Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối

Bị nạn


Năm bốn mươi lăm tuổi, Ngài có đệ tử tên là Hoàng Sanh Nạp, tự Tử Quang, là em của quan huyện họ Hoàng tại vùng Tức Mặc. Khi Ngài đến vùng biên hải, Tử Quang được mười chín tuổi, đến quy y và xin làm đệ tử. Tử Quang thỉnh Ngài dạy Phật pháp. Ngài liền dạy kinh Lăng Nghiêm. Trong vòng hai tháng, Tử Quang thuộc lòng bộ kinh này. Từ đó, Tử Quang phát nguyện ăn chay trường mặc dầu cha mẹ cấm đoán. Tử Quang chưa hề thối thất tâm Bồ Ðề, thiết tha quyết chí tu thiền, lưng chưa từng đặt xuống chiếu. Khi Ngài trở vào Nam, Tử Quang tự nghĩ: "Mình sanh nhằm vùng biên địa. Bao kiếp lâu dài không nghe danh Tam Bảo. Nay may mắn gặp đại thiện tri thức, không thỉnh mà đến. Nếu Ngài không trở về, mình sẽ mất nơi chỗ nương tựa."

Nói xong, Tử Quang cắt da, làm tim đèn, cúng dường và cầu đại sĩ Quán Âm gia hộ cho Ngài sớm trở về. Mặc dầu, chỗ lát da rất đau, nhưng Tử Quang vẫn cố chịu đựng và niệm danh hiệu đại sĩ Quán Âm. Ba tháng sau, vết thương lành lặn. Khi ấy, ngay tại vết thương hiện ra hình đại sĩ Quán Âm. Lông mi mặt mũi, thân hình y áo, rất giống như tượng vẽ. Vợ và mẹ của Tử Quang chưa từng biết đến việc này. Sau này, Tử Quang luôn cầu xuất gia, nhưng Ngài không khứng chịu. Tử Quang thưa: "Con đã đổi sao Bắc Ðẩu rồi, sao Thầy lại không cho phép ?"

Việc này chứng minh rằng ngay cả tại vùng biên địa nghèo nàn khổ ải, hạt giống Phật vẫn không ngừng đâm chồi nẩy nở.

Vì Lao Sơn vốn là đạo tràng của đạo giáo bấy lâu nay, nên tín chúng theo đạo giáo rất đông. Lúc Ngài vừa đến, họ rất khinh khi. Dần dần, do đức độ tu hành khổ hạnh, Ngài cảm hóa được rất nhiều người trong vùng. Nay chùa Hải Ấn vừa xây xong, các đạo sĩ rất ghen ghét nên nghị định cùng nhau lập kế hãm hại Ngài, bằng cách thưa kiện quan phủ là Ngài chiếm đạo quán của họ để lập tự viện. Sự tranh chấp giữa Phật giáo và Ðạo giáo ngày càng căng thẳng. Theo tín đồ Phật giáo thì quyền sở hữu của chùa Hải Ấn và khu đất lân cận thuộc về người Phật tử. Lao Sơn xưa kia vốn có chùa chiền Phật giáo. Những năm đầu nhà Nguyên, các đạo sĩ đến đó xâm chiếm. Hiện tại bất quá chỉ trùng hưng chùa chiền lại thôi. Các đạo sĩ bảo rằng núi Lao Sơn vốn thuộc quyền sở hữu của đạo giáo, mà ngày nay bị tăng sĩ đến cưỡng đoạt.

Khi ấy, có một nhóm người muốn chiếm đoạt ngôi chùa của Ngài. Họ hợp tác với các đạo sĩ, tự đặt điều là đền miếu Ðạo giáo bị xâm chiếm. Họ tụ tập rất đông đảo, rồi đến kiện tụng tại dinh phủ quan huyện. Quan huyện họ Lê, biết rõ đầy đủ sự kiện và rất chán ghét những kẻ đặt điều gian trá, nên bảo quan phủ Lai Châu điều tra sự việc rõ ràng. Ngài tự thân ra huyện đường nghe xử kiện. Vài trăm người la lối, làm nháo động trước dinh phủ. Khi đó, Ngài bị họ bao quanh. Có hai thị giả cùng đi theo hầu, nhưng Ngài bảo họ đi nơi khác. Một mình Ngài đơn độc đi vào giữa đám đông. Tên thủ lãnh rút đao ra, định chém Ngài. Tuy cái chết nằm trong đường tơ kẻ tóc, Ngài vẫn ung dung tự tại bước đi chậm rãi, không hề lộ vẻ sợ sệt, bảo:" Ông giết tôi, có tốt lành gì đâu, vì chính ông tự đưa mình vào chỗ chết."

Ðối mặt với một tăng sĩ điềm đạm lại nghe những lời này, khiến cho gã thủ lãnh áy náy, nên từ từ bỏ đao vào vỏ, rồi đi cùng với Ngài cả hai dặm. Ðến ngã ba đường, vừa gặp quần chúng thì gã thủ lãnh liền khuyên họ hãy nên trở về thôn làng. Nghe thế, quần chúng tức giận, nghi hoặc gã phản bội, nên muốn giết gã. Ngài suy nghĩ: "Nếu bị quần chúng vây đánh, gã chắc sẽ bị nguy hiểm tánh mạng."

Ngài vội kéo gã thủ lãnh ra khỏi đám đông, rồi dẫn ông ta đến nơi Ngài cư trú. Ðóng cửa lại, Ngài bảo gã thay đổi quần áo, rồi cả hai giả bộ cười nói tự nhiên, cùng mang trái cây ra dùng. Lúc ấy, tin đồn các đạo sĩ giết tăng sĩ lan tràn khắp huyện. Quan thái thú nghe thế, liền sai quan tuần phu đi bắt đám quần chúng hỗn loạn. Họ sợ hãi, chạy đến cầu Ngài giải cứu. Biết thời điểm xuất đầu lộ diện đã đến, Ngài an ủi quần chúng:" Chớ sợ sệt ! Hãy để tôi nói chuyện với quan tuần phủ."

Khi quan tuần phủ đến, Ngài hỏi:" Không biết quan tuần phủ đến đây tìm ai ?"

Quan tuần phủ đáp:" Nghe nói có người địa phương giết tăng sĩ, nên tôi đi tìm kẻ ấy."

Ngài nói:" Ô ! Ðó là việc hiểu lầm. Tôi vẫn còn sống và cùng ông thủ lãnh đàm đạo và dùng trái cây tại đây !"

Tuần phủ hỏi:" Vậy thì tại sao dân chúng tụ tập cùng bảo nhau là có việc này xảy ra ?"

Ngài đáp:" Chắc chỉ là những tin đồn nhảm thôi."

Tuần phủ bảo:" Tuy Ðại Sư trần thuật sự tình như thế, nhưng xin để tiện nhân bắt chúng đem về huyện trừng phạt ngõ hầu làm gương cho những kẻ không coi trọng luật pháp."

Ngài ngăn lại và bảo: "Tôi có ý kiến là hãy phân tán họ đi. Bắt bỏ tù chỉ khiến họ lại tụ tập nữa."

Tuần phủ nghe thế liền đồng ý, nên ra lịnh cho quan quân địa phương đuổi họ trở về nhà. Trong ba ngày, quần chúng cuồng tín đều giải tán. Trật tự được vãn hồi trở lại. Các đạo sĩ thấy kế đó không thành, và thấy oai thế của Ngài quá mạnh, nên phải trở về.

Lúc về chùa, các đệ tử rất ngạc nhiên, hỏi han cớ sự. Họ không biết Ngài dùng cách gì mà giải quyết êm xuôi được việc náo loạn này. Ngài không đáp lời chi, chỉ đưa quyển "Luận Tâm Pháp" cho họ đọc, bảo:

"Lúc nhỏ, thầy không thích đạo của ông Khổng Tử hay Lão Tử, nên vào núi tập tu thiền định, quán tâm nhiếp ý. Nhờ thế mà trực nhận ba cõi đều do tâm tạo, muôn pháp do thức biến hiện. Thức quán duy tâm, nhận biết mọi cảnh vật đều là ảnh của tâm. Tất cả âm thanh đều là âm hưởng của tâm. Ảnh tượng của các bậc thánh nhân đều đoan chánh. Âm hưởng của mọi ngôn giáo đều chánh thuận. Do biết vạn pháp duy tâm sở hiện, nên nói mọi ngôn ngữ trị thế, hay tạo dựng nghề nghiệp đều hợp với chánh pháp. Biết rõ ngoài tâm không có pháp, nên pháp pháp đều là chân. Kẻ mê vì đắm chấp nên không thấy lẽ vi huyền. Người ngộ tự tâm thì thấy pháp muôn pháp đều vi diệu. Tâm và pháp cùng đồng vi diệu, mà chỉ có chư thánh hiền mới nhận biết."

Nhờ đức độ và tài hùng biện mà Ngài giải quyết êm xuôi sự kiện này. Song, ba năm sau triều đình lại đem việc này ra để bắt tội, bỏ tù và lưu đày Ngài. Song, nguyên nhân chính là sự tranh giành quyền thế trong triều nội.

Năm đó, Ngài viết luận về sự ảnh hưởng của Lão Trang.

Năm Ngài bốn mươi sáu tuổi, Lý thái hậu tạo tượng Phật Tỳ Lô Giá Na bằng gỗ hương trầm. Năm đó, chánh điện chùa được hoàn tất. Mùa thu, đệ tử Ngài là Hoàng Tử Quang ngồi thiền mà thị tịch.

Năm 1592, vào tháng bảy, Ngài lên Bắc Kinh thăm thiền sư Ðạt Quán (pháp hiệu là Tử Bá, sanh tại Tô Châu, tên tục là Trầm. Vóc dáng to lớn. Năm mười sáu tuổi, bỏ nhà mang kiếm đi du phương. Tại Tô Châu, vì ngưỡng mộ đức hạnh của một thiền sư nên xuống tóc xuất gia. Thiền sư có bầu nhiệt huyết hy sinh vì Phật pháp, nên đi khắp đó đây để phục hưng tòng lâm tự viện. Thiền sư tu sửa được mười lăm ngôi tùng lâm tự viện. Thiền sư tu theo hệ phái thiền Lâm Tế. Những tác phẩm chú giải của thiền sư được ghi lại trong quyển "Tử Bá Tôn Giả Toàn Tập". Tại ngọn núi Phương Sơn gần kinh đô, vào đời Tấn (590-618) thiền sư Tịnh Uyển, sợ nạn thiên tai gió lửa, không còn Phật pháp, nên khắc Ðại Tạng Kinh vào thạch đá và để trong hang động. Tháp viện đó đã được bán cho chư tăng và nay được thiền sư Ðạt Quán chuộc lại).

Khi thấy Ngài đến, thiền sư Ðạt Quán rất vui mừng vì luôn nhớ đến và muốn Ngài viết lại di tích lịch sử đó. Vì thế, Ngài cùng đi với thiền sư Ðạt Quán qua ngọn núi khắc Ðại Tạng kinh. Nơi đó, Ngài viết sự ký 'Tháp Viện của thiền sư Tịnh Uyển' và 'Trùng Tạng Xá Lợi'. Ngài cũng viết theo thứ tự để sau này, trở về chùa Hải Ấn, viết lại hoàn hảo hơn. Tại vườn Tây Giao ở kinh thành, Ngài cùng với thiền sư Ðạt Quán ngồi thiền đối mặt nhau cả hơn bốn mươi ngày. Ðây là cơ duyên hy hữu nhất trong đời của Ngài. Cả hai ngài đồng phát nguyện đến Tào Khê chấn hưng lại Thiền tông và tu chỉnh quyển 'Truyền Ðăng Lục'. Bất hạnh thay ! Vì thế sự biến chuyển, nên ước vọng của hai ngài không thể thực hiện được.

Ðương thời, Ngài không còn ẩn cư, mà thường qua lại vùng Sơn Ðông và Bắc Kinh. Trong vòng năm năm, Ngài lui tới kinh thành thường xuyên, nên danh tiếng ngày một vang xa. Việc Lý thái hậu tích trữ tiền của để giúp Ngài trùng tu lại chùa Báo Ân, trong kinh thành ai ai cũng đều biết đến.

* Lời bàn của Phước Chưng *:

Ở vùng Phương Sơn có một núi đá, mà trong đó có trữ Ðại Tạng kinh được khắc bằng đá. Vào đời Tấn, thiền sư Tịnh Uyển khắc Ðại Tạng Kinh lên đá và tàng trữ trong thạch thất. Liên tục trong vài đời, càng có nhiều bộ kinh được khắc trên đá. Sau khi thiền sư Ðạt Quán trông nom thạch đá tàng chứa Ðại Tạng Kinh, có một vị tăng cũng phát tâm khắc thêm kinh lên đá tại đó.

Tôi nghe thị giả của ngài Hám Sơn thuật lại như sau:

Năm Vạn Lịch thứ hai mươi (1592-93), sau khi gặp nhau Ngài cùng thiền sư Ðạt Quán ngồi thiền đối mặt nhau, bất động không ngủ nghê cả bốn mươi ngày liền. Khi dự định viết quyển "Phật Tổ Tâm Ðăng" cho đời Minh, hai ngài định đặt thời gian để du hành đến chùa Nam Hoa tại Tào Khê, nơi thờ nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng, hầu mong khai thông mạch pháp."

Năm Ngài bốn mươi tám tuổi, nạn đói kém xảy ra tại Sơn Ðông, người chết đầy đường. Tất cả thức ăn, lương thực của chùa chiền đều được phân phát hết cho dân nghèo đói khát, nhưng vẫn không đủ. Ngài chèo thuyền đến Liêu Ðông mua vài trăm tạ gạo để cứu đói. Nhờ thế dân chúng trong bốn xã chung quanh núi không có ai bị chết đói. Tích tụ thiện nghiệp tức có báo ứng. Sau này bị đại nạn mà Ngài không chết.

Năm 1594, vào tháng ba quan phủ tỉnh Sơn Ðông, Trịnh Côn Nhai, đến núi tham vấn Phật pháp. Ngài thuyết lời phương tiện cho ông ta hiểu Phật pháp. Vào dịp lễ đông chí, Ngài vào kinh đô chúc mừng Lý thái hậu. Do thỉnh cầu, Ngài lưu lại chùa Từ Thọ tại kinh đô để giảng về giới luật. Ðược biết Lý thái hậu đã dành dụm đủ số tiền để sửa sang chùa Báo Ân, Ngài xin bà bắt đầu công việc trùng tu chùa. Ðương thời, Nhật Bổn xâm lược Triều Tiên, mà Triều Tiên được nước Tàu bảo hộ. Lấy lý do đó, hoàng đế đột nhiên trưng dụng tiền tích trữ của Lý thái hậu vào quốc khố để dùng vào việc hưng binh sang Triều Tiên. Vì đây là việc quốc sự, nên Ngài không thể bàn tính gì được. Việc thương nghị trùng tu chùa bị đình hoãn. Công sức vận động sửa chữa chùa chiền bị thất bại.

* Lời chú giải của Phước Chưng *:

Nhân ngày lễ đông chí, Ngài đến Bắc Kinh chúc mừng Lý thái hậu. Sự thỉnh cầu thuyết giới của Lý thái hậu cho Ngài dịp may để khởi đầu sự liên hệ với chùa Từ Thọ (đã được xây vào niên hiệu Vạn Lịch năm thứ bảy). Ðối với việc trùng tu chùa Báo Ân, Lý thái hậu đã dành dụm gần đủ số tiền để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến giờ phút chót lại bị đình hoàn. Nu thế là cuộc hành trình về hướng Bắc với mục đích trùng hưng chùa Từ Ân của Ngài bị thất bại. Trong quyển "Tự Thuật Tiểu Sử", Ngài kể rõ rằng nếu không vì mục đích trùng tu lại chùa Báo Ân, Ngài sẽ không đến kinh đô để chúc mừng Lý thái hậu. Nếu Ngài không đến thăm viếng Bắc Kinh trong ba năm liền thì chắc Ngài sẽ không bị dính líu vào những chuyện rắc rối xảy ra sau này.

Tôi nghe thị giả của Ngài thuật lại như sau:

Lý thái hậu thỉnh Ngài đến chùa Từ Thọ giảng giới luật và cúng dường rất trọng hậu. Chùa Từ Thọ cũng được gọi là chùa Ðâu Suất Sơn. Phòng Phương Trượng được trang hoàng với những vải lụa sặc sở. Vật cúng dường chư Phật gồm có những món ăn, trái cây hiếm có và kỳ lạ, được mang từ khắp nơi đến. Y phục, thức ăn, pháp khí và những vật cần dùng của ngài Phương Trượng được cung cấp bởi quan bộ lễ. Những đồ vật này được mang vác trên đường phố dài như dòng suối nguồn trôi chảy. Người xem đứng chật cả đường phố giống như tường vách. Thực vậy, những phẩm vật được Lý thái hậu và các quan cúng dường nhiều quá đến nổi không thể tính đếm được. Tất cả trẻ em vào chùa lễ Phật đều được tặng quà. Tiền bạc và thức ăn được cúng dường từ quốc khố của triều đình không được chấp nhận. Các thùng và giỏ trong chùa đều đựng đầy cả đồng vàng cúng dường. Kho chứa của chùa luôn luôn đầy ắp cả y phục và lúa gạo. Mỗi ngày, vài ngàn người đến dùng những thức ăn thịnh soạn được nấu trong chùa. Mồng tám tháng chạp, Lý thái hậu cúng dường cho Ngài một chiếc mũ Phật Tỳ Lô Giá Na, một bộ y ca sa bằng gấm màu tím, một đôi giày Bảo Chí, cùng vải lụa che thân. (Những tặng phẩm này thường được cúng dường cho các vị cao Tăng. Chiếc mũ được gọi là mũ của Phật Tỳ Lô Giá Na, tức pháp thân của chư Phật. Ðôi giày Bảo Chí là do lấy tên của ngài Bảo Chí, một vị thánh tăng đã từng giúp vua Lương Võ Ðế soạn ra bộ kinh lễ sám Thủy Lục. Y gấm ca sa màu tím cũng được cúng dường cho ngài Liên Trì.)

Song, Ngài đều từ chối, không nhận những phẩm vật cúng dường này. Sau ba lần cầu thỉnh, cuối cùng Ngài bị bắt buộc phải nhận, nhưng không bao giờ mặc những đồ đó.

Lúc ấy, thiền sư Ðạt Quán đang trú tại thạch đá để khắc kinh. Ngày nọ, mở cửa thạch thất ra, thiền sư tìm thấy bên dưới tượng Phật có một hộp chứa Xá Lợi Phật. Lý thái hậu nghe việc này nên sai quan nội sử đem phẩm vật đến cúng dường Xá Lợi Phật và một bộ y ca sa màu tím cho thiền sư Ðạt Quán. Sau ba ngày cúng dường, Xá Lợi Phật được thỉnh vào thờ trong thạch thất. Thiền sư Ðạt Quán không nhận phẩm vật cúng dường (y ca sa bằng gấm, màu tím), nhưng đề nghị y ca sa này phải nên cúng dường cho ngài Hám Sơn. Ngày cúng dường y ca sa gấm tím, Lý thái hậu thỉnh Ngài vào hoàng cung để được ban cho pháp danh. Biết được rằng việc này không phải do ý của hoàng đế, nên Ngài từ chối lời mời và viện lý do là giới luật cấm tăng sĩ không được vào hoàng cung.

Sau này, quan nội sử được lịnh mang hình của Ngài vào hoàng cung cùng với pháp danh của Lý thái hậu. Lý thái hậu ra lịnh rằng hình của Ngài phải được treo trong hoàng cung. Xa hơn nữa, bà còn bảo hoàng đế cùng bà ta cúi mình đảnh lễ hình ngài Hám Sơn để nhận pháp danh. Mặc dầu hoàng đế rất hiếu thảo, nhưng không thể dằn được sự tức giận vì việc này.

Lập thái tử là việc rắc rối nhất đối với hoàng đế, vì ông ta phải chọn lựa giữa Chu Thường Lạc, được Lý thái hậu cầu tự tại núi Ngũ Ðài, và Chu Thường Tuân, tức con của Trịnh Quý Phi được ông ta sủng ái. Vì vậy, Ngài là "tội nhân đứng đầu" trong việc cầu tự. Lúc trước, khi chưa nắm hết quyền uy (Trương Cư Chánh vẫn còn sống), hoàng đế không dám làm theo ý mình. Sau vụ cầu tự ở núi Ngũ Ðài của Lý thái hậu và bị bắt buộc phải lạy hình tượng Ngài, hoàng đế chỉ chờ cơ hội thuận tiện để bắt tội Ngài. Con dê tế thần trong buổi ban đầu là ông quan nội sử thân tín của Lý thái hậu và thường qua lại với Ngài. Duyên cớ là ông quan nội sử được Lý thái hậu phái đem Ðại Tạng Kinh đến bốn núi danh tiếng như Lao Sơn, Phổ Ðà, Nga Mi, Lô Nha rất ham tiền. Thế nên, công việc chuyên chở vận tải Ðại Tạng Kinh rất tốn kém. Mâu thuẩn giữa Lý thái hậu và hoàng đế ngày càng trầm trọng. Những ông đại quan quyền quý nịnh bợ tìm kiếm cơ hội tâng bốc hoàng đế để được thăng chức.

Năm 1595, khi từ Bắc Kinh trở về vùng duyên hải (Ðông Hải), Ngài liền bị tai nạn dồn dập. Nguyên nhân chính là hoàng đế rất ghét và ưu phiền những quan nội sử thường làm Phật sự tại hoàng cung. Ðầu tiên, do lầm lỗi của quan nội sử mang Ðại Tạng Kinh đến cho Ngài, khiến cho Lý thái hậu phải bị hàm oan đơn độc tại triều đình. Các đại quan tả hữu đều lo ngại. Trong triều đình, vì ghen ghét quan nội sử lo về việc chuyển vận Ðại Tạng Kinh, nên nhà vua ra lịnh xử chém quan nội sử như để làm dê tế thần. Cảnh Nghĩa Lan vốn là một kẻ vô loại tại Sơn Ðông. Năm xưa, hắn ta có tham dự vào những việc tranh chấp chùa chiền đất đai tại Lao Sơn. Sau này, hắn đến chùa Hải Ấn, tự vỗ ngực xưng tên và bảo rằng có đầy đủ bằng cứ để chứng minh là chùa Hải Ấn thuộc về quyền sở hữu của các đạo sĩ. Vì có sự che chở của quan phủ trong vùng, nên Ngài không thèm để ý đến tên đạo sĩ vô loại kia. Thấy yếu thế, hắn định rút lui nhưng lại cầu xin Ngài là hãy đút lót tiền thì hắn sẽ hủy bỏ chứng cú. Biết hắn là loại người nào, nên không những không đưa tiền cho mà Ngài còn trách mắng, khiến hắn phải xuống núi. Hắn nhục nhã, không biết cách gì để báo thù, nên tìm gặp và thuật lại chuyện đó cho những ông đại quan nịnh bợ. (Triều Minh là triều đại của quan lại tham ô hoành hành, còn quan quân thanh liêm thì rất ít.)

Những ông đại quan nịnh bợ kia nắm lấy cơ hội này, bèn đem hắn vào mật thất ở kinh đô để chỉ dẫn cách thức vu oan Ngài. Ngày thứ hai, họ sai đông vệ sĩ giả dạng đạo sĩ cùng đi với Cảnh Nghĩa Lan vào triều nội đánh trống trước cửa hoàng cung để dâng sớ biểu nghị. Ðọc qua bài sớ vu khống đó, và vì đã hận ngầm Ngài, nên thừa dịp này vua Thần Tông sai người bắt Ngài lên kinh đô phán xét. Trong triều nội, những đại quan có cảm tình với Ngài, thấy hoàng đế 'nổi giận lôi đình' nên không dám hở miệng để bào chữa cho Ngài.

Nghe tin hoàng đế muốn bắt mình vào kinh đô để phán xử, Ngài điềm nhiên chuẩn bị tư tưởng, và vân tập các tín chúng đệ tử, bảo:" Phật vì muôn loài, không xả bỏ chúng sanh trong ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Ðông Hải, vùng biên địa nghèo hèn kém phước, xưa kia chưa từng nghe đến danh hiệu Tam Bảo. Tôi đã đến đây giáo hóa hơn mười hai năm. Nay, ngay cả đứa bé ba tuổi cũng biết niệm Phật. Biết bao người bỏ tà quy chánh. Lời nguyện của tôi đã hoàn mãn, nên chẳng chút sợ chết. Duy chỉ còn một việc đau buồn là dự định trùng tu lại chùa Báo Ân chưa hoàn thành."

Khi Ngài rời chùa Hải Ấn đến thành Tức Mặc, các sĩ phu, dân chúng, già trẻ đều rơi lệ tiễn đưa; điều này chứng minh rằng Ngài đã chiếm được lòng dân chúng.

Ngài bị bắt vào kinh đô để làm con mồi cho sự tranh chấp quyền thế giữa thái hậu và hoàng đế. Bao năm, bộ mặt giả dạng nhân nghĩa hiếu để của hoàng đế nay đã lộ rõ.

Ðến Bắc Kinh, hoàng đế ra lịnh cho Ngài ra chất vấn trước phán quan. Tại nơi tòa, Ngài bị đánh đập. Phán quan nhận được lịnh hoàng đế, gán cho Ngài tất cả tội lỗi. Ông ta chất vấn Ngài về việc Lý thái hậu cúng dường khoảng vài trăm ngàn đồng vàng cho các tự viện nổi tiếng trong toàn quốc. Tuy bị tra tấn cực hình, nhưng Ngài vẫn cố nhẫn chịu, không thể nói rõ hết vì sợ liên lụy đến thái hậu. Những hình phạt vào đời Minh rất tàn bạo và thường khủng bố tội nhân. Trong vụ này, đích thân hoàng đế ra lệnh phán quan tra khảo đánh đập Ngài dã man. Sau này trên đường bị giải vào nam, trong tập thơ "tụng kinh Viên Giác" Ngài viết:

"Cửa sắt khóa chặt khó mà mở

Xiềng xích trùng trùng thật khổ thay

Rên rỉ thương thay khách đêm dài

Chẳng biết nhân nào đưa vào đây.

(Chúng sanh tướng).

Gậy đánh máu tuôn rất vô tình

Xúc trước thuận dạy đoạn sống chết

Chạm đến đau buốt thấu mũi

Mới biết vương pháp thật phân minh."

(Thọ giả tướng)

Trước phán quan, Ngài nói: "Tôi hối tiếc là làm tăng sĩ, không thể báo đáp ân trọng quốc gia. Nay nếu chết cũng vẫn an lòng, nhưng tiếc thay sẽ làm tổn thương đến lòng đại hiếu của hoàng đế. (Nếu như Ngài từ chối hết tất cả những tội bị gán ghép thì Ngài gián tiếp bảo rằng hoàng đế hoàn toàn sai lầm vì không chuẩn y lịnh xây cất chùa chiền, tức chẳng làm tròn chữ hiếu đối với Lý thái hậu. Việc này rất cấm kỵ đối với các vua Tàu.)

Ngay cả nếu tôi dùng ý của mình mà bóp méo sự việc để phù hợp với lời khai hầu mong lợi ích cho mình, và nếu tôi nghe theo lịnh của hoàng đế để gia hại nền đạo đức luân lý, thì thật không hợp với tâm của người quân tử. Xa hơn nữa, lịch sử sẽ viết gì về việc này ? (Mọi vua Tàu đều muốn để lại tiếng thơm. Họ rất sợ các sử gia thanh liêm chính trực.)"

Ngài dùng hết sức bình sinh để trả lời mọi chất vấn. Ngài chấp nhận là có thọ nhận tiền cúng dường khoảng trên bảy trăm đồng vàng. Còn số tiền ba ngàn đồng vàng mà Lý thái hậu đã cúng dường cho núi Lao Sơn, Ngài yêu cầu hoàng đế nên thẩm tra lại số tiền được ghi lại trong sổ biên nhận của triều đình. Khi kiểm tra lại biên nhận thì chỉ thấy số tiền này được dùng vào việc cứu trợ nạn nhân nghèo đói. Do đó, sụ tố cáo được chứng minh là vô căn cứ. Hoàng đế đã thấy rõ sự tình. Từ đó, tình mẹ con giữa Lý thái hậu và hoàng đế được hàn gắn.

Tuy nhiên, vì thọ nhận từ ân của Lý thái hậu, Ngài bị xử phạt tội xây chùa Quán Âm tại Lao Sơn trái phép. Thế nên, Ngài bị bắt hoàn tục và lưu đày đến Lôi Châu.

* Lời bàn của Trầm Ðức Phù *:

Trường Bổn là một trong những quan nội sử thân tín của Lý thái hậu. Ông gởi rất nhiều bản Ðại Tạng Kinh đến Lao Sơn, thay vì gởi đến những nơi khác. Việc này khiến cho rất nhiều người ganh ghét. Một đạo sĩ, tên Cảnh Nghĩa Lan, giả dối tuyên bố chùa Hải Ấn nằm trong vùng của các đạo sĩ. Ý chính của hắn là muốn kiếm chút tiền từ ngài Hám Sơn. Tuy nhiên, không những Ngài không chịu đút lót mà còn trách mắng hắn. Do đó, Cảnh Nghĩa Lan giả dạng làm học trò đạo sĩ, dâng sớ thỉnh nghị đến hoàng đế. Có thể Cảnh Nghĩa Lan là viên chức của bộ hình sự miền Ðông Hải, được lịnh của các quan nội sử quyền thế trong triều giả danh là đạo sĩ, lên kinh đô đánh trống Ðăng Văn (Khi đánh trống lên, tức thỉnh cầu hoàng đế xét những nỗi oan ức). Các đạo sĩ dùng kế thuật tạo những tin đồn thất thiệt để chiếm đoạt lại núi Lao Sơn. Ðây cũng nói lên sự căng thẳng giữa đạo sĩ và tăng sĩ sau việc lập đàn tràng cầu thái tử tại núi Ngũ Ðài và Võ Ðang.

Sau này quan nội sử Trương Bổn bị xử chém vì làm sai lịnh triều đình, mặc dầu ông ta nghe theo lịnh của Lý thái hậu.

Rõ ràng, việc ngài Hám Sơn bị bắt là vì sự quan hệ mật thiết với Lý thái hậu. Ðây là sự tranh giành quyền thế giữa Lý thái hậu và hoàng đế. Sự chọn lựa đông cung thái tử là trọng tâm chính của sự tranh chấp, bắt đầu tại núi Ngũ Ðài vào năm 1581, khi bà thái hậu thỉnh cầu chư tăng lập đàn cầu Thái Tử.

Lúc ngài Hám Sơn bị bắt vào năm 1595, con trai của Vương cung phi là Chu Thường Lạc (1582-1620) được mười bốn tuổi. Trịnh quý phi, người được hoàng đế sủng ái, sanh một hoàng nhi tên là Chu Thường Tuân vào năm 1586. Ngài Hám Sơn bị bắt vào lúc sự tranh chấp ngôi vị thái tử giữa hoàng đế và Lý thái hậu đang căng thẳng. Lý thái hậu thì muốn lập ngôi thái tử cho Chu Thường Lạc. Ngược lại, hoàng đế lại muốn chọn Chu Thường Tuân làm thái tử. Ða số quan lại triều đình trong nội cung và ngoại cung đều ủng hộ ý muốn của hoàng đế. Chỉ có số ít quan lại ủng hộ Lý thái hậu như thừa tướng Trương Vị. Nhóm thứ ba đề nghị rằng không nên lập ngay đông cung thái tử liền, mà hãy lập vương vị cho Chu Thường Lạc, Chu Thường Tuấn, Chu Thường Hạo. Thật tế, vì không đủ sự ủng hộ của tất cả quan triều trong việc lập Chu Thường Tuấn làm thái tử, nên vào năm 1593 hoàng đế ban sắc lịnh là ba vị hoàng tử Chu Thường Lạc, Chu Thường Tuấn, và Chu Thường Hạo đều được nhậm chức thái tử. Ðây là cách trì hoãn việc giao ngôi vị thái tử chính thức cho Chu Thường Lạc. Song, sau này sắc lịnh trên được hủy bỏ vì sự chống đối của một số quan triều. Năm 1594, nhân nhượng áp lực của quần thần, hoàng đế cho phép Chu Thường Lạc được học hành đàng hoàng, nhưng từ chối không ban cho ngôi vị thái tử. Năm 1595, một quan triều kiến nghị lên hoàng đế là pháp hội cầu thái tử tại núi Ngũ Ðài và chùa Tu Thọ là hành động xâm phạm quyền lợi quốc gia, do một tăng sĩ (tức ngài Hám Sơn), tổ chức. Thật ra, ngài Hám Sơn chỉ là con dê tế thần cho Lý thái hậu. Vì lý do hiếu thuận, nên hoàng đế không thể đối đầu trực diện với Lý thái hậu.

Song, tại tòa án ngài Hám Sơn không bị tố cáo là xen vào chuyện lập thái tử, nhưng lại bị tra tấn và ép buộc phải chấp nhận là Lý thái hậu đã cúng dường hàng trăm ngàn đồng vàng cho các tự viện nổi tiếng trong toàn quốc. Tuy vậy, ngài Hám Sơn không chịu nhận vì nếu làm thế sẽ làm tổn thương đến "lòng hiếu thảo cao siêu" của hoàng đế. Thực sự, đây là tòa án kết tội Ngài và Lý thái hậu. Cuối cùng Ngài bảo là có nhận khoảng bảy trăm đồng, còn ba ngàn lạng vàng thuở xưa do Lý thái hậu cúng dường đều dùng hết vào việc cứu trợ dân chúng tỉnh Sơn Ðông bị chết đói vì thiên tai hoạn nạn. Việc đó có thể tra xét trong sổ bộ của quốc khố. Sau khi thẩm tra sổ bộ, hoàng đế không còn cách nào để bắt tội, nên phán xử Ngài được vô tội. Tuy nhiên, hoàng đế không thể tha bổng Ngài được vì sẽ bị mất mặt với triều thần, nên lợi dụng việc tranh chấp đất đai chùa chiền giữa Phật giáo và Ðạo giáo tại Lao Sơn, hoàng đế phán rằng Ngài bị phạm tội 'tự ý xây chùa' Hải Ấn, (do sự bảo trợ của Lý thái hậu, chứ không phải hoàng đế). Kết quả chùa Hải Ấn bị phá hủy. Ngài bị bắt phải hoàn tục và đày đến vùng biên cương, tức Quảng Ðông, như tù nhân chính trị."

Trang Đầu    Trang Trước    Trang Kế    Trang Cuối