Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Pháp hội cầu Thái Tử


Năm ba mươi sáu tuổi, Ngài kiến lập pháp hội Vô Giá. Xưa kia, thầy Diệu Phong cũng phát nguyện lấy máu viết kinh Hoa Nghiêm như Ngài. Nay, Ngài cùng thầy Diệu Phong đồng phát nguyện kiến lập một đạo tràng viên mãn, gọi là pháp hội Vô Giá (được tổ chức vào mỗi năm, với mục đích ban phát của cải cho người nghèo. Ðây cũng là pháp hội sám hối. Ở Ấn Ðộ, pháp hội Vô Giá thường được nhà vua tổ chức để cúng dường thức ăn cho chư tăng và phân phát đồ đạc cho người nghèo). Trong quyển 'Lịch Sử Văn Minh Ấn Ðộ', trang 157, ông Nguyễn Hiến Lê viết:" ...Huyền Trang, nhà sư đi thỉnh kinh nổi tiếng nhất của Trung Hoa, bảo rằng vua Harsha cứ năm năm lại tổ chức một đại lễ để bố thí. Ông mời đại diện tất cả tôn giáo, gọi tất cả những người nghèo khổ trong nước lại. Ông có thói quen, trong quốc khố còn chứa bao nhiêu tiền thuế dành dụm từ đại lễ lần trước (nghĩa là năm năm trước), lần này đem ra bố thí hết. Huyền Trang ngạc nhiên thấy biết bao nhiêu vàng bạc, tiền và nữ trang, tơ lụa gấm vóc chất đống trong một khoảng rộng, chung quanh có cả trăm cái lều chứa cả ngàn người. Ba ngày đầu cúng bái, tụng kinh; ngày thứ tư bắt đầu bố thí. Theo lời vị cao tăng đó - có vẻ không tưởng tượng nổi - hàng vạn tăng được cấp thức ăn uống, rồi được tặng mỗi người một viên ngọc trai, y phục, hoa, dầu thơm và trăm đồng tiền. Các tu sĩ Bà La Môn cũng được hậu tặng gần như vậy, rồi tới các tư sĩ Jain, rồi tới các giáo phái khác, sau cùng tới lượt các người nghèo không theo một tôn giáo nào, những trẻ mồ côi trong nước. Có khi bố thí tới ba bốn tháng mới hết. Sau cùng chính nhà vua Harsha cởi hết y phục rực rỡ, lột hết vàng bạc châu báu đeo trong mình để phân phát."

Pháp hội này trở nên thịnh hành tại Tàu kể từ đời vua Lương Võ Ðế. Pháp hội Vô Giá thường bị hiểu lầm là pháp hội cúng Mông Sơn Thí Thực. Có thể pháp hội Vô Giá gần như giống pháp hội Thủy Lục, vì khi chuyển đổi để cầu nguyện Thái Tử, thì pháp hội Vô Giá trở thành pháp hội Thủy Lục.)

Sau khi thầy Diệu Phong đi hóa duyên tiền bạc và lương thực đầy đủ, năm trăm đại đức danh tăng từ Bắc Kinh được thỉnh đến núi Ngũ Ðài. Những việc cần thiết đã được chuẩn bị, sắp đặt đầy đủ tại đạo tràng. Ngay khi đó, hoàng đế sai quan thỉnh các đạo sĩ tại núi Võ Ðang làm lễ cầu thái tử. Lý thái hậu cũng sai quan triều đình đến núi Ngũ Ðài, yêu cầu chư tăng làm lễ cầu Thái Tử.

Tại chùa, Ngài suy nghĩ rằng giữa những lễ nghi, làm Phật sự để cầu quốc thái dân an, thì việc cầu Thái tử nối tiếp ngôi vua là quan trọng nhất. Thế nên, thay vì tổ chức pháp hội Vô Giá ( pháp hội sám hối của các tỳ kheo và cũng là pháp hội bố thí thức ăn tiền bạc cho người nghèo), đã được xếp đặt hoàn tất, Ngài đổi ngược lại thành pháp hội cầu nguyện chư Phật ban cho hoàng đế một thái tử để nối ngôi.

Thầy Diệu Phong không hề hiểu ý Ngài. Lý thái hậu phái quan mật sử đến bàn chuyện với Ngài. Ðương thời, quyền hành đã nằm hết trong tay hoàng đế. Tuy là người của Lý thái hậu, nhưng quan mật sử lại không dám làm trái ý của hoàng đế vì sợ sau này sẽ liên lụy tánh mạng. Do đó, đến núi Ngũ Ðài, quan mật sử bàn với Ngài rằng hãy lập đàn tràng pháp hội cầu thái tử cho qua loa thôi, chớ nên tổ chức rườm rà. Ngài biết rõ hoàng đế không có ý ủng hộ Phật pháp, nên công việc hoằng dương chánh pháp sau này chắc sẽ bị cản trở. Ngược lại, Lý thái hậu vốn là Phật tử thuần thành. Bà đã từng dựng chùa lập tháp tại hoàng cung, nên Ngài có ấn tượng tốt đối với bà. Vì vậy, Ngài nhất quyết không nghe lời phân bua của quan mật sử.

Ðương thời, thế lực Minh triều suy vi, nhân dân thường khởi nghĩa. Lúc pháp hội Vô Giá chưa khai mở, quân phiến loạn chống triều đình tại Giang Nam thường vào núi Ngũ Ðài. Trong triều nội, những quan lại ganh ghét Lý thái hậu và Ngài, lấy lý do đó để phản đối pháp hội Vô Giá. Song, vì Ngài hết sức kiên quyết, nên pháp hội Vô Giá vẫn được chuẩn bị. Năm đó, sửa chữa tháp viện hoàn tất xong, Ngài đặt kinh Hoa Nghiêm do chính Ngài viết bằng máu và bài phát nguyện để vào trong đó. Ngài góp nhặt tạng kinh Hoa Nghiêm Thế Giới Chuyển Luân và tất cả kinh điển dùng để tụng đọc trong chùa cùng những pháp khí trong dịp cử hành pháp hội, như pháp cụ, vật tế pháp khí. Thầy Diệu Phong đang ở tại Bắc Kinh để cung thỉnh năm trăm vị danh tăng. Trong chín mươi ngày đêm Ngài không chợp mắt vì chuẩn bị những pháp khí, kinh điển cho pháp hội. Theo đúng thời hạn, đến tháng mười thầy Diệu Phong hướng dẫn hơn năm trăm vị cao tăng từ Bắc Kinh đến Ngũ Ðài. Như thế, tập họp chúng tăng ở núi và ở kinh đô lại khoảng hơn một ngàn vị. Ngài cung cấp chỗ ăn nơi ở đầy đủ, không thiếu thốn lộn xộn. Chư khách tăng lấy làm ngạc nhiên vì không biết những nơi ăn chỗ ở này từ đâu mà có đủ. Pháp hội Thủy-Lục-Không kéo dài liên tục trong bảy ngày đêm. Vào thời gian đó, tuy không ăn một hạt cơm mà chỉ uống nước, nhưng Ngài vẫn lo lắng chu toàn pháp hội. Mỗi ngày thay đổi hoán chuyển thức ăn cúng dường chư Phật chư Bồ Tát hơn năm trăm bàn mà không thiếu thốn sai chậy. Người đến xem và tham dự rất ngạc nhiên, nghĩ tưởng những đồ vật cúng dường như thế không biết từ đâu ra, chắc là do thần thông mà có. Tuy nhiên, Ngài biết rõ, mọi việc đều do chư Phật chư Bồ Tát gia hộ hết.

* Lời chú giải của Phước Chưng * :

Một bên, hoàng đế sai quan triều đến núi Võ Ðang để mời các đạo sĩ cầu Trịnh Quí Phi sanh thái tử. Một bên, Lý thái hậu gởi quan nội sử đến núi Ngũ Ðài, thỉnh tăng chúng làm lễ, cầu nguyện Vương Cung Phi sanh thái tử. (Theo phong tục, dầu cung phi hay quý phi, ai sanh thái tử trước thì sẽ làm hoàng thái hậu sau này). Như thế, chứng minh hoàng đế và Lý thái hậu tin tưởng khác tôn giáo và khác sự mong cầu. Quan nội sử được Lý thái hậu sai đến núi Ngũ Ðài. Vì sợ liên lụy và không muốn làm nghịch lòng hoàng đế, ông ta không trung thành với Lý thái hậu, nên khuyên Ngài hãy làm lễ đơn sơ thôi.

Ðối với Diệu Phong, thầy không hiểu vì lý do gì mà việc cầu thái tử lại xảy ra trong pháp hội Vô Giá. Ngài Hám Sơn giữ vững lập trường trong việc cầu thái tử, vị hoàng đế tương lai cho quốc gia, là quan trọng hơn hết. Cá nhân, trong chín mươi ngày đêm không chợp mắt, Ngài chuẩn bị sửa soạn kinh điển, pháp khí cho pháp hội. Trong bảy ngày của pháp hội, Ngài không ăn một hạt cơm nào, chỉ uống nước lã. Mọi Phật sự gồm có cúng dường hơn năm trăm bàn thức ăn mỗi ngày, không thể làm được nếu không có sự gia bị của chư Phật và trí huệ sáng suốt của Ngài. Sau này, khi việc rắc rối xảy ra tại triều đình, hoàng đế bảo: "Cả triều đình đều theo tăng sĩ. Riêng một mình ta, theo đạo sĩ."

Câu này nói tóm gọn chuyện cầu thái tử tại núi Võ Ðang và núi Ngũ Ðài.)

Sau khi pháp hội Vô Giá hoàn tất, danh tiếng của Ngài vang lừng khắp nơi. Khách thập phương lũ lượt đến viếng núi Ngũ Ðài. Thấy thời cơ hoằng pháp đã đến, Ngài đăng đàn giảng kinh. Năm 1572, Ngài giảng Hoa Nghiên Huyền Ðàm (do quốc sư Thanh Lương chú giải). Mỗi ngày, có hàng ngàn người đến nghe giảng kinh thuyết pháp. Con số này nhiều hơn số người tham dự pháp hội Vô Giá. Vì ngưỡng mộ danh đức của Ngài và núi Ngũ Ðài, tổng cộng có trên trăm ngàn tăng tục đến nghe thuyết pháp, khiến khí thế của đạo tràng Ngũ Ðài cực thạnh. Trong sử Phật giáo, ít có những pháp hội hy hữu này. Trong một trăm ngày, tăng chúng và cư sĩ nhóm họp đông đảo để nghe giảng kinh. Hằng ngày, phải cung cấp thức ăn cho hơn mười ngàn người đến nghe giảng kinh. Lúc thọ trai, mọi người rất theo thứ tự. Trong những buổi giảng kinh, không nghe những tiếng ồn náo. Mọi việc đều do Ngài xếp đặt và quản lý. Không ai biết làm sao Ngài tổ chức được như thế. Mọi khí lực Ngài đều dồn vào pháp hội giảng kinh. Sau khi pháp hội giảng kinh Hoa Nghiêm chấm dứt, mọi người đều trở về quê quán. Tiền tín thí cúng dường được hơn mười ngàn đồng. Số tiền này được sung vào công quỹ thường trụ để trang trải cho chi phí của pháp hội.

Năm đó, vào tháng tám, Vương cung phi hạ sanh thái tử Chu Thường Lạc, tức vua Quang Tông sau này. (Lý thái hậu rất cảm kích chư tăng tại núi Ngũ Ðài về việc tổ chức pháp hội cầu thái tử thành công viên mãn.) Theo sử triều Minh, sau khi hoàng đế đến khuê phòng, Vương cung phi liền mang thai, nhưng hoàng đế lại cố tình không chấp nhận. Lý thái hậu nhắc lại ngày giờ mà hoàng đế đến đó và khuyên ông hãy chấp nhận việc Vương cung phi mang thai. Vì thế, hoàng đế mới chính thức nhìn nhận Chu Thường Lạc vào tháng tư âm lịch năm 1582.

Ngài đến chùa Trung Phong, phía tây Bắc Kinh, trông nom việc khắc bản Trung Phong Quảng Lục. Mùa đông, Ngài làm lễ Thủy Lục tại thạch thất.

Năm ba mươi tám tuổi, vào tháng giêng, đàn tràng Thủy Lục được chấm dứt. Do được nổi tiếng vì pháp hội cầu thái tử được kết quả như ý, nên danh tiếng núi Ngũ Ðài vang dội khắp nơi. Bên trong triều nội, ai ai cũng biết đến danh Ngài cùng núi Ngũ Ðài. Bên ngoài, quần chúng Phật tử cũng đều nghe danh Ngài. Tám năm trú tại núi Ngũ Ðài, Ngài tu hành, khai ngộ, thành thục, thậm chí đạt đến đỉnh cao danh vọng.

Biết rõ thanh danh thường làm chướng ngại cho việc tu hành, và nhận thấy rằng khó lòng ở dài lâu tại Ngũ Ðài, nên Ngài qua Ðông Hải ẩn cư. Từ đó, Ngài chính thức bỏ hiệu Trừng Ấn mà dùng pháp hiệu Hám Sơn. Chỉ mang một bình bát, Ngài cùng thầy Diệu Phong bắt đầu cuộc hành trình dài dẳng. Thầy Diệu Phong đến Lô Nha, còn Ngài vì bị bịnh nên qua Chân Ðịnh, Chướng Thạch Nham để điều dưỡng. Khi đó, Ngài viết kệ:

"Vót núi dựa bầu trời,

Mặt trời bị che khuất

Vách núi cắt đường lộ

Chỉ còn cây thang bay."

Khi xưa, chùa Báo Ân bị cháy, Ngài đã từng phát nguyện trùng hưng lại. Trong tám năm trú tại Ngũ Ðài, Ngài có rất nhiều cơ hội để thực hiện. Vì sợ nếu đi chỗ xa xôi sẽ bỏ lỡ cơ hội, nên Ngài quyết định ẩn cư tại Ðông Hải. Ngày tám tháng tư, Ngài đến núi Lao Sơn. Trước khi chia tay, thầy Diệu Phong bảo đệ tử là Ðức Tông, đi theo Ngài làm thị giả vì sợ Ngài bịnh hoạn, không thể đi một mình. Ngài liền chấp thuận. Nơi đó, Ngài bắt đầu duyệt sớ sao kinh Hoa Nghiêm của quốc sư Thanh Lương. Một hôm, Ngài duyệt đến phẩm Bồ Tát Trụ Xứ: "Nơi Ðông Hải có một chỗ gọi là động Na La Diên. Từ xưa đến nay, chư Bồ Tát thường đến trụ nơi đó."

Sớ sao kinh Hoa Nghiêm của quốc sư Thanh Lương viết: "Na La Diên là tiếng Phạn, dịch thành Kiên Lao, tức núi Lao Sơn tại Ðông Hải."

Theo quyển Ngu Cống, Thanh Châu, Ðăng Lai Cảnh thì hang này nằm khoảng giữa Ðăng Châu và Lai Châu trong huyện Thanh Châu.

Vì có lòng mong muốn, Ngài tìm đến Lao Sơn. (Xưa kia, Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Ðế, vì muốn tìm thuốc tiên, nên đã từng đến Lao Sơn. Ðường Huyền Tông cũng đã từng phái người đến tìm thuốc tiên. Ðồng thời, từ đời Tống, Nguyên về sau, Lao Sơn là danh sơn của Ðạo giáo. Những đạo sĩ trứ danh như Binh Xứ Cơ, Trương Tam Phong đã từng đến đó tu đạo). Quả nhiên, Ngài tìm gặp không khó, nhưng không thể cư ngụ. Kế tiếp, Ngài đi vào núi, hướng về phía Nam, đến nơi thâm sơn cùng cốc; nơi đó, sau lưng là những dãy núi bao quanh, trước mặt là biển cả. Thật là một vùng đất kỳ dị tuyệt diệu, có thể không phải là chỗ của người thế gian. Vùng này có một ngôi chùa được gọi là chùa Quán Âm, nhưng nay chỉ còn nền móng.

Xem xét, Ngài khám phá rằng trong những năm đầu đời Nguyên (1280-1341), bảy ông đạo sĩ, giả dạng dựa tên vua Thế Tổ, chuyển đổi chùa Phật giáo thành đền miếu Ðạo giáo. Lúc vua Thế Tổ trở về sau cuộc lưu đày, chư Tăng dâng sớ thỉnh cầu nên núi Lao Sơn được trả trở lại cho tăng sĩ. Núi Lao Sơn không ai lo chăm sóc vì bị bờ biển cách biệt. Do đó, ngôi chùa Quán Âm bị bỏ hoang phế. Vì thích chỗ ẩn cư tuyệt thế, Ngài quyết định ở lại. Ðầu tiên, Ngài dùng chiếu làm màn che bên dưới gốc cây. Bảy tháng sau, cư sĩ Trương Ðại Tâm cùng dân địa phương đến giúp Ngài xây một căn chòi lá. Ngài ở đó với tâm an lạc hơn một năm mà không vãng lai kết bạn với ai. Khi ấy, pháp sư Quế Phong, trụ trì chùa Linh Sơn ở Tức Mặc, là bậc pháp nhãn trong vùng, thường đến đàm đạo với Ngài.

* Lời bàn của Phước Chưng *:

Trú tại núi Ngũ Ðài và thường lui tới kinh thành, mục đích chính yếu của Ngài là tìm cách dựa vào sự giúp đỡ của hoàng triều để trùng hưng lại chùa Báo Ân. Làm mọi Phật sự tại núi Ngũ Ðài, Ngài đều nhắm vào mục đích đó.

Núi Ngũ Ðài trở nên danh tiếng vì pháp hội cầu Thái Tử cho triều đình được như ý. Hơn nữa, vì làm hoàng đế và các quan nội sử buồn bực, nên danh tiếng của núi lại càng vang xa thêm. Ðấy là lý do tại sao nơi này và những vùng kế cận Ngài Hám Sơn không thể ở lại được. Chỉ còn một cách giải quyết là Ngài phải đến vùng hẻo lánh, tức núi Lao Sơn ở Ðông Hải.

Năm Ngài ba mươi chín tuổi. Vào tháng chín, vì tri ân chư Phật ban cho một thái tử, qua pháp hội cầu nguyện Thủy Lục tại núi Ngũ Ðài mà chủ chốt là Ngài, thầy Diệu Phong và ngài Ðại Phương, nên Lý thái hậu thỉnh mời cả ba ngài lên Bắc Kinh thọ nhận tặng phẩm. Thầy Diệu Phong và Ðại Phương lên kinh đô để nhận lễ lộc. Tuy nhiên, Lý thái hậu không thể kiếm gặp Ngài. Do đó, thái hậu nhờ thầy Ðoan Yêm, trụ trì chùa Long Hoa, đi tìm Ngài. Biết Ngài đang trú tại bờ bể vùng Ðông Hải, nên thầy Ðoan Yêm chống gậy tìm đến thăm viếng. Thầy nói rõ việc Lý thái hậu muốn tưởng thưởng, nhưng Ngài tỏ lòng chân thành cám ơn, nói: "Nay mong nhờ Thánh ân, được sơn hải cằn cỗi này là đã mãn nguyện lắm rồi. Tôi không dám thọ lãnh phần thưởng."

Thầy Ðoan Yêm chuyển lời thỉnh cầu của Ngài cho Lý thái hậu, nhưng bà không vui, nên quyết định xây một ngôi tự viện tại Tây Sơn, để thỉnh Ngài đến đó trụ trì. Một vị quan nội sử lại đến, ép thọ nhận nhưng Ngài từ chối. Quan nội sử trở về thuật lại việc Ngài đã quyết chí tu hành ở núi Lao Sơn cho Lý thái hậu nghe. Lý thái hậu bỏ qua việc này và vì nghe Ngài không có phòng xá để ở, nên cúng dường ba ngàn lạng vàng cho Ngài để sửa chữa chùa Quán Âm tại núi Lao Sơn. Khi quan triều đình mang vàng đến, Ngài liền từ chối, bảo: "Tôi có vài căn chòi lá, đủ để tu hành an ổn rồi. Sao còn tạo duyên chi nữa."

Quan sứ giả kiên quyết, bảo rằng không dám đem lời của Ngài thuật lại cho Lý thái hậu nghe. Ngài bảo: "Theo ý của bần tăng, năm nay dân chúng tỉnh Sơn Ðông đang bị đói khát vì thiên tai hoạn nạn. Sao không dùng danh nghĩa của Lý thái hậu để cứu tế dân nghèo đói, hầu mong Thánh Mẫu tích đức dài lâu, khiến dân chúng kính phục ?"

Những lời này khiến cho quan nội sử rất khâm phục tâm lượng của Ngài không đắm nhiễm danh lợi, chỉ an bần thủ đạo, khắc khổ tu hành. Vì vậy, sứ giả triều đình đến các phủ lý, dùng món tiền đó để cúng dường cho chư tăng, giúp đỡ cô nhi quả phụ, người già bịnh tật, và tù nhân, cùng cứu tế dân chúng đói khổ vì nạn hạn hán. Quyển sổ ghi chi phí tiền bạc bố thí cúng dường được đưa về tận tay Lý thái hậu. Xem qua, bà rất vui mừng và cảm động. Sau này, khi bị phán quan làm rắc rối về việc "lạm dụng tài sản triều đình", Ngài liền bảo phán quan rằng hãy xem lại quyển sổ kiểm kê tài vật của triều đình. Khi tìm thấy chỉ có một phần tài sản triều đình được dùng vào việc cứu tế nạn đói, thì hoàng đế mới thấy rõ sự tố cáo giả dối của kẻ gian đối với Ngài.

* Lời bàn của Phước Chưng *:

Tiền "ngân khoản triều đình", thật ra không được trả trực tiếp từ ngân quỷ triều đình. Số tiền này gồm có khoản tiền dành dụm từ tiền chi phí thức ăn cho Lý thái hậu và các cung phi trong triều đình. Những chi phí này được giảm bớt để cung cấp vào ngân khoản xây dựng, trùng tu lại chùa Báo Ân. Việc này không liên hệ gì với số vàng mà Lý thái hậu định cúng dường cho Ngài. Tựu chung đây chỉ là mưu kế của triều đình lập ra để bắt tội Ngài.

Người địa phương xưa nay chẳng biết đến Tam Bảo. Ngài sống ở vùng núi, nơi bộ tộc họ Hoàng là lớn nhất. Họ từ từ đến gần gũi thân cận Ngài. Bộ tộc này, khi đó có tên là ngoại đạo La Thanh (biến thái của Ðạo giáo). Họ là người Thành Dương, tức nơi sanh trưởng, trước khi đổ dồn về miền đông, tuyệt chẳng biết đến ngôi Tam Bảo (Phật Pháp Tăng). Ngài trú nơi đó, dần dần dùng phương tiện nhiếp thọ giáo hóa họ. Chẳng bao lâu, các vị sư trưởng của họ dẫn dắt họ đến quy y với Ngài. Từ đó, họ bắt đầu biết đến Phật Pháp.

Trong những năm đầu khai quốc của Minh triều, Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ vì muốn chấn hưng Phật giáo, nên ra lệnh khắc ấn đại tạng kinh, nhưng sau này dần dần những bản kinh này hầu như bị thất lạc hết. Ðến đời Minh Thần Tông, Lý thái hậu ra lệnh cho in khắc lại Ðại Tạng Kinh, cộng thành năm mươi bộ. Khi in xong, Ðại Tạng Kinh được phân phát đến nhiều tự viện. Hoàng đế ra lịnh ban mười lăm bộ Ðại Tạng Kinh cho mười lăm ngôi tự viện danh tiếng trong toàn nước. Bốn bộ Ðại Tạng Kinh được gởi đến bốn vùng biên địa: Núi Lao Sơn ở Ðông Hải, núi Phổ Ðà ở Nam Hải, núi Nga Mi ở Tứ Xuyên, núi Lô Nha ở miền bắc.

Do nhớ nhân duyên (pháp hội cầu thái tử) ở núi Ngũ Ðài và vì Ngài liên tiếp từ chối đến Bắc Kinh để nhận lễ vật, Lý thái hậu gởi một bộ Ðại Tạng Kinh đến Ðông Hải. Vì Ngài không biết việc này nên khi Ðại Tạng Kinh được gởi đến, không có chỗ để chứa. Do đó, Ðại Tạng Kinh được giữ tại dinh phủ của quan huyện. Vì dùng danh nghĩa lập nơi cất chứa Ðại Tạng Kinh, Lý thái hậu ra lịnh cho xây cất chùa viện nơi đó, khiến Ngài không còn cách khước từ. Do thọ nhận ân huệ của Lý thái hậu, giúp đỡ kiến lập tự viện, và do không thể thái quá bỏ qua thế tình, nên Ngài tự thân vào kinh đô để cảm tạ ân của bà. Nhân dịp đó, Lý thái hậu cũng ra lịnh cho các cung phi cúng dường tiền xây chùa cất chứa Ðại Tạng Kinh. Bà ra lịnh đặt tên cho chùa tại Ðông Hải là Hải Ấn.

Lúc đang ở tại Bắc Kinh, Ngài nghe tin thiền sư Ðạt Quán đến Ðông Hải tìm Ngài. Thế nên, Ngài vội vàng cáo từ Lý thái hậu để trở về Ðông Hải. Khi vừa đến chân núi thì Ngài gặp thiền sư Ðạt Quán cũng vừa xuống núi. Vì vậy, thiền sư Ðạt Quán cùng Ngài trở về núi và ở khoảng hai mươi ngày. Khi ấy, thiền sư Ðạt Quán tặng Ngài bà kệ:

"Nhàn rỗi đến trú bên bờ biển.

Hư danh lạc đến núi miền đông."

(Vì thanh danh lừng lẫy tại núi Ngũ Ðài, Ngài Hám Sơn đến vùng Ðông Hải để quên đi hết những hư danh này. Ngài tự tại, không chấp trước vào việc thế gian.)

Kể từ chia tay với thầy Diệu Phong, thiền sư Ðạt Quán là vị pháp hữu thân mật nhất của Ngài.

Chùa Hải Ấn được xây xong, Ngài cùng với thiền sư Ðạt Quán đàm luận cả bốn mươi ngày đêm. Thiền sư Ðạt Quán lớn hơn Ngài ba tuổi. Học thức và kiến giải của hai ngài đều tương đồng. Sau này, thiền sư Ðạt Quán muốn viết bộ Minh triều 'Truyền Ðăng Lục'. Xét thấy thiền tông bị mai một, Ngài cùng thiền sư Ðạt Quán đồng nguyện ước đến Tào Khê để phục hưng trùng khai mạch phái thiền tông. Ngài Ðạt Quán định ước là sẽ đến Lô Sơn để đợi Ngài. (Song, sau này có ai ngờ được là do thọ nhận Ðại Tạng Kinh của Lý thái hậu gởi đến và việc kiến lập chùa Hải Ấn, khiến Ngài phải bị hoàng đế ra lệnh hạ ngục, bắt hoàn tục, và đày vào miền nam, đến Lôi Châu. Tại Lô Sơn, nghe tin Ngài bị nạn, ngài Ðạt Quán liền tụng một trăm bộ kinh Pháp Hoa để cầu nguyện chư Phật gia hộ cho Ngài thoát hiểm nạn. Khi ghe đưa Ngài tạm ghé vào Nam Kinh, ngài Ðạt Quán tức tốc tìm đến để gặp mặt.)

Sau những năm dài lao động (trí óc lẫn thân thể) kể từ lúc ba mươi sáu tuổi, cuối cùng vào tháng mười một Ngài mới thật sự an cư tại thiền thất mới xây cất. Thân tâm phóng xả, an lạc vô cùng. Ðêm nọ, sau buổi ngồi thiền, Ngài đứng dậy thấy biển trời xanh thẩm trong vắt, trăng mây tương giao chiếu sáng. Ðột nhiên, Ngài cảm thấy thân tâm, thế giới đều lắng đọng, như hoa hiện ở hư không. Ðại quang minh tạng được soi chiếu rõ ràng, chẳng còn một vật. Do đó, Ngài thuyết kệ:

"Biển sâu trời trong, trăng chiếu tuyết

Nơi đây phàm thánh tuyệt dấu vết

Mắt Kim Cang hiện hoa hư không

Ðất đai đều quy tràng tịch diệt."

Ngài liền trở vào am thất, mở kinh Lăng Nghiêm ra ấn chứng. Lấy kinh ra, Ngài đọc đến đoạn: "Thân tâm của ông đồng với những vật bên ngoài như núi sông đất đá, hư không, đều là những vật nằm trong chân tâm diệu minh."

(Mắt Kim Cang tượng trưng cho trí huệ Bát Nhã. Hoa đốm giữa hư không tượng trưng cho cảnh vật thế gian. Tất cả đều là huyễn hóa không thật. Tịch diệt của Niết Bàn chẳng thể đạt đến nếu không dùng trí huệ Bát Nhã đập nát giả tướng của muôn vật.)

Do đó, toàn bộ cảnh tượng của kinh đều hiện rõ trước mắt và trong tâm Ngài. Sau đó, Ngài liền bảo người trong chùa mang bút giấy đến để viết quyển "Lăng Nghiêm Huyền Kính."

Ngài viết xong quyển "Lăng Nghiêm Huyền Kính" trong vòng nửa đêm thì chấm dứt. Ngài gọi thầy Duy Na vào thất, đọc quyển sách này. Ngài cảm tưởng rằng mình đang chú giải quyển sách này trong mộng.

* Lời bàn của Phước Chưng *:

Lúc trẻ, Ngài đã từng cùng thầy Tuyết Lãng đến núi Lô Sơn. Khi đó, vì chưa đủ định lực, Ngài sợ thú dữ nên không dám trụ lại núi. Việc này khiến Ngài tự hổ thẹn suốt cả đời. Vì vậy, ngày đêm tại Lao Sơn Ngài thường tự rèn luyện định lực cho kiên cố. Ban tối cũng như ban ngày tâm không hề sợ sệt. Trong những quyển nhật ký, Ngài Hám Sơn viết:" Chúng ta phải biết tất cả đều là không thật, huyễn hóa. Phải biết dùng huyễn hóa chứ không để nó chuyển. Ngày nọ, khi đang ở tại chùa Hải Ấn ở Ðông Hải, tôi chợt nhớ câu chuyện một người lạ mặt vào chặt đầu tổ Huệ Năng. Vì vậy, tôi quyết định tu cách đạt định lực kiên cố như Lục Tổ. Mọi ngày, lúc ngồi thiền tôi để cửa chánh điện mở trống, sẵn sàng xả đầu mình cho bất cứ ai muốn "mượn". Dần dần, tôi cảm thấy sự tu trì có phần tiến bộ.

Vào đêm nọ, đột nhiên tôi được đệ tử biết là sẽ có ăn trộm đến. Tôi bảo: "Hãy để hắn vào."

Tôi ngồi thẳng người bên cạnh cây đèn cầy, không chút bối rối. Khi đến cửa, gã ăn trộm ngập ngừng, không dám bước vào. Người gã rất cao ráo. Tôi gọi gã vào và bảo: "Trong đây không có gì cả."

Sau đó, tôi bảo thị giả lấy hai trăm đồng xu được giấu trên mái nhà để cho gã. Nếu tôi không chuẩn bị việc này thì chắc sẽ sợ hãi lắm.

Ðêm khác, tôi nhập định nên cảm thấy thời gian và không gian đều trống không. Tôi lại thấy chùa Hải Ấn phóng ánh sáng. Núi non sông ngòi đều chấn động. Tôi nhận ra trí huệ chân thật (phát sanh từ định lực) của tự tánh. Chốc sau, tôi khai ngộ và nhập vào cảnh giới siêu tột mà kinh Lăng Nghiêm miêu tả tường tận. Tôi nhớ cảnh giới này rất rõ ràng. Khi ấy, tôi vội đốt đèn cầy và viết lại cảnh giới mà mình vừa thâm nhập. Tay tôi không ngừng viết suốt canh năm (từ ba giờ sáng đến năm giờ sáng). Cuối canh năm, quyển Lăng Nghiêm Huyền Kính được viết xong. Thị giả đến và ngạc nhiên vì thấy tôi thắp ngọn đèn cầy từ sáng sớm."

Năm bốn mươi hai tuổi, Ngài tu sửa lại chùa chiền. Ðầu tiên, Ngài khai đường thuyết giới cho chư đệ tử. Khi ấy, chư tăng bốn phương đổ dồn đến. Ngài viết Tâm Kinh Trực Thuyết cho các đệ tử tại gia. Mùa thu, Hồ Thuận Am từ quan về hưu tại quê quán. (Ông vốn là bạn thuở thiếu thời của Ngài từ năm 1575. Ngài gặp ông ta tại Bình Dương, Sơn Tây, nơi ông ta đang nhậm chức Tổng Ðốc. Năm kế, ông ta được chuyển về Ứng Môn, phía bắc tỉnh Sơn Tây, tại Vạn Lý Trường Thành để giữ gìn biên giới, chống quân Mông Cổ. Trên đường lên miền bắc, ông ta ghé lại núi Ngũ Ðài thăm Ngài. Trong thời gian trấn thủ tại Ứng Môn, ông ta thường viết và in lại những bài giảng Tự Ngôn của Ngài. Ngài thường viết lách thơ văn theo văn thể của Lão Tử và giải thích Ðạo giáo theo trí huệ Phật giáo, tức ám chỉ rằng lời dạy của Lão Tử và Trang Tử chỉ giống như giáo lý sơ đẳng của Phật giáo.)

Ông dẫn đứa cháu đến, cho xuất gia và làm thị giả Ngài, với pháp hiệu là Phước Thiện. Phước Thiện là thị giả thường đi theo Ngài bên tả hữu, chịu đựng những gian nan hiểm trở với Ngài, và viết lại hầu hết những thơ văn và kinh văn chú giải của Ngài. Bộ 'Ðông Du Tập' của Ngài do chính tay Phước Thiện ghi lại. Bộ 'Hám Sơn Ðại Sư Mộng Du Tập' phần lớn cũng do Phước Thiện ghi lại. Trong những môn đệ, Phước Thiện ngộ tánh tối cao và rất có khí khái. Lúc trú tại Ngũ Cửu Phong ở Lô Sơn, Ngài giao Phước Thiện cho ngài phương trượng. Sau này, Phước Thiện trở thành phương trượng trụ trì chùa Pháp Vân ở núi Lô Sơn.

* Lời chú giải của Phước Chưng *:

Khi Ngài đến miền đông, tôi có gặp Phước Thiện, đệ tử thị giả của Ngài. Thị giả Phước Thiện trợ giúp và góp nhặt hồi ký "Ðông Du Tập". Phước Thiện là vị đệ tử giỏi nhất, thường theo hầu Ngài trong những hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm. Hầu hết những bài chú giải kinh điển, thơ văn trong quyển 'Hám Sơn Ðại Sư Mộng Du Tập', đều do thầy Phước Thiện tự tay viết lại. Sau này, thầy Phước Thiện làm trụ trì tại chùa Pháp Vân tại Lô Sơn. Năm bảy mươi tuổi, thầy Phước Thiện ngồi tọa thiền rồi thị tịch.)

Năm Ngài bốn mươi ba tuổi, một đệ tử của Ngài sau khi đọc "Lăng Nghiêm Huyền Kính", liền bảo: "Kinh này nói về sự quán chiếu của tâm rõ ràng, nhưng vẫn chưa hoàn toàn bỏ hết văn tự. Sợ những kẻ hậu học khó mà hiểu rõ những nghĩa thâm sâu. Hy vọng mỗi chữ của Thầy sẽ giúp chúng con trở về quán tâm, thì mới thật là bố thí pháp."

Nghe thế, Ngài bắt đầu viết 'Lược Thuật Thông Nghĩa Kinh Lăng Nghiêm'. Mặc dầu đã viết ra cấu trúc, nhưng Ngài chưa viết rõ hết hoàn toàn.

Năm bốn mươi bốn tuổi, Ngài đọc Ðại Tạng Kinh, giảng kinh Pháp Hoa cùng luận Ðại Thừa Khởi Tín cho bốn chúng. Từ khi rời núi Ngũ Ðài, Ngài thường có tâm niệm thăm viếng cha mẹ. Ngài sợ bị lạc vào thế đế, nên tự kiểm nghiệm thân tâm. Ðêm nọ, đang khi ngồi thiền, đột nhiên Ngài mở mắt ra, đọc bài kệ:

"Ngày ngày khói lửa xông hư không

Chim cá đồng du trong tấm kính.

Ðêm qua ánh nguyệt sa bầu trời

Trăng đơn tự ứng với rồng đen."

(Ánh trăng sa ngoài bầu trời, tượng trưng cho sự giác ngộ, tức vượt ngoài sanh tử, hay ra ngoài bầu trời của thế gian. Rồng đen có hạt châu đen huyền vô giá đeo dưới cổ. Hai câu đầu biểu trưng cho cuộc sống tạm bợ ở cõi Ta Bà hiển hiện rõ trong tấm gương lớn. Hai câu sau miêu tả sự biến mất của ánh trăng. Ánh trăng sa xuống cõi Ta Bà để hòa hợp với Rồng Ðen. Ðây nói về sự xả bỏ mọi chấp trước thế tình của mẹ Ngài.)

Ngài liền gọi thị giả, bảo: "Hôm nay, Thầy sẽ trở về quê quán thăm cha mẹ."

Năm Vạn Lịch thứ 17, vào tháng mười Ngài đi từ Lao Sơn lên kinh đô thỉnh một bộ Ðại Tạng Kinh cho chùa Báo Ân do hoàng đế ra sắc lệnh ban tặng. Ngài bắt đầu cuộc hành trình mang bộ Ðại Tạng Kinh trở về chùa Báo Ân. Tháng mười một, Ngài đến chùa Long Giang. Nơi đó, bảo tháp trong chùa phóng ánh sáng liên tục cả mấy ngày. Ngày Ðại Tạng Kinh được đưa đến chùa, bảo tháp phóng ánh sáng vòng cầu, hướng về phía bắc, như cung nghinh ngưỡng đón. Chư tăng trong chùa sắp hàng đi theo hướng bảo tháp phóng ánh sáng. Sau khi đặt Ðại Tạng Kinh vào tàng kinh các an toàn, hào quang chiếu sáng liên tục vài ngày không dứt. Người đến chiêm lễ trên cả hàng chục ngàn người. Mọi người đều cho là việc hy hữu kỳ lạ. Khi nghe Ngài sắp trở về, bà mẹ liền cho người đến chùa Báo Ân để hỏi ngày nào Ngài sẽ trở về nhà. Ngài đáp: "Tôi đến vì việc của triều đình chứ không phải vì việc của gia đình. Nếu mẹ tôi vui vẻ như lúc chia tay thì tôi sẽ ở lại nhà hai đêm. Ngược lại, tôi sẽ không trở về nhà."

Mục đích hồi gia là chuyển vận Ðại Tạng kinh, nên Ngài sợ rằng tình mẫu tử sẽ ngăn trở và làm phiền lụy đến con đường tu đạo của mình.

Nghe người đưa tin thuật lại lời này, bà mẹ nói:" Nhân duyên gặp lại con mình rất khó được. Niềm vui mừng sung sướng tràn đầy. Tại sao phải buồn tủi khóc lóc ? Một lần gặp là đủ rồi, sao thầy còn bảo là sẽ ở lại hai đêm ?"

Năm mười hai tuổi, Ngài rời nhà vào chùa. Năm bốn mươi bốn tuổi Ngài trở về nhà thăm cha mẹ ngoài tám mươi. Khi trở về, cha mẹ Ngài rất vui mừng. Ngài rất ngạc nhiên khi nghe lại câu chuyện trong buổi đàm luận của mẹ Ngài với một vị trưởng lão trong tộc. Vị trưởng lão hỏi: "Thầy trở về bằng đường thủy hay bằng đường bộ ?"

Bà mẹ đáp: "Tại sao lại hỏi Thầy trở về bằng đường thủy hay bằng đường bộ ?"

Trưởng giả hỏi: "Vậy Thầy từ đâu trở về ?"

Bà mẹ đáp: "Thầy từ hư không trở về !"

Qua câu chuyện này, khiến Ngài ngạc nhiên, bảo: "Thật chẳng ngạc nhiên gì việc lúc trước mẹ có thể xả bỏ, cho mình đi xuất gia."

Ngài hỏi bà mẹ: "Từ lúc ra đi, mẹ có nhớ Thầy không ?"

Bà mẹ bảo: "Sao lại không nhớ ! Tuy hiện nay Thầy là một vị cao tăng, nhưng vẫn là nắm ruột của mẹ."

Ngài hỏi tiếp: "Làm thế nào mẹ có thể quên đi niềm thương nhớ đó ? "

Bà mẹ đáp: "Ðầu tiên, mẹ không biết làm cách nào. Sau này nghe Thầy đang tu tại núi Ngũ Ðài, nên hỏi các vị tăng trong vùng rằng ngọn núi đó ở đâu. Họ trả lời là ngọn núi này nằm dưới sao Bắc Ðẩu. Từ đó, mỗi tối mẹ lễ sao Bắc Ðẩu, cùng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Âm. Nhờ thế mà mẹ không còn nhớ đến Thầy nữa. Nếu nghe Thầy đã chết thì mẹ sẽ không còn lễ bái và tưởng nhớ đến Thầy. Nay thấy Thầy, như thấy hóa thân vậy (tức hóa thân Phật Lô Xá Na)."

Cung cách và tư tưởng của bà mẹ ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời của Ngài, như sự giáo dục nghiêm khắc và lòng tín thành Phật pháp.

Ngày thứ hai ở tại nhà, Ngài lễ các phần mộ của tổ tiên, tìm được nơi chôn cất cho cha mẹ (phong tục người Tàu là tìm kiếm chỗ chôn cất cha mẹ trước khi họ qua đời). Ngài nói đùa với cha Ngài, lúc đó đã hơn tám mươi tuổi, là hôm nay Thầy sẽ chôn sống cha để khỏi trở về nhà nữa. Nói xong, Ngài dùng xẻng, cuốc đất lên. Mẹ Ngài giựt cây xẻng và bảo: "Hãy để lão bà tự làm lấy. Sao lại làm phiền người khác !"

Nói xong bà cuốc xuống đất vài nhát. Ngày thứ ba, Ngài từ giã cha mẹ. Bà mẹ vui mừng như bình thường, không chút quyến luyến. Ngài biết được rằng bà mẹ không phải là người bình thường.

Nguyên nhân trọng yếu khiến Ngài trở về Nam Kinh lần này là vì chùa Báo Ân. Sau khi chùa Báo Ân bị hỏa hoạn, Ngài cùng với thầy Tuyết Lãng phát nguyện tận lực trùng tu tự viện.

Lúc ấy thầy Tuyết Lãng vân du giảng kinh thuyết pháp. Thầy cũng giành dụm được một số tiền để xây dựng lại chùa Báo Ân. Nhờ sự nỗ lực của thầy Tuyết Lãng, chùa Báo Ân được trùng tu phần nào. Song, quy củ mô phạm của ngài Tây Lâm không thể hồi phục.

Lúc đang tu tại núi Ngũ Ðài, không ngày nào mà Ngài chẳng nhớ đến lời phát nguyện trùng tu chùa Báo Ân thuở xưa. Ðương thời Ngài cũng dành dụm một số tiền. Lần này, đem Ðại Tạng kinh trở về chùa Báo Ân, Ngài dùng số tiền này để xây dựng lại tự viện.

Khi mới phát tâm xây lại chùa Báo Ân (đã bị đốt cháy vì sét đánh năm xưa), Ngài đến núi Ngũ Ðài. Mặc dầu có nhiều dịp để thực hiện lời nguyện, nhưng công việc sửa chữa chùa cần phải có khoảng vài trăm ngàn đồng vàng, khó mà gom góp được. Vì vậy, Ngài tạm cư trú tại vùng duyên hải để chờ cơ hội chín mùi. Thừa dịp thỉnh Ðại Tạng Kinh từ Bắc Kinh trở về Nam Kinh (chùa Báo Ân), Ngài đệ đơn phụng tấu Lý thái hậu giúp đỡ việc xây dựng lại chùa Báo Ân. Ngài nhấn mạnh rằng phải cần một số tiền lớn để thực hiện việc khó khăn này. Ngài đề nghị Lý thái hậu giảm một trăm lượng bạc chi tiêu cho thức ăn mỗi ngày, thì chương trình trùng tu chùa Báo Ân sẽ bắt đầu trong vòng ba năm tới và sẽ hoàn thành trong vòng mười năm. Lý thái hậu rất vui vẻ và ra lịnh việc dành dụm tiền sẽ bắt đầu vào tháng chạp.

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối