Ngộ đạo
Từ nhỏ, Ngài đã học làm thi kệ. Tuy có ý chí kiên quyết xuất gia, cố dẹp trừ hết các tập khí, nhưng Ngài vẫn còn khí chất thi nhân. Thắng cảnh giang sơn, cổ tích nhân văn, mỗi mỗi đều khiến hoài cảm động lòng, nên gặp cảnh nào, Ngài cũng viết thi kệ. Lúc đến nơi Bá Di Thúc Tề, đem quân mã chận đánh Võ Vương năm xưa, Ngài lại làm kệ:
"Bỏ nước về sở, ý thâm sâu
Không dư chùa củ, cây rập rạp
Thủ Dương xanh sắc, màu như thế
Tựa như xua kia, điều tâm ngựa."
Kế đến, Ngài tới chùa Thiếu Lâm, lễ bái sơ tổ Bồ Ðề Ðạt Ma. Ngày thứ hai, Ngài đến tham bái nơi ngài Huệ Khả chặt tay cầu pháp. Hồi tưỏng công hạnh của các vị tổ sư thiền tông, Ngài quyết chí sẽ hoàn thành sứ mạng xiển hưng thiền tông, dẫu gặp gian nan khổ nhọc. Xuống núi Thiếu Lâm, Ngài đến cổ thành Lạc Dương, thăm đài thiên kinh và chùa Bạch Mã. Không khí trong lành, khung cảnh thiên nhiên, khiến tâm Ngài sảng khoái.
Ngài cùng thầy Diệu Phong đồng hành, đến rất nhiều nơi. Người xưa bảo:" Quân tử thường giao đàm như nước."
Ðầu tiên, hai ngài đến Hà Nam, rồi tới châu Tây Bồ. Trên đường, hai ngài đồng tham thiền, cùng viết thi kệ, tiêu diêu tự tại.
Tháng chín, hai ngài chuyển vận đại tạng kinh đến điển hẹn tại Hà Ðông, tức vương phủ của hoàng tử Sơn Ấm. Nghe tin, hoàng tử Sơn Ấm tự thân dẫn thuộc hạ ra nghinh tiếp, cùng khải trống nhạc vang rền và rải hoa đầy khắp đất.
Gặp thầy Diệu Phong, hoàng tử Sơn Ấm thưa:" Bạch Thầy ! Thầy quá khổ nhọc vận chuyển đại tạng kinh vì tiểu vương. Tiểu vương rất cảm tạ tri ơn."
Thầy Diệu Phong bảo:" Ðiện Hạ chớ quá làm khách ! Trở về lần này, có một vị khách cùng tôi đến đây."
Hoàng tử Sơn Ấm thưa:" Bạch Thầy ! Vị đó là ai ? Thầy mời vị khách đó, chắc là người có tri thức học Phật thâm sâu. Thầy thỉnh mời cũng như tiểu vương mời vậy."
Thầy Diệu Phong bảo:" Ðó là sư đệ Hám Sơn, người mà tôi thường nhắc đến."
Hoàng tử Sơn Ấm xoay người lại chào Ngài, bảo:" Tiểu vương thường nghe thầy Diệu Phong nhắc tới Thầy mãi. Nay được gặp mặt Thầy, thật là phước cả ba đời."
Nói xong, hoàng tử Sơn Ấm thỉnh Ngài giảng kinh thuyết pháp, nhưng thầy Diệu Phong lại bảo:" Qua bao ngày đi đường, thầy Hám Sơn vẫn còn mệt nhọc. Hãy để cho Thầy nghỉ ngơi một đêm đã."
Hoàng tử Sơn Ấm chấp tay thưa:" Bạch Thầy ! Vì tiểu vương quá vui mừng nên mới hồ đồ thất lễ. Xin Thầy thứ lỗi."
Nói xong, hoàng tử Sơn Ấm liền sai người chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho hai ngài nghỉ ngơi. Kế đó, ông lại ra lịnh xếp đặt đại tạng kinh vào dinh phủ. Tại dinh phủ, vì là Phật tử thuần thành, nên hoàng tử Sơn Ấm thường đến nơi Ngài ở để hỏi đạo. Khâm phục học thức và đạo hạnh của Ngài, hoàng tử Sơn Ấm thỉnh Ngài giảng kinh Lăng Nghiêm. Nghe lời mời giảng kinh, Ngài liền bảo:" Tài đức tri thức của tiểu tăng chỉ tầm thường, không dám để tiếng xấu lại khiến người cười chê. Lại nữa, tiểu tăng chỉ vân du đến đây. Nếu Hoàng Tử mãi cầu thỉnh, tiểu tăng chắc phải cáo từ."
Hoàng tử Sơn Ấm thấy Ngài chẳng muốn giảng kinh, nên không cầu thỉnh nữa, nhưng lại cố lưu Ngài ở lại dinh phủ. Ngài an tâm ở lại dinh phủ của hoàng tử Sơn Ấm ba tháng. Khi ấy, lúc an nhàn thư thái, Ngài đọc quyển luận 'Vật không đổi dời' của ngài Tăng Triệu (đệ tử của tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập). Ðã lâu, Ngài chưa hiểu rõ và vẫn hoài nghi về lý thường trụ bất biến của vạn vật cùng một ngọn gió xoáy thổi nát núi Tu Di. Trong quyển luận này, có đoạn miêu tả một vị Phạm Chí, xuất gia từ thuở nhỏ, trở về nhà lúc tóc bạc phơ. Dân làng thấy thế bảo:" Người này thường ở đây, nay vẫn còn sống."
Phạm Chí đáp:" Tôi giống người đó, nhưng không phải người đó."
Ðọc qua đoạn này, Ngài chợt hiểu rõ lý trung đạo, nên tự bảo:" Mình sai lầm rồi ! Muôn vật vốn không đến không đi."
Vừa nói, Ngài vừa bước xuống giường thiền, thắp hương lễ Phật không khởi một tướng, rồi mở màng lưới, đi ra ngoài phòng thất, đứng nơi thềm cấp. Nhìn xem gió ban chiều thổi nhè nhẹ, khiến lá vàng rơi rụng đầy cả mặt đất, Ngài tự nhủ:" Người hiện tại tức là kẻ hôm xưa. Tịnh tức là động. Ðộng tức là tịnh. Sanh tức là tử. Tử tức là sanh."
Trở vào phòng thất, Ngài viết kệ:
"Sanh tử ngày đêm
Nước chảy hoa rơi
Ngày nay đã biết
Lỗ mũi hướng xuống."
Hôm sau, thầy Diệu Phong đến, thấy Ngài vui vẻ, nên hỏi:" Sư đệ đã ngộ được gì ?"
Ngài đáp:" Ðêm qua, đệ mơ thấy hai con trâu sắt bên bờ sông, hút nhau rồi nhảy xuống nước, lặn mất. Từ đó, không còn nghe tin tức". (Hai con trâu hút nhau, nhảy xuống nước, biến mất, biểu trưng cho thân và tâm, sanh và tử, động và tịnh, đều tan biến, không còn khái niệm chấp hai.)
Nghe thế, thầy Diệu Phong bảo:" Sư đệ có chút vốn liếng trụ núi rồi đó."
Ngài nói:" Nếu được như thế thì rất hay. Chỉ sợ đệ chưa ngộ thấu đến cảnh giới đó thôi."
Thầy Diệu Phong bảo:" Nếu sư đệ muốn trụ núi tham thiền, huynh đề nghị một chỗ rất tốt, vì quen biết được vị hòa thượng trụ trì. Nơi đó, mùa hè rất mát, còn mùa đông thì tuyết rơi rất lạnh, chắc sư đệ thích lắm."
Ngài nói:" Có phải là núi Ngũ Ðài không ? Nếu sư huynh cùng đi, thật là điều may mắn cho đệ."
Thầy Diệu Phong đáp:" Huynh cũng có ý định trở lại nơi đó."
Ðang bàn luận, bên ngoài có người của hoàng tử Sơn Ấm đến, nói:" Hoàng tử đã thỉnh thiền sư Ngưu Sơn Pháp Quang đến dinh phủ giảng thiền nên mời hai thầy đến tham kiến."
Hai ngài liền đáp ứng đến sảnh đường. Chưa bước vào sảnh đường mà Ngài đã nghe tiếng giảng kinh đàm thiền của thiền sư Pháp Quang vang rền như trống vỗ. Mỗi lời của thiền sư Pháp Quang đều đập vào tâm thức Ngài. Tuy chưa gặp mặt, Ngài tự nhủ:" Thiền sư này quả nhiên là vị cao tăng, đã minh tâm kiến tánh, nên âm thanh lời nói chẳng đồng với phàm phu. Nếu không được tâm đắc nơi thiền, thì làm sao có dạng trạng như thế ?"
Gặp được thiền sư Pháp Quang, Ngài rất vui mừng, cầu thỉnh pháp yếu. Thiền sư bảo:" Phải rời tâm thức. Vượt đường sở học của phàm thánh."
Ngày nọ, thiền sư Pháp Quang chợt đọc được những bài kệ của Ngài viết, bảo:" Sao Thầy viết được những câu bóng bẩy như thế này. Tuy hay, nhưng có một đoạn chưa thông."
Ngài hỏi:" Cửa khiếu nào của thiền sư đã thông."
Thiền sư Pháp Quang bảo:" Ba mươi năm trời chờ đợi bắt rồng chụp hổ, nhưng nay lại để cho con thỏ chạy thoát."
Ngài nói:" Xem thấy thiền sư chẳng phải là tay bắt rồng chụp hổ."
Thấy thiền sư Pháp Quang định lấy tích trượng đánh mình, Ngài liền chụp lại, vuốt râu, bảo:" Lời thiền sư quá nhẹ."
Thiền sư Pháp Quang cười rồi bỏ đi. Ngày nọ, thiền sư Pháp Quang bảo Ngài:" Thầy không cần đi đâu chi cho mệt. Hãy cùng tôi đến Phục Niên tu hành."
Ngài nói:" Xem thấy tài biện luận và tri giải của Thiền Su không thua ngài Ðại Huệ, nhưng phong thái lại điên rồ. Sao Thiền Sư cứ lãi nhãi, múa may tay chân cả ngày ?"
Thiền Sư đáp:" Ðó là thiền bịnh. (Do không tu đúng cách, cùng vì nghiệp chướng và ma chướng gây nên). Vừa phát ngộ, bao ngôn từ, kệ cú cứ tuôn chảy ào ào, chẳng thể kiềm chế được, nên nay thành thiền bịnh."
Ngài hỏi:" Khi thiền bịnh này mới phát khởi thì phải làm sao ?"
Thiền Sư đáp:" Lúc vừa bộc phát, nếu không tự nhận biết, phải cần có một vị đại thủ nhãn, đập cho một gậy, khiến ngủ mê thiếp. Khi thức dậy, bịnh sẽ tự hết. Tôi hận cho mình chẳng phải là tay độc thủ."
Vào tháng giêng năm kế, biết Ngài sắp đến núi Ngũ Ðài, thiền sư Pháp Quang bảo:" Thấy sư tử cỡi mây, nhưng hãy để rồng nghỉ trong hang."
Ngài lấy làm lạ bảo:" Tri thức cạn cợt, xin Thiền Sư chỉ điểm."
Thiền Sư Pháp Quang bảo:" Lúc Thầy đến núi Ngũ Ðài, chớ động đến con rắn chết."
Thầy Diệu Phong nói:" Lời của Thiền Sư thật thâm sâu. Xin hãy giải thích cho sư đệ Hám Sơn nghe rõ."
Thiền Sư bảo:" Trời đông tuyết lạnh, tưởng rằng rắn đã chết, nhưng nó vẫn còn sống. Nếu động đến, nó sẽ cắn ngay."
Ngài cùng thầy Diệu Phong hiểu thiền sư Pháp Quang muốn chỉ việc phải nên cẩn thận trên đường tu hành, chớ xuất đầu lộ diện khi chưa giác ngộ. Lâu nay, nghĩ tưởng thiền tông chẳng còn các bậc thiện tri thức, nhưng khi gặp được thiền sư Pháp Quang, Ngài mới biết là vẫn còn có những thiền sư lỗi lạc.
Nghe tin Ngài cùng thầy Diệu Phong muốn đến núi Ngũ Ðài, cùng biết khó mà lưu giữ hai ngài lại, hoàng tử Sơn Ấm không dám cản trở. Hoàng tử Sơn Ấm lại biết cha mẹ Ngài còn tại thế, nên định sai người đem hai trăm lạng vàng đến tặng cho họ để dưỡng già. Ngài bảo:" Bần đạo chỉ là tăng du phương, chưa tự cứu mình, chẳng đủ phước đức, sao lại dám làm lụy đến song thân."
Vì hoàng tử Sơn Ấm nài nỉ, đưa tặng ba lần, nên cuối cùng Ngài thọ nhận và đem số vàng đó cúng dường lại cho thiền sư Pháp Quang để xây chùa đắp tượng Phật.
Tháng giêng năm 1575, Ngài cùng thầy Diệu Phong từ Hà Ðông đến núi Ngũ Ðài. Lúc đến vùng phụ cận tỉnh Bình Dương, đang cười nói thầy Diệu Phong đột nhiên thay đổi sắc mặt, lạnh lùng trầm ngâm. Ngài hỏi han ba câu, thầy Diệu Phong chỉ nói nửa câu. Ngài biết chắc thầy Diệu Phong có nổi buồn riêng tư gì nên cố hỏi gặn. Cuối cùng, Thầy đành thố lộ nguyên do. Vì tỉnh Bình Dương là quê củ của Thầy. Lúc Thầy còn nhỏ, vùng này bị nạn đói vì hạn hán. Lần đó, cha mẹ bị chết vì đói khát, nên Thầy mới vào chùa xuất gia. Xã hội nước Tàu vốn là xã hội nông nghiệp, duy trì cuộc sống chỉ nhờ vào nhu phẩm chính yếu, tức lúa gạo. Nếu năm nào bị thiên tai hạn hán, thì người chết đói khát cả hàng muôn vạn. Theo chu kỳ, một trăm năm trước khi có một triều đại nào khai quốc thì trong nước sẽ bị nạn thiên tai hạn hán. Lúc có thiên tai, họa hoạn, dân chúng ăn bất cứ gì có thể ăn được. Cha mẹ của thầy Diệu Phong chẳng hơn gì bao người khác. Sau khi chết, không có đất để chôn cất đàng hoàng, nên làm mồi cho loài thú hoang. Nay trở về cố hương, tuy chẳng có y gấm, nhưng có tiền cúng dường của hoàng tử Sơn Ấm cùng hai vị quan thân thuộc, hai ngài dùng số tiền này để mua một khu đất cao ráo, xây lại mộ phần và khắc bia kệ cha mẹ thầy Diệu Phong. Tên tục của thầy Diệu Phong là Tích, xưa kia sống tại phía đông thành phố Bình Dương. Thầy là con cháu của Tích Cúc, thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Thái thú tỉnh Bình Dương, Hồ Thuận Yêm, nghe hai vị danh tăng đến vùng mình cai quản, nên rất vui mừng. Vì biết tin quá muộn, lúc hai ngài rời khỏi thành Bình Dương ông thái thú mới hay biết. Do lòng chí thành, ông Hồ Thuận Yêm liền tìm lộ trình, đến Linh Thạch mới gặp được hai ngài. Sau khi đàm luận mãn ý, ông ta trở về dinh phủ, nhưng lại phái quân lính đi theo hộ tống hai ngài đến tận núi Ngũ Ðài. Ðến Ngũ Ðài, hai ngài chuẩn bị chuyên tâm nhất ý tu hành trong một thời gian, chứ không phải đi du ngoạn như lần trước. Vì vậy, hai ngài chọn Long Môn ở Bắc Ðài làm nơi cư trú. Ðịa thế vùng Long Môn rất cao. Tuy là mùa xuân, nhưng băng tuyết vẫn còn đóng y nguyên. Núi non u tịch, là nơi lý tưởng cho việc tham thiền tịnh tâm. Mồng ba tháng ba, phát hiện dưới đống tuyết dầy có vài am tranh cũ, Ngài dừng lại ở trọ trong đó. Nhìn chung quanh, núi non đất đai trắng xóa, khiến tâm Ngài sửng sốt, nhớ lại cảnh giới thiền định khi xưa. Hiện tại Ngài như đang lạc vào cảnh giới Lưu Ly.
Ðêm nọ, đột nhiên thầy Diệu Phong hứng chí đi dạo Ngũ Ðài. Biết thói quen của thầy Diệu Phong, Ngài không màng đến, chỉ một mình đơn độc tịnh tâm thiền quán trong am tranh. Ðột nhiên gió thổi ào ào, tuyết tan nước chảy ầm ầm, như sấm sét, khiến Ngài ngồi thiền chẳng yên, nên không thể nhập định. Nửa đêm, gió ngưng thổi, muôn vật bên ngoài đều trở lại tịch tĩnh, khiến nội tâm Ngài an tĩnh, nhưng vẫn còn nghe tiếng động rầm rầm như muôn ngàn binh mã đang giao chiến. Ngài ngồi mỏi mệt suốt đêm, không nhập định được. Hôm sau, trời hừng sáng, thầy Diệu Phong trở về, thấy sắc mặt Ngài trắng bạch, tâm thô khí nhược, nên rất ngạc nhiên, không biết việc gì đã xảy ra đêm hôm trước, liền hỏi han. Ngài thuật lại sự tình đêm qua. Nghe xong, thầy Diệu Phong khuyên:" Cảnh từ tâm sanh, chẳng từ ngoài đến. Người xưa bảo rằng trong ba mươi năm nếu không còn nghe nước chảy thì sẽ chứng đắc cảnh giới Quán Âm viên thông. Nếu đắc được cảnh giới đó, thì không còn bị ngoại cảnh chi phối, phiền muộn gì nữa. Huynh tin tưởng là sư đệ sẽ đạt đến cảnh giới đó."
Ngài vui mừng, bảo:" Câu này đệ thường đọc qua nhiều lần, nhưng chẳng biết tại sao tối qua không nhớ đến ! Thật nguy hiểm, nếu không có thầy hiền bạn tốt hướng dẫn chỉ điểm thì chắc sẽ bị mê mù, đọa lạc vào đường ma rồi."
Nói xong, Ngài lập tức cử động thân thể, đứng dậy, đi ra ngồi thiền bên cạnh con suối. Mới đầu, vẫn còn bị động tâm vì tiếng nước chảy róc rách. Nếu tâm động thì nghe tiếng nước chảy, bằng ngược lại chẳng nghe gì hết. Ngày nọ, đang ngồi thiền, Ngài chợt quên mất thân tâm, cho đến âm thanh cũng tịch nhiên bất động. Từ đó, mọi âm thanh bên ngoài không còn ảnh hưởng tâm tư của Ngài nữa. Trong những ngày tự rèn luyện thân tâm tu đạo. Ngài sống trong cảnh gió rét tuyết sương, ăn uống khổ cực vô ngần, chẳng ai chịu nổi. Món ăn hằng ngày chỉ có bột gạo cùng rau dại. Lúc vừa đến Ngũ Ðài, có người cúng dường ba đấu gạo mà cho đến nửa năm vẫn ăn chưa hết. Trong đói rét khổ cực, Ngài tự tu tâm dưỡng tánh. Ngày nọ, vừa dùng cháo xong, Ngài đi kinh hành, rồi đột nhiên nhập định, không thấy thân tâm, duy chỉ có một hào quang lớn chiếu sáng chói cả năm tạng, viên mãn thâm tịch, như một tấm kiếng tròn lớn. Núi sông đất đai đều hiển hiện trong đó. Khi cảm giác trở lại, tự tìm chẳng thấy thân tâm. Cảnh ngộ này không giống như lúc ở Bàn Sơn, Ngài không còn thấy thân tâm mình ở đâu nữa. Có thể tính đây là lần khai ngộ đầu tiên. Việc khai ngộ tâm tánh khiến Ngài tràn đầy niềm sung sướng, thấy rõ manh mối thiền cơ. Nhờ dụng công tu hành khổ hạnh, Ngài mới đạt đến cảnh giới này. Vì vậy, Ngài viết kệ:
"Khoảnh khắc nhất niệm, tâm cuồng ngưng
Căn trần nội ngoại, đều thấu suốt
Thân bay độc phá, thái hư không
Vạn tượng xum la, từ đây diệt."
Khi ấy, trong ngoài thân tâm lắng đọng, âm thanh sắc tướng không còn làm chướng ngại. Những nghi hoặc trước đây, nay đã hiểu rõ. Nhìn vào nồi cơm, chỉ thấy mốc meo, chẳng biết đã nhập định bao lâu.
Năm đó Ngài được ba mươi mốt tuổi. Tuy khai ngộ nhưng không được ai chứng minh, nên Ngài mở kinh Lăng Nghiêm ra để cầu ấn chứng. Ngài nhận thấy sở ngộ của mình rất phù hợp với lời Phật giảng giải trong kinh. Trong vòng tám tháng, do dùng tâm chất trực, không phân biệt hay vọng động, Ngài hiểu rõ nghĩa lý ý chỉ thâm sâu vi diệu của kinh Lăng Nghiêm mà trước đây chưa từng biết đến.
Trải qua năm năm chia cách, thầy Tuyết Lãng luôn nhớ đến, nên thường hỏi han tin tức và tìm kiếm Ngài. Cuối cùng thầy Tuyết Lãng mới thực sự biết tin tức về Ngài đang ở tại núi Ngũ Ðài đã hơn nửa năm. Thế nên, thầy Tuyết Lãng tìm đến, gặp Ngài nơi đảnh núi tuyết băng. Vì nơi núi Ngũ Ðài, đã quen chịu đựng tu hành khổ hạnh, nên khi gặp lại sư huynh mình, Ngài cảm thấy rất khác biệt về tư tưởng cùng cách thức tu hành. Hiện tại, hai ngài đã trưởng thành. Mỗi người đều tự chọn lựa con đường tu hành riêng cho mình, nhưng đạo tình huynh đệ vẫn nồng thắm. Vừa gặp mặt nhau, thầy Tuyết Lãng liền bảo:" Lần này, lên đây huynh muốn mời sư đệ trở vào nam tu hành."
Ngài đáp:" Sư huynh chắc đã biết tánh của đệ, một khi đã quyết định làm việc gì rồi thì khó mà thay đổi."
Thầy Tuyết Lãng nói:" Nếu vậy thì sư đệ có cho phép huynh ở lại đây đồng tu hành chăng ?"
Ngài đáp:" Núi Ngũ Ðài là nơi giá hàn tuyết lạnh. Sư huynh là người miền nam, chắc không thể chịu đựng nổi thời tiết lạnh lẽo. Năm xưa, sư huynh đã từng khuyên đệ chớ nên lên đây tu hành. Nhận thấy sức khỏe của sư huynh không được mạnh cho lắm, nên khó lòng ở lại nơi đây."
Thầy Tuyết Lãng bảo:" Sư đệ ở được thì huynh cũng ở được. Huynh quyết cùng tu hành sống chết với sư đệ."
Ngài nói:" Mỗi người chúng ta đều có trọng trách riêng. Nhân duyên tan hợp đều khác với người thế tục."
Thầy Tuyết Lãng bảo:" Cơ duyên chúng ta gặp nhau hôm nay thật là hiếm có."
Ngài nói:" Tùy theo nhân duyên, mỗi chúng ta có chí hướng tu hành riêng biệt. Sư huynh có trọng trách rất lớn, phải lo kế thừa y bát của pháp sư Vô Cực, tương lai xiển hưng đạo pháp, chớ nên tu hành như đệ, chỉ ngồi thiền định suốt ngày nơi núi khô rừng vắng, cả đời đi du phương khắp giang hồ. Phật giáo vùng Giang Nam hiện nay rất suy vi, chỉ còn nương nhờ vào tài đức của sư huynh, làm con mắt cho trời người, giáo hóa thế nhân, khiến họ phát tâm tu đạo trở về với chánh pháp, thì mới không phụ công ơn dạy dỗ cùng niềm hy vọng của pháp sư Vô Cực năm xưa."
Nghe thế thầy Tuyết Lãng nói:" Lời khuyên của sư đệ, huynh nguyện xin lãnh thọ."
Thầy Tuyết Lãng biết rõ, ngay lúc còn nhỏ, Ngài đã có chí hướng cao cả. Ngài tu hành khổ hạnh nơi núi Ngũ Ðài vì muốn cầu liễu giải đạo lý thâm sâu cao thượng, hầu mong mai sau đem ra giúp ích xiển dương đạo pháp. Tối hôm đó, hai ngài đàm luận suốt đêm. Cuối cùng, thầy Tuyết Lãng quyết định trở về miền nam hoằng dương Phật pháp. Ngày kế, Ngài trịnh trọng tiễn đưa thầy Tuyết Lãng trở về vùng đông nam hoằng pháp. Trong ba mươi năm giảng kinh thuyết pháp, hoằng dương chánh giáo, thu hút rất nhiều tín chúng, thầy Tuyết Lãng trở nên vị giảng sư nổi tiếng trong vùng Giang Nam, thật sự kế thừa sự nghiệp của pháp sư Vô Cực.
Mùa xuân. Vừa khai ngộ chẳng bao lâu, đại sư Liên Trì đến thăm viếng Ngài. Xin nói sơ về Ðại sư Liên Trì. Ðại sư người Hàng Châu, họ Trầm, tự Phật Huệ, hiệu Chu Hoằng, danh Vân Thê. Thuở nhỏ học Nho giáo. Ðại sư đạo đức, văn chương lỗi lạc siêu quần. Ngày nọ, Ðại Sư nghe tiếng niệm Phật của bà góa phụ láng giềng. Hỏi ra, biết chồng bà lúc còn sống, thường niệm Phật, nên khi lâm chung đắc chánh niệm. Từ đó, tâm Ðại Sư hướng về tịnh độ, tự viết bốn chữ 'sanh tử đại sự' trên phiến đá tọa thiền. Năm hai mươi bảy tuổi, cha qua đời. Năm hai mươi chín tuổi vợ mất. Năm ba mươi mốt tuổi mẹ qua đời. Năm ba mươi hai tuổi, đến đảnh Tiên Chi ở Triết Giang, lễ bái mộ phần cha mẹ, Ðại Sư tự cảm thán:" Ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ. Nay chính là lúc phải nên báo đáp."
Ngày nọ, bà Thang Thị, người vợ kế, làm bể tách nước trong khi pha trà. Thấy vậy, Ðại Sư bảo:" Lý nhân duyên, không gì là không tan hoại."
Ngày khác, Ðại Sư bảo bà Thang Thị:" Ân ái chẳng thường hằng. Sanh tử chẳng đợi trông. Nay tôi muốn đi xuất gia. Bà hãy tự lo liệu lấy thân."
Năm ba mươi ba tuổi, Ðại Sư đến núi Ngũ Ðài, xuất gia theo hòa thượng Tánh Thiên, rồi đến chùa Chiêu Khánh thọ giới nơi luật sư Vô Trần. Năm đó, vì tiên sư viên tịch, Ðại Sư đến núi Lô Sơn, tham bái thiền sư Biện Dung. Thiền sư Biện Dung bảo:" Chớ tham danh mến lợi mà ra vào cửa quyền quý. Ra sức dụng công, nhất tâm tu đạo, kiên cố trì giới."
Ðại Sư cũng đến tham vấn pháp sư Tiếu Nham. Ngày nọ, đang đi ngang qua vùng Sơn Ðông, đột nhiên Ðại Sư chợt khai ngộ, liền viết kệ:
"Việc hai mươi năm trước đều nghi
Ngoài ba ngàn dặm, sao lạ kỳ
Ðốt hương ném giáo, đều như mộng
Ma Phật chẳng tranh, thị là phi."
Lần nọ, tại chùa Ngõa Quan ở Giang Tô, Ðại Sư bị bịnh nặng, khí đoạn như đã chết. Lúc làm lễ trà tỳ, đại chúng nghe trong hòm có tiếng của Ðại Sư:" Tôi vẫn còn chút hơi thở !"
Do đó, Ðại Sư sống trở lại. Năm ba mươi bảy tuổi, nhân đi khất thực tại vùng Phạm Thôn, thấy non xanh nước biếc, thâm u tịch tĩnh, Ðại Sư quyết tâm vĩnh viễn cư trú tại chùa Vân Thê, bên dưới núi Ngũ Vân, do một thiền sư phục hổ sáng lập vào những năm đầu đời Tống. Vùng Phạm Thôn có rất nhiều hổ. Khi đến đó, nhờ Ðại Sư thường tụng kinh thí thực, loài hổ dần dần bỏ đi. Năm nọ, trong vùng bị nạn hạn hán, dân chúng đến thỉnh Ðại Sư cầu mưa. Ðại Sư bảo:" Tôi chỉ biết Phật pháp, chứ chẳng có pháp thuật gì !"
Nói xong, Ðại Sư vừa đi chung quanh các thửa ruộng vừa gõ mõ niệm Phật. Lát sau, trời đột nhiên đổ mưa. Từ đó danh Ðại Sư vang rền khắp nơi. Ðại Sư hành trì giới luật tinh nghiêm, vì giới luật là một trong ba môn học vô lậu trọng yếu. Lý thái hậu rất kính phục những bài văn phóng sanh của Ðại Sư, nên bà thường tham vấn Phật pháp và cúng dường y bát. Ðại Sư viết kệ cảm tạ:
"Người tôn vinh hào quý
Do xưa trồng nhân lành
Nhân thắng, quả tất quý
Nay thành tụ đại phước
Thâm đạt tướng tội phước
Trong quả đã có nhân
Ví như hoa trên gấm...."
Ðọc bài kệ này, Lý thái hậu lại càng thâm tín cung kính Ðại Sư. Lúc bốn mươi bảy tuổi, bà Thang Thị, người vợ kế thuở xưa, cảm kích hạnh tu trì của Ðại Sư, nên theo hòa thượng Thiên Tánh xuất gia, với pháp hiệu là Chu Cẩm. Năm năm mươi tám tuổi, bà đặt tên tịnh thất là Nữ Nghiệp Lâm, danh "Hiếu Nghĩa Vô Ngại Am."
Ðại sư Liên Trì chú trọng giới luật, cổ xướng thiền tịnh quy nhất, tức tâm thiền hạnh tịnh. Niệm Phật cũng là pháp đốn giáo như thiền tông, chẳng phải là pháp tướng, mà là trực tánh. Một niệm không sanh tức là Phật. Thể tánh của một niệm, tức là Phật A Di Ðà. Có người hỏi:" Trì danh niệm Phật, có phải là còn niệm không ? Một niệm không sanh của đốn giáo có phải là vô niệm không ?"
Ðại Sư đáp:" Trì niệm tức nhất tâm bất loạn, cũng là vô niệm. Nhất tâm tức không còn niệm."
Ðại Sư dùng rất nhiều pháp môn phương tiện, lược thuyết có ba: Pháp môn niệm Phật, pháp môn chỉ quán, pháp môn tham thiền.
Ðại Sư trước tác chú giải kinh Lăng Nghiêm, kinh A Di Ðà Sớ Sao, kinh Di Giáo, kinh Phạm Võng, cùng những bài trước tác về tông Tịnh Ðộ, giới luật, tạp lục, và tùy bút. Tổng cộng khoảng ba mươi hai loại. Mục đích của Ðại Sư là muốn dung hợp tất cả pháp môn tông phái. Môn hạ đệ tử của Ðại Sư có hơn cả ngàn người. Năm tám mươi mốt tuổi, Ðại Sư bảo đại chúng:" Tôi thường nhắc mà đại chúng vẫn không để ý. Thân tôi như ngọn đèn trước gió. Dầu cạn, đèn phải tắt... Ngày mai tôi sẽ đi."
Nói xong, Ðại Sư vào thất phương trượng, mắt nhắm không nói lời nào. Sau này, lúc các đệ tử trong thành đến, Ðại Sư bảo:" Ðại chúng hãy chân thật niệm Phật."
Có vị tăng hỏi:" Bạch Ðại Sư ! Ai có thể làm chủ được mình ?"
Ðại Sư đáp:" Người có hạnh giải song toàn."
Trả lời xong, Ðại Sư xoay mặt vào vách tường, niệm Phật, đoan tọa thị tịch.)
Ðạo hạnh và học vấn thâm sâu của đại sư Liên Trì khiến tăng chúng trong nước nói chung, cùng tăng chúng tại núi Ngũ Ðài nói riêng, rất kính phục. Lần tương kiến này, đại sư Liên Trì cùng Ngài đàm luận cả vài ngày đêm, rất tương đầu ý hợp. Ðại sư Liên Trì lớn tuổi hơn Ngài. Nhân vật chủ yếu, ảnh hưởng Ngài từ Thiền mà nhập vào Tịnh Ðộ, tức hành Thiền Tịnh song tu, chính là đại sư Liên Trì. Sau khi đại sư Liên Trì viên tịch, Ngài đến Vân Thê dự lễ an táng. Ðệ tử của đại sư Liên Trì thỉnh Ngài viết kệ về cuộc đời tu hành của đại sư, khắc lên bia đá...