Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Thiền định


Ngài có mối liên hệ thân thiết với giới quan phủ, như quan tư mã Uông Bá Ngọc, vốn là bạn học thuở thiếu thời. Lắm khi Ngài đến dinh phủ, cùng họ đàm luận hay tạm trú vài mươi ngày. Lắm khi Ngài cũng tránh xa cửa quan, nhưng lại bị họ tìm kiếm. Ðiển hình là lúc lánh nạn ẩn cư tại Bàn Sơn, quan Uông Bá Ngọc lại phái người đến thỉnh mời Ngài trở về Bắc Kinh.

Vào đời Minh, mối liên hệ giữa tăng lữ cùng quan quân rất mật thiết. Nhiều cao tăng đại đức thường lui tới dinh phủ cùng quan quân đàm luận giao hảo.

Thái thú Hồ Thuận Am, vừa nhậm chức tại ải Nhạn Môn, một cửa ải chiến lược trọng yếu ở miền bắc, gần núi Ngũ Ðài, lên núi thăm viếng Ngài. Trên núi, Ngài chiêu đãi ông ta thức ăn đạm bạc. Ngày thường ăn sơn hào hải vị, nay được đổi khẩu vị bằng rau tươi cải luộc, khiến ông ta rất thích thú. Lúc đó, thời tiết cuối hè tại núi Ngũ Ðài rất mát mẻ, nhưng vào buổi trưa thì rất nóng. Ngài cùng ông ta đàm Thiền luận Phật. Ông hỏi:" Ngày hạ nóng nực như vầy, pháp sư làm sao giải nhiệt ?"

Ngài đáp:" Tâm tịnh thì tự nhiên lòng trong mát. Thái Thú sao nhọc lòng lo lắng cho bần tăng. Phàm muôn sự đều tùy duyên nhậm vận, sao còn cảm giác nóng nực hay lạnh lẽo ?"

Thái Thú thưa:" Pháp sư đạo hạnh thâm cao, người phàm khó thể so sánh. Ngưỡng vọng Pháp Sư từ bi chỉ dạy cách giải nhiệt."

Ngài đáp:" Suối nguồn ở nơi đây vẫn còn đóng băng. Bao mùa hạ băng tuyết chưa tan. Nếu Thái Thú thích, hãy ở lại đây vài hôm để được giải nhiệt. Thật ra, khí nóng hay giá lạnh, đều do tâm mà phát sanh. Tâm của chúng ta vốn là Phật, không nóng cũng không lạnh. Dùng nước đá giải nhiệt, cũng là dùng ma chế ma, nên nhà Phật không chấp vào nó."

Hồ Thuận Am cười đáp:" Nơi của Pháp Sư trú, thật là một thế giới đặc biệt. Lời chân thật của Pháp Sư khiến cho Hồ Mỗ Mao chợt đốn ngộ việc phân tranh vinh nhục đều hư vọng. Vọng niệm của phàm phu đều như nước đá đóng băng."

Ngài bảo:" Nếu Thái Thú giữ được niệm đó, thì sẽ cùng tâm Phật không cách xa."

Thái Thú thưa:" Ða tạ Pháp Sư chỉ điểm. Sau này lão Hồ nếu giúp gì được, xin Pháp Sư chớ ngần ngại bày tỏ."

Ngài đáp:" Bần đạo vốn là người hoang dã, sao làm nhọc lòng Thái Thú."

Mùa đông, tháng mười, phương trượng trụ trì chùa Tháp Viện là Ðại Phong bị bổn đạo vu oan, kiện cáo là có vợ, nên bị quan quân bắt nhốt, khiến hoàn tục. Số là trên núi Ngũ Ðài, có rất nhiều cây quý, khiến gian thương muốn đốn lấy. Nhiều lần chúng lén đốn cây, nhưng bị thầy Ðại Phương ngăn chận. Lại nữa, quan phủ địa phương luôn bảo hộ chùa viện, nên chúng không biết làm sao. Khi thái thú Hồ Thuận Am lên núi, chúng liền vu cáo thầy Ðại Phương. Lúc đó, Ngài đang tu thiền tại Long Môn, chưa biết đến việc này. Ðến khi thiền sư Triệt Không từ Lô Sơn tới thăm, thuật lại việc thầy Ðại Phương bị vu oan và bị phán quan cưỡng bách hoàn tục, thì Ngài mới tỏ rõ. Lúc đó, gian thương đang đốn phá cây cối chung quanh chùa viện. Nghe việc này, Ngài an ủi thiền sư Triệt Không:" Thầy chớ đau buồn. Việc này bần tăng có thể giải quyết được."

Thiền sư Triệt Không bảo:" Quan phủ có thế lực. Phận mình là tăng sĩ, không quyền thế tiền tài, chỉ có hai bàn tay trắng, làm sao cứu được thầy Ðại Phương ?"

Ngài đáp:" Xin Thầy chớ lo buồn. Tôi sẽ cố gắng cứu giúp thầy Ðại Phương trở về chùa."

Nói xong, Ngài liền lội tuyết đến ải Nhạn Môn, tại núi Sùng Sơn. Lúc ấy, vào triều Minh, vùng biên cương phía bắc ít khi có nạn binh đao. Ải Nhạn Môn tuy nằm trong vị trí chiến lược hiểm yếu, nhưng ít khi có giao tranh, nên thái thú Hồ Thuận Am cũng được an nhàn rảnh rỗi. Người qua lại cửa ải Nhạn Môn cũng rất ít. Ðang nghỉ ngơi trong doanh trại, thái thú Hồ Thuận Am nghe báo cáo là có một tăng sĩ đến tìm ông. Ông ta chợt lấy làm lạ, thời tiết lạnh lẽo như thế này, ai lại tìm đến đây ? Tuy nghĩ vậy, ông vẫn đi ra ngoài doanh trại xem coi. Ra đến, ông đâu ngờ, người tìm mình chính là ngài Hám Sơn, đột nhiên xuất hiện tại vùng biên ải. Ông vui mừng, lấy áo bào đắp lên thân Ngài, rồi hướng dẫn Ngài vào doang trại, bảo:" Muốn lên núi lễ bái tham vấn Pháp Sư, nhưng cả mấy ngày nay tuyết rơi dầy đặc, che lấp đường đi, nên không tiện. Nào ngờ hôm nay Pháp Sư đến. Lão Hồ này thật có phước đức."

Sưởi ấm xong, Ngài nói:" Hôm nay bần tăng lội tuyết đến đây, vì có một chuyện, mong nhờ Thái Thú giúp đỡ."

Thái Thú hỏi:" Có việc gì quan trọng, khiến Pháp Sư phải cực nhọc, lặn lội đến đây ?"

Ngài đáp:" Nếu Thái Thú vui lòng, bần tăng mới dám trình bày sự việc."

Thái Thú bảo:" Pháp Sư hãy an tâm mà kể rõ sự tình. Nếu giúp được, lão Hồ không quản khó khăn đâu."

Ngài nói:" Cách đây vài hôm, thủ hạ của Thái Thú đã bắt giam thầy Ðại Phương, hòa thượng trụ trì tại núi Ngũ Ðài. Xin Thái Thú hãy rộng tình tha thứ cho thầy Ðại Phương."

Nghe lời này, ông chợt nhớ lại việc bắt giam thầy Ðại Phương. Nếu nể lời Ngài mà thả thầy Ðại Phương ra thì ông sẽ mất mặt với bộ hạ và các thương nhân. Ngược lại, nếu từ chối thì làm sao đối diện với Ngài. Lúc ông ta đang suy gẫm việc tiến thối lưỡng nan này, Ngài lại bảo:" Núi Ngũ Ðài có cây cối già cả hàng trăm năm. Nếu để cho gian thương vì chút lợi nhỏ mà chặt phá, thì đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù không còn là thắng cảnh, non xanh nước biếc nữa. Thái Thú sao không vì con cháu đời hậu lai, mà ngăn cấm việc chặt cây phá rừng ?"

Vì nghe lời bộ hạ cùng bọn thương nhân, ông mới bắt lầm thầy Ðại Phương. Lúng túng, ông đáp:" Lúc trước, vì nghe thầy Ðại Phương có những chuyện không hay, và thường làm trở ngại các thương nhân, nên mới tạm giam để chờ xét xử. Bảo hộ rừng cây núi Ngũ Ðài, là việc cần làm. Thầy Ðại Phương thật ra có công mà lại chuốc tội. Việc này vì bọn thuộc hạ của lão Hồ quá hồ đồ. Xin Pháp Sư an tâm. Lão Hồ sẽ thả thầy Ðại Phương ra ngay."

Ngài chấp tay bảo:" Nam mô A Di Ðà Phật. Lành thay ! Lành thay ! Thái Thú thật sáng suốt. Muôn dân nương nhờ Thái Thú mà hưởng phước. Song, nếu Thái Thú có thể ra lệnh, cấm chỉ chặt cây phá rừng, thì công đức này vô lượng. Từ đây về sau, rừng cây nước nhà được bảo tồn. Dân chúng sẽ dùng không hết gỗ mộc. Những chuyện trộm cắp vặt, chắc sẽ ít phát sanh."

Thái Thú bảo:" Lời của Pháp Sư thật có lý."

Nói xong, ông liền ra lịnh phóng thả thầy Ðại Phương cùng viết công cáo, cấm việc chặt cây đốn rừng trên núi Ngũ Ðài. Những bọn lưu manh du đãng trên núi cũng dần dần bỏ đi mất.

Ðến ải Nhạn Môn, Ngài vốn chỉ muốn cứu thầy Ðại Phương thôi, nào ngờ lại được ông Thái Thú thông cảm, phê chuẩn cấm việc phá hoại rừng cây.

Bàn về việc công xong, Thái Thú mời Ngài ở lại doanh trại bàn luận Phật pháp qua mùa đông. Vì không thể từ chối, Ngài đành phải nán lại nơi đó qua năm mới. Quan quân tại ải Nhạn Môn, nhộn nhịp sửa soạn đón giao thừa. Cảnh tưng bừng nhộn nhịp đón mừng năm mới, nào hợp với tâm định tĩnh của người tu hành. Thế nên, suốt ngày Ngài ở trong doanh trại, không đi đâu cả, chỉ khi nào ông thái thú đến, mới đàm luận xã giao.

Quan khai phủ Cao Công, vừa dời về Ðại Châu, nghe tin Ngài đang ở doanh trại của thái thú Hồ Thuận Am, liền đến gặp, cầu Ngài viết một bài thơ phú chúc tết. Vì khai phủ Cao Công là bạn thân của thái thú Hồ Thuận Am, nên Ngài đáp:" Học thức bần tăng cạn cợt. Vã lại, trong đầu không có một chữ, làm sao viết thơ kệ !"

Tuy Ngài cự tuyệt, nhưng Cao Công vẫn khăng khăng khẩn cầu. Vì vậy, Hồ Thuận Am lại yêu cầu Ngài viết kệ. Cuối cùng, Ngài nhờ Hồ Thuận Am lấy những bài thi kệ thuở xưa ra, rồi vừa đọc vừa viết kệ. Ðang viết, đột nhiên bao thi kệ trào ra liên tục, Ngài không thể kềm chế. Hồ Thuận Am vừa ra khỏi khách đường, liền trở lại. Lúc đó, Ngài đã viết xong khoảng ba mươi bài kệ rồi. Ngài tự bảo:" Ðây là tập khí của con quỷ văn tự."

Vì vậy, Ngài lập tức ngừng viết, cố khống chế tư tưởng, không nghĩ về văn tự. Ngài chỉ đưa cho Cao Công một bài kệ để thỏa mãn lòng mong muốn của ông ta, rồi bước vào phòng riêng ngơi nghỉ. Song, những bài thi kệ đã đọc và viết xưa nay, tự nhiên tuôn trào ra trước mắt, đầy khắp hư không. Khi ấy, thân Ngài như khẩu miệng, tuôn tràn bao dòng kệ. Ngài không còn biết thân tâm ở đâu, chỉ cảm giác lân lân, cứ để mặc tình thơ kệ trào ra.

Hôm sau, Hồ Thuận Am tiễn đưa Cao Công ra doanh trại, chỉ còn một mình Ngài ở lại. Ngài tự suy nghĩ:" Ðây chính là thiền bịnh mà thiền sư Pháp Quang đã nói đến khi trước. Hiện nay không có ai giúp mình ra khỏi cơn bịnh này. Vậy, chỉ việc cố ngủ say sưa thì mới mong trị được nó."

Sau đó, Ngài đóng cửa phòng lại, rồi ngồi thiền cố định tâm. Hồi sau, Ngài nhập định lúc nào mà vẫn không biết. (Ðịnh nằm trong ba môn vô lậu học, giới, định, huệ. Từ định, trí huệ bát nhã được khai mở, khiến viễn ly phiền não). Ðồng tử hầu cận gõ cửa phòng Ngài nhưng không nghe tiếng trả lời. Sau khi trở về, Hồ Thuận Am nghe tin Ngài không ra ngoài ăn uống cả ba ngày. Ông hỏi han, đồng tử hầu cận đáp:" Ðã ba ngày, Pháp Sư chưa bước xuống giường thiền."

Ông bảo:" Vậy ngươi có gõ cửa không ?"

Ðồng tử đáp:" Tiện nhân có gõ cửa vài lần, nhưng không nghe tiếng trả lời."

Hỏi han xong, ông Hồ Thuận Am dẫn gia nhân đến phòng Ngài. Từ ngoài cửa sổ nhìn vào, ông thấy Ngài an nhiên ngồi thiền, sắc mặt vẫn hồng hào như thường. Vì thường giao tiếp với các thiền su, ông bảo:" Pháp Sư đã nhập định. Các ngươi chớ làm rộn Ngài. Khi đúng thời thì Ngài sẽ xả định."

Hai ngày sau, Ngài vẫn chưa xuất định, khiến cho Hồ Thuận Am lo sợ. Ông bảo gia nhân trèo vào cửa sổ, gọi Ngài xả định. Bọn gia nhân kêu gọi, lung lay thân thể, nhưng Ngài vẫn ngồi thiền bình thường, hơi thở vẫn còn ra vào. Nhìn xung quanh phòng, Hồ Thuận Am thấy có một cây khánh dẫn lễ ở trên bàn thờ Phật. Ông chợt nhớ lại lúc trước đã từng hỏi công dụng của cây khánh. Khi đó Ngài đáp:" Các vị Tổ ở Ấn Ðộ, thường nhập định rất lâu. Nếu muốn các ngài xả định, phải dùng đến cây khánh dẫn lễ này."

Nhớ đến đây, Hồ Thuận Am liền cầm khánh, kê bên tai Ngài, rồi đánh vài tiếng. Nhờ vậy, Ngài từ từ xuất định. Thấy thế, Hồ Thuận Am vui mừng bảo:" Ô Pháp Sư đã xả định ! Một chút xíu nữa là lão Hồ này đã chết ngất vì Ngài rồi."

Song, lúc đó Ngài vẫn không biết thân tâm hiện giờ đang ở tại đâu, bảo:" Ðây là nơi nào ? Tôi chỉ vừa thở hơi thở thứ nhất !"

Hồ Thuận Am đáp:" Lão Hồ vừa tiễn Cao Công ra về, thì Pháp Sư liền nhập định liên tục cả năm ngày đêm rồi."

Nghe thế, Ngài lại im lặng quán sát kỹ càng những việc vừa xảy ra. Ý thức Ngài không biết hiện đang ở đâu và từ đâu đến. Quán sát trở lại lúc còn ở trên núi Ngũ Ðài cùng những cuộc hành trình lúc trước, mỗi mỗi đều như xảy ra trong mộng, chẳng thể mong cầu chấp trước. Hư không náo nhộn như mây rơi mưa tụ. Vạn vật đều tịch tĩnh an nhiên vô tướng. Tâm không cảnh tịnh, an lạc vô cùng, khiến Ngài viết kệ:

Cực tịnh sáng thông đạt

Tịch nhiên chứa hư không

Xoay về quán hư không

Như việc trong huyễn mộng."

Nhìn lại nửa đời vân du bốn bể, chỉ như cảnh mộng. Bao phiền não chất chứa trong tâm tan biến như mây khói.

Xả định, Ngài trở về núi Ngũ Ðài. Bao ngày, thầy Triệt Không đang bồn chồn chờ đợi. Ngày nọ, một chú tiểu từ dưới chạy lên núi, báo tin rằng Ngài đã trở về, khiến thầy Triệt Không rất vui mừng, chạy ra đón rước. Nhìn thấy sắc diện hồng hào của Ngài cùng một tiểu đội quân lính tháp tùng, thầy Triệt Không cảm giác an lòng. Bộ hạ của Hồ Thuận Am được lịnh phải trở về doanh phủ. Vài ngày sau, thầy Ðại Phương được thả về. Quan quân địa phương lên núi, ra thông cáo cấm chặt cây đốn rừng. Thầy Triệt Không, Ðại Phương, v.v... biết 'thần thông' của Ngài thật quảng đại. Từ đó, tăng chúng trên núi Ngũ Ðài rất kính trọng Ngài. Tuy được thỉnh mời trú tại Ngũ Ðài, nhưng Ngài lại khước từ, và vẫn ở tại am Long Môn tu khổ hạnh cùng với thầy Triệt Không.

Lúc đó, đột nhiên có một trận bão tuyết thổi đến Ngũ Ðài. Tuyết trắng phủ đầy khắp nơi. Núi Ngũ Ðài trở thành thế giới lưu ly. Am tranh tại Long Môn bị tuyết lấp kín. Song, Ngài cùng thầy Triệt Không vẫn điềm nhiên ngồi thiền. Mỗi ngày, họ thổi lửa nấu cơm nước một lần. Tuyết rơi càng ngày càng dầy đặc cả vài mươi ngày. Nhờ việc giải cứu thầy Ðại Phương, Ngài được tăng chúng trên núi kính trọng như bậc cao tăng. Thầy Triệt Không cũng là khách tăng của núi Ngũ Ðài, nên phải được bảo hộ chu toàn. Vì vậy, khoảng ba trăm tăng chúng tại Bắc Ðài, Trung Ðài, cùng chùa Bạch Mã, cầm cuốc xẻng đi đến am Long Môn. Ðường lộ đến Long Môn lởm chởm, gồ ghề. Tuyết rơi phủ khắp nơi. Nếu không để ý thì dễ dàng trượt chân xuống hố tuyết. Vì tuyết đóng dầy đặc, tuy có hơn ba trăm tăng chúng, nhưng đào xới cả hai ngày họ mới tìm thấy am tranh của Ngài và thầy Triệt Không. Tăng chúng bước vào am tranh, thấy hai ngài đang ngồi thiền gần lò bếp. Vừa thấy tăng chúng, Ngài mời họ vào nhúm lửa nấu trà, bảo:" Nước đá ngoài cửa đã được đun thành nước lỏng cam lồ. Quý vị vì cứu bần tăng mà phải chịu cực khổ bao ngày. Xin mời ngồi xuống uống trà."

Trước việc sống chết trong đường tơ kẻ tóc, sắc mặt Ngài vẫn điềm nhiên, tâm tư tự tại, khiến tăng chúng rất đỗi ngạc nhiên. Nghe tin Ngài bị nạn tuyết vùi lấp cả bao ngày mà không chút lo sợ, toàn thể tăng chúng trên núi Ngũ Ðài rất kính phục, và bảo nhau rằng Ngài được bình an là nhờ chư Phật gia hộ. Hôm sau, dân chúng trong vùng, nghe tin hai ngài được thoát nạn, liền đem bánh trái, rau quả đến am Long Môn. Sau này, trong những lần bão tuyết khác, Ngài cùng thầy Triệt Không thường nhập định tại am Long Môn. Việc tu thiền trong tuyết lạnh giá băng thật rất quen thuộc với Ngài.

Mùa xuân năm sau, Ngài lại đến Nhạn Môn để cảm tạ thâm ân của Hồ Thuận Am. Trở về Ngũ Ðài, Ngài định báo đáp thâm ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Lúc trước, Ngài đã từng xem qua văn phát nguyện cứu độ cha mẹ của đại sư Nam Ngạc Hành Sơn. Lại nữa, Ngài nhớ đến chư cao tăng trong đời quá khứ thường trích máu viết kinh. Vì vậy, Ngài quyết định trích máu viết kinh Hoa Nghiêm với mục đích là trên kết duyên cùng trí huệ Bát Nhã thù thắng, dưới đáp đền ân trọng của cha mẹ. Trước đó, Ngài đã từng ghi danh vào đoàn cao tăng trong toàn quốc, tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an do Lý thái hậu bảo trợ. Nghe tin Ngài định viết kinh Hoa Nghiêm bằng máu, Lý thái hậu sai người đem giấy bằng bột vàng đến cúng dường. Việc này, khởi đầu cho sự liên hệ mật thiết nhưng phức tạp giữa Ngài và hoàng tộc. Lý thái hậu là mẹ của vua Minh Thần Tông, tức hoàng đế Vạn Lịch. Chiếu theo sử triều Minh, Lý thái hậu dạy Minh Thần Tông rất nghiêm khắc. Lúc nhỏ, những khi Minh Thần Tông làm biếng, không thích học hành, bà phạt ông ta quỳ cho đến khi nhận lỗi mới thôi. Ngay cả sau khi Minh Thần Tông lên ngôi hoàng đế, bà vẫn không lơi lõng quản giáo con mình. Lần nọ, Minh Thần Tông tại Tây Thành thiết tiệc. Ăn uống say sưa xong, ông ta bảo quan nội thị xướng ca. Quan nội thị từ chối vì không biết ca hát. Việc này làm Minh Thần Tông nổi giận rồi tạt rượu vào mặt quan nội thị, lại định rút gươm ra chém. Nhờ tả hữu can gián, quan nội thị thoát chết. Minh Thần Tông vẫn chưa nguôi giận, nên nắm tóc quan nội thị mà cắt. Nghe việc này, bà liền viết thơ trách mắng con mình, cùng sai người đưa Minh Thần Tông vào cung gặp bà. Vào cung, Minh Thần Tông quỳ xuống khóc lóc nhận tội trước mặt bà.

Lý thái hậu quản giáo con mình rất nghiêm khắc, khiến cho Minh Thần Tông âm thầm bất mãn. Song, trong triều nội, ngoài bà ra, không ai có thể can lơn được Minh Thần Tông. Sau này, vì tin tưởng Phật pháp, bà thường cúng dường tiền bạc, xây dựng sửa chữa các chùa viện trong ngoài kinh sư. Vì nể mẹ, Minh Thần Tông cũng hỗ trợ tiền tài rất nhiều. Do đó, tại kinh đô, dân chúng thường gọi bà là 'Phật lão nương nương'. Việc 'trợ thí vô số tiền bạc' khiến Minh Thần Tông rất đau lòng. Lại nữa, triều đình phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc cho việc chi phí quân binh, đánh dẹp cướp biển ở vùng đông nam. Sau này, dựa vào việc Lý thái hậu cúng dường tiền bạc cho Ngài để trùng hưng các tự viện, Minh Thần Tông làm nháo rộn lên. Nhờ sự can gián của bá quan, tình mẹ con giữa bà và Minh Thần Tông được hàn gắn. Song, việc tranh chấp trong triều nội, khiến Ngài cùng các vị tăng sĩ bị liên lụy. Ðiển hình là việc Ngài bị lưu đày cả vài thập niên sau này, còn thiền sư Ðạt Quán thì bị chét trong tù.

Năm ba mươi ba tuổi, niên hiệu Vạn Lịch năm thứ sáu (1579), Ngài chuyên tâm nhất ý viết kinh bằng máu. Thư pháp của Ngài rất tuyệt vì thuở nhỏ đã từng học qua thư pháp của các bậc vương gia trong bao triều đại. Mỗi lần viết nét chữ nhỏ hay lớn, Ngài cũng đều niệm Phật. Khi chư tăng kẻ tục lên núi viếng thăm, Ngài vừa viết vừa trò chuyện, tay không dừng nghỉ, miệng không quên lời đối đáp, nhưng không viết sai chữ nào. Chư tôn trưởng lão thấy vậy rất kinh ngạc, nên thường đến thử thách, cố ý làm rầy để khiến Ngài bị phân tâm. Tuy vậy, Ngài vẫn không viết sai một chữ. (Danh tiếng đạo đức tu hành của Ngài, ngày một nổi bậc, khiến rất nhiều người trọng vọng, đến núi Ngũ Ðài thỉnh giáo lễ bái.) Tăng chúng thấy thế, hỏi thầy Diệu Phong. Thầy đáp:" Vì sư đệ của tôi có công phu thiền định thâm sâu, nên trí huệ mới được như thế."

Từ lúc trú tại núi cho đến khi bắt đầu viết kinh, Ngài thường gặp những giấc mơ lành:

"Thứ nhất, Ngài mơ thấy mình đi vào động Kim Cương. Ngay nơi cửa đá có khắc bảng: "Chùa Ðại Bát Nhã." Bước vào, Ngài thấy chùa rộng lớn như hư không. Mái chùa lầu các trang nghiêm vô cùng. Trong chánh điện chỉ có một sàng thiền to lớn. Ngài lại thấy quốc sư Thanh Lương đang nằm trên sàng thiền, còn thầy Diệu Phong thì đang đứng hầu bên trái. Thế nên, khi vừa vào, Ngài lập tức lễ bái rồi đứng về bên phải. Ðược nghe quốc sư Thanh Lương khai thị: "Vừa nhập vào cảnh pháp giới viên dung, gọi là sự hỗ nhập của cõi Phật, chủ khách tương giao, tướng đến đi chẳng động đậy."

Như những lời thuyết giảng của quốc sư Thanh Lương, những cảnh giới đó hiện ra rõ ràng trước mắt và Ngài cảm thấy thân tâm hòa đồng với chúng. Khi đó, Ngài nghe thầy Diệu Phong hỏi quốc sư Thanh Lương: "Bạch Quốc Sư ! Ðây là những cảnh giới gì ?"

Quốc sư Thanh Lương cười đáp: "Vô cảnh giới của cảnh giới."

Thức dậy, Ngài tự thấy thân tâm cùng khung cảnh xung quanh dung hợp triệt để, không còn bị nghi tình làm chướng ngại.

Ðêm khác, Ngài tự thấy thân mình vụt thăng lên hư không, cao đến vô cực. Hạ xuống, Ngài thấy mười phương thế giới đều lắng đọng, vắng vẻ, không có một vật chi, duy chỉ có đất bằng như tấm gương, long lanh chiếu sáng. Nhìn xa xa, Ngài chỉ thấy một lầu các rộng lớn, bằng phẳng như hư không. Trong lầu các hiện ra tất cả sự vật trên thế gian như con người, động vật, chợ búa, thành ấp lớn nhỏ; mỗi mỗi đều nằm trong đó; chúng đến đi không ngăn ngại. Trong lâu các có đặt một tòa thiền màu vàng đỏ tím óng ánh. Tự tâm Ngài bảo rằng đó là bảo tòa Kim Cang. Sự trang nghiêm của lâu các này vi diệu, không thể nghĩ bàn. Ngài vui vẻ muốn tiến đến gần. Tâm Ngài chợt nghĩ rằng trong cảnh giới thanh tịnh này cũng có tán loạn uế trược. Khi vừa khởi niệm thì tòa lâu các xa dần dần. Ngài lại tự bảo rằng cấu uế hay thanh tịnh, đều do tâm sanh. Nghĩ đến đó thì lầu các lại hiện gần hơn. Trong những cảnh giới đó, Ngài chợt thấy có rất nhiều chư tăng. Hình tướng các ngài cao lớn, sắc thân trang nghiêm đoan chánh vô cùng. Ngài lại thấy một chú tiểu đồng từ tòa ngồi đứng dậy, tay cầm một quyển kinh bước xuống sàng tòa, đưa cho Ngài, nói: "Hòa Thượng đang thuyết kinh này, nên bảo tôi mang đến cho Ngài."

Ngài tiếp nhận, mở kinh ra đọc, thấy toàn là chữ Phạn viết bằng vàng, nhưng không biết chữ nào hết. Ngài bỏ quyển kinh này vào túi và hỏi chú tiểu đồng: "Hòa Thượng đang giảng kinh là ai ?"

Chú tiểu đồng đáp: "Là Di Lặc Bồ Tát."

Ngài rất vui vẻ, theo chú tiểu đồng, bước lên tầng cấp lâu các. Khi ấy, Ngài vừa đứng vừa nhắm mắt giữ chánh niệm, rồi chợt nghe tiếng khánh. Mở mắt ra, Ngài thấy Bồ Tát Di Lặc đã lên tòa ngồi. Ngài liền cung kính chiêm lễ. Ngưỡng đầu nhìn lên, Ngài thấy sắc diện Bồ Tát Di Lặc màu đỏ tím, sáng chói oai nghiêm mà trên thế gian này không gì so sánh bằng. Ðảnh lễ Bồ Tát Di Lặc xong, Ngài tự nghĩ rằng hôm nay Bồ Tát đặc biệt thuyết pháp cho mình. Căn cơ thật rất khế hợp. Thế nên, Ngài quỳ xuống trước Bồ Tát Di Lặc, rồi mở quyển kinh ra. Ngài nghe Bồ Tát thuyết: "Phân biệt là thức. Vô phân biệt là trí. Y theo thức thì bị nhiễm ô. Y theo trí thì được thanh tịnh. Vì nhiễm ô nên có sanh tử. Vì thanh tịnh nên chẳng có chư Phật."

Nghe đến đó, đột nhiên Ngài cảm giác thân tâm mình như đang trong mộng huyễn."

Ngài lại nghe âm thanh của Bồ Tát Di Lặc trong hư không rõ ràng, khai sáng đất tâm. Thức dậy, âm thanh đó vẫn còn văng vẳng bên tai, chẳng quên mất một chữ. Từ đó, Ngài biết rõ sự khác biệt giữa trí và thức, tâm nhãn (mắt của tâm thanh tịnh) liễu nhiên. Nhận biết cõi nước mà Ngài vừa đến, chính là lâu các của Bồ Tát Di Lặc tại nội viện của cõi trời Ðâu Suất.

Ðêm khác, Ngài nằm mộng thấy một vị tăng đến bảo: "Bồ Tát Văn Thù trên đảnh Ðài Bắc có thiết lễ tẩy tịnh. Nay thỉnh Ngài đến."

Ngài bước theo vị tăng đó. Ðến nơi, Ngài bước vào một điện đường rộng lớn, mùi hương lạ bay tràn khắp nơi. Các thị giả đều là Phạm Tăng. Ngài được dẫn vào một buồng tắm. Sau đó, Ngài cởi y phục ra và tắm, nhưng thấy có người đã ở trong bồn tắm. Nhìn kỹ, đó là một cô gái. Vì vậy, Ngài không dám bước vào. Cô gái trong bồn tắm chợt chuyển hình tướng trở thành người nam. Thế nên, Ngài bước vào, cùng tắm chung. Người đó, lấy tay múc nước và xối trên đầu Ngài. Nước chảy từ đầu xuống chân, thấm vào mình Ngài như tẩy rửa một thùng thịt sống. Năm tạng trong người không còn nữa, duy chỉ còn lại bọc da, trong trắng như lưu ly, thấu suốt rõ ràng. Khi ấy, người kia gọi đem trà. Ngài thấy một vị Phạm Tăng, tay cầm sọ nửa đầu người, giống như trái dưa. Ngài nhìn vào, thấy máu mủ tủy não trong đó, nên khởi tâm nhờm ớn. Vị tăng kia dùng ngón tay, quẹt lấy tủy não, bảo: "Ðây là vật bất tịnh à !"

Sau đó, vị tăng kia liền đút tay vào miệng Ngài. Ngài nuốt xuống, mùi vị ngọt như mật. Cứ như thế, Ngài nuốt hết tủy não, duy chỉ còn máu. Người trong bồn tắm bảo: "Hãy đưa cho ông ta."

Vị tăng thị giả liền đưa cho Ngài. Nuốt vào, Ngài cảm giác như uống nước cam lộ. Nuốt vào cổ, nước chảy thấu đến từng sợi lông. Uống xong, vị Phạm Tăng xoa lưng, và đột nhiên vỗ tay thật lớn, khiến Ngài thức giấc. Mồ hôi trong mình đổ ra như tắm. Năm tạng trong người được thanh lọc rửa sạch. Từ đó, thân tâm như được tẩy tịnh, khiến Ngài cảm thấy sung sướng nhẹ nhàng vô vàn. Trong những giấc mộng, Ngài đều thấy chư thánh Bồ Tát. Hầu hết những giấc mộng đó đều là điềm lành. Ðức Phật nói: "Thường mộng điềm lành", đó là những điềm quý báo.

Mùa thu năm 1581, công việc xây chùa Ðại Từ Thọ đã xong. Lúc đầu Lý thái hậu muốn sửa chữa chùa Tháp Viện và Bảo Tháp Xá Lợi tại núi Ngũ Ðài để cầu siêu cho chồng bà, tức vua Long Khánh, và cầu phước lành cho con bà, tức vua Vạn Lịch đương thời. Triều đình đã ban sắc lịnh thi hành điều nguyện ước của bà. Nhưng vì núi Ngũ Ðài quá xa Kinh Ðô, nên nhà vua (chưa bàn với Lý thái hậu) chọn nơi gần nhất để xây chùa Ðại Từ Thọ. Khi kiến lập chùa Ðại Từ Thọ xong, triều đình mới bẩm tấu với Lý thái hậu. Vì chưa được mãn nguyện, Lý thái hậu ra lịnh cho hoàng đế sai nội quan dẫn hơn ba ngàn công nhân đến núi Ngũ Ðài tu sửa chùa chiền. Ðây là lần đầu tiên triều đình làm Phật sự và gởi nội quan ra ngoài làm việc. Sợ nội quan không thể hoàn thành công việc đàng hoàng, có thể tổn hại đến Phật pháp, nên Ngài đích thân điều động và chỉ dẫn cách thức. Thế nên, mọi việc từ đầu đến cuối đều được hoàn thành theo ý muốn. Sự liên hệ giữa Ngài với hoàng tộc ngày một khắng khít.



Vào năm Vạn Lịch thứ tám, giống như bao triều đại trước, hoàng đế ra lịnh thanh tra đất đai để đánh thuế. Thấy dân chúng ngày một tăng gia sản xuất, triều đình càng đánh thuế nhiều thêm để lấy tiền dùng vào sanh hoạt vinh hoa phú quý cho hoàng triều. Lệnh thanh tra đóng thuế của hoàng đế vừa ban ra, liền được các quan địa phương hoan hỷ nghinh tiếp, vì đây là cơ hội vón vét tiền bạc ruộng lúa của dân chúng. Trong mười phần lúa gạo do dân đóng thuế, chỉ có khoảng hai ba phần là bỏ vào công khố hoàng cung, bảy phần còn lại là bị quan quân cường hào địa phương vơ vét ăn chặn.

Núi Ngũ Ðài vốn thuộc tài sản chùa viện, nên xưa nay không bị thanh tra đóng thuế tiền bạc ruộng lúa. Song, lệnh của vua ban ra, quan huyện nào dám cải lại ! Vì vậy, quan huyện Ngũ Ðài yêu cầu tăng sĩ trên núi Ngũ Ðài đóng thuế năm trăm thặng lúa. Ðồng thời quan quân thường phái người đến thanh tra đất đai. Lâu sau, cuộc sống tu hành của tăng chúng trên núi đều không được bình an. Vì vậy, tăng sĩ từ từ bỏ núi đi nơi khác tu hành. Nếu không có ai hộ pháp, núi Ngũ Ðài sẽ sớm biến thành rừng hoang cỏ dại. Do đó, chư sơn trưởng lão tại các tự viện tùng lâm, cùng nhau tìm Ngài để thương lượng giải quyết vấn đề. Ngài bảo:" Xin thỉnh các ngài chớ bận tâm lo lắng. Hy vọng, trong vài ngày sẽ có tin tức lành."

Có người nghi ngờ bảo:" Ðây là thánh chỉ của hoàng đế. Không ai dám chẳng tuân theo !"

Song, hòa thượng Ðại Phương cùng một số tăng sĩ biết Ngài có mối quan hệ mật thiết với triều đình, nên một lời của Ngài nói ra, liền khiến họ an tâm phần nào. Quả nhiên, vài ngày sau Ngài viết thơ gởi về triều đình thỉnh nguyện cho núi Ngũ Ðài được miễn thuế. Cuối cùng triều đình đáp ứng, không thu một đồng một cân lúa. Tuy mới có ba mươi lăm tuổi, nhờ uy tín và trí huệ mà Ngài bảo tồn được tài sản của núi Ngũ Ðài.

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối