta không vui lòng, trở về thuật chuyện này lại cho quan tư mã Uông Bá Ngọc nghe. Nghe xong, Uông Bá Ngọc bảo:" Tôi nhận thấy thầy Trừng Ấn tương lai sẽ trở thành bậc cao tăng đại trí đại huệ của nhà Phật, và chắc chắn sẽ nhập vào nhà Ðại Huệ (thiền sư nổi tiếng, trụ trì chùa Kim Sơn vào đời Nguyên), cùng Trung Phong (thiền sư nổi tiếng, tu tại núi Thiên Mục, đời Nguyên), thì cớ sao lại thích theo học văn chương anh của ông ? Các ông thật quá xem thường thầy Trừng Ấn. Thi kệ của thầy Trừng Ấn thật siêu thoát, như câu:" Thân thế như cánh ve sầu. Càn khôn như sợi lông ngựa."

Chúng ta vốn chỉ là kẻ tục thôi."

Ngày kế, Uông Bá Ngọc thiết buổi cơm trai, mời Ngài cùng thầy Diệu Phong đến dùng. Chủ khách vui vẻ trò chuyện. Lát sau, Uông Bá Ngọc bảo:" Tôi có một câu hỏi, xin Thầy giảng giải."

Ngài đáp:" Xin Tư Mã Công hãy nói, chớ ngại."

Uông Bá Ngọc bảo:" Tôi nhận thấy hiện nay thiền tông rất suy vi. Không biết Thầy có nhận rõ điều này không ?"

Ngài đáp:" Tâm tôi như lửa đốt."

Uông Bá Ngọc bảo:" Tôi nhận biết khí khái của Thầy phi phàm, tương lai chắc sẽ làm được việc lớn. Sao Thầy vẫn đi dạo chơi non nước, mà không tự nỗ lực tu hành để chấn hưng thiền tông ?"

Ngài cười đáp:" Chắc Tư Mã Công chưa rõ cho lắm. Chỉ vì muốn xiển hưng thiền tông nên tôi mới đi viễn du hành cước."

Uông Bá Ngọc ngập ngừng hỏi tiếp:" Thầy nói thế nghĩa là gì ?"

Ngài đáp:" Hiện tại tôi đi du phương, tham tầm lễ bái các thiện tri thức, cao tăng ẩn sĩ, hầu mong được học hỏi sở tu sở ngộ của họ, để chuẩn bị cho việc hoằng pháp trong tương lai, chứ chẳng phải đi du ngoạn non nước."

Uông Bá Ngọc bảo:" Ô ! Học thức của Thầy, hiện tại ai dám dạy bảo thêm."

Ngài bảo:" Tư Mã Công chớ quá lời. Tôi chỉ là kẻ đến sau học muộn. Thiên hạ danh sơn đầy cả long ẩn hổ phục (rồng ẩn hổ nằm). Tôi bái kiến họ, chẳng biết có nhập được vào cửa đạo không nữa, sao dám vọng chấp tự tôn tự đại ?"

Thầy Diệu Phong cười, bảo:" Này sư đệ ! Chớ quá tự khinh khi học thức của mình."

Uông Bá Ngọc bảo:" Lời thầy Diệu Phong rất đúng. Ngoài thầy Diệu Phong ra, chẳng ai có thể kết bạn với Thầy được."

Ngài bảo:" Xin Tư Mã Công chớ nói quá lời mà tổn đức tôi. Thầy Diệu Phong là bậc huynh trưởng, chứ chẳng phải là pháp hữu của tôi."

Thầy Diệu Phong bảo:" Thầy không hiểu ý tôi. Tôi chỉ là kẻ xuất gia tầm thường, sao lại bảo làm thầy làm huynh trưởng ? Thầy chớ như người thế gian, tán thán kẻ khác quá mức."

Ngài chắp tay, nói:" Sư huynh dạy như thế, tiểu tăng xin ghi nhớ."

Những lời đối đáp trên, biểu hiện Ngài rất cung kính nể trọng thầy Diệu Phong.

Ở tại nhà Uông Bá Ngọc vài ngày, thầy Diệu Phong cáo từ vì phải giúp hoàng tử Sơn Ấm mang đại tạng kinh vào miền nam. Khi đó, cũng muốn đi du phương, nhưng sợ người ngoài bảo rằng mình bị lệ thuộc vào thầy Diệu Phong, nên Ngài ngập ngừng không dám khinh động. Uông Bá Ngọc biết thế bảo:" Tôi biết Thầy không muốn lệ thuộc, đi theo người khác, nên mới ngập ngừng. Song, người xưa vì chẳng màng việc nhỏ nhặt nên mới thành công đại sự. Tương lai, Thầy chắc sẽ thành tựu sự nghiệp xiển dương Phật pháp, sao lại chấp nê những việc nhỏ nhoi, khiến trở ngại hành trình của mình ?"

Nghe thế Ngài bảo:" Tư Mã Công thật là người phi phàm. Tôi sẽ đi với sư huynh Diệu Phong."

Nói xong, Ngài cáo từ, đi ra ngoài gặp thầy Diệu Phong đang ngồi trên xe. Thầy Diệu Phong bảo:" Sư đệ có muốn đi không ?"

Ngài đáp ứng và leo lên xe, không lời từ biệt các thân hũu ở kinh thành.

Mùa thu, vào tháng tám Ngài vượt bến Mạnh Tân, đến nơi vua Vũ Vương duyệt binh khi xưa. Nhìn thắng cảnh, Ngài viết kệ:

"Phiến đá trơ trọi cạnh bờ sông

Nơi xua chư hầu từng hội họp

Vua trị quốc cùng đồng trời đất

Nên cùng sông Hoàng chẳng đoạn lưu."

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối